Your Adsense Link 728 X 15

P03: Cửa sau - Nếu ta cười nổi...

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Ở quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau” để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”.
Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm. Người ta có nhà, còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh.
Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văn trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái lá, trước mặt má là thúng rau cần nước, sịa ngò gai đang lặt dở. Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả. Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.
Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.
Cửa sau là nơi sinh hoạt cuối ngày của mỗi người trong gia đình. Buổi này, chim về tổ, nên với mình ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi.
Về chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau ít nhiều mang ý nghĩa khác mất rồi.
Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, “cửa sau” làm Nhà nước thất thoát hàng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). Qua “cửa sau” có người tiến thân thật cao, không qua “cửa sau”, người dù có tâm, có tài cũng đì đẹt mãi. “Cửa sau” bây giờ “giá trị” ghê.
Bây giờ người ta hay vẽ một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha?
Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy.
NGUYỄN NGỌC TƯ 
===========================
Kết thúc Con đường âm nhạc lần 5 với nhạc sĩ Phó Đức Phương, từ Sài Gòn có tin nhắn vào máy điện thoại của con tôi: “T. hỏi bố của bạn giùm, Trương Chi là thằng nào?”. Chủ nhân của tin nhắn là một chàng tuổi chỉ mới 18.
1.Giải thích “lý lịch” của anh Trương Chi phải bằng một câu chuyện dài, tôi chỉ nhắn cho người hỏi “Cháu tìm đọc ở...”. Nhiều người thuộc thế hệ trẻ hôm nay nếu không biết Trương Chi là ai, suy cho cùng cũng bởi cái “tội” to đùng của Trương Chi, đã xấu lại còn nghèo rách xơ mướp thì hát hay cũng chẳng ăn thua gì. Hay thế chứ hay nữa cũng chẳng thể thành ngôi sao ca nhạc được! Cụ Trương Chi bị “đề mốt”...
2. Lại một câu chuyện khác.
Ở một game show, thí sinh là một cô gái trẻ đẹp. Khi đoán ô chữ đoán mãi không ra, người dẫn chương trình gợi ý: "Đấy là tên cô gái ngồi sau lưng ngựa của vua cha, rải lông ngỗng làm dấu cho người yêu đi tìm nhưng cũng vô tình làm dấu vết cho giặc đuổi theo...”. Thí sinh xinh đẹp reo lên: “A! Hai Bà Trưng!...”. Mỵ Châu ôm mặt nức nở, Hai Bà Trưng cũng nức nở không kém...
3... Và một câu chuyện nữa.
Cũng ở game show. Câu hỏi “Người phụ nữ nào trong lịch sử nước ta đánh thắng giặc Ngô?” (chọn một trong bốn nhân vật được đưa tên). Thí sinh có học vị thạc sĩ nghĩ không ra phải nhờ đến quyền trợ giúp của người thân là giáo viên. Người trợ giúp trả lời “không biết”. Thí sinh thạc sĩ đành tự đoán liều là Ngọc Hân...
4. Và...
Cậu con trai đi thi ĐH, môn văn. Về nhà bố hỏi:
- Làm bài thế nào?
- Dạ được ạ!
- Đề khó không?
- Không khó ạ! Về nhà thơ Xuân Diệu, con làm cũng tạm được. Cũng tội nghiệp “bà” Xuân Diệu, tài năng vậy mà bị chết vì tai nạn ôtô với chồng con, bố nhỉ?
Ông bố thở dài, thi không ăn ớt mà cay rồi con ơi. Chàng trẻ tuổi từ Xuân Diệu “quẹo cua” qua Xuân Quỳnh chẳng ai khác chính là con trai tôi.
5. Thôi thì, đành tự an ủi theo kiểu A.Q. Học vị thạc sĩ hẳn hoi còn không thuộc sử VN cấp tiểu học, trách gì cô gái chân dài tặng cho Hai Bà Trưng chiếc áo lông ngỗng, trách gì cậu trai 17 tuổi thấy Xuân nào cũng là Xuân...
Những chuyện thật mà như bịa, nó như những mẩu chuyện tiếu lâm ai nghe xong cũng cười hể hả, vui vẻ, như bây giờ trong bàn tiệc, bữa nhậu phải có dăm ba chuyện tiếu lâm mới ra tiệc nhậu. Tôi vẫn kể, vẫn có người cười nghiêng ngả...
Nhưng có lần có một người không cười sau khi nghe chuyện. Anh chỉ bảo: “Tôi cười không nổi, các anh cười được thì quả đáng phục...”.
Trong tích tắc tôi nhận ra mình lố bịch.
ĐỖ TRUNG QUÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive