P03: Sưu tập
11/7/10
0
nhận xét
Ngày ngày đêm đêm chỉ có chừng ấy con người quen. Toàm là đàn ông con trai. Được cái là vui. Thứ bảy chủ nhật liên hoan. Cụng ly, hô vang cả câu. Dân thủy thủ ăn to nói lớn. Đi đứng nhanh nhẹn dứt khoát. (Có người còn mạnh miệng nói là dân cao to đen hôi!). Không thể lẫn vào đâu được. Quen quá, nghe tiếng dép đã biết là ai rồi. Nói mã cũng vơi chuyện. Mà đàn ông đâu có nhiều chuyện để nói. Thế là cứ trông cho đến cảng.
Đến cảng một nước, thủy thủ được nhìn phong cảnh, dạo trên đường phố nước ấy. Ăn món ăn của nước ấy, nói chuyện với con gái của nước ấy… Đó là thú vui lớn nhất của người thủy thủ. Mấy ngày tàu làm hàng thì tha hồ mà đi bờ. Khi tàu đỗ cả chục ngày, đi bờ mệt nghỉ.
Đi bờ có chút hơi đất, bù lại những ngày lênh đênh trên biển. Đi bờ để gọi điện thoại về nhà. Đi phố mua sắm và ngắm… con gái. Lâu ngày mới nhìn thấy con gái nên trông ai cũng đẹp. Con gái phương Tây mũi cao, mắt xanh tóc vàng tuyệt đẹp. Thủy thủ hễ gặp người đẹp cứ giả vờ hỏi đường. Nghe được rồi mà cứ lắc đầu. Họ rất nhiệt tình, nói hoài mà thủy thủ không hiểu nên dắt đến tận nơi. Ở các nước nói tiếng Anh nghe để học được bản ngữ của họ. Những nước không nói tiếng Anh thì làm quen để được bày dăm ba câu chào hỏi, cảm ơn. Ai mà chẳng thích!
Tàu ghé cảng gần trung tâm thành phố chỉ cần đi bộ. Càng xa thì có ôtô của Câu lạc bộ thủy thủ đưa đón. Xe chở đến phố hay Câu lạc bộ thủy thủ rồi hẹn giờ đưa về. Ở các nước phát triển mỗi cảng có một câu lạc bộ thủy thủ. Ở đó đầy đủ các món vui chơi giải trí. Thủy thủ được phục vụ tận tình. Người phương Tây rất quí trọng nghề đi bỉên. Nghề đi biển có cái gì đó rất phiêu lưu mạo hỉêm và lãng mạn.
Nhưng cảng không có xe đưa đón thì đi bằng xe buýt. Xe buýt rộng rãi và rất thoải mái. Trên xe yên lặng. Thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại reo. Người có điện thoại reo xin lỗi người bên cạnh rồi mới nghe và chỉ dám nói khẽ. Xe buýt chạy nhanh mà rất an toàn. Nhưng đi xe buýt phải hỏi đường nhiều lần. Nhiều lúc gấp phải đi bằng taxi.
Đi taxi nhanh nhất, khỏe nhất. Đi mọi lúc mọi nơi và không cần hỏi đường. Chỉ có hơi tốn một chút. Tốn thì tốn. Dễ gì được ra nước ngoài mà đi taxi. Người đi du lịch muốn đi được thế phải mất nhiều tiền lắm. Mà đâu phải muốn đi du lịch ở đâu cũng được. Có những nước không thể đến bằng đường du lịch, chỉ có thủy thủ mới đến được. Thủy thủ đi được khắp nơi trên thế giới. Thủy thủ được đi du lịch miễn phí. Thích quá đi chứ! Vì vậy tàu cập cảng là thủy thủ đi. Ngoài giờ làm việc ít ai có mặt ở tàu. Đến cảng thủy thủ ít ngủ là vậy. Mỗi ngày đêm ngủ chừng vài tiếng. Nhầt là đến những nước gặp Việt kiều hiếu khách. Họ gác việc nhà mà chở thủy thủ đi chơi suốt. Chở đi xem phong cảnh, tìm hiểu nền văn hóa và ăn những món đặc sản của nước ấy. Cả những món ăn Việt Nam. Việt kiều thích dẫn người Việt đi ăn những món Việt Nam như những người xứ Quảng dẫn khách đồng hương đi thưởng thức mì Quảng vậy. Rồi chủ và khách giành nhau trả tiền, một tình cảm rất thắm thiết mà chỉ có những người xa xứ mới có được. Gặp cuối tuần thì họ dẫn đi thâu đêm suốt sáng. Họ còn mời thủy thủ về nhà mà chiêu đãi.
Đến các nước, ngoài việc mua sắm cá nhân thủy thủ còn mua quà cho bạn bè, người thân. Đi xa thì phải có quà. Những người đã có vợ thì mua nữ trang và quần áo… lót. Xem nhà đẹp và tiện nghi là xem nhà bếp và buồng vệ sinh. Người phụ nữ có sang trọng, quí phái không thì nhìn trang phục lót. Vợ đẹp thì chồng cũng sang theo. Sang vì vợ mà, ông bà ta chẳng bảo thế là gì! Vì vậy ai cũng chọn thật nhiều thứ. Toàn là hàng đắt tiền. Mua trang phục lót thường phải lựa cửa hàng văng vắng khác mà mua, thế mà người bán và khách nữ cứ vây lại, trố mắt ngạc nhiên. Đàn ông nước họ không chu đáo như thế! Họ hỏi size (cỡ) của vợ thì biết chứ của chị, em gái và của mẹ thì làm sao biết? Thế là thủy thủ chỉ cỡ người rồi họ chọn giúp rất nhiệt tình.
Hiệp đi bờ nhiều nhất, ngoài ca làm việc là đi. Bất kể cảng gần cảng xa, trời sớm hay tối. Nhiều lúc đi về trễ giờ, người ca trước trực giúp, hôm sau Hiệp trực bù lại. Làm việc trên tàu thoải mái. Ca kíp đúng giờ nhưng có chuyện là nhờ người khác được. Anh em thông cảm cho nhau. Trời còn có lúc nắng lúc mưa. Người chứ đâu phải cái máy. Do vậy Hiệp tận dụng thời gian để đi bờ được nhiều nhất. Mỗi lần đi bờ Hiệp luôm mang theo máy ảnh. Hiệp ghi lại phong cảnh trên mỗi bước chân. Mỗi nước có đặc trưng riêng. Nhật Bản với những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, thỉnh thoảng còn gặp núi lửa phun dung nham đỏ rực lên trời. Những bước đi như chạy của những cô gái Nhật. Đẹp nhất ở đất nước mặt trời mọc là hoa anh đào nở trắng khắp núi đồi… Hiệp còn thích những cánh đồng hoa, những bãi cỏ như thảm xanh ngắt ở Glastone và Portland nước Australia, thích phượng đỏ thắm ở Ấn Độ hay từng đàn hải âu bay dập dìu theo xuồng đánh cá ở vịnh Houston nước Mỹ. Hiệp ghi lại hết những khoảnh khắc hiếm hoi, để rồi khi xem lại Hiệp mỉm cười một mình.
Hiệp còn thích mua hàng lưu niệm. Đến đâu Hiệp cũng mua hàng lưu niệm. Mua cũng phải chọn thứ gọn nhẹ để dễ mang về vì hành lý không được vượt quá bốn mươi cân. Khi mua Hiệp thường nhận được tiền thối lại. Tiền giấy và tiền cắc. Tiền giấy thì dễ chứ tiền cắc không biết để đâu. Bỏ vào túi, khi đi cứ loèng xoèng như dát hơi dạo. Hiệp thấy người Nhật và Tây phương có cách giữ tiền cắc rất lạ. Tiền cắc ở họ tiện lợi và thông dụng, nhất là khi đi xe buýt và mua ở máy bán hàng tự động. Họ cho vào một chiếc đãy nhỏ như đãy đựng trầu rồi đeo vào cổ. Đâu chỉ người nghèo, người đi xe hơi bóng loáng cũng có cái đãy. Thanh niên cũng mang chiếc đãy như thế.
Nhiều nước đồng USD không thịnh hành, thủy thủ đến nước nào cũng phải đổi tiền của nước ấy mới tiêu được. Đổi phải ra Câu lạc bộ thủy thủ hay cửa hàng đổi tiền. Nhiều khi đổi mà chưa tiêu hết vì tàu chạy gấp. Lịch trình tàu bè luôn thay đổi vì thời tiết và đặc điểm hàng hóa. Tiền chưa tiêu được đành giữ chờ khi nào tàu quay lại nước đó. Có khi cả năm tàu không quay lại.
Tiền của mỗi nước mỗi khác. Nhiều nước dùng đồng tiền chung như khối châu Âu dùng đồng euro. Tiền những nước trong khối liên hiệp Anh đều in hình nữ hoàng Elizabeth. Nước không có đồng tiền giấy riêng mà dùng USD như Panama. Tiền mệnh giá rất thấp như Thổ Nhĩ Kỳ, mấy ngàn đồng Việt Nam đổi được cả triệu tiền họ. Loại tiền nào cũng đẹp, cũng lạ mắt. Tiền là một món quà lưu niệm của đất nước ấy. Hiệp cất giữ hết. Hiệp có thêm cái thú sưu tập tiền. Đến nước nào cũng đổi cho được tiền của nước ấy.
Có khi đến những nơi tàu không vào cảng mà chỉ neo ngoài biển làm hàng. Lúc đó không đi bờ được. Để có tiền của nước đó phải đổi lại cho đại lý hay công nhân. Hiệp sưu tầm được tiền khắp thế giới. Hiệp đi năm châu bốn biển trong vòng mấy tháng. Đó là ước mơ của bao người thủy thủ vì có thủy thủ cả một đời không đi ra khỏi được một châu.
Thật thú vị nhưng cũng lắm gian nan. Sưu tập được các loại tiền ấy thì phải đi hàng ngàn hải lý. Đi biển là nghề nguy hiểm nhất. Phải có sức khỏe tốt mới chịu đựng được sự thay đổi thời tiết liên tục, từ vùng nắng nóng kinh người đến vùng quanh năm tuyết phủ. Làm việc trên biển chống chọi với sóng gió và bão biển. Lúc gặp bão, tàu chao đảo cả chục ngày trời. Ăn uống chẳng được mà cứ ói. Ói ra cả mật xanh mật vàng. Những lúc ấy cứ muốn bỏ quách nghề biển cho xong nhưng hết sóng gió thì đâu lại vào đấy. Làm sao không thích khi biển êm ả, tàu lướt trên mặt nước sóng sánh như dầu. Gặp trăng chiếu sáng vằng vặc, mặt biển trắng và lấp lánh như ánh bạc, đẹp tuyệt vời. Chiều chiều cá heo bơi theo tàu, gõ gõ vào thành tàu là chúng nhảy lên khỏi mặt nước biểu diễn và kêu eng éc. Cá heo rất thích giỡn với người. Đi biển tận mắt chứng kiến cá voi phun nước và bơi theo nô đùa với tàu mới thấy đời thủy thủ lý tưởng biết bao.
Đi biển được đến các nước lạ, những vùng đất và chân trời mới. Thích nhất là đến những nước phát triển, thủ tục đơn giản. Thủy thủ đi lại tự do như người dân nước sở tại. Thấy cảnh sống của họ mà thích. Ghét nhất là đến mấy nước chậm phát triển. Thủ tục rắc rối. Nước càng nghèo thì chính quyền cũng càng nhiêu khê. Lên tàu làm thủ tục thì đi cả chục nước. Hoa tiêu cũng thế. Hoa tiêu nước phát triển lên tàu cho quà. Nào là bản đồ, các phần mềm và chương trình hướng dẫn tàu ra vào cảng. Hoa tiêu nước đang phát triển thì đòi quà lộ liễu. Khi tàu đi trên sông Trường Giang, hoa tiêu Trung Quốc vòi quà. Tàu đi hai ba ngày đêm trên sông, mỗi chặng lại thay đổi hoa tiêu. Cứ mỗi trạm mỗi đưa thì có tiền chùa! Tiền tiếp khách có hạn. Hoa tiêu làm việc ăn lương. Thuyền trưởng cho có mấy cây thuốc ba số. Viên hoa tiêu trẻ đem ra cánh gà buồng lái ném xuống dòng Trường Giang. Sương khói trên sông tù mù, trời lạnh ngắt nhưng mặt anh hoa tiêu đỏ rần. Hoa tiêu trẻ mà đã thế rồi. Anh ta thổ lộ: “Vào được chân hoa tiêu phải mất ít nhất là năm ngàn USD”. Nơi nào có thể dùng tiền và sự quen biết để xin việc thì không có công bằng. Không phân biệt kẻ hay người dở, cản trở đất nước phát triển. Vứt thì khỏi hút. Dẫu tàu không tốt thì coi chừng bị thuyền trưởng đuổi xuống khỏi tàu!
Mấy lần tàu đến Ấn Độ. Chính quyền cảng luôn gây khó dễ. Ra vào cảng phải xuất trình giấy tờ. Họ cứ cẩm hộ chiếu và giấy tờ đi bờ xem xong rồi xin đểu. Không cho thì thiệt cho mình thôi. Cảng Vizac Khapatnam, thủy thủ đưa tiền Việt họ cũng lấy, khi gặp người Việt ở tàu khác ra cổng họ lại đổi sang USD. Cảng ở thành phố lớn như Madras (Chemai) cũng chẳng hơn gì. Đi bờ mới thấy người Ấn Độ có hai tầng lớp rõ rệt. Người giàu cũng lắm mà người nghèo cũng nhiều. Người giàu béo trùng trục, đi xe hơi sang trọng. Ăn xin đầy đường. Không chỉ người già và trẻ em mà thanh niên lực lưỡng cũng xin của bố thí. Họ không tìm được việc làm. Họ nằm la liệt dưới gốc cây bên vệ đường và trên hè phố. Nhiều nhất là ở Goa. Mùa hè trời nắng như lửa đốt. Người ăn xin chết vì nắng và vì đói. Trong những đường hầm và gầm cầu người ta xin ngồi từng hàng. Trên đường phố Ấn Độ bò đi lại lông nhông. Tự do như bò Ấn Độ. Người dân chết đói chứ không đụng đến bò. Bò là con vật thiêng liêng ở đất nước này. Người ăn xin thường lấy phân bò trét lên đầu cho may mắn. Tàu cập cảng Ấn Độ, công nhân cảng rất tội nghiệp. Họ đói kém, cho một gói mì tôm họ mừng lắm. Đến bữa thủy thủ luôn chừa phần cơm cho họ. Họ cứ xin áo quần cũ. Đồ thủy thủ không dùng, có bao nhiêu đem cho hết.
Vào cảng thì các kho trên tàu đều bị chính quyền cảng niêm phong nhằm tránh tình trạng buôn lậu. Thủy thủ đi bờ mua thứ gì có giá trị một chút khi qua cổng cảng đều bị làm khó dễ. Họ cấm mua hàng trên nước họ. Tàu nhập cảnh rồi là thuộc quyền quản lý của chính quyền cảng nên bị kiểm dịch rất kỹ. Kho thực phẩm cũng bị niêm phong. Rượu bia thuốc lá cũng phải gởi mỗi phòng thủy thủ một ít. Để trong kho nhiều sẽ bị xin hết. Có khi chưa kịp lấy ra kho bị niêm phong thì nhịn vậy chứ không dám khui niêm phong. Có cảng bắt phải nộp tất cả máy quay phim máy ảnh lên phòng thuyền trưởng. Tranh ảnh sách báo có hình phụ nữ đều phải nộp, sau khi rời cảng mới được lấy lại. Chính quyền cảng lên tàu thấy phòng nào có là phạt.
Đến Ấn Độ phải khai báo trước lúc tàu vào cảng. Đó là luật khi xuất nhập cảnh. Phải khai chính thức. Thiếu hay thừa đều bị phạt nặng. Do vậy tàu đến cảng là do điền vào tờ khai. Có bao nhiêu loại tiền phải khai hết. Những tiền có giá trị thì khai còn tiền không có giá trị mấy thì cất đi. Hiệp có nhiều loại tiền không tiện khai. Hiệp gói tiền cắc vào bọc nilông và tiền giấy trong bao thư đem xuống buồng máy cất. Buồng máy rộng rãi lại nhiều ngóc ngách. Mấy khi hải quan khám xét buồng máy.
Chuyến đó hải quan lên tàu làm việc rất dễ. Chỉ làm thủ tục qua loa chứ không khám xét gì. Vì tàu đã cho họ rất nhiều thứ. Hải quan mang về mệt nghỉ: bia, nước ngọt, thuốc lá và xà phòng thơm. Ấn Độ rất thích xà phòng thơm. Họ thấy xà phòng thơm thì cười tít mắt chẳng còn thấy gì nữa.
Rời Ấn Độ, Hiệp định mang tiền đã cáy (1) lên phòng cất nhưng chuyến kế tiếp tàu đi đến Indonesia. Nếu đến Ấn Độ phải khai tiền thì đến Indonesia thì phải cáy tiền. Chỉ chừa lại một ít thôi. Tùy theo chức danh (mức lương phụ thuộc vào chức danh cao thấp) mà chừa lại cho phù hợp. An ninh ở Indonesia không đảm bảo, thường có cướp biển. Cướp trên biển còn canh phòng được chứ khi neo tàu để làm hàng mà cướp giả dạng công nhân hay đại lý trà trộn vào thì rất khó phát hiện được. Nhiều đại lý ở Indonesia còn thông đồng với cướp biển. Họ nắm chắc được hàng hóa tàu chở và ngày giờ tàu chạy. Cướp ra tay rất dễ dàng.
Cướp tàu hay hàng thì có bảo hiểm trả. Cướp tiền của thuyền viên thì chỉ có thuyền viên chịu thiệt. Do vậy thuyền viên cáy tiền hết. Lỡ có cướp lên tàu thì chỉ bị mất ít. Làm ra đồng tiền đã khó. Cất giữ lại càng khó. Thủy thủ suốt năm tháng trên đại dương, như con hải âu bay mãi mà chẳng thấy bờ. Việc ai nấy làm. Công việc cứ đều đều như vắt chanh. Những ngày tháng lênh đênh không quan tâm đến tiền. Cứ đến tháng lĩnh lương, lĩnh rồi cất chứ đâu có tiêu được. Có khi đầu tháng đã lãnh lương rồi. Lãnh trước thì làm… trả nợ. Những lúc tàu qua vùng nguy hiểm thuyền trưởng thường phát lương rất sớm. Phát sớm cho an toàn. Cho thuyền viên cáy.
Có rất nhiều chỗ cáy. Người bỏ trong bao gối may lại. Người lật ván giường lên rồi đặt xuống dưới. Người trải dưới thảm lót phòng. Người cho dưới đế giày bảo hộ cũ, người gói vào bọc trộn với rác rồi cho vào sọt rác trong phòng. Mỗi thuyền viên ở mỗi phòng rộng rãi nên cáy cũng không khó lắm. Hiệp cũng lo giấu tìên. Công sức lao động cả năm trời chứ có ít gì. Hiệp không còn để ý đến mớ tiền giấu trước đó.
Tàu nhập cảnh rồi neo đậu làm hàng hơn nửa tháng. Gặp vùng biển lắm cá nhiều mực. Chập tối, dưới ánh trăng mực bơi trắng quanh tàu. Lại đang giữa mùa xuân cá mực rất dễ câu. Trời tối hay sáng gì câu mực cũng được. Thả lưỡi câu xuống nhắp nhắp vài cái là dính mực. Câu lên là luộc ăn lìên. Mấy ngày đầu thủy thủ ăn mực thay cơm. Mực tươi rất ngọt, ngậm mà nghe. Nướng mực lên cứ thơm phức. Câu nhiều quá đem bỏ vào kho lạnh. Rồi kho lạnh cũng không còn chỗ nữa, thủy thủ bắt chước công nhân Indonesia đem mực phơi khô. (Công nhân ra tàu làm việc là phụ, câu cá mực về bán mới là chính). Vài người câu, một người xẻ ruột không kịp. Gặp những ngày xấu nắng phơi cũng lâu khô, lại đem vào nóc nồi hơi buồng máy mà phơi. Khắp tàu đều nghe mùi mực.
Câu mực chán thì thay lưỡi câu cá. Cầm trực tiếp dây cước mà câu chứ không dùng cần. Cá rất lớn. Có con cá chục cân. Câu cá sướng tay hơn câu mực. Khi cá cắn thì dùng dằng mãi. Khi cá kéo thì thả cước ra. Khi con chùng thì kéo lại. Giằng co, vờn cho đến lúc cá mệt dần. Khi cá đã yếu thì kéo đầu cá lên khỏi mặt nước. Cá không hô hấp được nên rất chóng đuối. Khi con cá yếu hẳn thì dùng bao tay mà kéo cước cho khỏi bị đứt tay. Cá lớn phải hai người kéo mới nổi. Xúm lại mà kéo thật là vui. Kéo từ từ chứ kéo nhanh cá gượng sức mọn còn lại vùng vẫy sẽ bị bóc. Nhiều khi kéo lên nửa chừng thì bị rơi tõm trở xuống.
Câu cá chủ yếu cho đã cơn ghìên chứ cá không ngon bằng mực. Câu cá cũng phải có nghệ thuật mới câu được. Dần dần ai câu cũng siêu cả. Cá mực để đầy kho. Trước khi tàu đầy hàng và nhổ neo đi, đêm cuối ấy thủy thủ câu quanh mặt boong cho thỏa thích.
Đã qua vùng nguy hiểm. Thủy thủ lại sắp về nước, ai cũng mừng rơn. Người về được chia làm hai đợt. Danh sách chưa được fax đến, thủy thủ cứ trông ngày trông đêm rồi đoán già đoán non. Thủy thủ không ngủ được cứ dạo lang thang mãi.
Hiệp lại chỗ cũ lấy tiền, tìm mãi mà chẳng thấy đâu. Hiệp làm dấu chỗ này mà, ngay chỗ vách tường, bên trong lớp bố cách nhiệt. Có ai lấy giấu chỗ khác không? Hay có người đùa mà cất đi. Mọi người trong tổ thường thích đùa. Tại Hiệp thường đùa. Đi biển thời gian dài thườn thượt. Đời thủy thủ, một đời lại quá ngắn, một ngày sao quá dài, đùa vui cho ngày tháng ngắn đi một chút.
Hiệp để trong bì thư có ghi tên. Chắc thấy tên Hiệp nên giấu đi thôi. Mà đùa sao lâu thế. Cả tuần rồi mà vẫn chưa trả lại chỗ cũ. Biết tìm nơi đâu? Kỳ công của cả năm nay. Mà đâu phải dễ có được những đồng tiền ấy. Tờ 2 đô Mỹ này. Trên thế giới chỉ có một nghìn tờ thôi. Sở hữu được nó là rất khó. Nào là tiền Ai Cập. Hiệp đổi nó trong lần đến cảng Dammieta, thấy đồng tiền ấy là nhớ ngay đến lần đi hơn ba trăm cây số để đến thăm Kim Tự Tháp và viện bảo tàng quốc gia Cairô. Tiền Pakistan thì nhớ lại lần mém bỏ mạng khi đi chợ bom khủng bố. Nào là tiền Trinidad, đảo quốc nhỏ nằm phía đông Venezuela, nơi lên bảo vệ mà đâm cá ở cầu cảng suốt đêm. Tiền Venezuela, Hiệp đổi được khi đến bar uống nước và xem biểu diễn. Thấy là nhớ đến con gái tuyệt đẹp xứ hoa hậu thế giới. Những cô gái da màu dáng thon thả khỏe khoắn và gợi cảm. Nào là tiền Nam Phi, đất nước cực nam châu Phi lạnh ngắt, nơi có thể thấy cá voi vào đến tận cảng, nước ở châu Phi nhưng lại mang kiến trúc châu Âu. Hiệp đổi lúc đến Cape Town khi đi qua mũi Hảo Vọng – điểm cực nam của châu lục. Nơi mà mười lăm đôla Mỹ một giờ Internet, ngoài tiền giờ còn phải bo cho nhân viên. Nào là đồng bảng Anh, tiền mà Hiệp đổi khi đến Immingham, xứ sở sương mù, cây cối trụi lá như những chiếc xương, chỉ có những cánh đồng cỏ là xanh mướt. Nơi mà nhà nhà có ống khói và đều tắp, 10 giờ trời mới sáng, 4 giờ chiều trời đã tối, người làm việc cả ngày, chỉ ăn nhẹ vào buổi trưa là vậy, nơi mà đi xe buýt mua một vé là đi cả ngày với tất cả các tuyến. Mấy tờ tiền Hiệp đổi ở những nước mà không thể đến bằng đường du lịch được. Những tờ tiền mà bạn bè thủy thủ khắp thế giới tặng cho Hiệp, trên đó có chữ ký của họ nữa. Hiệp định khi trở về sẽ đặt chúng dưới kiếng trên mặt bàn phòng khách để nhớ lại thời đi khắp năm châu của mình. Hiệp quí vì chúng không còn là tiền nữa mà là quà lưu niệm. Chúng vô giá.
Hiệp hỏi từng người trong tổ. Ai cũng lắc đầu. Hay chuột tha đi chỗ khác? Mà tàu mới làm gì có chuột. Chuột ở dưới buồng máy sao sống nổi. Hay mấy AB (thủy thủ boong) đi đo nước dằn tàu thấy mà giấu đi. Hiệp chỉ tránh chính quyền cảng nên giấu sơ sài. Chỗ đơn giản mới an toàn. Chỗ Hiệp giấu lại gần với chỗ đo nước. Khi Toàn xuống đo nước Hiệp hỏi.
- Mày có thấy tiền tao để chỗ này không?
- Tiền gì?
- Chỉ là tiền vớ vẩn thôi mà!
- Mày nói tao lấy tiền của mày hả?
Toàn vứt thước dây, nhảy ập vào Hiệp. Toàn có tiếng là cộc tính, chẳng biết sợ ai. Tức là đánh. Toàn đấm. Đá. Đạp. Hiệp tránh. Né. Đỡ.
Trên tàu đánh nhau là chuyện thường. Năng lượng dư không làm gì, lâu ngày cũng sinh nóng tính. Nhưng đánh nhau mà thuyền trưởng biết được coi như toi. Kỷ luật trên tàu rất nghiêm. Chẳng biết đúng sai, hễ đánh nhau là cả hai cùng về nước. Đâu phải chỉ tốn tiền vé máy bay và chi phí đại lý, thủ tục cho một vòng mà cả cho người bay qua thay. Giận mất khôn. Nếu tính toán như thế thì có bao giờ đánh nhau!
Ban đầu Hiệp chỉ phá đòn. Toàn càng ra đòn hết sức. Toàn xông vào vật. Tức mình, Hiệp dùng đòn hông quật Toàn ngã trắng bụng. Hiệp khóa cổ, Toàn không nhúc nhích được. Hiệp đâu muốn làm thế nhưng càng nhường, Toàn càng lấn tới. Tại Toàn gây sự trước. Hiệp thì hỏi thôi.
Bỗng tiếng báo động máy làm Hiệp giật nẩy người. Hiệp lại đang trực ca. Hiệp buông Toàn, vụt chạy xuống tắt còi báo động và xử lý máy. Toàn hầm hầm lao theo. Thấy Toàn ở phía sau vào buồng điều khiển Hiệp liền khóa chốt trong. Toàn đứng đập cửa một hồi. Có tiếng sĩ quan boong gọi Toàn qua máy bộ đàm về mức nước, Toàn dứ dứ nắm đấm Hiệp mấy cái rồi bỏ đi.
Hết ca, cùng ngồi vào bàn ăn, Hiệp cười cười: “Xin lỗi nhé!”. Toàn cũng cười cười như chưa từng xảy ra chuyện gì. Thủy thủ là thế đó. Nóng lạnh thất thường.
Một buổi chiều Hiệp mở khóa tủ bảo hộ thu dọn đồ đạc. Phong bì đựng tiền nằm bẹp dí dưới góc tủ, lẫn lộn trong mớ găng tay. Sao lại lẩm cẩm thế này. Đi biển đầu óc càng ngày càng sượng đi. Cất một nơi lại đi tìm một nẻo. Hiệp thấy mình có lỗi với Toàn quá. Hiệp hỏi mà chưa uốn lưỡi bảy lần. Cũng may hôm đánh nhau chưa dẫn đến hậu quả gì. Nếu không bây giờ Hiệp biết ăn nói làm sao!
Hiệp chộp lấy cái phong bì như sợ ai đó nhìn thấy Hiệp bước vội lên ba dãy cầu thang, đẩy cửa chạy ào ra ngoài. Ngoài mặt boong gió thổi hiu hiu. Hiệp thấy nóng ran. Hiệp lại sát lan can ném phong bì xuống biển. Chiếc phong bì bay nghiêng nghiêng rồi rơi tõm xuống mặt nước. Nó dập dềnh theo con sóng như muốn giễu cợt Hiệp. Mặt trời tím ngắt đang lặn dần phía cuối chân trời.
Về nước Hiệp sẽ gặp Toàn để xin lỗi. Nhưng biết tìm Toàn nơi đâu? Toàn đã về trong lần thay người đợt trước.
TRƯƠNG ANH QUỐC ( TuoiTre )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét