Your Adsense Link 728 X 15

P03: Nơi Nào Có Ý Chí, Nơi Đó Có Con Đường - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 21/7/10 0 nhận xét
Người biến địa ngục thành thiên đường

“Tôi không cho phép trở ngại cản bước tôi và tôi luôn tập trung tìm cách vượt qua nó. Bạn có thể xoay xở với bất kỳ chướng ngại nào, bạn có thể khom người bước qua nếu chướng ngại quá cao, hoặc leo lên trên nếu nó quá thấp. Hãy vững tin rằng luôn luôn có ít nhất một  giải pháp cho bất cứ vấn đề nào!”
Đó chính là James Robinson, nhưng mọi người thích gọi anh là “Rocky”. Anh có thân hình to cao, vạm vỡ và sẵn sàng “rắn như đá” khi cần thiết. James Robinson “tảng đá” sống và làm việc tại quận Bedford-Stuyvesant, New York - một trong những khu ổ chuột và nhiều tội phạm nhất nước Mỹ. Nhưng chính anh đã cứu được nhiều sinh mạng và phục hồi sự lương thiện ở một cộng đồng mà trước đó không ai có thể làm được.
Vào năm 1966, khi Rocky 26 tuổi, đứa cháu gái bảy tuổi của anh bị xe tải tông phải trên đường phố khu Bed-Stuy này. Nếu lúc đó có người biết sơ cứu thì cô bé đã không phải vĩnh viễn ra đi. Lúc được đưa đến bệnh viện thì cô bé đã ngừng thở.
Cái chết vô lý của đứa cháu gái là một trong những lý do đưa Rocky vào làm việc trong ngành y tế. Tại Trung tâm Cấp cứu Thành phố New York, anh nhận thấy hầu như hơn năm mươi phần trăm các cuộc gọi đến xuất phát từ những khu phố có tỉ lệ tội phạm cao. Theo Rocky, cư dân sinh sống tại những nơi phức tạp như Bed-Stuy đôi khi phải chờ lâu đến gần nửa giờ sau khi đã quay số 911 để yêu cầu xe cấp cứu; trong khi đó, những cuộc gọi đến từ những khu dân cư của người da trắng thường được đáp ứng rất nhanh. Rất nhiều người bị chết một cách oan uổng – những người như cháu của Rocky, chỉ vì phải chờ quá lâu một chiếc xe cứu thương.
Rocky quyết định tìm hiểu rõ hơn về chuyện này. Qua điều tra nghiên cứu, anh nhận thấy các khu dân cư giàu có đã thu xếp đội xe cứu thương cho riêng họ bởi vì cả thành phố hầu như quá tải bởi các ca cấp cứu. “Nếu đó là lời giải”, ông nói với người bạn và cũng là người phụ trách về cứu thương, Joe Perez  “chúng ta sẽ trang bị những đội cứu thương của riêng chúng ta ở Bed-Stuy này!”.
Vào năm 1988, Rocky không hề biết rằng anh và Joe là những người đầu tiên trong cả nước Mỹ mở dịch vụ cứu thương được điều hành bởi chính cộng đồng cư dân địa phương. Rocky không hề tiên liệu được những khó khăn phía trước. Thử thách đầu tiên là tìm nơi đặt trụ sở. Họ sử dụng một tòa nhà bị bỏ hoang vốn là nơi lui tới của những tay mua bán ma túy. “Nếu bọn nghiện ma túy sử dụng tòa nhà đó để cướp đi sinh mạng của bao người thì chúng tôi sẽ dùng tòa nhà đó để cứu người”, Rocky quyết định. Do không có điện, nước (ngoại trừ chút ít nước nhỏ giọt từ mái nhà cũ kỹ), hai người bọn họ chỉ làm việc được vào ban ngày. Họ dùng máy bộ đàm để nhận những cuộc gọi cấp cứu.
Mặc dù có thể làm việc trong điều kiện thiếu thốn của tòa nhà, nhưng một trong những thứ quan trọng nhất dùng trong dịch vụ cứu thương thì họ lại không có, đó là xe cứu thương. Họ dùng một chiếc Chevrolet cũ kỹ để đến hiện trường mỗi khi nhận được tin báo có tai nạn, hỏa hoạn, nổ súng hoặc đâm chém. Nhưng chiếc xe ấy không phải lúc nào cũng khởi động được. Có những lúc họ phải chạy bộ đến hiện trường với những phương tiện cấp cứu và bình ô-xy trên lưng. Để cứu người, họ thường phải chạy ngang qua đám buôn ma túy đang cười giễu cợt họ, những viên cảnh sát biến chất, và cả những người bàng quan khó chịu. Ai cũng cười nhạo, ngoại trừ các nạn nhân vẫn còn sống sót khi Joe và Rocky tới nơi.
Sau đó họ được tặng một chiếc xe có rờ-moọc - loại xe kéo có thể dùng làm nhà ở và họ đã ngang dọc khắp các phố với chiếc rờ-moọc này. Tòa nhà cũ kỹ trở nên lạnh giá vào mùa đông. Họ san bằng hai cái lều của bọn bán ma túy và dựng nơi làm việc của họ ở đó. Đối với những kẻ tội phạm này thì chiếc xe rờ-moọc của họ giống như một lời tuyên chiến. Trong tám tháng ròng, bọn buôn ma túy liên tục dọa dẫm Rocky. Chúng bắn vỡ kiếng và dọa sẽ đốt xe. Chúng còn nổ súng vào Rocky và Joe khi họ đang trên đường tới hiện trường, khiến hai người vừa lái xe vừa phải cúi thấp người tránh đạn. Bọn buôn ma túy chỉ để họ yên khi chúng chứng kiến cảnh Rocky và Joe cứu một trong số đồng bọn của chúng bị thương sau một vụ thanh toán đẫm máu trên đường phố.
Họ còn bị gièm pha và đả kích bởi các đồng nghiệp vốn coi họ là đối thủ cạnh tranh lớn. Cả hai trở thành mục tiêu cho những trò đùa độc ác, quấy rối, và cả những tin đồn thất thiệt. Rocky biết rằng cách duy nhất để dập tắt những lời gièm pha kia là anh và Joe phải chuyển đổi hoạt động nhỏ bé của mình lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn và đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn.
Để làm được điều này, Rocky cần phải có một nhóm tình nguyện viên, một quân đoàn thực thụ. Để xây dựng đội binh cứu hộ này, anh kêu gọi mọi người từ cộng đồng dân cư tại chỗ tham gia. Bed-Stuy có hai trăm năm mươi mái nhà xập xệ, hầu hết cư dân thuộc tầng lớp lao động cấp thấp với hàng trăm con buôn ma túy và gái điếm hoạt động trên khắp các đường phố, số lượng người vô gia cư và trẻ thất học chiếm tỉ lệ cao. Vì lẽ đó, nhiều người ở đây tin rằng Joe và Rocky chẳng làm nên trò trống gì nên họ không muốn tham gia đội quân tình nguyện này.
Thế là Rocky và Joe đi phát tờ rơi quảng bá cho dịch vụ mới của họ. Dần dần các cư dân trong vùng thấy hai anh chàng này hối hả chạy tới hiện trường, khi thì bằng xe, lúc lại chạy bộ để cứu những người hàng xóm của họ, thì họ mới bắt đầu thức tỉnh.
Rocky thu nhận những tình nguyện viên trong số người đang cai rượu, thất nghiệp, hoặc ngay cả những người mua bán ma túy muốn sống lương thiện trở lại. Trong vài tháng, Rocky và Joe chọn được hơn chục người trẻ tuổi và huấn luyện họ kỹ năng sơ cứu và cứu thương. Sau khi được huấn luyện, các tình nguyện viên sẽ nhận nhiệm vụ khi được gọi. Trong quá trình làm việc, các tình nguyện viên được dạy nhiều kỹ năng mới và việc tìm ra mục đích sống đã cứu họ khỏi sự tuyệt vọng chán chường. Một số người sau đó tiếp tục học y tá và rồi trở thành bác sĩ. Rocky không chỉ cứu sống sinh mạng những người bị nạn, mà anh còn cứu rỗi cuộc đời của những người đang sống.
Đến khi tờ Daily News đăng một bài báo nói về “những anh chàng chạy vòng quanh trên các phố, đeo bình ô-xy sau lưng”, họ được một nhà hảo tâm biết đến và tặng cho một chiếc xe cứu thương đã qua sử dụng. Vậy là Rocky đã có đội cấp cứu của riêng mình. Trong ngày đầu tiên đưa vào sử dụng, chiếc xe đã đưa đội cấp cứu đến hiện trường một vụ hỏa hoạn và cứu sống mười người từ tòa nhà đang bốc cháy. Sang hôm sau, họ thành công trong một ca sinh đẻ. Hết lần này đến lần khác, Rocky, Joe và nhân viên của mình là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, ngay cả những người làm việc tại Trung tâm Cấp cứu Thành phố cũng phải công nhận giá trị của họ.
Tiền và hiện vật từ các nhà hảo tâm bắt đầu đổ về. Có một băng đảng ở Montana viết “Chúng tôi là những người thô lỗ ở đây, nhưng chúng tôi vô cùng xúc động với những gì các bạn đã thực hiện và chúng tôi muốn giúp các bạn”. Vào những lúc khó khăn về tài chính, Rocky tìm cách xoay xở như làm dịch vụ rửa xe, quyên góp ngoài đường phố. Anh làm bất cứ việc gì để trang trải chi phí thuê mặt bằng, huấn luyện nhân viên, và mua thêm trang thiết bị – bất kể việc gì để duy trì việc cứu sống người bị nạn.
Ngày nay, Tổ chức Cấp cứu Tình nguyện Bedford-Stuyvesant là tổ chức cứu hộ đầu tiên của Mỹ có 350 tình nguyện viên. Trung bình mỗi tháng họ nhận khoảng ba trăm cuộc gọi đến – có cuộc gọi từ cảnh sát, có cuộc gọi từ Trung tâm Cấp cứu Thành phố mỗi khi ở đó quá tải, và phần lớn là từ những cư dân luôn biết rằng họ có thể trông cậy vào dịch vụ đáng tin cậy và nhanh chóng của Rocky.
Thông thường giá trị của sinh mạng là không thể đo đếm được, nhưng trong công việc của Rocky Robinson và Joe Perez, họ đã giữ được sinh mạng cho rất nhiều người nhờ “Giá trị của hai mươi sáu phút” – khoảng thời gian đủ để tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết của con người trong một cộng đồng chỉ gồm những khu nhà bỏ hoang và những tâm hồn bị bỏ rơi.
JAMES "ROCKY" ROBINSON

 “Để làm nên những điều vĩ đại,  chúng ta phải sống như không còn có ngày mai.”
- Vauvenargues

Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

Ý chí của một cô gái

“Không có cách nào tốt hơn để xua tan những chỉ trích bằng sự chuẩn bị tốt nhất và làm cho mọi người đoàn kết. Hãy biết mình đang nói về điều gì. Đừng lơ là. Sự xuất sắc và tỉ mỉ sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người.”
Đa số các luật sư tương lai bắt đầu nghĩ và biết đến ngành luật khi đã là sinh viên đại học. Một vài người biết lo xa bắt đầu lên kế hoạch từ khi còn học trung học. Nhưng Leah Sears đã đặt mục tiêu của mình là sẽ theo đuổi nghề luật ở lứa tuổi mà hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi còn đang mơ ước có được một chiếc xe đạp mới hoặc một đôi giày trượt pa-tanh. Khi mới bảy tuổi, cô bé Leah đã gửi thư đến các trường luật để xin bản thông tin chi tiết về những ngôi trường này.
Nhìn những tấm hình trong bản thông tin, đặc biệt là những tấm hình từ trường Harvard và trường Yale, Leah nhận ra cô trông không giống bất kỳ ai trong những tấm hình ấy cả. Cô là người da đen, và hầu như tất cả mọi sinh viên cô thấy trong hình đều là người da trắng, không những thế, tất cả họ đều là nam.
“Tôi cảm thấy mình như là người thuộc giai cấp thứ hai vậy. Khi ấy, trong tôi hình thành rất rõ một quyết tâm. Tôi tin là tôi sẽ làm được một điều gì đó. Và để điều đó xảy ra, tôi phải tạo ra sự thay đổi.” Sự thay đổi đó không chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân Leah Sears mà còn cho những ai không có điều kiện có được một cuộc sống tốt như cô - lớn lên trong một gia đình quân nhân trung lưu. Cô muốn tạo điều kiện cho những người cần nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, những người không thuộc về số đông, những người mà mỗi khi họ nhìn vào gương thì tất cả những gì họ thấy là một người “không là ai cả”.
Cô biết nếu muốn thành công, cô phải bắt đầu ngay từ lúc còn nhỏ.
Được sự hỗ trợ và động viên từ cha mẹ, Leah càng quyết tâm và nỗ lực để đạt kết quả xuất sắc trong học tập và tham gia đầy đủ các hoạt động ở trường. Trường trung học của cô chưa từng có một hoạt náo viên nào là người Mỹ gốc Phi cả, nhưng điều đó không ngăn được cô. Leah chăm chỉ luyện tập vũ đạo và vượt qua những rào cản về màu da ở trường khi được chọn vào đội hoạt náo. Mặc dù vậy, đối với cô việc học vẫn là trên hết.
“Có được bằng cấp từ ngôi trường tốt nhất sẽ rất quan trọng để đạt tới mục tiêu của mình,” cô luôn tự nhắc nhở mình như thế. “Vì cha mẹ không đủ điều kiện cho mình theo học ở những ngôi trường danh tiếng đến thế, mình cần phải cố hết sức để giành được một học bổng.”
Những cố gắng của cô đã được đáp lại. Cô giành được một học bổng toàn phần của Đại học Cornell, tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu vào tháng sáu năm 1976, sau đó cô hoàn tất khóa học về ngành luật ở trường Đại học Luật Emory năm 1980. Hai mươi lăm tuổi, cô làm việc tại một công ty luật có uy tín ở Atlanta của Alston và Bird. Và ở đó, mặc dù cô tìm thấy được những kinh nghiệm hữu ích, nhưng có rắc rối là “quá nhiều việc văn phòng mà lại thiếu nhân viên để làm.”  Công việc khác xa mục tiêu đầu tiên của cô. Sau hai năm, cô rời công ty đó và chấp nhận làm ở một vị trí có lương thấp hơn, đó là một thẩm phán chuyên xử các vụ án giao thông ở tòa án Atlanta. Đây có vẻ là một bước đi đúng đắn.
“Tôi lớn lên vào đúng lúc giao thời, khi quyền công dân và quyền phụ nữ có những biến chuyển mạnh mẽ và tôi đã thấy luật pháp đã tạo nên những thay đổi cho những người giống như tôi vậy”, cô bình luận. Sự chuẩn bị kỹ càng của cô trong thời gian qua đã được đền đáp. Bây giờ, với mỗi bước tiến, cô nhận ra rằng cô sẽ có thể tạo ra một sự đột phá, một thay đổi lớn lao. “Hiện có rất, rất ít luật sư người da đen, và có trời mới biết được là có nữ luật sư người da đen nào đang hành nghề hay không, vì thế tôi chẳng có ai để tư vấn, chẳng có ai để mà noi gương.”
Bởi hoàn cảnh đặc biệt của mình, cô làm việc chăm chỉ gấp đôi những gì trước đây cô từng làm. Sau khi sinh con, cô vẫn luôn đảm đương tốt vai trò luật sư lẫn vai trò của người mẹ, cô luôn giữ được sự thăng bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Trong cuộc vận động tranh cử vào vị trí chánh án tòa án tối cao năm 1988, phương pháp của cô rất đơn giản: “Mỗi đêm tôi chỉ ngủ ba hoặc bốn tiếng từ khi ra ứng cử cho đến ngày bỏ phiếu”. Trong ba cuộc đua tranh gần nhất, Leah trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ nhất được bầu vào Tòa án cấp cao bang Georgia.
Bốn năm sau, cô đã đạt được bước tiến lớn nhất trong đời khi Thống đốc Zell Miller mời riêng cô đến để bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao bang Georgia. Khi đó Leah mới ba mươi sáu tuổi, và là người trẻ nhất, là người phụ nữ đầu tiên, và là người Mỹ gốc Phi thứ hai từng được ngồi ở tòa án cấp cao nhất bang Georgia.
Nhưng bất chấp trình độ học vấn của Leah, bất chấp cả quá trình phấn đấu, lao động vất vả và những gian khổ mà cô đã  phải trải qua; nhiều người vẫn bác bỏ những gì mà cô đạt được, họ coi tất cả những điều đó chỉ mang giá trị hình thức mà thôi. “Người ta không thèm nhìn nhận rằng vị trí mà tôi đang có được hiện tại đều bởi vì tôi là một thẩm phán giỏi; họ cho rằng tôi đạt những thành quả này bởi vì tôi là phụ nữ hoặc bởi vì tôi là người da đen!”, cô ngậm ngùi nói như vậy. Cô chứng minh cho họ thấy là họ đã sai nhưng rồi cô nhận ra rằng vẫn còn một khoảng cách giữa cô và những thẩm phán khác, đó chính là tuổi tác. Vào một trong những ngày đầu tiên của cuộc đời thẩm phán, có lần một nam thẩm phán lớn tuổi hơn cô bàn luận về chiến tranh, Leah đã hỏi lại “Chiến tranh gì thế?”, và ông ta nói “Thế chiến thứ hai, đó là một cuộc chiến lớn”. Cô đã góp lời: “Tôi nghĩ chiến tranh là như cuộc chiến ở Việt Nam vừa qua”. Ngay lập tức, ông ta chồm người về phía cô và thẳng thừng phán: “Cô quả là còn quá trẻ để làm việc trong một tòa án như thế này!”.
Leah hồi tưởng lại cảm nghĩ của mình lúc đó: “Tôi biết tôi phải cố làm việc chăm chỉ hơn và chuẩn bị tốt hơn những người khác để giành được sự tôn trọng của đồng nghiệp và những người xung quanh, những người đã bắt đầu công tác từ trước tôi”.
Leah tạo thói quen đến văn phòng mỗi sáng sớm lúc 5 giờ 30, trước cả mọi người, và cẩn thận xem xét lại những vụ kiện mà cô đã được giao. Cô cùng với thư ký của mình đọc kỹ bản tóm tắt hồ sơ của luật sư bào chữa và họ cùng gặp nhau mỗi sáng để thảo luận. Trước cuộc họp Hội đồng luật sư hàng tuần, cô luôn chuẩn bị thật kỹ những gì muốn nói và viết chúng ra giấy, không bao giờ làm qua loa. Sau mỗi cuộc họp, cô nhờ các đồng nghiệp nhận xét thẳng thắn về những biểu hiện của mình trong cuộc họp. Trước buổi họp kế tiếp, Leah tập trung hơn vào những điều cần phải cải thiện.
“Tôi đã luôn nói chuyện với những thẩm phán khác và hỏi họ thật nhiều với một thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Tôi biết có thể tôi làm như vậy là đã làm phiền người khác, nhưng tôi không có cách nào tốt hơn. Dần dần họ cũng bắt đầu rủ tôi ăn trưa. Có khi tôi còn bình luận về vấn đề mà họ đang nói đến, và họ đã trả lời, thậm chí còn tranh luận với tôi như thể tôi là một người thông minh và có thể góp ý cho họ vậy. Rồi đến một lúc, họ thật sự lắng nghe tôi.”
Và Thẩm phán Leah Sears đã giúp cho mọi người có được sự thay đổi như cô từng mong ước thuở ấu thơ. Cô đã góp phần làm thay đổi thế giới thông qua từng trường hợp, từng con người cụ thể vào một thời điểm nào đó. “Không có gì nghi ngờ rằng những thành công của tôi là kết quả của cả một quãng đời dành cho việc chuẩn bị và làm việc chăm chỉ. Nó là một quá trình xây dựng, tại bất kỳ thời điểm đã định nào, tôi vẫn  luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy cơ hội.”
Luật sư LEAH SEARS

“Có thể bạn phải chiến đấu nhiều trận mới giành được một chiến thắng.”
Margaret Thatcher 



Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive