Your Adsense Link 728 X 15

P02: Chiều chiều có cái ngõ sau

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Hoài có tật xấu là làm việc không có giờ giấc. Hễ thấy vừa ý thì cắm đầu cắm cổ làm quên thôi. Trưa nay, trời mát. Mát đúng nghĩa với căn gác xép có bề mặt trải vừa khít năm chiếc chiếu đôi, chiều cao cách mái tôn khoảng chừng hai mét.
Trời không có nắng do ảnh hưởng một cơn bão xa lắc. Không có mây xanh ngắt. Chỉ thấy dầy cui từng lớp mây xám trắng, như mớ nước cốt dừa quằn quện nổi lập lềnh trong ổ rau câu có pha cà phê đen.
Vì vậy Hoài hăm hở lên gác, mở quạt số lớn nhất, lấy ra một xấp bài kiểm tra dày như cuốn tự điển, thử mực cây viết đỏ, sửa bộ ngồi nghiêm chỉnh để chăm chỉ đọc, chấm, sửa sai, cho điểm.
Căn gác của Hoài chỉ có ba bức tường kín, thay cho bức thứ tư là nguyên một khoảng trống che lưới để lấy ánh sáng, khí trời, lấy gió cho thoáng nên ở trong gác xép cũng như ngồi hóng mát ngoài ban công. Hoài thường xuyên thấy chim chóc lượn bay, sét đánh loe lóe và vô số những cây cột ăng ten cao ngất ngưởng, thỉnh thoảng lại lắc lư, xoay trở dò đài vê này vê nọ.
Không nực nội, chẳng muỗi mòng nhưng chỉ vừa chấm được hai bài thì Hoài bực mình buông viết. Không thể hiểu nổi những dòng chữ nắn nót trên trang giấy trước mắt, dù Hoài cố gắng đọc từ đầu tới cuối, rồi lại trở ngược từ cuối lên đầu.
Ồn quá.
Nhà hàng xóm đằng trước vừa mới xây nhà lầu. Tất cả cửa sổ, cửa chớp, lỗ thông gió của mấy tầng lầu đồng loạt hướng sang khoảng trống căn gác của Hoài. Ngày thường nhà họ nói chuyện cơm áo gạo tiền, làm ăn buôn bán, cả nhà Hoài đều phải nghe như chính nhà mình đang nói.
Nhưng đó là chuyện đời thường, chuyện quen thuộc, nhà nào cũng có, nghe được bí mật nội bộ của nhà khác cũng hay hay, ngộ ngộ. Còn thứ tiếng ồn này lại là âm nhạc. Nói cho đúng, là Hoài đang phải chịu nghe một hỗn hợp tiếng động chói tai, có lên xuống, có kêu rên, gào thét, lè nhè, lải nhải. Nghe choáng váng và nhức nhối, muốn nổi ngứa khắp mình.
Hoài bị dị ứng với loại nhạc nghiệp dư, chỉ giỏi hát bắt chước, hoặc tự chế biến cải biên gì ấy. Giọng hát đã không điêu luyện mà lại còn phải nghe thêm đủ thứ tạp âm loảng xoảng trộn vào.
Nghe nói nhà bên ấy cất lầu để ngăn phòng cho mướn. Hình như đã có mấy đứa thanh niên tới ở rồi.
Bởi vậy tiếng hát chua loét, the thé giọng mái, hát cũng như hét của những ca sĩ bất thình lình mọc lên trên bàn nhậu, trong gầm cầu thang chung cư, trong xóm lao động nghèo kia, chắc chắn là của bọn mướn nhà đó. Hồi này, thành phố ngập tràn người tỉnh lẻ đi kiếm sống, có lẽ đang nhớ nhà hát cho đỡ buồn ấy mà.
Làm việc thì chung quanh phải yên tĩnh hoàn toàn chứ, thì mới đạt hiệu quả cao chứ. Hàng xóm gì mà không biết điều chút nào hết vậy.
Vì vậy Hoài hùng hổ đi xuống cầu thang, ra mở cửa cái, rồi bước sang nhà hàng xóm. Họ có trổ cửa sau. Hoài đứng ngoài sân, thò đầu vào, hỏi cô con dâu của cái nhà lầu cho mướn đang rửa chén bên sàn nước bằng i nốc sáng loáng.
- Ai đang hát vậy Thúy?
Nàng dâu trẻ, gái một con, cười ngỏn ngoẻn.
- Dạ người ta.
Hoài sừng sộ tra hỏi tiếp
- Mấy đứa mướn nhà này đó hả?
Cô dâu hàng xóm cứ tay thoăn thoắt rửa chén, đầu không gật không lắc, miệng cười cười thay cho câu trả lời.
Hoài sừng sộ răn đe
- Biểu tụi nó nghỉ đi. Trưa không lo ngủ lấy sức làm việc, cứ hát um xùm không cho ai nghỉ ngơi gì hết.
Nói xong, Hoài quày quả ra về. Yên chí rằng những lời dạy bảo, của nhà giáo duy nhất trong xóm, rất có sức nặng.
Nhưng khi Hoài leo lên tới sàn gác thì tiếng hát vẫn còn vọng qua, rõ như nhà mình đang hát.
Chẳng lẽ lại trở xuống ngăn cấm lần nữa. Vừa làm biếng vừa ngượng vì lời nói không có giá trị, Hoài bực bội ngồi phịch xuống trước đống bài kiểm. Rồi đành vừa chấm bài vừa chong tai nghe những câu hát vô duyên, tầm thường kia đang lồng lộng vòng quanh mình, xối xả xuống đầu xuống cổ. Mà giận nhất là chỉ có mỗi một giọng hát con trai the thé, độc diễn, hát hết gân hết sức. Hoài tưởng tượng nó đang ở trần, ngồi bệt đất, lưng dựa tường, mắt nhắm tịt, gồng mình lên mà la thét. Tiếng đàn ghi ta thùng đệm theo phừng phừng rè rè như gõ vào cái thùng sắt cũ kỹ han rỉ, lại còn thêm tiếng xập xèng rủng rẻng của cái trống thiếc trong trường mẫu giáo. Nhạc nhiếc gì mà không nghe chuyển gam, lên tông, cứ ngang ngang như bị đớ lưỡi, giọng thì lạc, lệch xa hàng cây số.
Mẹ...ẹ... ơi. Ở nơi xa mẹ có biết chăng cho lòng con trẻ. Tóc mẹ giờ bạc đầy đầu. Áo mẹ nhạt phai màu. Tháng năm trôi xa. Gió núi mưa rừng đèo cao suối sâu ngăn cản bước chân con. Nhưng con đây không nguôi lòng nhớ mẹ hiền.
Em hỡi. Chia tay cũng đành. Ngày xanh giờ mau úa tàn. Đường xa xăm không lối, nơi nơi sương giăng. Em hãy cố gắng lên, quên anh cho xong đi. Em đừng nghĩ tới anh, kẻ vô tình làm tan nát tim em. Đừng nhớ anh. Nhớ anh. Nhớ... ớ... anh... anh... anh. Nghe em... e.. .em...
Ngu gì mà lấy vợ đẹp. Khi mình xẹp túi nó dẹp mình luôn. Ngu gì mà lấy vợ khôn. Nó lừa mình sạch bách không còn cái xương. Ngu gì mà lấy vợ già...
Đúng là cái đồ nhạc... sến. Tức bực không thể tả nên lời. Hoài huỳnh huỵch xuống cầu thang, xăm xăm đi qua nhà hàng xóm. Dưới nhà, trong bếp vắng tanh, người lớn người nhỏ chẳng thấy bóng nào. Hẻm này vốn an toàn kín đáo lâu nay mà, có thể an tâm dựng xe trong chốc lát mà không sợ bị dắt đi mất.
Hoài xẹt qua nhà hàng xóm khác, làm một kẻ nhiều chuyện ngồi lê đôi mách.
- Chị Tám. Ai hát rùm beng bên nhà má chồng con Thúy vậy không biết. Không sao làm việc được.
- Ủa. Lớn lắm sao? Ở nhà sau hay nhà trước?
- Có biết đâu. Nhưng mà ở trên gác bên này nghe lồng lộng, điếc ráy.
- Hay là bà Mén mở máy hát, ti vi?
- Không phải. Nghe dở ẹt. Nó hát miệng không. Đâu có mi rô mi riếc gì.
- Vậy sao? Để chị biểu tụi nó im giùm cho.
Hoài không tin tưởng lắm, nhưng cũng phải quay về.
Để chống chọi lại những lời ca tiếng hát rợn tóc gáy nổi da gà kia, Hoài đành bật máy hát nhà mình. Đài buổi trưa có chương trình nhạc thính phòng. Dù không nghe hiểu rành nhưng cũng là nhạc thứ thiệt, đỡ chói tai hơn, so với thứ âm nhạc hàng nhái, thấy sang bắt quàng làm họ.
Rồi lo cắm cúi đọc bài làm, bắt lỗi sai của học sinh trong tiếng đàn sáo êm tai, Hoài cũng không để ý nữa. Không biết “cái thằng đáng ghét” đó vẫn còn kêu rên hay đã biết điều mà ngậm miệng nín thinh hồi nào.
Mấy hôm sau, khi tình cờ đụng mặt nhau ở chợ, bà hàng xóm có uy tín hôm nọ vội vàng tóm lấy Hoài mà nói chuyện. Vừa phê bình vừa trách.
- Cha ơi! Nghi oan cho người ta. Không phải mấy đứa mướn nhà hát đâu mà la. Tụi nó có ba đứa con gái mười mấy hai mươi tuổi, ngực mông đầy đủ làm sao mà hát ra tiếng đàn ông được.
Bà hàng xóm hạ thấp giọng bí mật sợ có người nghe, dù đang ở giữa chợ, chớ không phải ở trong xóm.
- Con Thúy đó. Con Thúy.
- Hả?
- Con Thúy nó nghe băng cát xét.
- Vậy sao?
Rồi giỏ ai nấy xách lo đi cho kịp buổi chợ đông, kẻo rau héo cá ươn.
Thiệt là ngạc nhiên. Con Thúy nghe nhạc. Từ hồi Thúy về làm dâu nhà ấy tới giờ, Hoài có nghe nó thưởng thức hát hò bao giờ đâu. Nó chỉ nói ồn ào hàng trăm thứ chuyện trên đời với mẹ chồng, em chồng, bà ngoại chồng, mợ dâu chồng. Rồi kêu chồng thức dậy đi tắm, ăn cơm, chăm giùm đứa con chưa thôi nôi.
Ngay cả tuồng hát cải lương, là thứ nhạc ưa chuộng của người bình dân Nam bộ như Thúy, Hoài cũng chưa lần nào nghe nhà đó vọng ra tiếng hát nỉ non, ai oán xuống xề, nói lối.
Hoài ít giao thiệp với hàng xóm, nhưng nhà cửa sát cạnh nhau. Nhà kia nấu nướng cháy khét mà mình còn phải chạy vào bếp nhà mình kiểm tra lại nồi ơ cho chắc. Họ cãi nhau, răn dạy đánh đòn con cái cũng nghe từ lúc dạo đầu cho tới lúc hạ màn.
Nên Thúy không có sở thích nghe ca nhạc là điều Hoài dám chắc không sai.
Vậy mà bây giờ nó nghe ra rả cả ngày.
Tối hôm qua, trước khi ngủ lịm đi với mớ tay chân rã rời bởi đấu mấy trận cầu lông đánh đôi kéo dài suốt từ trưa tới chiều, Hoài vẫn kịp nghe văng vẳng mấy bài hát “sến” hạng nặng đó một hồi nữa.
Thúy là người đàn bà có chồng có con. Nấu cơm đi chợ giặt đồ quét nhà chà cầu thôi cũng đủ hết ngày, đâu có rảnh. Đâu phải là cô gái mới lớn, mơ mộng hồng hồng tím tím mà ngồi bó gối, tóc xõa lơ thơ trong gió, nghe nhạc trữ tình để nhớ người ta.
Mà có nhắc mới nhớ. Chiều hôm qua, đi làm về, Hoài thấy Thúy ngồi ở cửa sau. Ngồi xuôi xị, uể oải trên chiếc ghế nhựa, thứ ghế thấp tè kê trong quán cóc, ở hàng ăn trên lề đường. Đồ bộ ngắn lủng lẳng hở gối hở nách mặc mát ở nhà. Gương mặt trái soan trắng trẻo dài ra, thụng xuống, không vui. Bây giờ Hoài không nhớ rõ Thúy có khóc hay không nữa. Nhưng chỉ cần nhìn cái bộ dạng đó thì biết là đang buồn. Nếu không, ai lại một mình ngồi lặng lẽ như trốn mọi người ở cái cửa sau. Mà ngay đó là chỗ để một cái thùng rác chung của cả xóm.
Rồi Hoài lại nhớ. Đúng là Thúy có chuyện buồn về tình duyên gia đạo.Vì rằng thằng chồng của Thúy đã vắng nhà mấy năm liền rồi. Từ lúc đứa con nhỏ chưa biết đi, chưa biết nói mà bây giờ thì đang học thêm để chuẩn bị vào lớp một.
Ban đầu, bà mẹ chồng còn giấu diếm vòng quanh. Mặc dù cả xóm biết rõ thằng con nghiện ma túy. Chất gây nghiện đã thấm sâu vào tận xương tủy nó. Không thể tự chữa, tự cai ở nhà được, mà phải đem vào trại tập trung, tiến hành chữa chạy theo quy trình khoa học, cách ly khỏi bọn xấu rù quến rủ rê. Bây giờ thì mỗi lần thăm nuôi tiếp tế cho “thằng nghịch tử”, mẹ chồng Thúy cứ vừa kể vừa khóc, vừa nói vừa cười, sang sảng. Khóc vì tội nghiệp nó. Cười vì thấy nó đã tạm ổn. Như vậy cũng bớt xấu hổ với bà con làng xóm. Thôi, chẳng che đậy nữa.
Xỏ xâu những chuyện lẻ tẻ biết về Thúy, Hoài xách qua nhà chị Tám hàng xóm, hỏi cho ra lẽ chắc chắn.
- Chị nói con Thúy nghe băng cát xét. Hay là băng của thằng chồng nó hát trong trại cai nghiện.
Chị Tám gật gù
- Cũng có lý. Hồi còn ở nhà cũng có khi nghe thằng đó hát hò chút đỉnh.
Hoài suy diễn
- Chắc là nó mới gởi về. Nó chữa riết cũng phải bớt bớt cái bệnh nghiện. Bởi vậy nó mới hát được. Rồi nó khoái chí, tự thu vô băng cho người nhà nghe, tiện dịp khoe luôn rằng mình cũng đỡ đỡ rồi ấy mà. Chớ hồi nào tới giờ, xóm mình có nghe nhà chị Mén hát ba cái thứ nhạc kỳ cục vầy đâu.
Chị Tám không đồng ý với Hoài lắm. Chị biết một chuyện mà Hoài không biết.
- Nhưng mà con Thúy nói là băng này cũ rồi, mấy năm rồi.
Hoài cãi lại, lý lẽ cũng vững chắc không kém.
- Thì chồng nó chẳng đi cai nghiện mấy năm nay rồi còn gì?
Chị Tám có vẻ hơi bị thuyết phục
- Chắc vậy. Để chị hỏi lại coi.
Chẳng biết chị hàng xóm có hỏi lại chưa, nhưng Thúy vẫn tiếp tục nghe những bài hát làm ngứa tai Hoài, đều đều mỗi buổi trưa. Nó cũng đã biết mở nhỏ nhỏ, nên Hoài chỉ còn nghe loáng thoáng thương cha nhớ mẹ, mối tình dang dở lỡ làng, chớ dại mà lấy vợ xấu, vợ lười...
Thỉnh thoảng, mỗi chiều chiều, Hoài lại thấy cái cảnh trong câu ca dao ngày xưa. Thúy, một mình, ngồi xụi lơ ngơ ngẩn ở cái cửa sau bếp, vắng tanh.
Nhưng Thúy không ngó về quê mẹ. Nhà mẹ ruột nó ở ngay ngã tư, có bữa nấu canh chua quên mua me, nó xẹt qua xin trái chanh, trái tắc thay thế. Còn mẹ nó, một tuần lễ có bảy ngày thì hết sáu ngày sang chơi với cháu ngoại.
Hoài nghĩ, Thúy đứng ngõ sau vì có thể ở chỗ đó, hồi thằng chồng chưa đi cai nghiện, hai vợ chồng trẻ thường ngồi tâm tình, âu yếm mà không sợ ai dòm thấy.
Hoài định bụng có hôm sẽ nói với Thúy.
- Đưa cái băng đó ra cửa hàng, kêu họ chuyển sang ra mấy cái đĩa xi đi mà nghe cho hay. Lại để dành được lâu. Hễ hư cái này thì còn cái khác.
Nhưng Hoài chưa có dịp. Cứ chiều chiều thì Hoài lại mắc bận đi tập thể thao, đi chơi thư giãn. Khi nào Hoài nhớ ra thì lại chẳng có Thúy ngồi ở cái ngõ sau.

LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive