Your Adsense Link 728 X 15

P03: Chiếc xe màu rêu

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Tôi lên 8 thì mẹ tôi qua đời trong một tai nạn giao thông khi đang gánh hàng rong trên đường. Bố mang hai chị em tôi về bà nội, rồi ở với một người đàn bà khác. Lâu lâu ông cũng về thăm con, đưa cho bà ít tiền rồi lại đi. Năm tôi 13 tuổi, bà nội mất. Bố mang em đi nuôi, còn tôi thì gửi cho một bà dì họ để phụ bán quán cà phê.  
Tôi lớn dần lên và chỉ được đi học bổ túc ban đêm, còn ban ngày phải phụ dì dượng mọi việc trong nhà. Năm 16 tuổi, tôi đã phổng phao như một cô gái. Trong một lần bà dì có công chuyện phải về quê dài ngày, tôi bị ông dượng dụ dỗ làm chuyện bậy bạ. Chuyện này sau đó còn tiếp diễn một thời gian nữa, vì tôi phải ngủ riêng một mình tại quầy cà phê để trông hàng và sáng dậy sớm đun nước. Ông dượng đe dọa nếu tôi mách với dì sẽ bị đuổi khỏi nhà. Vì dại dột, tôi trở thành người đồng lõa với xấu xa. Rồi cũng đến lúc chuyện vỡ lỡ khi bà dì rình bắt được quả tang. Giận quá không kìm được, dì đã ném quần áo và đuổi tôi ngay lập tức.
Bơ vơ không người thân thích, tôi lang thang trong đêm và rơi vào nhà chứa ngay sau đó. Bà chủ chứa trở thành “người cưu mang”. Sau đó, tôi biết mình “dính” bầu, bà đưa tôi tới bệnh viện “tẩy rửa” và cột chặt đời tôi bằng công việc bán thân sau đó. Việc tiếp khách hàng ngày và bị bóc lột gần hết số tiền kiếm được bắng thân xác không biết rồi sẽ kéo dài bao lâu nếu như không có một sự kiện xảy ra sau đó vài năm.
Sáng đó, tôi được nghỉ và đi dạo ra chợ xép gần đó để mua vài thứ đồ dùng. Bất thần một cơn đau bụng ập đến. Tôi vật vã nằm ngay vệ đường. Có vài người dừng lại nhưng chỉ có một anh xe ôm có chiếc xe màu rêu bắt tôi ngồi lên xe để anh chở vào bệnh viện. Tôi được mổ ruột thừa ngay sau đó. Và cứ như ông trời sắp đặt, anh xe ôm không bỏ đi ngay mà chờ đợi để làm mọi việc của một “người nhà” khi được biết hoàn cảnh thật của tôi. Tiền viện phí thì bà chủ đưa vào trả đủ, nhưng việc chăm sóc tôi sau đó hoàn toàn nhờ anh - một người đàn ông hoàn toàn xa lạ.
Ngày ra viện, anh lại chở tôi về trên chiếc xe 81 màu rêu của mình. Vì bệnh tật đem lại sự yếu lòng, tôi thổn thức khóc sau lưng anh. Anh an ủi tôi và hứa sẽ tìm cách giúp đỡ. Sau đó, anh còn tới tìm tôi nhiều lần. Mỗi lần thấy cái xe màu rêu tới là tôi mừng rỡ, bởi bao nhiêu năm qua, làm gì có ai thăm viếng tôi. Chỉ những đàn ông đủ loại tới tìm thú vui trên thân xác những cô gái như tôi mà thôi. Cuộc sống với những đe nẹt của bà chủ, cãi cọ qua lại của những cô gái đồng cảnh ngộ, những dữ dằn thô lỗ của mấy tay bảo kê và thi thoảng cả những xô xát của khách làng chơi đã làm tôi dần chai sạn. Tưởng không còn cảm xúc nhưng tôi đã ngỡ ngàng nghe trái tim mình đập những nhịp khác thường khi chiếc xe màu rêu xuất hiện.
Rồi anh đã thực hiện được lời hứa. Không biết bằng cách nào anh đã vay mượn được một món tiền khá lớn đủ để trả tiền viện phí và nhiều khoản khác để bà chủ chịu cho tôi cầm quần áo đi theo anh. Về nhà trọ nơi anh ở, với khung cảnh bình dị của căn phòng thuê, tôi biết đời mình đã sang một trang mới. Anh cũng mồ côi, cũng bươn chải để sống nên anh thông cảm với tôi. Dần dần, anh dạy tôi biết bao điều để sau này tôi thành một người vợ, người mẹ và là người bạn đời của anh. Chúng tôi về với nhau mà không cần có đám cưới rình rang, không cần bất cứ thủ tục nào, nhưng tôi và anh vẫn hạnh phúc. Hàng ngày chiếc xe màu rêu theo anh đi chở khách, anh còn phải cật lực hơn trước để lấy tiền trả nợ. Tôi lân la tìm việc mua rau muống và hoa chuối về bào bỏ mối đắp đổi tiền chợ.
Tôi vô cùng sung sướng bởi một quá khứ ê chề như vậy tưởng mình khó lòng có con, nhưng sau đó ít lâu tôi đã có bầu và sinh được một bé gái xinh xắn. Tháng ngày qua đi trong sự cố gắng của cả hai vợ chồng, tôi đã đủ vốn để thuê một phòng rộng hơn ở một hẻm lớn và mở được một quầy tạp hóa nhỏ. Chiếc xe màu rêu vẫn theo anh trên mọi nẻo đường để dành dụm những đồng tiền khó nhọc nuôi con.
Bây giờ con tôi đã học lớp 7. Bao năm đã trôi qua, chiếc xe màu rêu không còn nữa, anh đã bán đổi lấy một chiếc tốt hơn. Nhưng trong tôi, nó luôn hiện diện cùng với lòng nhân hậu của anh. Tôi đã được thay đổi cuộc đời từ khi nó và anh cùng xuất hiện.
HỒ THỊ THƠM (Bà Rịa – Vũng Tàu)
============================
Cảm ơn con gái 
Năm 2000 là năm nhiều biến cố với gia đình tôi. Đầu tiên là gia đình nhỏ của tôi được ra riêng sau hơn 10 năm dành dụm, một ngôi nhà nhỏ trong xóm lao động thôi, nhưng đó là tất cả ước mơ, mồ hôi và công sức của vợ chồng tôi.
Tiếp theo niềm vui lớn đó là nỗi buồn của riêng tôi: thất nghiệp vì cơ quan giải thể. Chồng tôi an ủi, bảo thôi cứ ở nhà chăm sóc chồng con một thời gian rồi từ từ tìm xin việc làm khác. Thế là tôi ở nhà làm bà nội trợ.
Ru rú trong nhà mãi cũng buồn, tôi lân la sang làm quen với mấy chị lối xóm. Láng giềng tôi cũng tốt, mọi người thường nhiệt tình giúp nhau chuyện này chuyện nọ, chỉ có điều chơi với nhau vài hôm tôi phát hiện chị nào cũng mê số đề. Nhưng tôi vẫn giao thiệp vì tin mình sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng, dù sao tôi cũng là người có học, được giáo dục kỹ lưỡng từ nhỏ và chẳng hề ham thích chuyện cờ bạc bao giờ, nói chi đến chuyện đề đóm. Ấy vậy mà lần hồi tôi bị lậm lúc nào không hay. Ban đầu là mọi người người rủ đánh cho vui, mỗi ngày chơi chỉ chừng mấy ngàn đồng. Lúc đầu tôi thường hay trúng, số tiền thắng đề cũng nhỏ thôi nhưng tôi có cảm giác đây là tiền của mình “làm” ra, tiêu xài tiền đó cũng thoải mái hơn tiền của chồng đưa. Rồi dần dần tâm lý tham nổi lên, tôi chơi mỗi lúc một nặng tay hơn, lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi ngày với suy nghĩ ngây thơ rằng mình có thể “kiếm” được tiền chợ từ việc chơi đề.
Tôi chơi khi thắng khi thua, nhưng chắc chắn là thua nhiều hơn vì chỉ sau vài tháng, tôi bắt đầu mắc nợ. Càng nợ, tôi càng lao vào đánh lớn hơn để gỡ với ý nghĩ rằng chỉ cần “ông bà thương” trúng chừng vài trận sẽ trả sạch nợ. Lậm vào đề, tôi như một người điên, tối ngủ chỉ mong nằm chiêm bao, sáng ra đi chợ cầm cái thẻ xe cũng nhìn số, bạn bè thỉnh thoảng có ai ngẫu nhiên đến chơi cũng lo hỏi tuổi để bàn đề, cả ngày thậm thà thậm thụt bàn bạc nên đánh số nào, đài nào, chiều chừng 4 giờ đã nôn nóng hồi hộp hết ra lại vào chờ đến giờ xổ số. Bàn thờ ông địa trong nhà không lúc nào ngớt khói nhang thắp xin phù hộ “cho con trúng chiều nay”. Vậy đó, tôi cứ như con bạc khát nước, càng lao vào gỡ gạc càng trắng tay.
Để có tiền tiếp tục chơi, tôi kiếm cách mượn hết anh chị em bên ngoại lẫn bên chồng, rồi đến bạn bè, người quen, riết đến nỗi trong đầu chỉ ráng nhớ xem ai mà mình có thể hỏi mượn tiền. Sự việc rồi cũng vỡ lỡ. Chồng tôi buồn lắm nhưng anh chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở tôi rồi đứng ra thu xếp trả nợ. Giá như lúc ấy tôi biết thức tỉnh dừng lại thì lỗi lầm đã có thể sửa chữa được, đằng này cái cảm giác “thua cuộc” cứ làm tôi ấm ức. Yên được một thời gian, tôi lén lút chơi đề lại. Cũng bài bản ban đầu chơi ít ít, sau càng ngày càng say máu. Tôi mắc nợ thêm một số tiền lớn. Sau năm lần bảy lượt khuyên can tôi không được, chồng tôi chán nản đưa đơn xin ly hôn. Tôi tự biết lỗi do mình nên không trách anh, nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là tôi biết sẽ mất đứa con gái lên mười tuổi của mình. Thường ngày nó vốn đã hay gần gũi cha hơn mẹ, từ khi tôi sa vào đề đóm, hàng ngày nó phải chứng kiến cảnh người ta vào đòi nợ, chửi bới nặng nhẹ khiến nó rất xấu hổ. Chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ muốn sống với người mẹ xấu như tôi. Trong đầu tôi day dứt mãi, đôi khi tôi nghĩ đến cái chết. Không nghề nghiệp, không tương lai, không nhà cửa tiền bạc và không cả chồng con, cuộc sống của tôi còn ý nghĩa gì nữa?
Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra trong lúc tôi tuyệt vọng. Khi được hỏi, con gái tôi trả lời: “Con thương bố, nhưng mẹ bây giờ đang cần con, con muốn ở bên mẹ”. Tôi như người chơi vơi giữa biển khơi đột nhiên vớ được chiếc phao, từ đó hi vọng nhen nhóm trở lại trong lòng tôi.
Bán nhà trả nợ xong, mẹ con tôi quay trở về sống với ông bà ngoại. Tôi xin vào làm ở một công ty may, suốt cả ngày vất vả bên chiếc bàn máy may song tôi vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Không còn những ngày mê muội vì những con số, không còn những ngày bị mọi người khinh khi. Con gái tôi vẫn ngoan ngoãn, đi làm về có con đón nơi cửa với một nụ hôn, bao nhiêu mệt nhọc trong tôi bay biến hết. Cuối tuần, bố nó lại đến thăm hai mẹ con, tôi nấu món gì đó mà ngày trước anh vẫn thích và cả gia đình chúng tôi thật vui vẻ. Tôi không dám hi vọng “gương vỡ lại lành” dù anh vẫn chưa lập gia đình khác, nhưng cuộc sống hiện tại với tôi đã vượt quá mơ ước rồi. Tôi đã vươn lên được nhờ tình yêu của con gái. Cảm ơn con, con gái của mẹ.
MỸ XINH (Đồng Nai)
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive