Your Adsense Link 728 X 15

P01: Lời giới thiệu - Hành trình đến cùng trời cuối đất

Posted by Kenny Phạm 11/7/10 0 nhận xét
Tôi biết Trần Thế Dũng từ lâu bởi anh là người có tên tuổi và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch. Nhưng đến khi cầm tập bản thảo Hành trình đến cùng trời cuối đất của anh tôi mới ngỡ ngàng như nhìn thấy một Trần Thế Dũng mới, Trần Thế Dũng - nhà báo - nhà văn.
Tập bản thảo là tập hợp các bài viết về các chuyến đi khảo sát, thám hiểm, các ghi chép và tâm sự của anh về nghề nghiệp, về đất nước và con người Việt Nam. Tôi đã đọc một mạch bản thảo, không thể dứt ra được vì bị lôi cuốn bởi những khát vọng khám phá cháy bỏng và những vùng đất và con người mới, bởi tình yêu tha thiết với ngành du lịch, với nghề hướng dẫn của anh.
Là người phụ trách công tác lữ hành và hướng dẫn du lịch, tôi cũng đã đặt chân đến tất cả các tỉnh của cả nước, đã cùng các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đi khảo sát hàng trăm điểm du lịch trong và ngoài nước; nhưng khi đọc Hành trình đến cùng trời cuối đất tôi mới ngộ ra là còn nhiều vùng đất mình chưa đặt chân tới, còn nhiều cái hay, cái đẹp của nhiều dân tộc anh em mà mình chưa được chiêm ngưỡng và thưởng thức, và có lẽ cả những cảm xúc về những thiên nhiên bao la, hùng vĩ của đất nước còn chưa đủ độ sâu để tuôn trào trên ngòi bút như Trần Thế Dũng.
Tôi thật sự xúc động và cảm phục khi đọc đoạn leo núi Phanxipăng trong cơn giông bão của anh, hay một đêm thức trắng để cảm thông với nỗi đau và hạnh phúc của bà mẹ rùa khi sinh ra tới 102 quả trứng. Làm nghề lữ hành là phải đi, phải khám phá để xây dựng các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn cho du khách. Nhưng đi nhiều như Dũng, khảo sát kỹ như Dũng và hòa mình với thiên nhiên và con người như Dũng thì chắc chắn không nhiều. Đọc tác phẩm của anh, tôi không chỉ trân trọng thành quả lao động của anh mà còn nhận thấy anh đã vươn tới đỉnh cao của sự đam mê nghề nghiệp, đạt tới độ hài hòa của kiến thức và kinh nghiệm hành nghề.
Với một giọng văn bình dị, chân thực, Trần Thế Dũng đã lôi cuốn người đọc đi tới cùng trời cuối đất với anh, nghe anh kể chuyện, tâm sự về ngành du lịch, về nghề lữ hành và hướng dẫn. Đọc sách của anh, chắc chắn mọi người sẽ hiểu hơn, sẽ cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với những người hoạt động trong ngành du lịch. Mong sao trong ngành du lịch có nhiều người tâm huyết như anh, không chỉ giỏi trong nghề nghiệp mà còn có khả năng truyền cảm cho người khác bằng các bài viết, cuốn sách về du lịch.
Tôi tin tưởng rằng cuốn sách Hành trình đến cùng trời cuối đất của Trần Thế Dũng sẽ không chỉ thu hút anh em trong ngành du lịch mà còn hấp dẫn những ai say mê khám phá và yêu du lịch.
VŨ THẾ BÌNH
(Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch)
=======================================================
Đến cầu sông KWAI

 Năm 12 tuổi, tôi thường la cà các rạp chiếu bóng thường trực ở Sài Gòn, chọn xem những phim chiến tranh, đấm đá để thỏa mãn tính hiếu động của trẻ con hơn là chú ý đến nội dung, chủ đề của phim.
Trường hợp phim Cầu sông Kwai có phần ngoại lệ, vì khi rời khỏi rạp trong lòng đứa trẻ là tôi nặng trĩu nỗi buồn khi nhớ đến viên chỉ huy tù binh đã xả thân nhằm ngăn chận cảm tử quân đánh mìn phá hủy công trình cầu sông Kwai, kết quả lao động gian khổ của hàng chục nghìn tù binh Đồng minh đang chịu sự giam cầm của quân phát xít Nhật.
Cái ấn  tượng đó đã đọng lại trong ký ức của chúng tôi suốt 40  năm, để ngày hôm nay khi có cơ hội thì cuộc hành trình đến với chiếc cầu huyền thoại đó đã được thực hiện.
Thực ra, chuyến đi nằm ngoài dự kiến, bởi tôi hoàn toàn không ngờ cầu sông Kwai nằm rất gần  thủ đô Bangkok của Thái Lan, giao thông đường bộ lại khá thuận lợi. Và điều kỳ diệu ấy đã xảy ra  khi tôi ngẫu nhiên mua được một cuốn guide book tại phố du lịch balô  Khao Sang.  
 Khởi hành từ bến xe miền nam Bangkok, xe vượt qua chặng đường dài 128 km đến tỉnh Kanchanaburi, sau đó tôi tiếp tục đi honda ôm vào cầu sông Kwai cách trung tâm tỉnh 3km. Thay cho hình ảnh cánh rừng già hoang dã như đã thấy trong phim, bây giờ ở khu vực chiếc cầu nổi tiếng là các văn phòng du lịch, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đá quí ồn ào. Tuy nhiên nỗi thất vọng ấy chỉ thoáng qua: ngay sau đó, đập vào mắt tôi là hai chiếc đầu xe lửa thời Thế chiến II được trưng bày ngoài trời tại khu vực trung tâm; và kia rồi - chiếc cầu bằng sắt đen mốc, lồ lộ dưới ánh nắng gay gắt. Ngoài ra, người ta còn xếp đặt thêm ở đầu cầu hai trái bom rỗng ruột, cắm đầu xuống đất như muốn nhắc lại di tích này từng bị bom đạn hủy diệt. 
Cầu sông Kwai hay còn được gọi là “cầu đường ray tử thần”, hoàn toàn bình thường như những chiếc cầu cổ kính khác, cũng kết cấu nhịp vòng cung, cũng hành lang bảo vệ nằm trên những ụ ximăng kiên cố. Giữa cầu, hai đường ray xe lửa chạy suốt chiều dài nối liền hai bờ đông - tây sông Khwae (cách viết khác của Kwai), một nhánh của sông lớn Maeklong. Khác với nét bình yên, lãng mạn cố hữu của dòng sông, chiếc cầu lại có số phận đáng kinh ngạc đối với người quan tâm đến lịch sử chiến tranh.
Đầu tiên, tháng 5 -1943, quân đội xâm lược Nhật trong lúc chiếm đóng Thái Lan đã hoàn thành chiếc cầu bằng gỗ để vận chuyển khí tài qua sông Khwae. Cầu chưa được sử dụng bao lâu đã bị đánh mìn sụp đổ. Sau đó một chiếc cầu thứ hai được gấp rút thi công, lần này chất liệu chính là sắt thép mang từ Java sang, biện pháp bảo vệ cẩn mật cũng được tăng cường. Mặc dù kế hoạch bảo vệ rất nghiêm ngặt, cuối cùng cầu vẫn bị máy bay Đồng minh đánh bom vào năm 1945 sau 20 tháng đưa vào hoạt động. Năm đó, chiếc cầu thứ ba được xây dựng và duy trì cho đến ngày nay.
Chiến lược xâm lăng Myanmar và một số nước châu Á của quân Nhật một phần được thể hiện qua hệ thống đường xe lửa dài 415 km nối Thái Lan với Myanmar, trong đó có đến 2/3 tuyến đường này xuyên qua đất Thái Lan. Tuy cầu sông Kwai chỉ là một phần nhỏ nhưng lại là mắt xích cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của chiến lược này. Theo dự tính ban đầu, để hoàn thành cầu phải mất 5 năm. Để thực hiện tham vọng bành trướng, quân Nhật đã sử dụng tù binh chiến tranh và lao động bản địa tiến hành xây dựng tuyến đường sắt trong 16 tháng, bắt đầu từ ngày 16-9-1942. Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt cộng với địa thế khó khăn, lúc luồn sâu vào lòng núi, lúc phải vượt qua sườn núi tử thần đã khiến bao người phải phơi xương nơi núi non heo hút. Chưa có một tư liệu nào công bố chính xác số tù binh đã chết vì công trình này, dù vậy người ta cũng ước tính có đến 90.000 - 100.000 tù binh lao công đã chết trong các trại tập trung ở Thái Lan và các nước Myanmar, Malaysia, Indonesia.
Nói đến cái chết không thể không nhắc đến nghĩa trang Đồng minh, nơi an táng những tù binh đã chết trong khi bị phát xít Nhật giam cầm hồi Thế chiến II. Có hai nghĩa trang còn tồn tại đến ngày nay, một ở phía bắc của cầu và một ở phía tây hạ nguồn dòng sông Khwae. Cả hai nghĩa trang đều được chăm sóc cẩn thận, với những thảm cỏ xanh và vườn hoa tươi tốt quanh những ngôi mộ mà bia ghi rõ tên tuổi, huy chương của những người lính Hà Lan, Anh, Pháp, Úc…
Hàng năm, vào tuần đầu tiên tháng 12, tất cả còi tàu lửa hợp cùng với các âm thanh bom rơi, đạn nổ được phát lên và những ánh đèn đêm, những ngọn lửa lớn được đốt lên để tưởng nhớ những người lính quân đội Đồng minh đã hi sinh trong cuộc tấn công vào đường ray tử thần năm 1945. Trong khung cảnh hoành tráng của ánh sáng và âm thanh ấy, có cả những tiếng khóc nức nở của các ông già, bà lão từng là chứng nhân lịch sử của cây cầu.
Hơn 60 năm trôi qua, toàn bộ di tích chiến tranh xưa kia nay chỉ còn sót lại một phần nhỏ gồm nhà ga, hai đầu xe lửa, chiếc cầu sông Kwai và đoạn đường ray dài 37km đến Nam Tok, nhưng nó vẫn đủ sức lôi cuốn những dòng người đến từ mọi nơi để chiêm ngưỡng, mặc niệm. Các dịch vụ xe lửa, canô trên sông đủ sức tạo ra giây phút lãng mạn cho ai đó muốn tận hưởng hết vẻ đẹp của dòng sông Kwai Yai hoặc trải nghiệm cảm giác trở về quá khứ khi đi trên những đoạn đường ray cheo leo rẻo núi. Cầu sông Kwai vẫn là chứng tích của một cuộc chiến tranh phi nghĩa suýt đưa nhân loại đến con đường hủy diệt.

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive