Your Adsense Link 728 X 15

P03: Hoàng hôn trên thành phố Athens

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Athens, thành phố của nữ thần kỳ diệu. Cuộc sống êm đềm hiện nay của nó như đang còn mãi chiêm nghiệm một quá khứ hào hùng của vùng đất kỳ bí, đầy sự tích, một vùng đất thánh thiêng liêng của người Hy Lạp.
Chúng tôi quyết định đi Hy Lạp bằng phương tiện xe buýt tốc hành, đồ đạc để lại Sofia và chỉ mang theo đúng một bộ đồ lạnh cùng chiếc máy ảnh, để thấy được một phần ngoại ô của thành phố Sofia và biên giới của Hy Lạp- Bulgaria. Ông đại sứ Việt Nam tại Bulgaria là một người hoạt bát và dễ mến, không ngần ngại cấp cho chúng tôi một công hàm ngoại giao gởi đại sứ Hy Lạp, và trong vòng 5 phút, visa vào Hy Lạp đã được cấp. Ngồi chung xe với người Bulgaria, Hy Lạp với nhiều tiếng địa phương khác nhau, chúng tôi chỉ có thể chào nhau bằng gật đầu và ra dấu. Xe ngang qua biên giới, một sự tương phản giữa hai lằn ranh rõ ràng đến mức phải chạnh lòng giùm những người dân Bulgaria đang cùng chung chuyến: một bên là đường bộ rộng thoáng 10 làn xe chạy, còn bên kia là một đường làng lỗ chỗ với ổ voi và ổ gà! Hạ tầng cơ sở của Hy Lạp khá hiện đại, với hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường hàng không vào loại tốt nhất của vùng Địa Trung Hải.
Chúng tôi theo đường cao tốc xuyên Châu Âu và ở trọ tại một làng nghỉ vùng ngoại ô. Chung quanh là đồi núi, thung lũng bạt ngàn. Làng mạc nằm dưới thung lũng mênh mông trông đẹp và thanh bình một cách kỳ lạ. Đường phố không rộng nhưng thẳng tắp với các hàng cây tô điểm bên những trụ đèn hoa văn cổ xưa. Hình ảnh đó trông giống như những bức tranh thủy mặc với kiến trúc vừa khoáng đạt vừa dè dặt kín đáo, vừa sôi nổi trẻ trung với nền văn hóa lâu đời.
Người Athens có thể tự hào về điều đó, bởi thành phố là một trung tâm văn hóa, kinh tế của Hy Lạp, một đô thị lớn nhất và là trung tâm thương mại của vùng Điạ trung Hải, bán đảo Balkan.
Khám phá Athens là những gì chúng tôi hằng mong đợi, háo hức. Chúng tôi theo xe buýt vào thành phố mà không kịp ăn uống, tắm rửa. Thành phố có nét quy hoạch giống như một số tỉnh thành của Việt Nam với nhà phố theo dãy, mặt tiền hẹp làm nơi buôn bán, lề đường rộng. Vì là ngày nghỉ nên phần lớn đường phố vắng vẻ và các cửa hiệu toàn bằng kính không cần che đậy, không sợ đạo chích! Một cảnh quan khá kỳ thú dọc đường phố. Trên những khu ở khác, nhà đều có sân trước và hàng rào thấp trồng dây leo với hàng cây cổ thụ um tùm che bóng mát, một vài nhà có cả giàn nho mọc trước sân với một lối kiến trúc khá nhẹ nhàng thanh thoát, khá tương phản với các đền đài cổ kính được xây dựng. Từ ngàn xưa, Athens là một trung tâm văn hóa cổ của Hy Lạp, đến nay nhiều di tích vẫn còn như đền đài ở Tessalomka, di chỉ khảo cổ Epidanrus, thành phố thời trung cổ Rhodes.
Ở trung tâm thành phố có nhiều viện bảo tàng, đại học Tổng hợp Athens và các trường cao đẳng mỹ thuật, kiến trúc, hài kịch, âm nhạc và nhiều viện nghiên cứu. Một vòng thăm các khu vực này chỉ tốn khoảng 10USD tiền xe bus. Chúng tôi đến thăm kịch trường của thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ hai, một danh thắng di tích và văn hóa lớn của Hy Lạp, nằm kề bên quảng trường HsiehHo (Quảng trường Hòa hợp). Tại đây tổ chức biểu diễn âm nhạc và những vở kịch cổ điển nổi tiếng thế giới. Kiến trúc của nó trông hao hao như một số nhà hát được khảo cổ học khai quật ở Alexandria, Ai Cập. Phố đi bộ của thành phố chính là ở đây, sầm uất, đông vui, vì ngày nghỉ người Hy Lạp có thói quen tụ họp nhau tại quảng trường và các bờ biển.
Thành phố hiện nay được quy hoạch khá rõ ràng theo phân khu chức năng: phía Bắc và phía Nam dành cho khu hành chính và khu văn hoá, phía Tây là cảng và khu thương mại, phía Đông và các vùng phụ cận là khu dân cư. Mỗi khu dân cư đều có tâm điểm là trường học và một quảng trường nhỏ làm khu sinh hoạt cộng đồng. Nội thành cũ, đường xá hẹp và ngoằn ngoèo nhưng ngoại thành thì hiện đại và ngăn nắp, các tầng lớp kiến trúc được bảo tồn. Ngoài văn hóa, thương mại, vùng đất này còn là trung tâm thể dục thể thao với niềm tự hào là thành phố đầu tiên tổ chức thế vận hội Olympic (1896).
Lịch sử của thành phố được viết từ thế kỷ 12 trước Công Nguyên khi người Mai-His-Nis trên núi Akro Poliszu xây một bức tường vây quanh hình thành Athens ngày nay. Thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên người Ionioi (Nisoi) xây dựng thành bang với chế độ nô lệ, từng bước phồn thịnh lên với địa vị minh chủ liên hiệp các bang của Greece (Hy Lạp) thành tổ chức đồng minh. Năm 538 trước Công Nguyên cũng trên núi Akro-Poliszu đã xây dựng miếu thần theo kiến trúc tôn giáo, từ đó thành Athens trở nên nổi tiếng, hình thành nên một thế lực mới: Athens của vùng Địa Trung Hải. Thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, nó lại bị La Mã thôn tính, đến năm 1458 thì bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ suốt 400 năm, kể từ năm 1830 mới chính thức trở thành thủ đô của vương quốc Hy Lạp (Greece).
Đền Parthenon được coi là mẫu mực tinh xảo nhất của kiến trúc cổ điển và là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc. Kiến trúc sư Ictinus, người Ionia miền Đông Hy Lạp, không thẹn là bậc thầy lớn về thấu thị kiến trúc. Ông đã để lại cho đời sau một tác phẩm hoành tráng đến như vậy, dù thời gian đã làm tường long vách lở nhưng nó vẫn có một vị thế uy nghi choáng ngợp. Đền Parthenon được xây trên nền đất thành Athena thời kỳ xa xưa (Athena là một nữ thần anh dũng, người bảo hộ nghệ thuật, một nữ thần đồng trinh và cũng là thần bảo hộ thành Athens), dài 69,5m, rộng 30,5m, có phong cách kiến trúc Doris với hành lang cột chung quanh và hành lang cột bên ngoài vây lấy nội điện. Trong nội điện có khám thần với pho tượng nữ thần lớn bằng vàng và ngà voi, có 46 cây cột lớn rãnh lõm do rất nhiều đá cẩm thạch lớn xếp thành, đỡ các dầm hình tam giác với nóc bằng gỗ. Ngôi đền nhìn tổng thể khá đơn giản, hình chữ nhật, nhưng các chi tiết bên trên các dầm cột lại rất tinh xảo. Cũng giống như phần lớn các ngôi đền khác thờ thần Hy Lạp trên thế giới, nhưng ngôi đền này xưa nhất và hoành tráng nhất.
Hiện nay, dù kế hoạch trùng tu bị phá sản, nhiều cây cột bị kéo đổ, các tác phẩm điêu khắc bị nước ngoài thu giữ, nó vẫn là nhân chứng của nền văn minh nhân loại cổ xưa, thăng trầm qua mỗi thời kỳ, đã từng là giáo đường chính giáo phương Đông Hy Lạp, giáo đường Thiên Chúa giáo La Mã, từng được dùng làm đền Hồi giáo, và đã từng là kho đạn dược của quân Thổ Nhĩ Kỳ…v.v... Trải qua bao đổi thay, Parhenon vẫn như một triết gia câm lặng và chịu đựng …
Athens, thành phố của nữ thần kỳ diệu. Cuộc sống êm đềm hiện nay của nó như đang còn mãi chiêm nghiệm một quá khứ hào hùng của vùng đất kỳ bí, đầy sự tích, một vùng đất thánh thiêng liêng của người Hy Lạp. Cô bạn gái người Athens, đôi mắt to, mái tóc đen dài, bảo chúng tôi phải dành một phút mặc niệm trước khi bước qua một tảng đá thiêng ở ngôi đền cổ. Trong tôi bỗng trào lên một cảm xúc khó tả: giữa đất trời không thể nào chỉ là cát đá trơ trụi, không lẽ chỉ là những hạt bụi bay vòng vòng trong vũ trụ? Nhà thơ Đức Goethe cũng từng thắc mắc: "Giữa trời và đất hẳn phải có cái gì khác nữa? ". Tôi hy vọng một sự kỳ diệu xảy đến, một điều thiêng liêng sẽ xuất hiện, và nó hiện ra thật!. Không cụ thể để ta sờ mó, nhìn thấy. Tự trong sâu thẳm của ký ức, tôi như nhìn thấy hàng trăm ngàn người đang âm thầm xây dựng, họ là hàng ngàn nghệ nhân cổ đại đang miệt mài tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trường tồn với thời gian để những gì trong tim óc thấy được và sờ được cho hàng ngàn năm sau...
Một tiếng còi tàu bỗng vang lên, ngân mãi từ Địa Trung Hải. Ánh mặt trời dần lịm tắt. Hoàng hôn phủ một màu xanh xám lên thành phố. Cảnh tượng thật tuyệt vời, không gian như lắng đọng. Chìm ngập trong một cảm xúc khó tả, tôi lọt vào một thế giới nào đó mà mình như vô tình lọt vào vòng xoáy và lang thang như kẻ mộng.
=========================
Sofia - thành phố đi bộ tuyệt vời

Không giống như thủ đô của nhiều nước, Sofia không cuốn hút mọi người bằng sự đông đúc, ồn ào và tất bật kinh tế mà bởi sự cổ kính và hiện đại được quy hoạch tỉ mỉ, chăm chút ở từng cảnh quan...
Một chiều giao mùa, mưa và hơi lạnh phủ một màu xám trắng. Đến lần thứ hai, Sofia, với tôi, thân quen giống như đi đâu đó nay về nhà mình. Cũng cảnh ấy, người đây. Cũng cái lạnh ẩm ướt của mưa phùn giống Huế một ngày giá lạnh. Cũng cây cỏ một màu nâu sậm, một vài mầm lá bắt đầu nhú lên chờ cơn mưa dứt hạt. Sofia đang trở mình để hòa vào dòng chảy thế giới. Cảm nhận ấy như bày ra cùng với những hàng quán sầm uất, xe cộ tấp nập hơn cách đây vài năm. Những ngày lưu lại Sofia, tôi ở trong một căn hộ chung cư nhỏ gần trung tâm thành phố.
Tôi không như một khách lạ lần đầu tiên đến Sofia, tự bằng lòng (mà cũng không còn chọn lựa nào khác!) với những "tour" tham quan đã được người ta dọn sẵn, thường chỉ biết sân bay, khách sạn, một số công trình kiến trúc, và thế là hết. Tôi cũng không là một doanh nhân đến đất nước này để trao đổi một thương vụ với những cuộc bàn thảo, thương lượng có khi gay gắt về một hợp đồng mua bán hay tranh cãi quyết liệt về một điều khoản hợp đồng nào đó thường làm con người hao tổn sức lực. Lần này về với Sofia, tôi như một gã "Ta ba lô", vai mang ba lô, lang thang khắp phố hệt như một đệ tử Cái bang, tự thưởng cho mình những vui thú khi đặt chân đến một chốn xa lạ, bước đi trên những con đường, con phố, những làng quê quyến rũ và có sức hấp dẫn mãnh liệt.
Ở Sofia, cộng đồng người Việt cũng khá đông, phần lớn là sinh viên và người đi hợp tác lao động. Rất nhiều người đã lập gia đình với người bản xứ và ở lại làm ăn, buôn bán, mở công ty riêng. Đàn là một người có hoài bão và tham vọng lớn ở đây. Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, anh ở lại mở công ty kinh doanh đủ loại hàng hóa trải rộng khắp bán đảo Balkan thậm chí có nhiều chi nhánh ở Istanbul, Hungary và Rumani... Công việc kinh doanh của anh xem ra khá phát đạt với một đội ngũ nhân viên đông đảo phần lớn là người Sofia, Việt Nam và Hungary. Mỗi buổi chiều cùng tôi dạo quanh khu vực trung tâm, Đàn say sưa kể về thành phố xinh đẹp này cùng những dự định đầu tư của anh khi đất nước này hồi phục kinh tế ...
Bulgaria, đất nước của hoa hồng với thủ đô Sofia cổ xưa nhất bán đảo Balkan, có một lịch sử trải dài hàng ngàn năm trước. Người ta đã phát hiện được nhiều ngôi làng vào thời kỳ đồ đá mới, các vết tích của thời kỳ Chalocolithic ngay tại trung tâm hiện đại Sofia. Người nguyên thủy Thracian Serdi đã định cư ở đây vào thế kỷ 17 trước Công nguyên và đặt tên là Serdica, người Byzantines gọi Sofia là Triadisa, người Slavs gọi là Sledets. Thành phố được chính thức mang tên Sofia vào thế kỷ 14 theo tên vị thánh La Mã St.Sofia. Trong tiếng Hy Lạp, Sofia có nghĩa là "sự thông thái". Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, người La Mã đã xây một bức tường lớn xung quanh Serdica (Sofia ngày nay), hình thành nên một điểm dừng chân quan trọng trên con đường La Mã từ Naisus (Nish hiện tại thuộc Nam Tư) đến Constantinople.
Sau cuộc xâm lăng của người Phổ năm 441, thành phố được người Byzantines xây dựng lại. Người Slaves đã tạo cho Sledets vai trò then chốt trong đế chế Bulgaria II. Vào năm 1018, người Byzantines trở lại nắm quyền Triadisa. Vào cuối thế kỷ 12 là người Bulgaria và Sledets trở thành trung tâm thương mại chính của Bulgaria II, rồi người Phổ chiếm đóng Sofia năm 1382 và biến nó trở thành trung tâm của người Phổ Rumedian. Thành phố bị suy tàn vào thế kỷ 19, nhưng với sự thiết lập trật tự của đế chế Bulgaria III, Sofia trở về làm thủ đô của Bulgaria. Thành phố này đã thay đổi nhanh chóng từ hình ảnh đô thị phương Đông sang đô thị châu Âu. Ngày nay nhiều đường phố, cao ốc, công viên thậm chí toàn bộ vùng chung quanh vẫn giữ nguyên kiến trúc từ thời chuyển giao thế kỷ. Từ năm 1879 đến năm 1939 dân số Sofia từ 20.000 đã tăng lên 300.000 người và ngày nay là xấp xỉ 1,5 triệu người. Nhiều công trình khảo cổ gần đây đã cho chúng ta biết về một lịch sử phong phú của thành phố: nào là cổng những lâu đài, những ngọn tháp thời kỳ Serdica, những công trình công cộng và hàng ngàn con đường cũ. Một phần lớn thành cổ Serdica nằm ngay dưới các tòa nhà lớn, tòa nhà Hội đồng thành phố cổ nằm dưới khách sạn "Sheraton", phần lớn pháp đình La Mã cũng nằm dưới Bảo tàng lịch sử quốc gia, hồ tắm La Mã nằm dưới nhà tắm nước khoáng Sofia và một khu dân cư La Mã với các chi tiết xây dựng tinh xảo nằm ngay dưới khách sạn Rita.
Không giống như thủ đô của nhiều nước, Sofia không cuốn hút mọi người bằng sự đông đúc, ồn ào và tất bật kinh tế mà bởi sự cổ kính và hiện đại được quy hoạch tỉ mỉ, chăm chút ở từng cảnh quan, từng khung cảnh chính như quảng trường Alexander Batenberg, quảng trường Narodno Sabranie và đại lộ Sa Hoàng Ossvoboditel lát gạch màu vàng úa. Trung tâm thành phố có thể giới hạn bởi các con đường Vitosha, Patriareh Evtimii, Vasil Leski và đại lộ Stamboliski, trung tâm TSLM nằm ngay phía bắc quảng trường Stera Nedelia. Những quảng trường này là không gian mở của Sofia, nơi du khách và cư dân gặp gỡ nhau hàng ngày, cùng rảo bộ mà không mấy bận tâm về an toàn giao thông với lề đường rộng và cây xanh được trồng kín từ rào cổng cho đến công trình bên trong.
Hai tuần tôi ở đây cũng là lúc mùa đông chính thức rời xa, khí hậu ấm áp hẳn lên, cây cối như có phép lạ xua đi bầu không khí lạnh lẽo và nâu xám trước đó. Một buổi sáng, thành phố như bừng tỉnh sau một mùa ngủ đông, màu xanh tràn ngập khắp phố, hoa hồng bắt đầu nở rộ, chim chóc khắp nơi bay về làm tổ, réo gọi nhau inh ỏi. Trong cơn phấn khích cùng đất trời và con người nơi đây, tôi quyết định đi bộ dọc đại lộ Vitisha, ghé một vài quầy bán hàng lưu niệm và uống một tách cà phê tại quán Harana nổi tiếng, rồi xuyên qua những khu vườn rậm rạp để đến Viện văn hóa quốc gia, một kiến trúc hiện đại nằm trong khu đất rộng lớn bao quanh là cây xanh trông giống Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Ngồi đây thật thú vị khi ngắm nhìn một Sofia với những cụ già ngồi trông cháu, những chàng trai cô gái chơi ván trượt, những người lớn tuổi tán gẫu, những cặp tình nhân bên nhau âu yếm. Bên dưới Viện văn hóa là bến tàu điện ngầm với nhiều hàng quán, nơi trú gió cho Sofia những ngày giá rét. Ngắm chán, chúng tôi đi ngược trở lại đại lộ Entimi, rồi vòng qua Đại lộ 6 tháng 9 đến một khu dân cư kiểu mẫu nằm gần khu trung tâm thành phố, một con đường đẹp đơn giản với hoa hồng nở rộ hai bên. Những khu dân cư thấp tầng được quy hoạch ngay ngắn với hoa hồng trồng kín cửa sổ, bên dưới là hàng quán và đặc biệt là quán cà phê, nơi được xem là chợ quà lưu niệm, đồ trang sức, sách, tranh ảnh... Một con đường gạch nhỏ dẫn đến quảng trường Quốc Hội và một tượng đài lớn dành cho những người đấu tranh vì tự do, tượng đài cưỡi ngựa của Sa Hoàng Nga Alexander VI, người đã có công chiến đấu vì độc lập của Bulgaria. Phía bên kia là đại lộ Sofia với ngôi mộ của Ivan Vazou (nhà văn Bulgaria nổi tiếng), rồi từ đó hướng về hướng Tây là đến công viên trung tâm thành phố với Nhà hát kịch nghệ quốc gia bên trong, được đặt tên là nhà hát Ivan Vazou. Các nhà quy hoạch đã tạo nên một không gian mở sống động với vườn cây, công trình kiến trúc điểm với các tượng đài cổ điển lẫn hiện đại, những tượng đài ghi dấu những thời điểm lịch sử khác nhau đã được giữ gìn trân trọng.
Giống như các thành phố thủ đô khác của châu Âu, Sofia cũng nổi tiếng với các bảo tàng và nhà thờ hoành tráng. Bảo tàng lịch sử quốc gia có bộ sưu tầm hiện vật lớn nhất được xây dựng năm 1981 để kỷ niệm 1300 năm thành lập nhà nước Bulgaria. Đồ vàng bạc châu báu thời Thracian được trưng bày, những đồ gốm thời Trung cổ và bộ sưu tập khổng lồ thời Phục quốc. Bảo tàng khảo cổ quốc gia ở đại lộ Stamboliski nằm ngay trong thành phố Buyuk, một kiến trúc của thế kỷ 15, rồi Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Nghệ thuật v.v.. Những bảo tàng này được đặt trong các công trình kiến trúc cổ mới phục chế, và ở vị trí thuận tiện cho việc đi bộ, tạo được ấn tượng tốt về bố cục không gian của khu trung tâm.
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là hệ thống nhà thờ. Nhà thờ tưởng niệm Alexander Nevski được xây dựng để tôn vinh 200.000 lính Nga hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng Bulgaria năm 1877-1878, với mái vòm bằng vàng với những bức bích hoạ trên tường phía bên ngoài, quanh cánh cửa lộng lẫy hoành tráng. Những nghệ sĩ và thợ thủ công đã làm việc suốt 30 năm để xây dựng ngôi giáo đường này cùng hơn 300 bức tranh sơn tường và những trang trí bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch nhiều màu, thạch cao, vàng và những hình Chúa sưu tập được từ khắp đất nước Bulgaria.
Ngay bên cạnh là nhà thờ thánh Sofia (tên thủ đô cũng đặt theo tên vị thánh này). Công trình kiến trúc màu nâu đỏ tĩnh lặng này được xây dựng trong suốt thế kỷ thứ 6 trên mặt bằng hình chữ thập Byzantine cổ điển với mái vòm tại chỗ giao nhau...Nhà thờ thánh Nielas được xem là nhà thờ đẹp nhất với mái mạ vàng và chóp nhọn màu ngọc lục bảo. Nhà thờ thánh Nedelya, thánh đường Banya Bashi.v.v.
Những nhà thờ này như những cột mốc lịch sử của Sofia, từng ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân thành phố. Sofia đẹp nhờ biết gìn giữ các bảo tàng, nhà thờ và vô số các công trình xưa cũ của từng thời kỳ lập nước. Những công trình hiện đại được xây dựng cẩn trọng để không phá đi sự hài hoà giữa quá khứ và hiện tại cho từng góc phố, ngõ hẹp thậm chí ngay cả bên dưới lòng đất.
Sofia và đất nước Bulgaria lúc này còn đang khó khăn do những khủng hoảng chính trị triền miên. Cuộc sống đang cầm cự với khoảng 30 Leva (300.000 đồng Việt Nam), tương đương tháng lương thấp nhất cho một nhân viên công ty. Lương tháng của một kiến trúc sư như KTS Vladimir của chúng tôi chỉ đủ tiền mua một ổ bánh mì đen gặm từ sáng đến tối với một ít đường. Anh cho biết hiện rất khó tìm được việc làm , rất nhiều người phải bỏ nghề và chấp nhận công việc trái khoái. Cô em gái Rossitza của anh vừa tốt nghiệp đại học tổng hợp nhưng suốt một năm qua vẫn nhưng chưa tìm được việc làm. Cô chỉ mong công ty nào đó ở Việt Nam trả cô 100USD/ tháng thì cô sẽ nhận làm ngay!
Đến thăm đất nước này, nếu chỉ nhìn những lăng tẩm cổ kính, những cung điện huy hoàng, những thành quách, đền đài to lớn, những kỳ quan được đưa vào sách báo, chắc khó cảm nhận hết những khó khăn. Riêng tôi, những cuộc tiếp xúc thân tình với người dân ở thành phố xinh đẹp này, đã để lại vẫn cho tôi những ấn tượng khó phai về nhân cách của họ, những người dân - nghệ sĩ, họ bằng lòng với cuộc sống khiêm tốn nhưng đầy nhân ái... như đóa hồng của Sofia. Bulgari giàu có với hoa hồng, hoa hồng tràn ngập trên công viên, lề đường. Ai đó thích hoa Đào, hoa Mai, thích hoa Anh Đào... còn tôi lại tôn sùng hoa hồng, loài hoa biểu tượng cho tình yêu, cho lòng tôn trọng. Nhớ những lần hẹn hò thời sinh viên, gã si tình ngày ấy là tôi cứ lăng xăng chạy chọn một cánh hoa còn hé nụ có đủ cành lá và gai, giấu trong áo mà gai cào chảy máu, rồi vội vã đạp xe tới nhà nàng. Những ngày sinh nhật mẹ thời bao cấp, cũng chỉ đủ tiền mua tặng mẹ một cành hồng! Hồng Bulgari thật đẹp, đủ màu sắc và rực rỡ, gợi nhớ cho tôi nhiều kỷ niệm. Ngồi cùng Lê Văn Nghĩa ở quán cóc trên lề đường Sofia, tận hưởng cái se se lạnh bên vườn hồng vừa hé nụ, màu xanh của lá chen lẫn những đóa hồng còn đẫm hơi sương, vừa nhâm nhi tách caphê nóng buổi sáng quả thú vị! Nhưng thú vị nhất là được nhìn ngắm những đóa hồng Sofia di động trên phố. Phụ nữ Sofia có vóc dáng nhỏ nhắn của người châu Á, làn da nửa Âu nửa Á, khuôn mặt là sự hòa đồng của người Ả Rập với đôi mắt to, đen, lông mày rậm. So với cô gái Đức, Hà Lan quá to cao, cô gái Nga da trắng bệt, cô gái Pháp quá nghiêm nghị... (chỉ là nhận xét vui!) thì cô gái Sofia vẫn toát lên vẻ dịu dàng, đằm thắm, sự e ấp của người châu Á và kín đáo của phụ nữ đạo Hồi.
Thành phố của hoa hồng. Thành phố của những nụ cười Bravo. Thành phố của những con người thân thiện. Thành phố đi bộ tuyệt vời. Sofia sẽ mãi là điểm đến của mọi người...

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG ( TuoiTre )
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive