Your Adsense Link 728 X 15

P02: Ngũ Tử Cướp Cái

Posted by Kenny Phạm 8/7/10 0 nhận xét
Đại lộ Nguyễn Huệ, lối dẫn vào câu chuyện này là con đường đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh. Tới thăm thành phố mà không thả bộ một lần dọc con đường ấy kể như chưa biết nơi mình đến.
Thành phố còn rất trẻ, mới 300 năm tuổi khẩn hoang, cứ nhởn nhơ trên đường ấy cùng một dân Sài Gòn sành điệu, vừa đi vừa hỏi thì chỉ từ bờ sông tới sát nhà Ủy ban nhân dân cũng đã học được bài lịch sử Nam bộ, không thiếu trang nào. Thì đó, đứng ở bến Bạch Đằng, chỗ cột cờ Thủ Ngữ, ngọn cờ dẫn đường cho tàu biển theo sông Bến Nghé vào cảng Nhà Rồng là có thể nhìn thấy cả vùng này thời dân khẩn hoang cắm sào, bắt đầu khẩn đất, để rồi tới đận Bến Nghé của tiền tan bọt nước.
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây, đất mình khẩn mất vào tay thực dân viễn chinh. Từ bến sông mà đi vào hơn phân nửa đường, tới đài phun nước, nhìn sang trái, cuối đường Lê Lợi là quảng trường Quách Thị Trang có chợ Bến Thành nổi tiếng. Tháp đồng hồ cửa Nam chợ này trông sang nhà chú Hỏa – nay là bảo tàng mỹ thuật. Chú Hỏa người gốc Hoa, sang Việt Nam thu mua ve chai, đồng nát, mủ bể mà thành tỉ phú, xây được Chợ Lớn Bình Tây. Lại từ đài phun nước đường Nguyễn Huệ bước sang phải vài mươi bước là tới quảng trường Nhà hát lớn trên đường Đồng Khởi, nơi nhà văn Anh quốc Graham Greene vào những năm 50 của thế kỷ trước vẫn ngồi uống cà phê ở quán Grival.
Ngồi ghế phô tơi bày trên lề đường, hóng chuyện thời sự đưa ra từ bốt Catinat ngay gần đấy, vừa chuyện gẫu vừa chờ nghe chuông lễ nhà thờ Đức Bà phía rừng cây nhỏ cuối đường ấy ngân nga. Quảng trường này, vào năm 1999 đã thành bối cảnh chính để biến truyện Người Mỹ trầm lặng của ông thành phim, tại đây một trường đoạn quan trọng, trường đoạn khói lửa nhất của chuyện tình tay ba Anh – Việt – Mỹ đã thực hiện, với sự có mặt của tài tử gạo cội, ngài Michael Caine đóng cặp với diễn viên tuổi hai mươi Hải Yến, thiếu nữ Hà Nội, qua mặt cả ngàn ứng viên người đẹp Á Đông để vào vai. Lại trở ra đài phun nước và bước tiếp về cuối phố, qua vườn hoa tượng đài Hồ Chí Minh là có thể ngồi xuống phiến đá bó vỉa hè, đoạn giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn, mà ngắm nhìn tòa kiến trúc đẹp nhất thành phố, sang nhất thành phố, tòa công thự Ủy ban nhân dân mà tổng thống Pháp Mitterand đã từng vào chiêm ngưỡng, một kiến trúc rất cổ điển, rất Pháp, nhưng các phiến đá nền, đá tảng của chính công trình kiến trúc kia lại là đá núi Bửu Long lấy từ Biên Hòa vào năm 1871 khi tòa nhà này khởi công xây dựng và chính là thứ đá bó vỉa hè khiêm nhường mà du khách hôm nay có thể ngồi lên.
Đường Nguyễn Huệ mỗi dịp tết về lại càng đẹp vì con đường hằng ngày dân cán bộ vẫn chạy xe đi làm, dân bán dạo cuốc bộ kiếm sống, dân học trò áo trắng tan trường bát phố… đã biến thành đường hoa ngày lễ. Từ hai năm nay, mỗi khi tết đến chính quyền thành phố chơi đẹp, bỏ không ít tiền để biến đường bêtông nhựa thành đường hoa mềm mại. Trên con đường dẫn thẳng vào cơ quan công quyền thành phố, rất nhiều hoa chờ người du xuân. Hoa ngồi duyên dáng trên xe thổ mộ để thành xe hoa, hoa bước xuống xuồng ba lá trôi vào ngày vui thành thuyền hoa, hoa nằm nhí nhảnh, đung đưa trên võng hoa, hoa thả xuống từ các đu hoa rồi lại theo nhau, hoa trèo lên các tháp hoa…
Trong rừng hoa của một thành phố hiện đại, đến những củ khoai, củ sắn, những bắp ngô… suốt năm phải lo làm no, mấy ngày tết cũng được huy động vào cuộc làm đẹp, được nằm trên mặt đường như một tác phẩm sắp đặt – installation, hướng đến đoạn kết có hậu của một đời hoa đẹp. Trên đường nhựa đen lại có hẳn một mảng xanh màu lá mạ của cây lúa non chưa làm đòng, xanh như tiền vận của những thứ bông đẹp mãn khai đang hiện đầy một đường kia. Lạ nhất là những viên gạch thẻ màu lửa hồng, được đứng xít vào nhau khỏi cần vôi vữa, ken vai giữa hoa, xếp thành những bồn hoa tạm hình sao xòe cánh, hình trăng khuyết, trăng tròn… cứ đứng mộc như thế mà hóa gạch bông, gạch hoa!
Từ sông Sài Gòn đổ lên, mỗi khi tới giao lộ, đường hoa lại được gạch nhịp bằng một cột biển tên đường ghi chữ Nguyễn Huệ. Tên người anh hùng là tên loài huệ trắng đài các vẫn đứng đấy bao năm nay, nhưng vào ngày giáp tết này, khi đường nhựa thành đường hoa thì mới ăn nhịp đến thế với khung cảnh chung! Dưới cột tên đường chỗ ngã ba Mạc Thị Bưởi một cụ đồ tân thời, còn trẻ măng, nhưng khăn đóng áo dài đàng hoàng. Trên ngực đeo biển ban tổ chức hội hoa xuân hệt như các quan văn ngày xưa đeo bài ngà. Trên thẻ ấy ghi rõ tên Toàn Tâm. Thầy đồ Tâm bày mực Tầu, lụa điều, giấy đỏ, chơi trò thư pháp, góp vào hội xuân những bông hoa chữ.
Một người đàn ông ăn bận sang trọng, đang bước rất gấp thì dừng lại nhìn các bức chữ chào hàng. Bức Thôi Hộ, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Bức Nguyễn Công Trứ, Gió trăng chở một thuyền đầy. Bức Tản Đà, Ngày xuân như ngựa đầu xanh bạc. Bức Xuân Diệu, Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Bức Nguyễn Bính, Uống say cưỡi vỡ ba gian gác. Bức Hoàng Cầm, Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp. Bức Trịnh Công Sơn Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau… Ông khách đặt tay vào vai đồ Tâm:
- Này cháu! Cháu có nhìn thấy chậu đào Nhật Tân để trên cái xe tải nhỏ đậu trong bãi xe kia không?
Theo cánh tay chỉ, đồ Tâm thấy một gốc đào thế thật lớn, đã có thể gọi là cổ thụ, được chằng buộc cẩn thận. Ông khách nói tiếp:
- Chú muốn có một câu đề tặng treo trên cành đào gửi về dưới quê. Câu này được không?
Ông khách chỉ tay vào câu thơ của Thôi Hộ, hoa đào năm ngoái…
- Đó là đào Trung Quốc, thưa chú. Đào Nhật Tân Việt Nam chạy đường xuân thì phải câu này mới hợp!
Đồ Tâm cầm lên quyển sổ dày cộm, đã cũ mèm, đã lật một lần là tới được trang cần mở, đưa cho khách. Ông khách đọc lướt rồi nói:
- Cháu lựa giỏi! Đúng thứ đào ấy. Nó mới bay theo chú từ Hà Nội vào. Lại sắp tốc hành ba trăm cây số nữa đó. Cháu viết lên đi!
Đầy hứng khởi, đồ Tâm viết trên lụa điều bài thơ hoa tứ tuyệt. Chế Lan Viên kể tình sử Nguyễn Huệ - Ngọc Hân. Bài thơ có bày bán ở nhà sách lớn nhất thành phố, số 40 đường Nguyễn Huệ này. Bức thư pháp quốc ngữ của đồ Tâm có bốn hàng chữ dọc, tạo dáng vẻ chữ Nôm rất thịnh hành ở cái thời mà câu chuyện tình này bắt đầu. Lối viết bay bướm nhưng sắc sảo, nét chữ lẫn vào hơi thơ, nhất khí. Nhìn toàn cục, thế bút như một đường gươm:
Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào?
Mai vàng xứ Huế dễ khuây đâu!
Đào phi theo ngựa về cung nhé!
Nở cạnh đài gương sắc chiến hào…
Ông khách trả tiền, cầm cái ống nhựa làm giả đoạn trúc dài hơn gang tay đựng vuông lụa thơ, đưa cho một thanh niên đứng sau lưng ông:
- Con chạy ngay cho kịp giao thừa! Nói với thím Hai, mùng năm chú mới về ăn tết được.
Rồi mỗi người mỗi ngả. Anh thanh niên bước như chạy tới bãi xe. Ông khách trở lại đường Mạc Thị Bưởi, bước vội lên cái tắc xi vừa xuống khách.
Đồ Tâm chợt nhớ mình chưa đưa sợi dây chuyền mạ bạc dùng để treo bài tứ tuyệt kia. Anh cũng bỏ mực tàu giấy dó mà chạy nhanh ra bãi xe, kịp chặn chuyến xe hoa mang biển số của tỉnh Cà Mau và hàng chữ Công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản…
Gấp gáp thế này thì đúng thương trường là chiến trường rồi. Chiến trường xưa nối chiến hào, mở đường hoa cho thương trường nay. Ứng xử tứ tuyệt của bậc anh hùng đa tình kia lại vừa theo ngựa trạm mà tái xuất giang hồ, ngược thời gian về làm đẹp cho đường hoa Tết kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước! Về làm mẫu cho một thương gia tình si, cách chơi đẹp, thay ngựa trạm bằng xe Ford Escape chạy tiếp đoạn đường xuân, kịp mang đào Nhật Tân Hà Nội về đất mũi đón năm mới! Ông đồ trẻ nghĩ thế khi rút ra ngắm nghía tờ 100.000 đồng tiền công vừa nhận. Đồ Tâm mừng vì đã lo đủ tiền đóng hụi nghĩa kỳ này. Anh muốn khoe với cô bạn gái của mình về khoản thu hậu hĩnh, liền thu dọn đồ nghề, cho tất cả giấy mực vào balô, nhập vào dòng người du xuân.
TRẦN QUỐC TOÀN
===========================
Cũng trên đường hoa Nguyễn Huệ, mấy anh mới lớn, mặt bấm ra sữa đang xúm vào chọc ghẹo cô bạn gái của đồ Tâm. Một đứa bỏ tiền ra mua tất cả những con tò he cô đã nặn.
Một nghìn một con bất kể đấy là Tôn Ngộ Không hay Trư Bát Giới, là anh bộ đội dép râu mũ cối, mắt phượng mày ngài hay ông Quan Công mặt đỏ lựng vì vác thanh long đao quá nặng! Mua hết để có dịp đưa ra một yêu cầu khiếm nhã:
- Này em! Em có vẽ được vũ nữ khỏa thân không? Vẽ cho anh một cô anh trả mười nghìn. Da đỏ hay da đen gì cũng được, miễn là đủ đồ phụ tùng.
Thu mím môi chịu đựng, mặt cô còn đỏ hơn mặt ông Quan Công vừa bán được. Vì Thu biết, có để mấy đứa nhóc đấu hót như thế, lũ chíp hôi ấy mới bỏ tiền ra mua thứ quà mà chúng không cần đến. Chúng đang cần tán gái để thành người lớn. Còn cô thì đang rất cần tiền! Thấy Thu khẽ gật đầu và bắt đầu nhéo một cục bột trắng, ông khách khiếm nhã rút ngay tờ 10.000 xếp thành một cái phễu có mũi nhọn, rồi cắm tờ giấy bạc vào cục bột màu hồng, khích lệ.
Vũ nữ khỏa thân hiện dần trên tay Thu, lớn hơn những con tò he bình thường đến bốn năm lần. Những cơ phận nhạy cảm nhất, nữ tính nhất đều có cả, nhưng không lõa lồ. Bờ vai nuột nà đổ xuống vùng ngực nở, không một nếp gấp, một thoáng gợn, da thịt mịn như nước chảy. Eo thắt và hông nở. Cái thắt và nở nhịp nhàng như hơi thở kia hiện thành hình. Đôi bàn tay măng đặt vào cái nút thắt tấm voan, thắt khéo như một nụ hoa. Thu đưa vũ nữ mình vừa nặn xong cho ông khách tuổi mới lớn. Anh chàng bỏ hết đám tò he đang cầm trên tay, đón nàng, kính cẩn khác thường. Anh ta thốt lên với lũ bạn:
- Thần vệ nữ. Bọn bay ơi!
Hóa ra, đấy là người có học. Người ấy đã nhận ra tiên nữ trời Tây mà cô thợ tò he xinh đẹp này vừa tạo ra từ đám bột ngũ sắc phương Đông, vàng nghệ, tím cẩm, đỏ dành dành… Cô thợ giỏi còn ban cho bà đôi tay đã lỡ gẫy từ mấy nghìn năm nay. Đôi tay như muốn xổ tung trói buộc, muốn ăn thua với kẻ sỗ sàng, nếu kẻ ấy không biết dừng lại. Anh chàng mới lớn biết mình vừa liều mình chọc ghẹo một đàn chị nghệ sĩ cao tay nghề, một dạng Hồ Xuân Hương trong hội họa. Bằng kinh nghiệm sách vở chàng thấy sợ và trở nên ngoan ngoãn:
- Cảm ơn chị! Chị ơi, năm nay em thi Đại học Mỹ thuật! Chị có thể giúp em không?
Đúng lúc này thì đồ Tâm tìm ra chỗ Thu và cái thùng tò he của cô. Thu nhìn Tâm rồi nói lớn như khoe với Tâm nguồn thu nhập mới của mình:
- Được chứ! Em có thể tới chỗ chị luyện thi! Một thầy một trò! Đây! Số điện thoại của chị.
Trước sự ngạc nhiên cao độ của mấy anh trai mới lớn, Thu dùng tay trái lấy lại bức tượng vệ nữ. Rồi bằng tay phải cô vân vê bả vai bức tượng nhỏ, làm như bả vai bà là một keyboard phím chữ. Và bằng những móng tay của mình Thu để lại trên ấy con số 0913637660. Vệ nữ chẳng hề hấn gì dù bà vừa được xăm mình, để hình hài dễ hòa nhập với tuổi hai mươi của thế kỷ 21 này!
Tâm và Thu đi dọc đường hoa Nguyễn Huệ từ chỗ đài phun nước, hướng ra sông Sài Gòn để tìm chỗ ăn cơm chiều. Lệ thường họ vẫn ăn cơm gánh bình dân, nhưng hôm nay Tâm kiếm được những hơn một trăm nghìn đồng còn Thu sắp thu được học phí dạy thêm, hai người đều muốn chơi sang, tranh nhau đãi bạn. Phần thắng thuộc về Tâm, anh mời Thu đi ăn cơm tiệm.
Như chiều hai kẻ đang yêu, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Dậu 2005 này, đẹp hơn hẳn Tết Giáp Thân năm ngoái. Tết này đường hoa Thành phố Hồ Chí Minh còn có đầm sen Tháp Mười, thành giếng đá ong Sơn Tây chân núi Ba Vì, có đồi cát và hoa xương rồng Phan Thiết, trảng cát và hàng dương Quảng Bình, có vựa lúa giàu nứt đố, có những cô cậu bù nhìn rơm gầy như Phật cỏ Tuyết Sơn, có cầu khỉ nghèo quắt queo, có cả xe tay thời ngựa người không thể quên và xe cần cẩu chạy bàn tiệc! Vào tối khai trương 23 tháng Chạp, con đường này còn dẫn vào một dạ tiệc quốc thực với cả nghìn thực khách thứ dân, cùng ăn những miếng ngon chia đều từ cặp bánh tét tổ, bánh ông và bánh bà mỗi vị nặng hàng tấn, được anh xe cẩu cung kính nâng lên dâng lễ. Là người đang viết sử cho con đường này, Tâm ghi lý lịch của cặp bánh tổ trong sổ tay của mình, cặp bánh tét khổng lồ đang chờ ngày vào kỷ lục Guiness thế giới: “Mỗi đòn bánh sử dụng 700kg nếp, 120kg đậu xanh, 100kg nhân thịt và khoảng 300kg lá chuối cùng dây buộc, với nhiên liệu gồm khoảng 80m3 củi, 100m3 nước và huy động 30 nhân công thực hiện. Thời gian gói bánh và nấu bánh  mất 56 giờ (48 giờ nấu bánh). Bánh được nấu chẵn cặp trong một lò nấu tự chế kích thước 1,60m x 2,60m x 5,50m, sau khi nấu, mỗi bánh có trọng lượng 2 tấn”.
Qua một giang sơn thu nhỏ trên đường Nguyễn Huệ, Tâm dẫn Thu vào con hẻm cụt bên hàng số lẻ, tay phải, leo một cầu thang tối, vào quán bà Cả Đọi, cơm Bắc. Tâm biết được một quán ăn ém kỹ như thế, bí mật địa điểm như thế là nhờ anh đang thực hiện một hợp đồng với Sở Du lịch thành phố, soạn địa chỉ đường Nguyễn Huệ, cung cấp cho các hướng dẫn viên du lịch. Anh đang tham gia làm phong phú sản phẩm du lịch cho thành phố này, con đường này. Mới lần đầu làm thực khách ở đây, nhưng con mọt sách này đã thuộc lòng thực đơn. Đây là quán rau muống luộc xanh bốn mùa. Cà muối trắng nõn bốn mùa. Mùa hè muốn gọi bát canh sấu thịt nạc, ăn cho mát ruột cũng có. Tùy từng bữa bà chủ quán sẽ khoe, đây là canh sấu hồ Gươm, hàng sấu già gần nhà Bưu điện trung tâm, hay canh sấu cổng thành cửa Bắc, cái gốc sấu lẻ bạn gần vết sẹo đại bác. Quán bà Cả Đọi có cả thịt đông để người phương Bắc được nhớ rét; được ngắm nhìn thử đồ ăn tiết kiệm chất đốt, chỉ nấu một lửa rồi khéo đùm thành những khối tuyết băng cẩm thạch, đẹp như một tháp Rùa nhỏ. Đẹp đến không dám nhìn lâu, phải ăn ngay, để cẩm thạch chưa kịp trở lại đời thịt dưới cái nắng nung hàng quán phố thị.
Thu ăn rất ngon miệng vì đói, vì mỗi món đều được Tâm châm thêm gia vị văn chương như thế. Nhưng hai người ngồi tiệm mà và với gắp tới tấp như đứng bếp ăn tập thể, vì họ vội trở ra với đường hoa để còn nặn tò he và viết chữ kiếm tiền. Họ đang rất cần tiền.

TRẦN QUỐC TOÀN ( Tuoi Tre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive