Your Adsense Link 728 X 15

P04: Ngày mai - Khát vọng

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Tôi đang trong tâm trạng một con chim sắp được “tháo củi xổ lồng”. Tuần sau, trước tòa, chúng tôi sẽ thực hiện nốt các thủ tục cuối cùng: xé giấy kết hôn, ký vào thỏa thuận phân chia tài sản, nghĩa vụ nuôi dưỡng, thăm nom hai con.
Chỉ sau một tuần nữa thôi, tôi sẽ không còn phải ám ảnh về cảnh mệt nhoài từ công ty tất bật chạy về nhà, trưa chiều hai buổi chuẩn bị bữa ăn, cuối tuần phải toát mồ hôi với một khối lượng lớn áo quần phải giặt ủi cùng với hàng loạt công việc không tên khác. Không còn phải đối diện với vẻ mặt nặng nề của chồng trong những lần bỏ buổi cơm, về muộn vì bận hội họp, liên hoan, giao thiệp với đối tác.
Tôi thật sự không còn chịu đựng nỗi với tính độc đoán, ích kỷ của anh. Với thu nhập hiện tại của gia đình đâu có khó khăn gì để thuê người giúp việc, nhưng anh lại cương quyết “Không thích có người ngoài xen vào cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình”. Trong khi thực tế mỗi thành viên trong gia đình đều bận rộn, hai con đứa đã vào đại học, đứa năm cuối cấp ba, chẳng mấy khi chúng ăn uống đúng giờ cùng cha mẹ, anh thì ngày đêm vùi đầu vào các đề án, nghiên cứu quên cả thời gian. Công việc chỉ mang lại thu nhập đủ cho anh uống cà phê, giao thiệp với bạn bè. Cuộc sống kinh tế gia đình hầu như một mình tôi đảm đương, thế mà tôi chẳng được anh tôn trọng, quan tâm chăm sóc mà trái lại luôn phải chịu sự trách móc, đay nghiến, luôn bị tra tấn bởi những mâu thuẫn, bất hòa nghịch lý. Đi làm là nữ giám đốc kinh doanh, quay về nhà tôi lại phải hóa thân thành một “Oshin” không hơn không kém. Lắm lúc tôi mệt mỏi chán chường, nhưng nghĩ tới hai con, tôi đành cam chịu ngày lại qua ngày, nay đã đến lúc tôi phải có khoảng trời riêng của mình…
Chuông điện thoại nhà tôi reo vang, cơ quan báo tin dữ, chồng Thúy - kế toán của công ty tôi - vừa qua đời trong bệnh viện sau một tai nạn giao thông. Thúy vừa là đồng nghiệp, cũng là bạn cùng thời đại học của tôi. Thúy vốn hiền lành, an phận, chồng Thúy cách nay một năm đã bị buộc thôi việc vì hàng loạt vụ bê bối ở công ty. Từ dạo đó anh ta trở nên cay cú, tính khí thất thường, luôn chè chén bê tha, không ít lần còn cư xử thô bạo với vợ con. Đã có lần tôi bất bình hỏi Thúy: “Sao bạn lại yếu đuối như thế? Tại sao không tự giải thoát cho mình?”. Thúy cười, nụ cười đôn hậu ẩn chứa nhiều u ẩn: “Anh ấy vì lỡ vận, thất chí nên mới thế chứ bản chất ảnh không xấu. Nếu vứt bỏ ảnh trong lúc khó khăn nghiệt ngã như vậy thì còn đâu là tình nghĩa! Mình vẫn tin ngày mai mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, anh ấy sẽ thay đổi, sẽ làm lại cuộc đời. Và dẫu hoàn cảnh vẫn thế thì mình cũng không gì hối hận, vì mình đã sống và yêu trọn vẹn. Yêu một con người là phải yêu cả cái tốt và cả những cái xấu của người ấy, bạn ạ!”.
Khác hẳn với dự đoán của tôi, Thúy không rơi một giọt nước mắt, chỉ lặng lẽ lo chu toàn mọi việc cho chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Có lẽ Thúy đã khóc quá nhiều đến cạn khô nước mắt. Tôi cố an ủi bạn: “Thúy đừng quá đau buồn mà tổn hại sức khỏe, cuộc đời hãy còn dài, biết đâu mai này cuộc đời Thúy sẽ mở ra một trang mới, tươi đẹp hơn”. “Ngày mai của mình ra sao thì mình vẫn phải sống, chỉ đau là cuộc sống sẽ đơn độc và trống trải hơn vì anh ấy đã bỏ mình mà đi rồi! -  Thúy nắm lấy tay tôi nói: “Bạn hãy cân nhắc thật chín chắn, đừng quá cầu toàn bạn ạ! Hãy biết trân trọng những gì mình đang có, đừng để khi vuột mất những điều quí giá mới nuối tiếc muộn màng!”.
Nước mắt tôi ướt đẫm tự lúc nào, tâm tư hoang mang rời rã, tôi chợt nhận ra đằng sau vẻ yếu đuối an phận ấy, Thúy là người giàu lòng vị tha, đầy nghị lực, điềm tĩnh và chín chắn hơn tôi nhiều. Tôi chợt khao khát không khí ấm cúng của gia đình dù đó là lúc vui hay buồn. Sau bao tất tật bon chen, quay cuồng chốn thương trường, điều tôi mong mỏi là một bờ vai ấm áp để tôi tựa đầu chia sẻ buồn vui. Tôi chợt thèm được sống bình thường như bao người phụ nữ bình thường bên cạnh chồng con… Nghĩ đến ngày mai định mệnh, tôi chợt thảng thốt bàng hoàng, đầu óc quay cuồng, đất duới chân dường như chao đảo. Lúc đó, một đôi tay rắn rỏi ấm áp ôm nhẹ lấy vai tôi: “Mình về thôi em, trời đã khuya lắm rồi, ngày mai em còn tất bật bao công việc”. Tôi gục vào lòng anh, khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt hạnh phúc pha lẫn bùi ngùi. Tôi thầm cảm ơn Thúy đã kịp thời thức tỉnh tôi, suýt chút nữa tôi đã tự tay vùi chôn hạnh phúc, mái ấm thân thương của đời mình chỉ vì suy nghĩ còn nông nổi.
TÔ THỊ THANH THẢO (TP.HCM)
===========================
Khát vọng 
Tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh cơ cực của một gia đình nông dân nghèo. Cuộc sống của những năm đầu sau 1975 thật là cùng khổ đối với gia đình tôi. Ba má tôi phải làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không đủ ăn.
Bữa cơm chỉ độn đầy khoai hoặc bắp, chỉ ăn lấy no chứ không biết ngon. Dẫu cuộc sống cơ cực là thế nhưng chúng tôi vẫn còn cái may mắn là được ba má cho đi học lấy cái chữ.
Rồi mười mấy năm sau, cuộc sống gia đình tôi cũng dần khá lên sau bao năm cần cù lao động. Tôi cũng vừa trở thành một cô nữ sinh của một trường trung học ở thị trấn. Những tưởng cuộc đời tôi sẽ bước sang một trang mới. Nhưng một tai nạn giao thông khi tôi đang trên đường mang nông sản ra chợ bán đã cướp đi của tôi tất cả, cả những đam mê hoài bão của tuổi mới lớn. Thế là ước mơ cháy bỏng được trở thành bác sĩ của cô nữ sinh trung học mới mười bảy tuổi đầu đành phải khép lại. Cuộc đời tôi lại phải sang trang một lần nữa. Tôi trở thành một người khuyết tật, liệt nửa người do chấn thương cột sống. Và tôi phải bước vào một cuộc sống mới với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.
Dẫu biết rằng trong cuộc sống này có những điều xảy ra không như người ta mong muốn nên đòi hỏi con người ta phải học cách biết chấp nhận, nhất là những sự thật đau buồn. Nhưng một thời gian dài tôi vẫn chưa chấp nhận được sự thật ấy, nó quá khủng khiếp với một cô bé mười bảy tuổi như tôi. Làm sao tôi có thể chịu được khi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn đi lại được nữa, cuộc đời sẽ gắn chặt với hai bánh xe lăn.
Tôi ôm trong người một nỗi đau xé lòng, vác trên vai một gánh nặng trĩu mà chẳng ai có thể gánh thay giùm tôi. Mãi đến một ngày, tôi chợt nhớ ai đó đã nói rằng: “Lối đi ngay ở chân mình”. Và tôi nghĩ có lẽ lối đi ngay ở chân mình thật. Nhưng con đường tôi đi thì chằng chịt toàn dây và gai. Tôi phải tự phát dọn thì mới có lối đi, bằng không đó sẽ là ngõ cụt.
Tôi viết thư gõ cửa nhiều nơi và nhận được sự đáp lại của một anh bạn đồng cảnh ngộ, tất cả đều ngoài mong đợi của tôi. Anh đã chịu san sẻ ước mơ cùng tôi. Anh cũng là một tấm gương vươn lến đến lạ kỳ và tôi cũng học được nhiều từ sự vươn lên của anh. Anh đã cùng bạn bè góp tặng tôi một dàn máy vi tính - món quà quá lớn mà có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Có chiếc cần câu rồi tôi phải tự câu lấy cá mà ăn, đó là điều mà anh và những người bạn mong đợi ở tôi.
Tôi quyết tâm không phụ tấm chân tình của anh và mọi người. Hai năm sau, tôi có thể tạm gọi mình là một người thiết kế (designer) với sự cộng tác của một người thiện nguyện. Việc học đã mang lại cho tôi niềm vui sống mặc dù tôi vẫn chưa tìm được việc làm vì chẳng có ai thèm thuê một cô nhân viên phải nằm mà làm việc như tôi cả. Nơi tôi ở là một vùng nông thôn, xa khu dân cư. Ở đó có người còn bảo máy tính là chiếc ti vi thì làm gì có ai cần đến cái nghề của tôi. Tôi đã kiếm ra tiền từ việc viết bài cộng tác cho các báo. Và tôi thật sự hạnh phúc mỗi khi có bài được đăng báo.
Chính tôi mỗi khi có dịp ra đường vẫn nhận được những ánh mắt nhìn thiếu thiện cảm và những lời thương hại như: “Tội nghiệp, đẹp gái vậy mà…” hay những lời xì xào đại loại như: “Chắc gia đình ăn ở thất nhân lắm nên…”. Tôi dặn lòng sẽ không bận lòng với những câu nói kiểu như vậy, nhưng cũng cần thay đổi suy nghĩ lạc hậu trong họ. Mọi người thường nhìn thấy tôi luôn vui cười, nhưng như thế không hẳn là tôi không đau khổ. Nhưng cái chính là tôi đã biết tìm vui với những hạnh phúc mà mình có. Tôi cảm thấy rằng thật tuyệt vời nếu ai tìm ra được hạnh phúc từ trong chính những khổ đau mà mình đang phải gánh chịu. “Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông”, câu hát trong bài ca Khát vọng đó cũng là mục tiêu của tôi bây giờ.
QUỲNH DIỆU (Bà Rịa - Vũng Tàu)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive