Your Adsense Link 728 X 15

P02: New York - thành phố của thế giới

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Chúa tể những chiếc nhẫn" (Lord of the Rings) chắc phải cúi đầu bái phục "Chúa tể những đô thị" của nước Mỹ. To nhất, cao nhất, tốn tiền nhất và đẹp nhất. New York đã thâu tóm những điều ấy suốt 100 năm qua để nổi lên như một "cây đinh" của thế giới...
Vùng đất này trước kia là nơi cư trú của người thổ dân da đỏ. Năm 1626, chỉ với một số tiền rẻ mạt, người Hà Lan đã mua đảo Manhattan của thổ dân da đỏ, lấy eo đất gần cửa sông Hudson làm trạm thương nghiệp gọi là "Tân Amsterdam". Năm 1664 bị người Anh xâm chiếm, đổi tên là NewYork, nó được mở rộng địa giới sang các vùng lân cận và các đảo dài, với nhiều cảng sông, cảng biển. Năm 1686 thành phố được xây dựng và trở thành thủ đô tạm thời của nước Mỹ vào năm 1789.
Đến năm 1796, New York chứng kiến lễ nhậm chức của vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là Tổng thống Washington. Hiện New York là một trong những thành phố lớn nhất nước Mỹ, là một trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, kỹ thuật nổi tiếng thế giới. Nằm ở cửa sông Hudson, nơi đổ ra Đại Tây Dương, nội đô có diện tích là 945km2 với diện tích trên nước là 168km2, thành phố bao gồm 5 khu vực và một số tiểu đảo. Các khu vực này không phải là các khu hành chính do nhà nước hoạch định, mà do một ủy ban gọi là "Ủy Ban Kế hoạch phân khu vực" căn cứ vào đặc điểm xã hội, kinh tế đặt ra các "Khu vực địa lý được đô thị hóa".
Từ năm 1929 đến 1931, ủy ban này đã phân chia thành phố thành 22 đơn vị hành chính, đến năm 1968 tăng lên 31 đơn vị. Ngoài 5 khu vực, New York còn bao gồm thêm 26 huyện và 3 bang kế cận, diện tích hiện nay cả nội, ngoại thành phố là 32.400km2 với số dân khổng lồ lên đến 16 triệu người (1980) và sẽ còn tăng lên nữa.
Điều gì khiến New York phát triển mạnh, thu hút tiềm lực kinh tế khắp nơi đổ về và trở thành một thành phố năng động như vậy? Một điểm mốc quan trọng: năm 1825, khai thông kênh đào Erie, từ đó New York có đường thủy đến Ngũ hồ, khai thông mối quan hệ kinh tế giữa Trung Tây nước Mỹ và bờ biển Đại Tây Dương, đồng thời liên kết được việc vận chuyển đường ven biển, New York trở thành điểm giao kết quan trọng về buôn bán trong và ngoài nước. Về sau mở thêm nhiều tuyến đường sắt và đường bộ giúp cho nền kinh tế ngày càng trở nên phồn thịnh. Nhà máy mọc lên như rừng, dân tứ xứ cả nước và nước ngoài đổ về nhanh nhưng vẫn không đủ, khiến New York dần trở thành một thành phố và hải cảng tầm cỡ thế giới. Bờ biển New York và các đảo sở thuộc có mức nước sâu, chênh lệch thủy triều nhỏ, kênh rạch chằng chịt, mùa đông không lạnh, khí hậu ôn hòa. Chính vì điều này đã làm tăng thêm cho New York hàng loạt lợi thế.
New York là một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, cũng là trung tâm công nghiệp đứng hàng thứ ba sau Los Angeles và Chicago với các ngành công nghiệp đa dạng, nhất là ngành may mặc, xuất bản, hóa chất, kim khí điện máy, thực phẩm, đồ chơi và luyện dầu... Thành phố này sống được nhờ dầu lửa và khí đốt. Nguồn nhiên liệu này được dẫn từ rất xa tới bằng những đường ống bắc qua vịnh Mexico, than đá từ Appalachian, một số khác phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà máy điện được vận hành bởi than đá và dầu mỏ, bởi thế, chung quanh thành phố có rất nhiều nhà máy lọc và chế biến dầu cung cấp cho thành phố. Những ống khói xả vào bầu khí quyển một đám mây màu xám vàng khổng lồ. Nền công nghiệp và thương mại phát triển kéo theo ngành tài chính và giao dịch chứng khoáng phát triển với phố Wall nổi tiếng, đại bản doanh của tiền tệ nước Mỹ, nằm ở phía Nam đảo Manhattan. Cả thế giới tài chính dồi dào kéo theo ngành địa ốc xây dựng và các dịch vụ khác. Địa ốc là một trong những đặc điểm nổi bật của New York.
Tôi và anh Phong, một kỹ sư cơ khí chuyên thiết kế hàng hải, quyết định đi New York vào ban đêm. Từ Washington, chạy trên đường cao tốc suốt 10 giờ đến sáng, chúng tôi đã có thể nhìn thấy tượng "Nữ thần tự do", một biểu tượng của nước Mỹ, ở trên đảo Tự do.
Quang cảnh thật hùng vĩ. Xa xa là các cao ốc, đảo Manhattan hiện lên trong sương mù của bờ biển buổi sáng. Chúng tôi theo đường ngầm vượt biển để đến đảo Manhattan, một khu vực nổi tiếng trong 5 khu vực tạo thành New York, được xem là "Trái tim của New York", nằm trên hòn đảo cùng tên, với diện tích là 80km2. Một diện tích khiêm tốn nhưng lại chứa đựng bao tinh hoa của New York với những tòa nhà chọc trời, những bản anh hùng ca của nền kiến trúc hiện đại. Một rừng kiến trúc khổng lồ đập vào mắt choáng váng mà ta cứ phải ngước nhìn, ngước nhìn lên mãi... Dữ dội hơn Singapore, hoành tráng hơn Frankfurt. Chúng tôi như lạc vào những hẻm núi, bao quanh là một rừng bê tông, kim loại, sắt thép, kính màu. Những hẻm núi nhân tạo choáng ngợp! Những khoảng không bé xíu bên trên. Những ngọn tháp ken dầy, san sát, che lấp bầu trời... Và cây xanh thấp thoáng bên cửa sổ, sân thượng tuốt trên cao.
Người Mỹ gọi những tòa nhà này là "Skyscraper" tức là những "nhà chọc (tức ông) Trời". Những tòa nhà này được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ XIX, và trong suốt 100 năm qua, người Mỹ không ngừng xây dựng và đua nhau xây cao hơn nữa. Chúng tạo nên một lịch sử phát triển cộng đồng của New York với những điểm mốc được đánh dấu bằng việc khánh thành từng "Skyscraper" mới.
Từ năm 1859 việc kỹ sư Alisha Geits Otis phát minh ra thang máy đã tạo ra cơn sốt xây dựng nhà cao tầng, New York đã nhanh chóng hình thành nên một thành phố trên cao mà điểm mốc là tòa nhà Empire State Building ra đời, một trong những tòa nhà khổng lồ, lộng lẫy được liệt vào hàng thứ nhất trong số 20 kỳ quan kiến trúc đương đại. Nó tọa lạc tại số 350 Đại lộ 5, một đại lộ chính của New York từ Bắc xuống Nam mà bất cứ du khách nào cũng muốn rảo bộ, nhìn ngắm 102 tầng của nó với chiều cao 381 mét, cộng với tháp truyền hình cao 449m, nặng 331.000 tấn, sử dụng 10 triệu viên gạch, 700 km dây cáp, diện tích mặt kính là 2ha, đủ chỗ cho 15.000 người làm việc!
Tòa nhà này do công ty kiến trúc của ba kiến trúc sư là Shreve, Lamb và Harmon thiết kế. Tòa nhà này vào thời điểm xây dựng đã in sâu vào tâm trí người New York. Lúc đó, cuộc suy thoái kinh tế lại nổ ra, tòa nhà trống rỗng không ai thuê, những kẻ tự sát chọn tòa nhà này làm chỗ để quyên sinh. Bộ phim Kingkong nổi tiếng lúc bấy giờ với hình ảnh con quái vật cùng người đẹp bò trên tòa nhà cũng đã in sâu vào tiềm thức dân Mỹ. Cho dù sau này hàng loạt các cao ốc khác cao hơn, lớn hơn ra đời nhưng đối với người New York, tòa nhà này đã như một cuộc sống bằng xương bằng thịt hiện diện mãi trong lòng họ.
Sau năm 1945, một loạt các nhà chọc trời ào ạt mọc lên như Seagram Building 98 tầng ở Đại lộ Công viên, World Trade Center cao 110 tầng (vừa bị khủng bố đánh sập) và vô số các công trình nhỏ hơn ken đầy đường sá. Các kiến trúc sư Mỹ thỏa sức sáng tạo, từ kiểu dáng Phục hưng mới như Flatiron Building đến cung cách kiến trúc Venice hoặc Gothique hoặc theo kiến trúc trang trí Art-Deco. Những phong cách cổ điển Châu Âu, Ai Cập được pha trộn với nhiều vật liệu mới, màu sắc, móc nối nhiều ngôn ngữ kiến trúc khác nhau để làm nên bản "giao hưởng New York" có một không hai trên thế giới. Chúng tôi đi mãi trong những hẻm núi ấy, lướt qua, vào trong lòng, leo lên đỉnh "những con quái vật" hay "những kiệt tác nghệ thuật" đó, cảm nhận được sự đa dạng, đầy hứng khởi của New York. Phải chăng người Mỹ vốn thực dụng nên cái đẹp thời đại nào đối với họ cũng dùng được? Những võ đoán phiến diện về "vay mượn", "bế tắc", "sa đà" hay "lai căng" mà chúng ta hay phê phán trong nước về sáng tạo kiến trúc, thời trang, ca nhạc, hội họa... dường như là vô nghĩa nơi đây. Nền kiến trúc "melting pot" (lẩu) ấy là sự tổng hợp, gạn lọc để tạo nên những tác phẩm bộc lộ tính công năng vốn là thuộc tính của lối sống Mỹ... Từ sự ganh đua "to hơn, lớn hơn, cao hơn" thế hệ kiến trúc ở Manhattan đang tạo nên những công trình kiến trúc khác với cái đẹp đầy hứng thú, sáng tạo, viễn tưởng, ngẫu hứng... Sẽ còn nhiều bất ngờ nơi đây! Họ - Những kiến trúc sư Mỹ đang tìm kiếm niềm tin để thay thế những hình khối lập thể nghiêm khắc, khô khan, nặng tính hình học trừu tượng.
Một đêm không ngủ, hòa vào dòng chảy của thành phố không ngủ này, chúng tôi xuống Đại lộ số 5 đón xe buýt mui trần làm một vòng khắp thành phố, trên tay là một cuốn cẩm nang mỏng giới thiệu sơ lược mạng lưới giao thông. Người Mỹ giải quyết giao thông như thế nào khi lượng người từ các cao ốc đó đổ ra đường giờ tan tầm? Mạng lưới ô vuông chằng chịt được quy hoạch đường chính, đường phụ và đường dẫn, 200 tuyến đường thủy, 14 tuyến đường sắt, 300km đường xe điện ngầm, giữa các đảo có nhiều cầu và đường hầm xuyên sông nối mạng nhau, tuyến bờ cảng dài hơn 120km có hệ thống bốc dở, ụ tàu, 3 cảng hàng không hiện đại vào bậc nhất. Xe hơi cá nhân được hướng dẫn đổ vào những bãi xe nhiều tầng bên ngoài thành phố, điểm đổ xe thuận tiện với hệ thống giao thông công cộng. Một không gian mở nằm giữa lòng thành phố cao ngất này là một công viên trung tâm rộng 300 ha (bằng một nửa bán đảo Thủ Thiêm), nơi nghỉ trưa và vui chơi của cư dân thành phố. Nó như một ốc đảo xanh thật tuyệt vời xóa đi mọi cảm giác chật chội, tắc nghẽn.
Buổi sáng sớm, khi cả thành phố vẫn còn ngủ sau một đêm cuối tuần mệt lử, tôi và Phong đã ra khỏi khách sạn, đón xe bus đi thăm khu phố Wall nổi tiếng. Wall Street là con đường chạy dọc theo bức tường được xây dựng từ rất lâu do sự quấy rối của thổ dân. New Amstocden đã xây dựng nó. Về sau con đường được đặt tên xuất phát từ đó. Chỉ dài 500m nhưng khu vực chung quanh cũng được coi là phố Wall bởi nó là trung tâm tài chính của nước Mỹ và cả thế giới. Nằm ở trung tâm New York hạ, phía Nam đảo Mahattan, phố Wall bao gồm hàng ngàn tổ chức tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, trung tâm chứng khoán, công ty môi giới... Đó là một thế giới thu nhỏ với hàng ngàn người mặc veston, ùn ùn đi lại, những phụ nữ tất bật bên máy tính hay ra vào nườm nượp. Giờ nghỉ trưa, họ từ trên các cao ốc túa ra và từ các tầng hầm chui lên, đổ dồn vào các khoảng không cách ly giữa các tòa cao ốc bắt đầu ăn trưa, tán gẫu, nghe nhạc hòa tấu do các ban nhạc chơi, nghe nước róc rách từ những cái hồ nhân tạo, ngắm những tượng nghệ thuật trang trí rải rác dọc đường. Vào giờ này, New York như sinh động hẳn lên với đủ mọi màu da, lứa tuổi di động trên các đường phố. Toàn cầu hóa như thu nhỏ ở chốn này với những con người đang sống ở Mỹ nhưng có thể bàn việc ở châu Âu, xây dựng nhà máy ở châu Á, mở rộng phân xưởng ở châu Úc, và thậm chí có thể leo thang chiến tranh ở châu Phi. Một trung tâm quyền lực được thể hiện dưới những con số, mật mã, cổ phiếu, lợi nhuận...
New York có làng Greenwich cũng nổi tiếng không kém phố Wall, nơi được xem như là cái nôi của những thiên tài, nơi sản sinh ra những phát minh vĩ đại của loài người giờ đã tạo ra hàng loạt những ứng dụng tuyệt vời cho con người như phim ảnh, kỹ thuật nhiếp ảnh, điện tín, súng cá nhân v.v... Vào năm 1840 John William đã gửi bức điện tín đầu tiên của thế giới, Samuel Colt với một khúc gỗ ông đã cho ra đời khẩu súng lục đầu tiên, và năm 1881 Edison đã phát minh ra bóng đèn điện mở đầu cho công ty đèn điện Edison nổi tiếng khắp thế giới. Một ngôi làng hình như được trời ưu đãi, một "địa linh nhân kiệt" đã sản sinh ra bao nhân vật kiệt xuất như Euguene, O'neil, Edua St Vincent Millay tiên phong đổi mới nền kịch nghệ Mỹ, rồi nào là Washington, Irwing, James Fenimore Cooper v.v...
Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định đi thăm toà nhà Liên Hiệp Quốc, nơi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Tòa nhà nằm lẫn trong các khu nhà cao tầng rợp bóng chung quanh trong khu vực từ đường số 42 đến đường số 48, giao lộ số 1. Nó được xem là một nước trong một thành phố, một nước nhỏ nhưng đầy quyền lực với bản thỏa thuận ký kết giữa Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và chính phủ Mỹ trong đó khẳng định: "Khu trụ sở được đặt dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc và được quyền bất khả xâm phạm". Từ xa nhìn là hàng cột cờ thẳng tắp, ở gần cuối, cờ Việt Nam đang tung bay rực rỡ trong nắng sớm. Nơi đây là một thế giới thu nhỏ mà mỗi quốc gia đang hiện diện bình đẳng, không có nước lớn, nước nhỏ, không có nước nghèo, nước giàu... Bản hiến chương Liên Hiệp Quốc được thông qua với hơn 50 nước tại San Francisco. Nhà tỷ phú Mỹ John Rockefeller đã tặng Liên Hiệp Quốc 8,5 triệu USD đủ mua một khu đất ven sông Đông (East River) trên đảo Manhattan. Năm 1947 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua đề án kiến trúc với việc Mỹ cho vay thêm 65 triệu USD để xây dựng. Một hội đồng tư vấn thiết kế quốc tế được thành lập với hàng loạt kiến trúc sư của các nước tham gia. Tòa nhà hoàn thành năm 1951 với 39 tầng uy nghi, đơn giản với vật liệu chính là kính và đá cẩm thạch. Sau đó nó còn được mở rộng và xây dựng thêm vài hạng mục để nâng tổng diện tích lên đến 80.000m2.
Chúng tôi chỉ được phép tham quan bên dưới, loanh quanh sân vườn, và nghe giới thiệu đôi nét của tòa nhà này. Độc đáo nhất là ở nơi làm việc của Đại hội đồng có một căn phòng mang tên "Phòng suy ngẫm" (Meditation Room). Đó là một căn phòng yên tĩnh với khối sắt lớn được đặt chính tượng trưng cho lưỡi cày và cây kiếm "Hòa bình hay chiến tranh". Để có được suy nghĩ chính xác giữa hai sự lựa chọn này là "Bàn thờ của nhân loại trước thượng đế"! Chúng tôi không được phép vào phòng vì không đại diện cho bất kỳ ai để suy ngẫm. Nhưng bên cạnh tòa nhà chính, giữa khu vườn nhỏ, có đặt một quả địa cầu bằng kim loại tuyệt đẹp. Là đại diện cho chính mình, tôi đi vòng quanh nó để tự suy ngẫm, nhìn ngắm, bâng khuâng, hỉ, nộ, ái, ố và chợt nhận ra rằng trái đất này nhỏ bé và đáng yêu biết dường nào... Đất nước mình là một chấm nhỏ trên quả địa cầu này, nhưng cũng có mặt bên cạnh hơn 188 nước nhóm họp mỗi năm để cùng chia sẻ những lo âu chung của thế giới về dịch bệnh, môi trường, hòa giải sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, cùng chia sẻ những khát vọng chung của nhân loại về một thế giới công bằng, để mọi người thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Liên Hiệp Quốc sẽ không còn suy ngẫm về chiến tranh và hòa bình, không còn suy ngẫm về trừng phạt hay cấm vận, mà về sự phát triển cho một tương lai tốt đẹp hơn cho con người cùng với cuộc cách mạng tin học vốn đã làm cục diện thế giới cùng các mối quan hệ thay đổi mạnh mẽ. Ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anna từng mơ ước: "Vai trò chính của Liên Hiệp Quốc sẽ phải điều phối hành động chung của các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành và các tổ chức công dân ở cấp độ toàn cầu, vì thế nó phải được mạnh hơn và hình thức như một bộ vi xử lý vấn đề toàn cầu hóa".
Dưới mái nhà chung ấy, mỗi dân tộc sẽ đóng góp phần của mình. Đứng trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, tôi cứ nghĩ về đất nước mình, về chặng đường mà dân tộc mình đã trải qua, về những vận hội, thời kỳ vàng đang đến. Tôi nhớ TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội) đã có lần nói: "Thật ra hội nhập hay không hội nhập đã từng có thời kỳ là một sự lựa chọn trong lịch sử, thay mặt cho dân tộc ta , nhà Nguyễn đã từng có một sự lựa chọn như vậy bằng cách nói không với hội nhập. Và cái giá mà mà dân tộc ta đã phải trả cho sự lựa chọn đó thật đau đớn, ê chề, vô cùng vô tận. Tuy nhiên ngày nay một sự lựa chọn như vậy là không thể có. Chúng ta bắt buộc phải hội nhập với thế giới toàn cầu hóa. Vì rằng trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, trong một thế giới mà các mối quan hệ về kinh tế, tài chính, thương mại đan kết chằng chịt với nhau, trong một thế giới mà các quy luật của tương lai chỉ đang hình thành và chưa thật sáng rõ cho bất kỳ ai, thì "Một tập hợp mềm" mới có thể phản ứng lại được với thế giới đó một cách hiệu quả. Mọi sự cứng nhắc, mọi sự cồng kềnh, mọi sự tập trung quan liêu đồng nghĩa với tình trạng tụt hậu và khả năng thua cuộc"... Tôi mong sao những ý kiến của ông được những du học sinh, những thanh niên Việt Nam trên khắp ngõ ngách của thế giới đang hướng về Tổ quốc mình... cùng thực hiện.

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive