Your Adsense Link 728 X 15

P03: Đi săn

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Đi săn

Mưa rất to, khi Dao bắt đầu bữa ăn chiều. Mưa làm trời sập tối ngay, và cúp điện. Bà lao công đã thắp trước cây đèn dầu. Loại đèn đặt trên bàn thờ, để đốt nhang, hoặc dùng làm đèn ngủ sau khi vặn xuống gần hết cỡ cái tim đèn, chỉ còn một đốm lửa leo lét, nhỏ bằng hột quít.
Ngọn đèn được chỉnh cho vừa sáng, vừa không tỏa khói khét lẹt, chỉ đủ soi mờ ảo mấy miếng đậu hũ kho thịt mỡ nhiều hơn nạc, đĩa rau muống loe hoe vài cọng xanh xám vì xào thiếu lửa.
Dao nuốt một tiếng thở dài, ngao ngán ngó mâm cơm đạm bạc. Không có bếp ăn tập thể, nấu một phần ăn nhỏ là vấn đề lớn, rắc rối. Đây là món ăn gia đình của nhà bà lao công sớt qua. Cả hội đồng coi thi chỉ có Dao là người nơi khác đến. Những người còn lại có nhà ở gần trường, hoặc ở xã, huyện quanh đó. Buổi tối, chỉ còn một mình Dao ở lại, không có xe, không thể về. Không có nhà tập thể, lãnh đạo hội đồng thi thu xếp cho Dao ở phòng họp giáo viên, ngủ trên bàn.
Buổi tối nơi xa lạ, vắng vẻ quá và cô quạnh quá. Không sợ ma cũng thấy hơi gai gai sống lưng. Dao ngồi dựa tường. Cửa sổ, cửa cái đóng chặt. Nhưng Dao vẫn căng mắt nhìn chăm chăm, hồi hộp.
Vừa sợ vừa mong.
Mưa to thế này, cuộc săn đêm đã hẹn hò suốt buổi sáng, buổi chiều với hai gã kia sẽ ra sao đây.
Trường này có mấy ông giáo, hễ rảnh một chút là réo nhau đi săn đêm. Xách súng hơi đi một vòng vườn tược trong xóm, có bữa hăng quá đi tới cửa rừng luôn. Gặp lúc như vậy, phải trưa hôm sau mới về tới nhà. Đi bộ mà.
Trong lúc ngồi chờ phân công, chờ nộp bài, nghe họ kháo nhau, máu phiêu lưu của Dao bùng dậy. Ra trường, dám nhận nhiệm sở xa nhà hơn trăm cây số, hai ba tháng mới về một lần, Dao tự hào rằng mình có máu mạo hiểm, thích làm lãng tử giong ruổi dặm đường. Nên Dao lên tiếng đòi họ cho đi theo “cho biết”.
Hai gã trẻ tuổi người địa phương nhìn nhau ngần ngư.
- Đàn bà con gái ở đây không đời nào làm như cô đâu.
- Mấy anh sợ tôi theo phá đám chớ gì.
- Không phải. Tụi này không dám nghĩ vậy. Chỉ là thấy quá lạ thôi.
- Nếu mấy anh thấy khó coi thì thôi.
- Không mà. Không có khó coi đâu. Cô muốn thì cứ đi. Nhưng nói trước. Giữa chừng không được đòi về. Đi xa lắm. Tối thui hà.
Dao nôn nóng nhìn đồng hồ. Tám giờ. “Hai đứa nó” hẹn bảy rưỡi. Trời hết mưa sau lúc Dao trệu trạo nhai xong bữa cơm ẩm ướt, tối mò. Không muốn cho rằng mình đã bị hứa lèo hứa cuội, Dao nghĩ ra đủ thứ lý do để chờ.
Hai gã đó, một tên nói nhiều và lớn tiếng, một tên ít nói, tiếng vừa đủ nghe, cứ bẽn lẽn ngượng ngập như con gái trước mặt đàn ông lạ. Nhưng bù lại, hắn - tên bẽn lẽn - rất thông thái. Đọc sách nhiều, chăm chỉ đi thành phố lớn học nâng cao bằng cấp. Hắn ít nói vì đứng đắn. Không như tên kia, lúc nào cũng tía lia cái miệng chọc ghẹo.
- Lúc giao nộp bài thi, bắt quả tang thằng Đặng lén ngó cô Dao.
Đặng cười cười, cụp mắt xuống, mặt đỏ lựng.
- Nói bậy mày. 
- Nói bậy nói bạ mà trúng tùm lum tà la chứ gì.
Giọng nói của Đặng có âm sắc gắt gỏng “Thôi đi”, thì gã lắm mồm mép ấy quay qua khều chọc Dao:
- Cô Dao. Nhà thằng Đặng có cây ổi xá lỵ. Thơm ngon nổi tiếng. Cả huyện này chỉ có một cây duy nhất mọc ở sân trước nhà nó. Tôi thấy cô thích ăn ổi. Tôi dám cá mười ăn một. Cô chỉ cần nói một tiếng, có ổi ăn liền. Cô dám nói không?
Biết Đặng giả vờ không nghe, Dao cố ý khích bác.
- Nghe nói ba của ông Đặng khó tánh như bà già xưa. Ông Đặng hái một trái ổi, chắc bị một trận đòn rưỡi. Cho thiếu nợ nửa trận để răn đe. Tôi không dám nói đâu. Không hại bạn.
Dao nói vừa xong, Đặng bỏ đi ra ngoài, lát sau cầm vô trái ổi còn nguyên cuống với lá xanh lè, đặt trước mặt Dao cái cốp:
- Đây. Ổi mới hái. Cô cũng biết nhà tôi khít vách trường này. Vậy nãy giờ cô có nghe tiếng tía tôi đánh mắng gì không?
Gã kia nhanh nhảu cướp lời:
- Thứ người ngậm miệng suốt ngày. Có khóc cũng đâu có nghe được.
Rồi gã cười hà hà hả hả, cười nhắm mắt. Còn Dao quá bất ngờ, chỉ biết lí nhí cụt ngủn “Cám ơn”.
Những vụ chọc ghẹo như thế thường xảy ra khi họ có dịp gặp nhau. Gác thi, chấm thi, học thêm nghiệp vụ tập huấn đủ thứ gì đó mỗi dịp nghỉ hè. Hai ngôi trường mang chung một cái tên. Trường Dao có kèm thêm số một. Trường Đặng số hai để biết huyện đó có hai trường. Mọi người gán ghép Đặng với Dao vì thấy họ còn độc thân, cùng học rộng hiểu nhiều, cùng tỏ ra rất kén chọn nửa còn lại của mình đang bị thất lạc, lang thang đâu đó trong thần thoại tự hồi nào.
Thiên hạ cáp đôi cho họ đã mấy năm nay, nhưng đôi mắt sáng láng thông minh của Đặng vẫn nhìn xuống, cái miệng hơi hô chúm chím cười. Đặng vuốt ngược mái tóc lên vầng trán rộng. Rồi xong. Rồi thôi. Chẳng chối, chẳng nhận. Gã nhiều chuyện phán một câu “Sức ỳ quá lớn”, rồi nói thêm “Máy ổn áp. Là mày đó Đặng”.
Dao thấy anh ta hay hay, lạ lạ so với những chàng giáo viên tỉnh lẻ mà Dao gặp gỡ mỗi ngày. Có điều anh ta còn nguyên vẹn vẻ nhà quê ở cách ăn mặc, giọng nói, cách nói. Nghe xù xì, thô và nhão. Anh ta là người địa phương gốc gác nhiều đời. Người cha phong kiến còn búi tóc củ hành, mặc đồ bà ba lụa trắng. Biết anh ta có được nếp suy nghĩ phóng khoáng hay không?
Có thể anh ta cũng đang so đo Dao, như Dao từng đánh giá anh ta. Bởi Dao luôn tỏ ra là người có xuất thân sang cả. Yểu điệu thục nữ, nhưng không kém phần táo bạo, bạt mạng theo kiểu dân chơi thành thị. Bên phe nữ, Dao nổi bật bởi cách nói năng thông minh, có duyên. Dao thường làm cho mọi người chú ý bởi thái độ cư xử tự nhiên hơn hẳn các cô gái khác. Cũng dễ hiểu vì họ là con gái huyện lỵ nhỏ xíu, heo hút. E thẹn, rụt rè đã thành tính cách.
Mặc kệ cả hai nghĩ thế nào về nhau, mọi người cứ gặp là chọc. Chẳng được gì thì cũng có chuyện nói cho đỡ buồn.
Dao ngó xuống đồng hồ đeo tay. Chín giờ thiếu mười lăm.
Hay là Đặng không chịu đi?
Hồi chiều lúc hứa hẹn, chỉ có gã nhiều chuyện nói ào ào. Đặng đứng bên cạnh, chắp tay đằng sau, cười ké, gật đầu đều nhịp, miệng ậm ừ, chẳng nghe ra được, hay là thôi.
Sau đó, chắc là Đặng đã từ chối, đã trách móc thằng bạn. Nếu không, sao giờ này, chẳng thấy ai tới.
Không nghi ngờ, phỏng đoán gì nữa, Dao nghe tai nóng nóng, má sần sần, mắt mũi cay cay. Xấu hổ với chính mình, cảm thấy mình bị mất giá với hai gã “nhà quê”. Dao buột miệng thốt ra thành tiếng, cái từ ngữ vẫn tránh né nói ra vì quá thiếu tế nhị.
Hai tiếng đó, dù nói khẽ cho chính mình nghe, nhưng cũng làm vang căn phòng rộng hoác, vắng tanh. Dao nhìn bóng mình in trên vách. Sao hẩm hiu quá thế này. Nước mắt đã đầy ứ, nhưng chưa thành giọt rơi xuống. Như có cái gì nặng, chặn lên ngực, Dao thấy ngộp thở. Nỗi hờn tủi ấy lấn át hết cái sợ bóng tối đen đúa ngoài sân với những dãy phòng thăm thẳm không ánh sáng, những cây cối to lớn im lìm. Dao bước gấp về phía cửa sổ, gạt cái chốt, dùng cả hai tay đẩy mạnh.
Một tiếng ê hoảng hốt bật lên, vọng vào phòng.
Một cái mặt người, một thân áo sơ mi trắng ướt sũng hiện ra. Cái thân mình to lớn, che lấp hơn nửa khung cửa.
Tiếng Dao vui mừng
- Anh Hơn! Làm tôi hết hồn.
Hơn - gã nhiều chuyện - nói năng từ tốn, chẳng còn vẻ lanh chanh lóc chóc thường ngày.
- Tôi đi săn. Đi mấy vòng chỉ bắn được con chim ốm nhách. Ngang qua đây, thấy phòng có đèn, tôi ghé coi thử. Cô sợ nên tính để đèn sáng đêm phải không?
Dao như bị tạt một gáo nước lạnh vào giữa mặt, khắp người chợt ứa ra một thứ mồ hôi giựt mình, kinh sợ. Sao hắn tỉnh bơ trơ tráo, như chưa hề hò hẹn chắc chắn mới hồi chiều này. Còn Đặng sao không thấy.
Dao cũng đành giả lơ theo. Sửa cho giọng tự nhiên như thường khi, Dao hỏi:
- Anh nói săn được con chim gì. Cho tôi coi với.
Hơn gác tay lên bệ cửa, nắm tay mở ra, năm ngón xòe rộng như phân bua. Một xác chim sẻ nằm rụi, cặp chân khẳng khiu duỗi dài, khô cứng trong lòng bàn tay vuông vức. Có thêm mấy vệt máu loang.
Dao rùng mình nhắm chặt mắt. Rồi mở mắt ra, thấy Hơn đang nhìn mình rất lạ, như đang đóng phim đến cảnh ướt át tình cảm. Lúc này mắt Hơn cũng có tia sáng giống mắt Đặng. Hay tại Dao chưa bao giờ để ý? Hay tại nước mưa?
Hơn nói giọng rất khẽ, rất ấm:
- Trời mưa lạnh ghê. Nhưng con chim này nóng hực. Không tin cô rờ thử coi.
Bàn tay vẫn mở rộng, mời gọi. Dao đưa ra một ngón tay trỏ, chạm nhẹ lên mớ lông màu đất, thoáng nghĩ thật nhanh. Lỡ... Hơn cụp tay lại nắm tay mình thì sao. Hình như mấy ngón tay to tướng kia đang run run, cử động.
Dao rụt tay về rồi, Hơn mới chậm chạp co lại mấy ngón tay.
- Thôi tôi về. Đứng đây hoài thấy mình làm như bắt chước tuồng cải lương Thanh Nga Mộng Tuyền. Cái thằng cha kép độc đó, làm bộ đi săn dưới trời mưa để tán tỉnh tống tình bà chủ đồn điền. Chúc cô ở lại một mình suốt đêm tới sáng không sợ nghen.
Dao nặn ra mấy tiếng cười, cám ơn, đóng cửa lại. Vừa quay lưng đã nghe tiếng gõ lách cách.
- Quỳnh Dao ơi.
Cửa mở. Hơn không đứng dựa sát tường nữa mà xích ra xa, như thủ thế. Giọng nói vẫn nhẹ như gió thoảng, rù rì như trên đài phát thanh đọc truyện đêm khuya.
- Nói thiệt là hồi tối, tôi có rủ thằng Đặng qua đây mời cô cùng đi săn. Nhưng ba nó nói, nó đi trước lâu rồi. Tôi phải đi một mình. Thấy trong bụng áy náy quá, nên xẹt vô đây kêu cô. Nó không đến gặp cô phải không. Cái thằng gà rù đó. Sao cô lại tên là Quỳnh Dao. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Tôi cũng có đọc thơ Kiều chớ bộ. Tên cô đẹp quá mà. Cái đồ gà chết đó.Thôi. Cô đóng cửa ngủ sớm đi.
Hơn quay lưng, đi mất hút vào bóng tối. Dao làm theo lời Hơn, ngoan ngoãn như đứa trẻ con. Nhưng không ngủ được.
Vậy thì Đặng đi đâu?
Đi trốn. Đi săn một mình.
Hay là từ chập tối tới giờ, anh ta vẫn đang đứng trong sân trường này, nhờ bóng tối cái cây nào đó che giấu.
Vớ vẩn! Mà đứng để làm gì chứ. Dao cười khan, mình giỏi tưởng tượng lắm rồi. Cho mười điểm.
Biết đâu chừng ba của Đặng nói dối. Có thể Đặng chẳng đi đâu hết. Giờ này anh ta đang chong đèn tra cứu này nọ. Gã tên Hơn ấy đã nhiều lần kể, Đặng là giáo viên môn hóa nhưng đang theo học giáo trình Hán - Nôm. Đặng còn âm thầm ôm ấp một công trình nghiên cứu, phát minh phát kiến rất to lớn.
Có ngày, chính tiến sĩ Võ Đặng sẽ công bố, đã tìm ra cái nền nhà mà ngày xưa còn bé, cụ Đồ Chiểu đã từng ngồi mòn bậc thềm ngóng mẹ đi chợ về, ở ngay tại xứ này.
Chẳng biết có thực hay không.

LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive