Your Adsense Link 728 X 15

P02: Nơi Nào Có Ý Chí, Nơi Đó Có Con Đường - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 21/7/10 0 nhận xét
Hương vị ngọt ngào của thành công

“Sở dĩ ý tưởng của tôi thành hiện thực vì tôi đã không dừng lại sau lời từ chối đầu tiên hay thứ một trăm. Thua keo này, bày keo khác, tôi không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc.”
John Mautner là một chuyên viên phân tích tài chính cao cấp tại một trong năm trăm công ty hàng đầu nước Mỹ và hầu như có tất cả mọi thứ cùng một ngôi nhà đẹp ở Hilton Head, South Carolina với người vợ mới cưới mà anh hết lòng yêu thương. Nhưng anh đã làm gì? Anh đem đánh cược tất cả những thứ mình đang có vào một trong những ý tưởng kinh doanh điên rồ nhất!
Thật ra John không bằng lòng với tình trạng hiện tại. Khoản thu nhập tiềm năng từ công việc hiện tại có lẽ không thể mang lại cho anh sự độc lập tài chính, rồi việc phải luôn chứng tỏ mình hơn các đồng nghiệp khác để tiến thân đã khiến công ty chẳng còn vẻ hấp dẫn đối với anh nữa. Anh tin rằng việc tự kinh doanh là chìa khóa đảm bảo sự an toàn về mặt tài chính.
Nhưng không giống nhiều người khác, John hành động chứ không mơ tưởng viển vông. Vào năm 1990, John xin thôi việc, từ bỏ ngôi nhà xinh xắn cùng vùng đất tươi đẹp Hilton Head. Bạn bè, người thân bảo anh mất trí khi anh cùng với vợ mình, Anne, chuyển đến Orlando, Florida, một thành phố có lượng du khách dồi dào.
John đã nhìn thấy con đường dẫn đến sự độc lập tài chính của mình trong những quả hạch – loại quả nhân ngoài bọc đường vị quế nóng hổi bán cho khách bộ hành trên đường phố. Lấy cảm hứng từ những người bán hàng rong xe đẩy dọc các đường phố ở châu Âu, cùng với sở thích chế biến thức ăn của mình, John bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để chế biến hạnh nhân và hồ đào theo công thức của riêng anh. Với khoản tiền vay 10.000 đô la và một cái tên mới, “The Nutty Bavarian”, John đã thành lập doanh nghiệp của mình chỉ với một chiếc xe đẩy, được thiết kế để khách hàng có thể nhìn thấy từng loại hạt đang được nướng cho đến khi có màu óng ánh, mời gọi.
Một cái tên rất sáng tạo. Một kiểu bày hàng sáng tạo. Và, sản phẩm cũng mang tính sáng tạo không kém. Nhưng để sáng tạo được như vậy, John gặp khá nhiều khó khăn về mặt tài chính. Do không muốn có thêm đối thủ cạnh tranh, những người buôn bán lâu năm ngấm ngầm đẩy John ra khỏi các khu vực sầm uất. Vào cuối năm đầu tiên, John gần như phá sản. Anne phải gắng sức duy trì việc kinh doanh của chồng bằng những đồng lương từ công việc làm y tá của cô.
Vậy là kế hoạch kinh doanh của John cần phải có sự thay đổi. Để xoay chuyển tình thế, anh phải tìm cho ra một địa điểm kinh doanh thuận lợi. Orlando có một nơi tầm cỡ và là vị trí tốt nhất để bán các loại quà bánh chất lượng cao – đó là một công viên thuộc phim trường Universal. Tuy nhiên, có một chỗ kinh doanh trong khuôn viên này không phải là việc dễ dàng. Phim trường Universal của bang Florida thông báo cho John rằng anh phải ký quỹ 100.000 đô la để được quyền kinh doanh trong khuôn viên của họ. Phía Universal sẽ quản lý quầy hàng của John. Các hãng lớn như Orville Redenbacher và Haagen-Dazs đã làm như thế, nhưng 100.000 đô la đối với The Nutty Bavarian quả là quá tầm tay. Để cạnh tranh với các hãng lớn, John phải tìm cách khác, sáng tạo hơn những cách thông thường.
Anh gọi cho bộ phận phụ trách về thực phẩm của Universal và nói chuyện với vị phó chủ tịch. John kể cho ông ấy nghe về món ăn cực kỳ hấp dẫn của mình. Vị phó chủ tịch yêu cầu John gởi thư chào hàng đến, và John đã làm đúng như thế. Hàng tuần trôi qua mà không nhận được trả lời. Ngày nào John cũng gọi điện đến trong suốt một tháng trời. Anh gởi sản phẩm mẫu và thư chào hàng đến. Sau cùng thì John gởi cho vị phó chủ tịch một lá thư, nói rằng anh sẽ gọi điện liên tục cho đến khi nào ông ấy đồng ý gặp John trong ba mươi phút hoặc có lý do chính đáng để thẳng thừng từ chối.
Lá thư tỏ ra hiệu nghiệm. Vị phó chủ tịch đồng ý gặp anh. Và đây chính là lúc John phải tìm cách giải quyết những thử thách thực sự. Anh biết ba mươi phút này sẽ là khoảng thời gian không thể quên. Anh tin rằng món ăn do mình chế biến sẽ có mùi vị hấp dẫn, John quyết định để cho sản phẩm lên tiếng thay cho mình. Vào đúng ngày hẹn, John mang cái lò nướng vào thẳng phòng họp và tiến hành chế biến món hồ đào bọc quế nóng hổi. Tiếng nổ vui tai của các hạt va vào thành chảo, hương thơm tràn ngập căn phòng, rồi len lỏi ra ngoài hành lang... Chẳng bao lâu sau, đã có nhiều nhân viên tò mò ghé ngang qua để tìm hiểu xem ai đang chế biến món ăn gì ở đó. Họ nhìn thấy một cái chảo đầy những hạt hồ đào vàng óng, nóng hổi đang tỏa hương thơm ngào ngạt.
John phục vụ mọi người từng hạt hồ đào mới rang và ai cũng muốn thưởng thức thêm nữa. Nhưng họ vẫn muốn có thêm thời gian để xem xét đề nghị của anh. John chợt nảy ra một ý tưởng. “Tôi bảo với họ rằng nếu họ cho tôi thử trong ba mươi ngày, đích thân tôi sẽ chế biến và đứng bán tại quầy mỗi ngày, trong suốt một tháng, mỗi ngày mười hai tiếng, và nộp cho Universal hai mươi lăm phần trăm doanh thu. Universal chẳng chịu thiệt hại gì, họ không hề có chút rủi ro nào, về phần mình, tôi sẽ có cơ hội để chứng tỏ mình”. Cuối cùng ban giám đốc Universal đã đồng ý với đề nghị của John.
Tháng đầu tiên John thu được 40.000 đô la. Sau tháng thứ hai, John ký một hợp đồng hai năm với Universal và vào cuối năm đầu tiên, chỉ với hai xe đẩy, doanh số của John đã đạt đến một triệu đô la.
“Lúc đó tôi không hề biết rằng họ không bao giờ cho người ngoài vào kinh doanh trong cơ sở của họ theo cách như thế. Nhưng với tôi thì khác. Chuyện này chưa từng có tiền lệ.”
Nutty Bavarian ngày nay có hơn 150 xe đẩy kinh doanh nhượng quyền trên toàn nước Mỹ và ba nước khác với doanh số hàng năm hơn 10 triệu đô la. Món hạnh nhân và hồ đào của John là món ăn ưa thích của cựu tổng thống Bill Clinton và đã từng được phục vụ tại cả hai buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông. Nutty Bavarian từng được đài CNN đưa tin, cũng như được Bryant Gumbel và Willard Scott hết lời ca ngợi trên chương trình Today Show của đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Mỹ (NBC).
John sẵn lòng chia sẻ “công thức bí mật” dẫn đến thành công của anh cho tất cả chúng ta: đó là một muỗng cà phê “lòng tin” trộn với một nhúm “táo bạo” trước khi đặt vào một chiếc lò nướng chứa đầy “tính sáng tạo”!
JOHN MAUTNER
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

Người phụ nữ dời non lấp biển ở Appalachians

“Thành công không tự nhiên mà đến. Bạn đừng trông đợi mọi thứ đều diễn ra theo ý mình. Bằng cách làm việc chăm chỉ và sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp cho một vấn đề, bạn sẽ tìm thấy lối ra từ trong nghịch cảnh.”
Eula Hall không có bằng cấp gì về y học, nhưng ngày nào cô cũng chăm sóc cho người bệnh và những ca chấn thương. Cô chưa hề qua trường lớp chính quy nào về chính trị hay luật, nhưng cô là một trong những nhà vận động hành lang và là người vận động quyên góp vì người nghèo hiệu quả nhất nước Mỹ.
Trên tường nhà cô cũng chẳng treo tấm huân chương nào ghi nhận thành tích hoạt động xã hội của cô, thậm chí cả bằng tốt nghiệp phổ thông trung học cũng chẳng có, vậy mà cô vừa là một nhà tư vấn, vừa là người bênh vực quyền lợi cho người già, người nghèo và rất nhiều người đang bị ngược đãi mà cô gặp trên đường đời.
Nếu trên thế gian này có loại bằng cấp về sự cống hiến, tinh thần sáng tạo và lòng kiên trì thì Eula Hall phải được nhận bằng tiến sĩ. Trên thực tế, cô chỉ là một “cô gái tỉnh lẻ quê mùa và nghèo kiết xác” làm việc trong các lán trại gia súc nằm trong các khu rừng xa xôi hẻo lánh của vùng núi Appalachians thuộc bang Kentucky. Công việc của cô là xoa dịu nỗi đau cho người bệnh tại quê nhà. Đó là lĩnh vực mà cô đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
Chào đời tại quận Pike, Kentucky vào năm 1927, Eula là một trong bảy đứa con mà hầu hết đều có khiếm khuyết về mặt thể chất. Lớn lên và lập gia đình, Eula sinh được năm con. Cô hoàn toàn không được chăm sóc gì trước khi sinh, và cả năm đứa trẻ đều được sinh tại nhà. Một đứa bị sinh non và điếc bẩm sinh và một đứa chết lúc còn ẵm ngửa. Eula cũng đã chứng kiến cảnh nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng và thiếu ăn, người lớn thì chết vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh uốn ván. Họ chết vì không có bác sĩ, không có bệnh viện, không được chăm sóc y tế, và vì không có khả năng chi trả cho những dịch vụ y tế thông thường nhất.
Vào năm mười tám tuổi, Eula đã có một tầm nhìn rõ ràng về cuộc đời mình. Cô muốn làm một công việc gì đó để giúp đỡ mọi người. Con người mới chỉ học đến lớp tám, chưa từng học qua một khóa chuyên ngành nào đã quyết định mở một trạm xá. Mỗi tuần cô dành ra 50 đô la từ tiền công lao động của mình và liên tục trong bảy năm như thế. Sau đó cô thuê một ngôi nhà nát nằm bên rìa một con đường biệt lập ở một vùng gọi là Mud Creek (Ngã ba Bùn) với giá 40 đô la một tháng làm nơi trợ giúp y tế cho người dân trong vùng.
Để đưa trạm xá vào hoạt động, Eula cần có tiền để trang trải chi phí, nhưng cái khó hơn cả là nguồn y, bác sĩ. Appalachia không phải là nơi làm việc lý tưởng đối với các bác sĩ trẻ, những người có mức thu nhập hàng tháng bằng tất cả số tiền kiếm được một đời của những cư dân vùng Mud Creek này. Rồi thì điều kiện về nhà ở cũng không khích lệ họ mấy. Vì vậy, Eula tìm kiếm sự cộng tác từ các bác sĩ có gốc nước ngoài, những người cần phục vụ tại những vùng khó khăn hẻo lánh để được chính phủ cấp thẻ xanh (loại thẻ cư trú dài hạn do chính phủ Mỹ cấp). Cô hỗ trợ các bác sĩ bằng cách cho họ ở nhà mình và nấu ăn cho họ.
Trạm xá lập tức bị quá tải ngay từ những ngày đầu tiên. Bệnh nhân với đủ thứ bệnh và thương tật đổ dồn đến. Rất nhiều người chưa từng đi khám bệnh lần nào trong đời và phần đông họ chỉ có thể chi 5 đô la tiền viện phí.
Một đêm nọ, trạm xá bỗng phát hỏa dữ dội và cháy rụi. Giấc mơ của cả đời người và hơn chục năm làm việc của Eula thế là tan thành mây khói. Đứng trước đống đổ nát, Eula nghĩ đến 15.000 cư dân trong vùng giờ đây không còn nơi có thể trông cậy về y tế, và đó là trách nhiệm của cô. Cô nghĩ về công việc, các vật dụng y tế và trang thiết bị đang nằm trong đống tro tàn. “Cảm giác của tôi khi đó chẳng khác nào đang bị hàng ngàn mũi kim châm thấu tim. Đó thực sự là nỗi đau khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua”, cô nhớ lại. Lúc đó cô đã khóc. Song, bằng tất cả nghị lực của mình, cô tuyên bố với toàn thể nhân viên: “Trạm xá thế là xong, nhưng chúng ta thì còn đây”.
Đêm hôm đó, cô bắt đầu suy nghĩ và tìm cách gầy dựng lại. Ngày hôm sau, cô tiếp nhận bệnh nhân ngoài trời, với trang thiết bị là một chiếc ghế dài và một đường dây điện thoại máng trên cành cây. Công việc chữa trị cứ thế diễn ra. Eula cố gắng xoay xở để gây quỹ – thông qua đài phát thanh, các buổi chiêu đãi, ngay cả việc phải đứng ngoài đường với thùng lạc quyên vào những ngày mọi người lãnh lương và trợ cấp. Trong ba tháng, cô thu được 102.000 đô la, đủ để thành lập một trạm y tế mới.
Khi một trường học ở địa phương đóng cửa nghỉ hè, Eula liên hệ với họ và di chuyển phòng khám tới đó. Vào mùa thu, cô dời phòng khám vào xe rờ-moọc. Cứ thế từng bước một, từng đô la một, phòng khám mới và hiện đại dần dần được thành hình. Nhờ có ý chí không hề dao động và tầm nhìn đầy sáng tạo của Eula, ngọn lửa từng thiêu rụi trạm xá ngày trước đã dọn đường cho một phòng khám mới tốt hơn, tiện nghi hơn.
Ngày nay, Phòng khám Mud Creek là phòng khám duy nhất trong bán kính vài trăm ki-lô-mét ở vùng núi Appalachians có thể chữa trị cho bệnh nhân một cách chu đáo mà người bệnh chỉ phải trả viện phí “tùy theo túi tiền của mình”. Những khi phòng khám không đủ khả năng giúp họ, Eula tìm đến một nhà hảo tâm nào đó. Cô đã từng thu xếp một số ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư nhưng không có tiền; có lần, cô thuyết phục Lions Club thanh toán chi phí phẫu thuật cho một bé gái bị tổn thương mắt trầm trọng. Những lúc cần thiết, cô có thể kiêm luôn vai trò tài xế xe cứu thương để đưa bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên. Có lần xe bị lật và cô bị gãy xương bả vai. Sáng hôm sau cô lại quay về tiếp tục công việc. Triết lý sống của cô, đồng thời cũng là nguồn năng lượng dồi dào của cô là: “Không phải lúc nào đường đời cũng bằng phẳng” và “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Cô cho là nếu được học hành đàng hoàng hơn, có lẽ cô sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho mọi người. Thật khó nói “nhiều hơn nữa” là gồm những gì, nhưng Eula từng có mặt tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, trong đó có cả những bệnh nhân bị bệnh bụi phổi. Cô được sự cho phép của chính quyền trong việc tổ chức lại hệ thống cung cấp nước sạch và xây dựng một nhà máy xử lý nước để thay thế hàng trăm giếng nước bị nhiễm bẩn. Cô quyên góp tiền để mua một chiếc xe dùng để giao bữa ăn đến nhà dưỡng lão, đài thọ bữa ăn trưa miễn phí cho trường học, và xây dựng trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên. Bất kể việc gì cô muốn làm, cô đều biến nó thành hiện thực.
Chuông điện thoại phòng làm việc của cô thường reo không ngớt suốt ngày. Bản thân cô cũng bị bệnh tim và chứng viêm khớp, nhưng thay vì nhập viện từ vài năm trước, cô lại bướng bỉnh bảo: “Có ai chết vì làm việc nhiều đâu!”.
Phòng khám Mud Creek đứng vững và tồn tại như một tượng đài thể hiện ý chí mạnh mẽ, tinh thần làm việc không ngừng và đầy sáng tạo của Eula. Hàng ngày, hàng trăm người đi bộ hoặc lái xe qua những đoạn đường gập ghềnh để đến với phòng khám của cô, nơi bên trong có mười bảy nhân viên kể cả hai bác sĩ đang hối hả làm công việc điều trị bệnh nhân trong bảy căn phòng được trang bị rất đầy đủ.
EULA HALL
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive