Your Adsense Link 728 X 15

P03: Ngũ Tử Cướp Cái

Posted by Kenny Phạm 8/7/10 0 nhận xét
Nhưng xin mời bạn đọc trở lại với đêm giao thừa năm Ất Dậu 2005 và nhóm ngũ từ cướp cái. Đêm nay cả nhóm họp hụi nghĩa, và ăn tiệc tất niên tại “bảo tàng danh nhân mi ni” trong xóm lao động Cầu Bông, gần cà phê Cát Đằng đường Trần Quang Khải.
Đêm nay 5 quân tốt đỏ này có cuộc họp khẩn cấp để tính chuyện, ngay từ những ngày đầu năm, họ phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải tích lũy tài lực và ém quân để ra đòn quyết định, quyết lấy lại bằng được tự do đang bị chiếm đoạt, trả lại cho anh tài xế xe lam có cái tên rất đẹp Hòa Bình mà bạn đọc đã biết.
Chuẩn bị địa điểm cho tất niên hội nghị là cựu chiến binh trẻ Hải Phong. Chúng ta cùng tìm gặp nhân vật này. Thật bất ngờ, ở nơi tận cùng con hẻm nhỏ thắt đuôi chuột dẫn vào xóm lao động ven kênh Nhiêu Lộc, trong một căn nhà chưa đầy 10 mét vuông lại trưng bày rất trân trọng chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, 42 vị tổng thống các nhiệm kỳ của nước Mỹ và chiến binh lãng tử Che Guevara… Đó là nhà riêng của Hải Phong, người lớn tuổi nhất nhóm, sinh 1959. Dù đã từng là bộ đội, từng tham chiến bên Campuchia trong đoàn quân giải phóng nhân dân nước bạn khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Pôn Pôt, nhưng vẫn còn là sinh viên, vẫn độc thân nhưng ông cụ non này vẫn được sinh hoạt cùng nhóm với Thu, Tâm, Hùng, Thắng.
Sau 4 năm 8 tháng mặc áo lính và đã từng tham chiến thật sự, vào năm 1982 Hải Phong giải ngủ tìm đi tìm việc và cơ quan xí nghiệp nào cũng ưu tiên mời anh làm nhân viên… bảo vệ. Biết làm sao, học xong trung học là vác súng thì chỉ có nghề bảo vệ. Nhưng bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ. Rất oai! Chứ bảo vệ cơ quan xí nghiệp kiểu tay ngang như thế, suốt đời sẽ chẳng nghề ngỗng gì! Phải học nghề! Nghề Hải Phong đã từng làm quen là nghề vẽ, tìm cách học lấy nghề ấy. Chẳng là nhà Hải Phòng rất gần rạp chiếu bóng Văn Hoa, ngày ấy nó chưa thành cà phê Cát Đằng như hôm nay. Vì mê xem phim nên Hải Phong đã nhận chân điếu đóm cho anh học sĩ vẽ pa nô quảng cáo phim của rạp, để mỗi kỳ thay pa nô, được ở lại rạp xem phim miễn phí. Phim Pháp Một chút mặt trời trong ly nước lạnh Deneuve thủ vai chính, phim Mỹ Docteur Jivado kinh điển, có điệu valse của nàng Lara, phim Mỹ ợChuyện tình thời thượng – “biết dùng lời rất khó để mà nói rõ ôi biết nói gì cuộc tình quá lớn…” hồi trước giải phóng 1975. Rồi phim Liên Xô Người cá, Chó Bim trắng tai đen, Bản xônat bên hồ, phim Ba Lan Thầy lang… Con mọt phim Hải Phong đã học pha màu quẹt cọ từ đấy, đã biết đóng khung căng vải từ thời còn là học sinh trung học đệ nhất cấp.
Với bằng ấy kinh nghiệm hội họa, lại là cựu chiến binh, Hải Phong xin được một chân hợp đồng trong xưởng mộc của Hội Mỹ thuật thành phố, để vừa làm khung tranh vừa học lấy nghề vẽ. Tại đây, Hải Phong quen dần với các kỹ thuật sơn dầu và sơn mài, rồi đủ trình độ để các họa sĩ tên tuổi mời làm giúp phần lao động nghệ thuật có thể giao cho người khác trong những tác phẩm mà họ đứng tên. Ai cũng biết, một bức sơn dầu có nhiều lớp sơn, những ông họa sĩ danh tiếng có thể chỉ định màu rồi cho Hải Phong thực hiện những lớp sơn lót trong cùng nhất là với người làm tranh sơn mài, thì cái việc mài những lớp sơn trong cùng lại càng cần đến cơ bắp của những thợ thủ công. Anh bộ đội giải ngũ tiến công ngày một mạnh hơn vào thế giới hội họa. Hải Phong đã kiếm thêm được việc làm khung tranh giả cổ cho những gallery tư nhân, làm tấm vóc cho những họa sĩ dựng tranh sơn mài. Hải Phong đã có đủ tiền học phí để ghi danh học lớp tại chức Trường đại học Mỹ thuật, cùng một trường với Thu. Để được làm sinh viên cho dù tóc trên đầu đã có sợi bạc.
Tay nghề hội họa của Hải Phong ngày một lên và cả xóm Cầu Bông đã được nhờ. Năm năm trước đây xóm này còn chân trên bờ, chân dưới nước đen kênh Nhiêu Lộc. Còn  là xóm… cầu tôm vì tất cả những thùng WC lộ thiên của mỗi nhà đều một lòng hướng ra kênh Nhiêu Lộc mà dốc bầu tâm sự! Thế rồi đường ven kênh được mở, xóm nghèo được ra mặt tiền. Trong bản tin quận 1 vào dịp tết khai trương đường ven kênh có thơ Hải Phong:
Nhà cao, cao tới chọc trời
Đất trong cùng hẻm còn nơi chung tình
Đã trôi cạn kiếp lục bình
Xanh tay rau muống buộc mình vào ta
Lều thủy tạ dạ cầu hoa
Cột tràm mái lá nhốt ta vào mình
Chân trụ trước, chân lội sình
Lắc lư như thể cái bình hết bia…
Hẻm sâu hóa phố! Ô kìa
Cái xe qui hoạch chỉ lia một gầu
Bốn năm lần quẹo sạch làu
Bờ Nhiêu Lộc nước soi màu lan can
Nhà mình xuyệc mấy lần băm
Sáng xuân nay đã thanh tân mặt tiền
Rộn ràng trống thúc ngoài hiên
Một xe ông Địa, mấy thiên miệng cười…
Con đường hẻm cụt ngày xưa bỗng dưng có lối thoát ra đường nhựa ven kênh. Dẫu có ra tới mặt đường thì trong này nó vẫn là hẻm thắt đuôi chuột, vẫn chỉ là một lối thoát nội bộ xóm, rộng chưa đầy một thước Tây, chứ không phải đường đi. Thế nhưng nó thành lối tắt vượt đèn đỏ ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Trần Quang Khải của dân tứ xứ vào những ngày kẹt xe! Những khi ấy xe honda chạy qua, nổ máy rần rần, đinh tai nhức óc. Xóm quyết xây bít lại. Nhưng xây rồi phải phá vì lối đi nội bộ mình đang có, hóa thành không, bực bội không chịu được. Phá rồi lại đinh tai nhức óc. Bức tường ngang 90 phân, cao một mét tám lại được xây, nhưng lần này xây bằng cây cọ của Hải Phong. Nhà riêng của anh chàng độc thân, cái bảo tàng danh nhân mi ni, nằm sát lối thoát ấy.
Vừa muốn yên thân mình, vừa muốn đẹp lòng lối xóm, anh bộ đội trinh sát Hải Phong nghĩ ra một mẹo rất đơn giản. Anh vẽ trên vải nhựa một bức tường ngang dọc hơn trăm viên gạch đỏ, thứ gạch có màu men trang trí, vẫn thấy ngoài Nhà thờ Đức Bà, mạch vữa vẽ sần như thật, rồi treo bít lối đi. Người quen cứ đâm thẳng vào bức vẽ, nó tự tách làm hai mở đường. Nguời lạ, tính rẽ vô, thấy tưởng mới xây, lại quay ra!
Đang ngon trớn việc nhà việc xóm như thế thì căn bệnh đau cột sống đánh Hải Phong gục ngã, đánh ác liệt, hành hạ anh một năm dài. Khi gượng được dậy thì sức lực và tiền bạc đã bị vắt kiệt. Sáng ấy đang ngồi phơi nắng nơi ngạch cửa, chưa biết làm gì để sống thì cô Ba Tầm (tên đầy đủ là cô Ba Bánh Tầm) nhà hàng xóm sát vách, nạo dừa thắng nước cốt, vứt gáo dừa ngoài nắng, ai lấy về làm củi đun thì lấy, tiện tay Hải Phong nhặt một gáo, rồi mày mò dùng dao tách bỏ lớp vỏ xù xì bên ngoài. Màu nâu đen của gáo dừa lộ ra, hớp hồn người đã từng cầm cọ. Hải Phong nhìn thấy trong màu sắc tự nhiên của các miếng dùa, các mảnh gáo dừa bỏ đi kia, những hứa hẹn và thử thách cho ai muốn sáng tạo nghệ thuật và tìm kiếm công ăn việc làm. Cái người đã dựng khung, làm vóc rộng nhiều mét vuông cho người khác vẽ, sáng hôm ấy thử vẽ trên vài phân vuông của những miếng gáo dừa bỏ đi.
Anh vẽ bằng dao như người ta làm tranh khắc gỗ, và ngày này qua ngày khác chân dung những nhân vật nổi tiếng của nhân loại hiện dần trên những gáo dừa Việt Nam. Bắt đầu là chân dung đen trắng. Từ các mảng đen trắng khắc tay bằng dao, Hải Phong dùng cọ mềm điểm sơn để có chân dung màu. Chân dung gáo dừa của Hải Phong có bức để sần, để mộc như tranh dân gian, lại có bức được quang dầu bóng để ánh lên như tranh bày trong các phòng khách sang trọng. Sau kỹ thuật khắc gỗ, cao tay hơn, Hải Phong đưa sơn mài vào tranh gáo dừa. Anh tỉ mẩn gắn từng miếng võ trứng li ti trắng lên nền nâu vân gỗ của những gáo dừa còn nguyên trái, rồi mài theo kỹ thuật cổ truyền, biến thứ trái cây thiên nhiên thành một khối mỹ thuật sang trọng, đẹp mắt nhìn và mát tay nâng. Không chỉ kỹ thuật thể hiện mà nội dung phản ánh cũng được mở rộng, bên chân dung người hữu danh, các vị chủ tịch và tổng thống, các chiến sĩ và thi sĩ đã có mỹ nữ vô danh chép từ tranh cổ Nhật Bản, Trung Hoa; bên tranh chân dung một mặt, đã có tranh tròn nguyên gáo, nghiêng về diễn ý bằng những hình họa trừu tượng, hơn là biểu hình hiện thực. Bảo tàng danh nhân mini, bảo tàng tư nhân trong xóm nghèo – cách gọi của nhóm ngũ tử cướp cái, cứ lớn dần. Vào dịp này anh sinh viên đông phương học Toàn Tâm đang lùng sục thực tế, sách vở để viết báo cáo khoa học “cây dừa trong đời sống người Việt”. Tâm đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy tin:
“Hôm qua 8 tháng 3 một độc giả tên là Hải Phong ở Trần Quang Khải, phường Đa Kao quận 1 đã nhờ chuyển cho ông Rainer món quà lưu niệm khá lạ, chiếc gáo dừa vẽ chân dung huấn luyện viên người Đức này. Anh Phong cho biết: “Đây là món quà kỷ niệm do chính tay tôi làm lấy. Tôi thật sự xúc động trước những cống hiến thầm lặng vừa qua của ông Rainer cho bóng đá Việt Nam. Trước khi ông về nước, tôi muốn t85ng món quà lưu niệm này thay lời cảm ơn”. Tâm tìm đến nhà Hải Phong. Họ thành bạn vong niên, nhóm ngũ tử đã đủ 5 nhân vật.

TRẦN QUỐC TOÀN ( Tuoi Tre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive