Your Adsense Link 728 X 15

P02: Gọi điện

Posted by Kenny Phạm 11/7/10 0 nhận xét
Tàu lướt nhanh trên mặt biển lặng như tờ. Hai con nước rẽ sang hai bên sóng sánh. Biển xanh ngắt. Khi tàu hành trình trên sóng yên biển lặng thì thứ bảy và chủ nhật toàn bộ thuyền viên được nghỉ. Trừ sĩ quan boong là phải đi ca. Đi ca là để canh chừng và phát hiện tàu bè khác.
Tránh lưới cá và đâm va có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên đại dương thì đặt ở chế độ lái tự động. Sĩ quan boong trực ca để theo dõi và chỉnh lại góc lái bị  lệch so với hướng chuẩn.
Bộ phận máy thì khỏe hơn. Máy móc làm việc hoàn toàn tự động. Khi một máy móc nào bất thường thì báo động. Lúc đó mới xử lý. Tuy không có người đi ca trực tiếp nhưng cũng chia người đi ca gián tiếp. Đi ca gián tiếp chỉ cần kiểm tra vài lần trong ngày, và xử lý kịp thời khi máy móc báo động. Còn sự cố thì mọi người đều ra tay. Bất cứ lúc nào nhằm đảm bảo cho con tàu hoạt động tốt. Ca gián tiếp thì luân phiên nhau theo tuần. Trực ca gián tiếp là một ngày đêm. Do vậy ai cũng có thời gian nghỉ ngơi.
Đi ca thì không được uống rượu bia. Theo qui định uống một đơn vị rượu thì phải ít nhất bốn giờ mới được đi ca. Cuối tuần đi ca gián tiếp nên sửa lại: uống 4 đơn vị rượu thì được đi ca sau… một giờ. Được nghỉ nên cứ uống thả ga. Không cấm uống. Chỉ cấm say. Mà say rượu còn dễ chịu hơn say sóng. Say rượu thì đóng cửa phòng nằm ngủ là xong chứ say sóng thì không tài nào ngủ được. Chèn mấy chiếc gối mà người vẫn còn lăn qua lăn lại. Khi đó phải dậy uống thật nhiều bia mới ngủ được. Bia có nhìêu ích lợi thế đấy. Trời nóng thì giải khát. Trời lạnh uống vào cho ấm người.
Bia còn là cái cớ để tụ họp. Trên tàu mấy khi tập họp được đông đủ. Làm việc theo ca nên nhóm này rảnh thì nhóm kia bận. Ngay cả họp hành gì cũng vậy, phải có người thế ca, không ai được phép bỏ ca trực của mình. Cuối tuần thường liên hoan là vậy. Liên hoan cho vui vẻ, cho ngày tháng ngắn bớt một chút. Trên bờ, cuối tuần còn đi đây đi đó để thay đổi không khí. Ở trên tàu cuối tuần biết đi đâu. Uống vài ken cho đỡ nhớ nhà.
Gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc. Bia thuốc trên tàu thì vô kể. Ra nước ngoài tàu được mua hàng miễn thuế. Trước lúc tàu nhận thực phẩm thì thủy thủ đặt rượu bia thuốc lá trước. Theo qui định, mỗi người chỉ được để trong phòng một cây thuốc lá, một két bia và một chai rượu. Còn bao nhiêu cứ gởi ở kho của tàu. Mua nhiều để dự trữ trên tàu chứ hàng tháng trên biển hết thì biết tìm đâu. Nhiều người nhịn đói chứ không nhịn được thuốc. Cứ đi lang thang như người mất hồn. Lang thang tìm tàn thuốc để hút. Có tàn thuốc công nhân vứt trên bô cẩu cao hàng chục mét, tàu lắc lư chứ cũng có người trèo lên mót. Trong khu vực của thủy thủ thì làm gì có tàn thuốc. Hút thuốc cũng có phòng hút để phòng cháy nổ. Hút không đúng nơi qui định là bị thuyền trưởng phạt tại chỗ 20 USD. Phạt đến tháng trừ vào lương. Hút ở phòng hút, hút xong là dọn tàn ngay. Không có thuốc thì uống bia cho quên mùi khói.
Cuối tuần ngồi uống bia tâm sự cho vui. Bia nhiều chỉ thiếu sức uống mà thôi. Món nhậu thì khỏi sợ thiếu. Chiều nào nhậu thì tổ bếp lo chuẩn bị nấu nướng từ trưa. Mỗi bữa mỗi món. Tất cả các món từ năm châu. Tàu nhận thực phẩm ở năm châu, thủy thủ được nếm của ngon vật lạ khắp năm châu bốn biển. Muốn món gì thì đặt. Nhà cung ứng thực phẩm nước ấy mang đến tận tàu. Mỗi lần nhận thực phẩm là đẩy xe đưa thực phẩm vào kho mệt nghỉ. Khi nhận thực phẩm, tất cả phải xắn tay. Thuyền trưởng và máy trưởng cũng ra đẩy xe dù là giữa trưa nắng nóng hay lúc tối mùa đông lạnh cắt da.
- Chúc mừng cuối tuần!
- Chúc mừng sóng yên biển lặng!
- Chúc mừng tàu thuận buồm xuôi gió!
- Mừng đêm nay tăng ngày!
Thôi thì đủ lý do. Cụng ly cụng lon có thiếu gì lý do! Uống để ăn ngon miệng. Uống cho máu lưu thông, tuần hoàn tốt. Chung qui lại là vui. Vui để uống. Uống để vui. Một mình có ai uống bao giờ đâu!
Chỉ mỗi lý do tăng ngày là uống mệt nghỉ rồi! Đêm nay còn ngày 27, ngày mai là ngày 1 rồi. Tháng hai này chỉ có 27 ngày! Tàu đi từ đông sang tây, khi qua kinh tuyến 180 thì cộng thêm một ngày. Mười mấy người được biếu không một ngày!Chỉ có mấy người đi ca nhằm vào ca đổi giờ thì lỗ. Họ bị lỗ 24 tiếng đồng hồ đi ca. Mỗi ca của họ là 5 tiếng. Một ca bình thường chỉ 4 tiếng nhưng khi qua mỗi múi thì tăng thêm một giờ. Đổi giờ thì đổi cố định ở ca 8-12. Nhưng nhiều lúc họ đi ca chỉ có 3 tiếng vì tàu đi từ Tây sang Đông. Nhưng dễ gì được cộng 24 giờ, có đi được vòng quanh trái đất mới được cộng như thế! Sướng quá đi chứ! Thôi cụng lon đi nào!
Khi liên hoan, tiêu chuẩn mỗi người hai lon bia. Hai lon là vừa. Trên tàu ăn uống có giờ giấc để phục vụ còn dọn dẹp. Muốn uống thêm thì lên phòng hay sang câu lạc bộ. Nhớ nhà thì uống cho đỡ nhớ. Ngà ngà thì càng nhớ hơn. Nhất là những người mới đi tàu. Gia đình ai mà không nhớ. Có người mới cưới được vài hôm đã phải đi rồi. Không chỉ nhớ gia đình mà nhớ người dưng. Trời sinh cái tính thương nhớ người dưng. Buồn cũng nhớ mà vui cũng nhớ. Thủy thủ lãng mạn. Tình cảm thủy thủ dạt dào. Giữa biển nếu bắt được sóng radio thì gọi điện về cho vơi đi nỗi nhớ.
Tàu đang ở Thái Bình Dương, thời tiết tốt nên hè nhau gọi điện. Có dịp là tranh thủ gọi. Liên lạc với gia đình đâu phải dễ. Không chỉ trên biển mà ngay cả trên bờ. Không phải đến cảng nào cũng gọi được. Có cảng có hộp điện thoại công cộng gần, chỉ cần mua cạc rồi gọi. Có cảng không có hộp điện thoại, phải đi thật xa mới có máy để gọi. Nhiều cảng phải đi taxi cả chục cây mới gọi điện được. Gọi điện nhiều thành thói quen. Gọi để giãi bày. Gọi để thỏa mãn. Giống như thấy đứa trẻ là bồng là nựng vào má gọi là thương nó chứ chưa biết đứa trẻ ấy có thích như vậy hay không.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng gọi điện được. Tàu đến những nước không cùng múi giờ với múi giờ ở nhà. Ở nhà giờ phù hợp thì thủy thủ đang đi ca. Ngoài giờ đi ca thì ở nhà vào lúc nửa đêm. Khi gọi điện cũng phải cộng tới trừ lui cho phù hợp giờ. Gọi về mà phá giấc ngủ người khác cũng không nên. Rồi đi bờ thường đi chung taxi với nhau cho tiện. Chẳng lẽ cứ gọi điện thoại hoài để người khác chờ. Nhiều khi có cạc mà không gọi được là vậy. Để rồi tàu chạy, thấy cứ như lỡ lỡ một việc gì.
Không gọi được ở bờ thì tìm cách gọi bằng sóng radio. Gọi bằng sóng radio thì thích hơn. Nhưng có những nơi có sóng nhưng không gọi được. Gọi bằng sóng radio thì thích hơn. Nhưng có những nơi có sóng nhưng không gọi được. Tàu nằm trong lãnh hải Australia thì không được gọi. Gọi sẽ bị nhiễu sóng cho các thiết bị hàng hải khác. Nhất là thông tin mà tàu phải cập nhật hàng ngày. Một số nước cấm gọi trong lãnh hải của họ vì an toàn quân sự và an ninh quốc gia. Gọi sẽ bị phạt nặng.
Thuyền trưởng Dong Jun San lại không cho gọi bằng sóng radio trên tàu vì sợ… hỏng máy. Người ít biết về máy móc thường sợ máy móc. Thuyền trưởng rất bảo thủ, luôn cho mình đúng. Trên tàu, thuyền trưởng gọi điện thoại cho ai, vừa nói xong là cúp máy, không biết người nghe đã nghe được hay chưa. Chưa bao giờ thuyền trưởng nghe ai nói một điều gì. Khi ngồi nhậu cũng có người phát hiện được: thuyền trưởng nhét chỉ vào kín hai lỗ tai nên không nghe được là phải!
Thuyền trưởng ghi lệnh cấm. Người nào vi phạm là đuổi về nước. Cấm chứ vẫn có người lén gọi. Mỗi lần gọi là có người canh. Mà canh thuyền trưởng khó lắm. Thuyền trưởng không có giờ giấc nhất định. Có nhiều khi ba bốn giờ sáng cũng chưa ngủ, năm sáu giờ sáng đã dậy. Đi đứng bất thường, đang đi thẳng bất ngờ quẹo, chẳng ai biết đường nào mà lần. Được cái là khi thuyền trưởng đi rất dễ phát hiện. Đôi dép lê quai rộng thùng thình quẹt loẹt xoẹt. Thuyền trưởng đi từ đầu hành lang ở cuối hành lang đã nghe, đi trên mấy dãy cầu thang ở câu lạc bộ xem tivi cũng đã biết rồi.
Thuyền trưởng đi dép thì dễ biết chứ đi giày vải thì chịu. Nhưng thuyền trưởng lại có yếu huyệt: thích nhậu. Chiều chiều thuyền trưởng đi lòng vòng, thấy chỗ nào có nhiều dép trước cửa phòng là gõ cửa. Gõ một cái rồi mở cửa bước vào luôn không đợi chủ nhà có đồng ý hay không. Mới đầu có thuyền trưởng, thủy thủ còn vui. Riết rồi thường. Nhậu thì không được nói chuyện công việc. Chỉ hàn huyên tâm sự. Hai nền văn hóa khác nhau nên khó mà hiểu hết. Thuyền trưởng uống vào thì nói nhiều và nói to. Ngôn ngữ trên tàu là tiếng Anh. Khi phát âm những từ âm “i” âm “s”, thuyền trưởng cứ nói đi nói lại, nước bọt bay như mưa. Khổ cho người ngồi gần.
Thuyền trưởng có một kiểu uống rất độc chiêu. Ngửa cổ lên rồi rót. Bia qua thẳng cổ rồi xuống bụng mà không qua miệng. Mùi bia không xộc qua mũi nên không biết say. Uống bia là để thưởng thức. Thuyền trưởng cứ uống ừng ực, có gạt tàn thuốc vào lon bia, uống cũng không biết gì. Có thuyền trưởng cuộc vui đâm ra mất tự nhiên. Dần dần uống ở phòng riêng thì địa điểm luôn di động và bỏ dép vào trong hết.
Liên hoan chiều nay, sóng yên biển lặng nên uống thả ga. Uống xong bên nhà ăn rồi qua câu lạc bộ uống tiếp. Có người ngồi uống cùng, thuyền trưởng rất vui. Hôm nay uống để giữ chân không cho thuyền trưởng lên buồng lái.
Thủy thủ lên buồng lái rà sóng nối máy. Những người ngoài Bắc thì gọi về Hải Phòng radio. Những người ở trong Nam thì gọi Hồ Chí Minh radio. Gọi như thế sóng vừa tốt vừa rẻ tiền hơn. Viễn thông nước mình đắt thứ ba thế giới. Thủy thủ gọi Hải Phòng radio nhiều hơn vì tổng đài Hải Phòng phục vụ tận tình và chuyên nghiệp. Khách hàng là thượng đế. Chỉ cần một người làm đài trưởng. Đài trưởng thì giá cước được giảm một nửa. Cứ gọi vô tư, khi nào về thì đóng tiền lại cho đài trưởng. Giọng nhân viên Hải Phòng radio ngọt như mía lùi. Trước khi cho số bao giờ thủy thủ cũng tìm cách buôn chuyện vài ba câu. Hồ Chí Minh radio thì không bằng. Phải đăng ký và đóng tìên với trạm trước mới được gọi. Mỗi người phải đăng ký các số máy gọi trước. Nhân viên tổng đài thường hay gắt gỏng. Câu nói cứ cụt đầu cụt đuôi.
Nhiều lúc tàu đi vào vùng biển Đông nhưng không gọi được. Nhiều lúc sóng gió nói khản cả giọng mà đầu dây bên kia chẳng nghe rõ. Mỗi lần như thế đời thủy thủ sao buồn quá. Quang năm xa nhà không chăm sóc gia đình, gọi điện nói chuyện với người thân cũng tiếng được tiếng mất. Đi ngang qua Tổ quốc mà không biết tin tức gì về đất nước mình. Mọi người chỉ ngóng tin nhau khi có tàu trong nước đi ngang qua. Đi tàu muốn biết tin tức thì phải lên bờ vào mạng. Mà đâu phải lúc nào cũng đi bờ. Đâu phải nơi nào cũng có dịch vụ Internet.
Mấy người đã lên buồng lái. Đang ca của phó ba. Phó ba Lộc nối máy giúp.
- Hải Phòng radio, tàu X gọi…
- Hải Phòng radio xin nghe, tàu anh đang ở đâu đây?
- Đang ở Ấn Độ Dương đó em!
- Anh nghe có rõ không? Anh phát ở tần số… và thu ở tần số… Tiếng cô nhân viên tổng đài nghe ngọt như đường phèn. Sóng khá tốt nên giọng cô khá rõ. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Ưu tiên cho người có chuyện quan trọng trước. Thứ đến người lớn tuổi. Bác Cút vừa lớn tuổi vửa có chuyện cần. Trên tàu đặt bác tên ấy chứ bác có tên đẹp lắm. Lên tàu ai mà chẳng có tên mới. Có người chết danh luôn.
- Em ơi, cho anh số máy 031…
- Anh ơi, “Thanh” trong “thanh xuân”, chức danh bếp trưởng phải không ạ?
- Đúng rồi!
- Anh vui lòng chờ máy một lát… Anh ơi nói đi, có người nhà bắt máy rồi đấy!
- Alô…
Bác Cút nói về cái chân. Mấy ngày nay cái chân của bác không đỡ mà còn sưng thêm lên. Tại bác không chịu xoa bóp và xức thuốc đúng phương pháp. Bác bị té cầu thang. Bác tuổi cao, đi đứng chậm chạp. Gặp hôm sóng lớn, bác bước không kịp nên bị ngã trẹo cả chân. Bác gọi về để hỏi “thầy”. Bác mê tín lắm. Đi tàu mà cũng mê tín. Thầy bà ở nhà sao biết được chuyện người đi biển. Bác ấy kể thời thanh niên bác có tin quái gì đâu. Thế mà có lần đi tàu giữa biển êm. Thình lình gặp gió lốc xoáy như sóng thần. Cột nước cao hàng chục mét. Tàu tròng trành có nguy cơ lật. Mọi người đã mặc hết áo phao vào rồi. Có người lớn tuổi nhất trong đoàn sai lấy dĩa trái cây rồi thắp nhang khấn vái. Thế mà sóng tan. Dần dần biển êm trở lại. Chẳng biết thật hư thế nào nhưng mỗi người có một lòng tin. Phải tôn trọng lòng tin của người khác. Cầu sẽ được, có kiêng có lành.
Bác Cút hỏi chuyện vợ con qua quýt rồi bảo vợ sang… xem thầy. Nửa tiếng sau sẽ gọi lại.
Gọi điện sóng radio là gọi một chiều. Chỉ có người trên tàu gọi về. Khi nói thì không nghe được. Khi nghe thì không nói được. Người nói và nghe chưa quen thì cuộc nói chuyện cứ bị ngắt quãng vì sóng dội. Nói phải nói một câu thật dài rồi nghỉ cho người đầu dây bên kia nói lại. Nói phải xa xa ống nói. Còn nghe trên tàu thì như nghe radio. Do vậy một người nói chuyện là nghe cả buồng lái. Thủy thủ thì có gì đâu mà giấu. Thư từ còn đọc chung nữa là. Gọi điện tập thể là vậy.
Trong lúc bác Cút đợi người khác kêu thì Hà gọi về chúc mừng sinh nhật bạn gái. Cả mấy tháng không nói chuyện với phụ nữ Hà cứ run lập cập, câu nọ xọ câu kia. Anh chàng cứ líu lưỡi. Bạn gái kêu bận lúc khác gọi lại chứ “Sóng kém em nó nghe mô!”. Hà giận nên không nói được câu nào. Mấy khi gọi được điện. Đến ngày sinh nhật gọi được thì bận! Làm gì mà bận? Bận sao đi chơi tít ngoài Vũng Tàu. Có tiếng sóng biển rì rào trong điện thoại cầm tay còn gì! Thôi bị cắm sừng rồi!
Mà trách sao được con gái. Chờ đợi chi người đi biển. Với con gái một ngày vắng người yêu dài đằng đẵng. Người yêu lại xa cách hàng năm trời. Không người chăm sóc, không người tâm sự. Con gái mà không trút được bầu tâm sự thì chóng già lắm! Con gái lại không thích chờ đợi. Chưa phải tình yêu đích thực mới không chờ đợi được thôi.
Hôm nay gọi mệt nghỉ. Có Vệ cầm máy bộ đàm đứng canh rồi. Có động tĩnh gì thì Vệ gọi ngay lên buồng lái cho mọi người tẩu tán. Thuyền trưởng đã có người chăm sóc kỹ. Có người bật bia cho thuyền trưởng. Đã đến lon thứ 9. Có người nghe thuyền trưởng nói chuyện. Nghe chỉ việc gật đầu. Lâu lâu đế một câu cho thuyền trưởng nói suốt. Bình thường ít có người nào kiên nhẫn nghe thuyền trưởng nói. Trừ khi bị thuyền trưởng giáo huấn và dạy ngoại ngữ. Ngoại ngữ rất cần thiết cho công việc và giao tiếp. Thuyền trưởng còn mở lớp dạy cả vi tính dù rằng vi tính ông chỉ biết lõm bõm. Gõ chữ như mổ cò. Trước lúc dạy, thuyền trưởng học cấp tốc của phó hai. Các thiết bị thông tin hàng hải thuyền trưởng còn học của phó hai nữa là! Có tinh thần là tốt rồi. Đi tàu đầu óc ai cũng phát triển chậm. Tàu lắc lư như đưa võng, đọc vài chữ đã thấy nhức mắt. Ngủ nhiều cũng chán, rảnh thì xem phim. Xem ca nhạc. Rồi bài bạc. Bài bạc cũng đâu đánh công khai. Trên tàu cấm đánh bạc.
Đến chú Cách gọi. Đầu dây bên kia là một đứa trẻ. Chú: “Alô, ai đấy? Bé lớn hay bé nhỏ đấy?”. Tiếng bé gái hờn dỗi:
- Bố không còn nhớ con à? Chưa đầy năm mà bố đã quên con rồi à? Con giận bố đấy! Con là con gái của bố đây. Mà bố này, bố đừng gọi con là bé. Nhà ta chẳng có ai là bé cả. Chị con là Thanh Hương. Chị Thanh Hương đã học đến lớp ba. Con là Thanh Hoa. Con sẽ không giận bố nữa nếu như bố mua thật nhiều quà cho con. Mua quà giống như bạn của con trên lớp ấy. Bố biết không, con đã đi học rồi đấy. Để con kể cho bố nghe nhé!
Lớp con có 26 bạn. Cô giáo con trẻ đẹp và hiền như cô tiên trong truyện cổ tích mà bố kể cho con nghe ấy! Cô không la mắng ai bao giờ. Cô rất thương con nữa đó. Cô khen tóc con đen và dài. Tóc con bây giờ đen dài chứ không vàng hoe như hồi bố đi đâu nhé! Bố nhớ mua cho con chiếc lược bố nhé! Con thích cây lược bằng sừng màu xanh, màu xanh nước biển bố nhé!
Thế bố có nhớ ngày sinh nhật của con không? Sinh nhật con không có bố. Bố có biết năm nay con bao nhiêu tuổi không? Bố không nhớ có đúng không? Con tròn 5 tuổi đấy bố nhé! Bố nhớ nhé! Sao bố không gọi điện chúc sinh nhật con? Nhưng không sao, bố mua quà về bù cho con là được rồi.
Bố có còn nhớ con mèo nhà ta không. Con mèo mà bố xin ở nhà cô Ba về lúc trước ấy. Con mèo bắt chuột giỏi lắm đấy. Nó sinh được ba con đấy bố nhé. Ba chú mèo con rất dễ thương. Tối tối con bế ba chú mèo lên ngủ với con. Thế cho quen để sau này con còn ngủ với chúng chứ khi bố về con không được ngủ với mẹ nữa. Ba chú mèo con lại hay đùa giỡn với con chó Vàng lắm. Con Vàng thì dạo này nó mập thù lù. Đi lại núng na núng nính. Bố có biết vì sao không? Tại dạo này nó không phải đuổi gà ấy mà. Tội nghiệp cho con gà mái nhà ta. Nó đẻ mười bốn trứng. Ấp hai mốt ngày thì nở. Gà con vừa xuống ổ được có bốn ngày thì chết hết. Không phải chết vì nước lên đâu bố nhé. Hôm xuống gà chị Thanh Hương có xem mặt trăng. Đầu tháng xuống gà vào buổi mai đúng không bố? Gà nhà ta chết vì cúm gia cầm đấy bố. Bố đi xa chắc bố không biết dịch cúm gia cầm đâu. Gà vịt chết hàng loạt. Không chỉ mình nhà ta đâu. Bây giờ không ai dám ăn thịt gà vịt nữa. Bố cũng đừng ăn thịt gà vịt bố nhé!
Mà bố nè, bố về nhanh lên chứ mấy con đường trước cửa nhà ta bị đào tung lên mà không được lấp lại. Có mấy đội khác nhau đào đấy bố! Chị Thanh Hương bảo đó là điện, nước và bưu điện. Bố về bảo họ láng dầu lại như trước bố nhé!
Bố về nhanh kể chuyện cho con nghe chứ chị Thanh Hương ít cho con xem tivi lắm. Chị ấy bảo chỉ cho con xem mỗi mười lăm phút hoạt hình thôi. Chị ấy bảo xem nhiều mẹ sẽ không trả đủ tiền điện. Khi nào bố về bố kể cho con nghe thật nhiều chuyện bố nhé! Chuyện về biển bố nhé! Còn bây giờ bố có thích nghe con đọc thơ không? Con sẽ đọc thơ cho bố nghe nhé!
Đứa bé đằng hắng lấy giọng rồi đọc:
Mùa thu lá rụng
Mùa đông rét về
Mùa hè nắng cháy
Mùa xuân nở hoa
Bố ở trên biển
Có ngắm được hoa?
Hay là tám hướng
Bốn phương chân trời?
Thèm bàn tay bố
Hơi ấm mùa đông
Quạt mo ngày hạ
Mùa thu cánh diều
Mùa xuân nở hoa…
Không phải thơ con mà là thơ của chị Thanh Hương làm đấy. Bố nghe con đọc tiếp nhé:
Ra đi từ lúc tháng ba
Xuân qua thu đến đã già tháng năm
Nghìn trùng sóng biển xa xăm
Không tin tức biết hỏi thăm ai giờ?
Nhớ anh em tập làm thơ
Đêm không ngủ nghĩ vẩn vơ làm gì!
Còn xuân anh mãi ra đi!
Đến khi xế bóng lấy gì bù anh?
Những đêm gió mát trăng thanh
Một mình em với trời xanh thức hoài…
Đêm khuya con thức giấc nghe mẹ đọc đấy. Mẹ đọc nhiều lắm nhưng con không có nhớ hết. Bố có thích nghe con hát không? Để con hát cho bố nghe nhé!
Đứa bé hát một mạch ba, bốn bài. Nào là Ngày đầu tiên đi học, Bắc kim thang, Con cò bé bé, Em đi chơi thuyền… giọng bé lảnh lót như tiếng chim họa mi hót. Vừa lúc đứa bé nghỉ lấy hơi, chú Cách nói nhanh như sợ con tranh phần:
- Con hát hay lắm! Lát nữa bố sẽ nghe con hát tiếp. Con để bố nói chuyện với mẹ một chút xíu nhé!
- Bố không thích nói chuyện với con nữa à? Mẹ thường đi làm, chị Thanh Hương đi học suốt. Chỉ có con ở nhà không biết trò chuyện với ai cả. Bố lại không thích trò chuyện với con. Con giận bố đấy! Bố nhớ là chút xíu nữa bố nghe con hát đấy nhé. Chỉ còn có ba bài nữa thôi. Bố nhớ nhé! Để con gọi mẹ cho bố nhé!
Vệ vào nhà ăn uống một cốc nước, khi trở ra thì không thấy thuyền trưởng đâu. Đôi dép lê quai rộng thùng thình của thuyền trưởng vẫn còn đó. Thuyền trưởng đi nhầm đôi dép của Giao. Giao nằm lăn quay trên ghế salon ngáy phò phò như thổi lò rèn. Vệ gọi thất thanh qua máy bộ đàm: “Không thấy thuyền trưởng đâu cả, coi chừng lên buồng lái đó!”. Chú Cách cúp máy cái rụp. Mọi người khẽ mở hai cừa cánh gà nhẹ nhàng lảng ra ngoài. Có người mở cửa chính đi xuống cầu thang. Ánh sáng lọt vào buồng lái. Thuyền trưởng đang đứng sát vách cũng nghe chuyện qua điện thoại. Mắt thuyền trưởng ươn ướt. Hình như thuyền trưởng khóc. Thuyền trưởng thích nghe tiếng trẻ con líu lo chứ có hiểu gì tiếng Việt đâu!

TRƯƠNG ANH QUỐC ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive