Your Adsense Link 728 X 15

P02: Chuyện khó xử - Chân tu

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Chị làm biên tập viên cho một hãng phim. Công việc chính của chị là đọc và nhận xét kịch bản ở khắp nơi gửi tới rồi góp ý cho lãnh đạo xem cái nào dựng được, cái nào không. Xưa nay, phàm cứ được ngồi vào một cửa ải, được “phán xét” quyền lợi cho người khác là được “ăn”.
Cái tiếng nhiễu nhương của “bọn” biên tập xem ra cũng không thua tin đồn “chủ nhiệm phim nào mà không ăn?”. Có lẽ bởi vậy mà hôm rồi chị nhận được lá thư của một tác giả trẻ, lời lẽ dễ thương khiêm nhường.
Anh hỏi xem kịch bản mới gửi có dựng được không, và đặt vấn đề thẳng thắn với chị xem chị có thể giúp anh - hợp tác lâu dài - chỉnh lại các kịch bản, giao dịch với các hãng phim, nôm na là tiếp thị các kịch bản của mình vì chị quen biết nhiều.
Bù lại, chị sẽ được... ký tên chung với anh, nghĩa là được chia phần danh nghĩa và 50% nhuận bút. Rủi cho tác giả nọ, chị thuộc loại người “cõi khác”. Nổi giận đùng đùng vì cảm giác bị hiểu lầm, bị xem thường, thấy tiếc cho một người viết trẻ “có ý” mà chị có cảm tình, đang định giúp đỡ lại có cách xử sự “chợ búa” đến thế, suýt nữa chị đã nhất định không gặp lại anh.
Tuy nhiên, đây là một câu chuyện có hậu vì tác giả đã lặn lội từ xa đến tìm, và biên tập viên cảm vì ý tứ của những trang viết cũng như thái độ chân thành của người viết, đã chỉ nói lên sự bực tức của mình bằng một cách nói nhẹ nhàng. Chị nghĩ âu cũng do một thứ lệ chung, bất thành văn nhưng ghê gớm quá làm người ta thấy ít nhất là phải sòng phẳng thế khi giao dịch, làm ăn. Còn tác giả nọ chắc hẳn được một phen ngại ngùng pha lẫn ngạc nhiên cực độ.
Chuyện vừa xảy ra thì tiếp ngay chuyện khác. Mà lần này “nhân vật chính” lại là chị! Số là chị đang chờ một nhân viên ngân hàng đến xem hiện trạng nhà để làm thủ tục hóa giá và lại được hẹn sẽ đến vào buổi chiều, ngoài giờ.
Có phải làm “nghĩa vụ” gì không nhỉ? Nhất là người sẽ đến có quen với một người quen của chị. Đến lượt “nhà” biên tập lúng túng phải làm sao để mình không trở thành... anh tác giả nọ, bị mát mẻ cho một trận vì cái tội “đút lót” trắng trợn, đồng thời cũng không bị áy náy vì cái tội “không biết luật chơi”? Một bài toán không lời đáp!
Ngày nay, chắc chẳng còn ai ngây ngô đến mức không biết rằng từ việc nhỏ như xin cô y công đổi tấm drap giường sạch hơn cho người thân trong bệnh viện, mong cô bảo mẫu ở nhà trẻ “để ý” nhiều hơn đến con mình, đến việc xin quota nhập xuất cho những chuyến hàng trị giá hàng tỉ, người ta đều phải tuân theo một thứ lệ bất biến.
Đương nhiên, không phải ở cửa nào người ta cũng “ăn”, nhưng điều đáng nói là mức phổ biến của “cái sự ăn” khiến người người nhìn nhau dè chừng, nghi ngại. Cứ nhất nhất theo lệ thì có khi thành cố tình xúc phạm một tấm lòng thành, còn cứ tưởng được giúp “vô tư” mà quên hậu tạ có khi hậu quả lại tệ hại khó lường. Có là thầy giáo về khoa ứng xử gặp mấy trường hợp này chắc cũng phải... vò đầu bứt tai! 
HOÀI HƯƠNG
==========================
Chùa Kỳ Quang (154/4A Lê Hoàng Phái, Gò Vấp, TP.HCM) lúc này chỉ còn lại chiếc cổng tam quan. Ngôi chùa cũ nát đã phải hạ xuống từ tháng tư để làm mới lại. Nhưng đã hơn nửa năm rồi, nền đất nhỏ để dựng lại ngôi chùa nhỏ vẫn ngổn ngang gạch ngói, sắt thép.
Hàng trăm bức tượng lớn nhỏ vẫn... tạm trú trong căn phòng chật chội và bề bộn vật dụng của cả một ngôi chùa đã có từ 50 năm nay. Chưa có được cơ ngơi khang trang để thờ cúng thì các nhà sư thanh thản khấn Phật ở trong lòng. "Chùa đáng ra phải dựng xong rồi nhưng cái gì cần trước thì phải làm trước" - đại đức Thích Quang Hạnh bảo vậy - hướng mắt về đám trẻ nhỏ vừa tan học về đang thơ thẩn trước sân chùa.
115 trẻ nhỏ như thế đang sống ở chùa Kỳ Quang. Danh nghĩa là cơ sở từ thiện nuôi dạy thanh thiếu niên khiếm thị nhưng đã không chỉ có trẻ khiếm thị sống ở đây; trẻ bại liệt, bại não, câm điếc, trẻ sơ sinh, trẻ lành lặn bình thường bị cha mẹ bỏ rơi cũng tụ cả về nương náu cửa Phật.
Có bà ngoại tuổi 80, sau cơn lũ miền Trung ác nghiệt đã lên tàu vào Nam, đau đớn gửi lại chùa đứa cháu tám tháng tuổi vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có cả ba anh em, cha mẹ ly tán, không người nuôi dưỡng, lại tìm thấy chỗ sum họp với nhau ở nơi này. Như thể "tiếng lành đồn xa", con số trẻ bị vứt bỏ cũng tăng lên từng tháng trước cửa chùa. Mới nhất là hai trẻ song sinh trai mỏng mảnh, non dại, quẫy đạp trong cái khăn bọc ẩm ướt, cũng vừa được gửi gắm cho các thầy theo đúng cách như thế trong một buổi chiều buồn bã...
Chùa nghèo, cơ sở vật chất cũng nghèo, với tấm lòng của bà con phật tử gần xa thì dự định ban đầu năm 1995, các thầy cũng chỉ nghĩ sức mình nuôi được khoảng 40 trẻ khiếm thị. Nhưng bây giờ thì biết làm sao! Đủ loại khuyết tật, đủ loại lứa tuổi cũng là đủ loại nhu cầu ăn ở học hành, mối lo của các thầy, giờ có khác gì mối lo của những người mẹ đang nuôi cả đàn con mọn nheo nhóc.
"Đáng ra chùa phải dựng trước", các sư thầy hơn ai hết hiểu chữ "đáng ra" ấy, nhưng rồi lại chính các thầy dốc lòng, dồn sức người sức của vốn đã hạn hẹp của chùa để lo trước bữa cơm cho hơn trăm miệng ăn, để lo làm thêm nhà cho hơn trăm cuộc đời bất hạnh. Còn ngôi chùa, kế hoạch sẽ là ba năm, đành phải từ từ từng bước dựng lại. Lòng Phật từ bi, cốt ở tấm lòng chứ cốt đâu ở lời tụng ca, nơi thờ phụng! Người đời tin thế khi nghĩ đến các bậc chân tu.
Nhưng mối lo của người thoát tục cũng đâu có vì thế mà dứt đi được. Nuôi dưỡng một con người đâu chỉ là nuôi phần xác, nên chuyện học của cả trăm con người lại càng là nỗi lo trăm bề. Chùa nghèo, các thầy chỉ đủ sức mở được tại chùa năm lớp, từ lớp 1-5 mời các thầy cô giáo về dạy. Các em lớn hơn được gửi đi học ở bên ngoài; hai em câm điếc thì gửi vào Trường Hi Vọng của quận; còn ba em tuổi mẫu giáo thì các sư thầy gửi tới lớp học của các xơ bên Công giáo...
Học ở đâu cũng là được học, nhưng nhà chùa nuôi dạy trẻ trong chùa, vậy có dạy cho trẻ giáo lý nhà Phật? Câu hỏi từng canh cánh bên lòng của người đời đã nhận được câu trả lời thật nhẹ nhõm của thầy Quang Hạnh, phó trụ trì chùa Kỳ Quang và cũng là thường trực ban điều hành cơ sở từ thiện: "Các em được dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục. Chúng tôi lấy môi trường xã hội chứ không lấy môi trường tôn giáo để dưỡng dục các em. Mình cứ sống cho thật thành tâm đi đã...".
Vị đại đức tuổi 32, tất bật và vui vẻ, bất ngờ ngoắc một bé gái chừng hai tuổi "lại đây với cha" rồi quay sang các vị khách, mặt rạng rỡ giới thiệu: "Đây là bé Mai Kiều Hạnh. Mai và Hạnh là họ và pháp danh của thầy, còn Kiều là tên của một trong chín người mẹ đang giúp chùa nuôi dạy các trẻ. Mới bảy ngày tuổi bé đã bị bỏ lại trước cửa chùa".
Bé Kiều Hạnh cứ bám chặt lấy tay "cha" không rời, còn sư thầy trẻ tuổi bất ngờ trở lại câu chuyện giáo dục đang nói dở dang: "Nói cho lắm mà các em không cảm nhận được đạo đức của mình thì cũng bằng thừa".
Và người đời, lại nghĩ đến chữ chân tu...
THÚY NGA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive