Your Adsense Link 728 X 15

P03: Ông Hai Đức: từ ẩm thực đến du lịch

Posted by Kenny Phạm 11/7/10 0 nhận xét
Cách đây hơn 25 năm, ông Hai Đức đã mượn vốn gia đình, bè bạn đầu tư mở nhà hàng. Để có mặt bằng, ông thuê đổ 600 chuyến xe đất, san bằng một khu vực đầm lầy có diện tích 3.000 m2 nằm gần quốc lộ 1, ven biển Cam Ranh. Chẳng bao lâu sau, một nhà hàng xinh xắn với kiểu dáng nhà sàn mọc lên.
Ông sưu tập cây kiểng, xây chuồng nuôi dưỡng cheo, hươu, nai, vượn, kèm một vài lồng chim hót giúp du khách thư giãn, quên đi những mệt mỏi trên đường thiên lý trước khi ngồi vào bàn. Ông vẫn bảo lưu thương hiệu Ngọc Sương và biểu tượng cối xay gió, vốn là tên - hiệu nhà hàng do bà mẹ vợ đặt ra từ năm 1959 tại vùng bán đảo này.
Cánh hướng dẫn chúng tôi rất thích đưa khách đến đây, không chỉ vì tiện đường, lại thêm cảnh trí, không gian, gió biển, mà còn do món ăn được chế biến khéo léo, hợp khẩu vị ba miền. Ông Hai Đức mua hải sản tươi ngon ngay tại thuyền đánh cá, đưa về bể nuôi tại nhà, dùng kỹ thuật sao cho chúng không bị sút cân hoặc chết non. Ông tuyệt nhiên không sử dụng bột ngọt hoặc đường khi chế biến thức ăn vì sợ làm mất mùi hải sản, và chọn nước mắm Cam Ranh đúng độ đạm để nêm nếm. Một yếu tố mang tính nguyên tắc của Ngọc Sương là thức ăn phải thật nóng sốt trước khi dọn ra bàn.
Tính cẩn thận đôi khi cầu kỳ này có lúc khiến các đoàn khách du lịch phật lòng vì mất nhiều thời gian chờ đợi. Biết vậy, ông đành khéo léo từ chối tiếp đoàn đông người vì sợ mang tiếng thiếu tôn trọng khách hàng.
Khách quen của Ngọc Sương thường chọn món gỏi cá đặc trưng miền biển. Loại cá nguyên liệu làm gỏi có tên là sọ dừa, sinh sản nhiều ở biển Cam Ranh, ít xương, thịt trắng, giòn và không tanh. Cá tươi sau khi làm sạch, lóc bỏ xương, da còn lại phần thịt tiếp tục được thái mỏng và trộn đều với dấm, hành tây. Lúc dọn ra bàn, dĩa gỏi cá được rắc lớp đậu phộng rang, điểm thêm dăm lát ớt, vài sợi gừng xắt nhỏ. Gỏi cá phải được cuốn bánh tráng sống kèm chuối chát, khế rau thơm…, chấm với nước chấm được pha chế rất đặc biệt.
Năm 1990, Ngọc Sương tiến vào Sài Gòn mở chi nhánh trên đường Lê Văn Sĩ. Thị trường ẩm thực Sài Gòn vốn mang nhiều phong cách, hương sắc là một thử thách trong cuộc cạnh tranh đầy cam go khiến ông phải trả giá bằng 14 tháng vắng khách, dẫn đến lỗ vốn trầm trọng. Nhắc chuyện cũ, ông bùi ngùi: “Gần như tôi dồn hết tài sản và tâm trí cho việc đầu tư này: đi lại giữa Cam Ranh và Sài Gòn, vừa cung ứng hải sản với giá gốc vừa quán xuyến kinh doanh một lúc hai nhà hàng. Thế mà lỗ, do thực khách thành phố Hồ Chí Minh chưa quen món ăn mang phong vị Cam Ranh”.
Nhưng ông kịp chấn chỉnh lại Ngọc Sương ở Sài Gòn, từ thay đổi giá cả đến nghiên cứu khẩu vị khách hàng rồi bổ xung thêm món ăn bên cạnh thực đơn đặc thù của nhà hàng. Từ đó thực khách bắt đầu quen dần nhưng tô cháo hàu, ghẹ hoặc mì tôm cua cho buổi điểm tâm. Buổi trưa, chiều dùng cơm với tôm kho tộ, mực chiên giòn, hàu đút lò, canh chua hải sản. Buổi tối có thể lai rai với món gỏi cá, hàu sữa mù tạc, nghêu nấu sữa, tôm nhúng nước dừa… đậm đà hương vị biển cả.
Ông tên thật là Trần Hữu Đức, xây dựng gia đình với bà Trần Thị Thu Vân và sau năm 1975 gia đình chuyển hẳn về Cam Ranh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh ngành ẩm thực. Bà Vân thừa kế tài nấu bếp từ người cha tài hoa. Các món ăn khi qua bàn tay khéo léo của bà đều ngon hơn.
Được cha mẹ vợ đùm bọc, cưu mang từ thuở còn khó khăn nên ông có những tình cảm sâu đậm, gắn bó với vùng đất Cam Ranh quê vợ. Ước nguyện góp sức giải quyết phần nào công ăn việc làm cho người lao động địa phương của cha mẹ vợ được ông biến thành hiện thực. Trong số 250 người giúp việc thường xuyên trong hệ thống nhà hàng Ngọc Sương của gia đình ông trước đây phần lớn là người gốc Cam Ranh. Ông tuyển chọn con em gia đình nghèo để đào tạo thành đầu bếp, phụ bếp, cung cấp cho hệ thống bảy nhà hàng hiện nay ở Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn do các con ông đầu tư khai thác.
Đầu năm 2007, tôi tình cờ gặp ông tại Cam Ranh. Ông đang tham gia cổ phần  xây dựng khu resort Cù Lao Nhỏ trên bán đảo Cam Ranh. Đây là khu vực bãi tắm được xem là đẹp nhất vịnh mà ông đã dốc sức, đeo đuổi đầu tư từ năm 2000. Ông bảo: “Đến tuổi này tôi còn thiết gì làm giàu nhưng nhìn một kỳ quan thiên nhiên như bán đảo Cam Ranh chưa được khai thác du lịch lòng tôi chưa thấy yên ổn”.
=======================================================
Lên nóc nhà Đông Dương

Phan Xi Păng (hay Fansipan), còn được gọi Hủa Xi Pan theo tiếng dân tộc bản địa, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh trên đỉnh núi cao nhất ba nước Đông Dương, nằm phía tây nam cao nguyên Sa Pa, trong dãy Hoàng Liên án ngữ cả vùng trời tây bắc, đã từng được nhiều người biết đến như một danh sơn khó chinh phục bởi độ cao 3.143 m, địa hình hiểm trở.
Ngay cả người H’mông, Dao Đỏ, Nhắng... sống lâu đời tại các bản làng Tả Van, Cát Cát, Xín Chải chẳng mấy ai phát hoang, làm nương rẫy vượt quá độ cao 2.200m so với mặt biển. Cho đến lúc này Phan Xi Păng vẫn là đích đến của những ai có ý chí, niềm đam mê chinh phục, khám phá.
Hiện nay, chưa có tài liệu nào công bố ai là  người đầu tiên đặt chân đến đỉnh Phan Xi Păng. Tuy nhiên vào năm 1924, trên những ấn phẩm quảng bá chương trình du lịch Sa Pa, có giới thiệu tour leo núi Phan Xi Păng. Đến năm 1960, một đoàn chuyên gia Ba Lan, sau chuyến khảo sát địa chất, đã xây dựng trên đỉnh trụ hình kim tự tháp làm cột mốc. Đất nước thống nhất, ngành du lịch bắt đầu mở mang và thời điểm  năm 1984 được xem là sự kiện đáng nhớ đối với  người làm du lịch tại cao nguyên Sa Pa khi đón đoàn vận động viên hỗn hợp Nga - Đức tổ chức cuộc thi chinh phục Phan Xi Păng. Nhằm kỷ niệm chuyến đi, người ta không quên để lại hộp hình chóp nhọn bằng kim loại, thay thế trụ bêtông bị hủy hoại theo thời gian, mưa nắng. Sự kiện ấy đã khởi đầu, làm tiền đề cho các tour khám phá, chinh phục Phan Xi Păng sau này.  
Nhiều ngã lên trời
Nếu xuất phát từ  huyện lỵ Sa Pa ở độ cao 1.600 m so với mặt biển, có ba con đường lên đỉnh Phan Xi Păng. Thứ nhất là theo quốc lộ 4 D đến đèo núi Xẻ (Ô Quy Hồ) cao 1.920 m, rồi vòng ngược lại về phía đông trên chặng đường dài gần 10 km (bình quân cứ hơn cây số đường dài, cao độ sẽ tăng thêm 100 m). Hướng này có thể đi và về trong thời gian hơn một ngày do đường đi hầu hết đã được xây lancan bêtông bảo hiểm. Hướng thứ hai qua bản Xín Chải và phải  cật lực vượt nhiều dốc đứng, vực thẳm trong thời gian bốn ngày mới hy vọng lên tới “nóc nhà Đông Dương”. Tuy nhiên hướng này  không hấp dẫn bằng ngã đi qua thác Cát Cát là hướng thứ ba vì địa hình đa dạng, thảm thực vật lạ mắt,  tầm nhìn rộng lớn khắp bốn bề.
Tôi đã chọn hướng làng Cát Cát nhưng khi xuống núi sẽ đi qua đèo núi Xẻ với tham vọng sẽ vượt qua sống lưng dãy núi Hòang Liên Sơn, khám phá địa hình của cả hai phía: sườn đông và sườn tây đỉnh Phan Xi Păng, mặc dù trước đó không ít người, cả những người bạn làm điều hành, hướng dẫn du lịch tại Sa Pa, một mực khuyên nhủ nên chọn phương án đi và về tại Ô Quy Hồ do an toàn và vừa đỡ phải băng rừng vượt dốc.
Buổi chiều trước ngày đăng sơn, đứng trên núi Hàm Rồng, ngước mặt sang phía tây, đỉnh Phan Xi Păng lúc ẩn lúc hiện sau đám mây bồng bềnh như ngạo nghễ, thách thức, nhìn xuống  thung  lũng Mường Hoa, dốc núi sáng rực trong sắc vàng ươm của nắng chiều. Trời trong, mây tạnh lại rơi vào tháng hai - mùa lý tưởng để chinh phục Phan Xi Păng, chắc hẳn cuộc du hành ngày mai sẽ vô cùng thuận lợi, tôi thầm nghĩ thế. Ngờ đâu buổi tối, đài VTV1 thông báo áp thấp nhiệt đới đang chuyển chậm về phía tây bắc trên diện rộng. Từ lúc ấy đến  quá nửa đêm, tôi cứ mãi trằn trọc với một điều lo lắng duy nhất: “Những người bạn mà tôi thuê để hướng dẫn lên núi liệu có  tiếp tục thực hiẹn chuyến đi hay không khi tối nay nghe tin thời tiết xấu?”. 
Gần sáng, trời bắt đầu đổ mưa, mọi lo lắng đêm qua rồi cũng được xóa tan khi mọi người đã có mặt tại điểm hẹn. Đồng hành cùng tôi, ngoài anh Dì Văn Hòa là hướng dẫn viên chuyên leo núi Fansipan, còn thêm Mã A Lứ, chàng trai người H’mông 24 tuổi từng trải qua ba năm khuân vác hành lý cho các đoàn khách đi điền dã. Thú thật, ngay từ đầu tôi không mấy  yên tâm với vẻ bề ngoài của A Lứ vì ngay cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm, A Lứ cũng chỉ mặc phong phanh chiếc áo H’mong màu chàm xẻ ngực và bên hông kè kè bên sườn lưỡi đao sắc lạnh. Tuy nhiên càng về sau, tôi càng cảm phục, quý mến anh. Mang tiếng là người khuân vác hành lý, lương thực, nhưng thực tế A Lứ kèm thêm nhiều công việc: từ tiền trạm, mở đường tìm địa điểm dựng lán cho đến chuẩn bị bữa ăn trước khi chúng tôi đặt chân tới, hết thảy đều một tay anh quán xuyến. “Đông người thì chẳng việc gì phải sợ, chứ một thân, một mình giữa núi rừng sâu thẳm, nguy hiểm khôn lường, con dao là vật hộ mạng, để cắt rừng mở lối,  chống chọi thú dữ hoặc lâm tặc xin đểu” - A Lứ tâm sự.
Những chặng đường gian khổ
Chúng tôi vượt dốc đứng đầu tiên, ngay làng Cát Cát nằm trên độ cao 1.200 m, mất đúng 35 phút. Mệt toát mồ hôi nhưng mọi người  đều phì cười khi nghe Hoà ví von “dốc này chỉ dành riêng cho   việc khởi động giãn gân cốt”. Mưa vẫn dai dẳng, gió giật liên hồi, đường phía trước lầy lội, trơn trượt, khiến bước chân của chúng tôi thêm trĩu nặng vì bùn đất bám đầy.  Gần đến  khe núi thì được tin lối mòn hàng ngày vắt ngang con suối cạn đã bị  nước lũ đầu nguồn đổ về tràn  ngập. May thay nhờ người bản địa sống ở nương rẫy đã giăng dây hai bờ, nên chúng tôi có chỗ bám víu và ngâm mình dưới dòng nước buốt lạnh để lần mò từng buớc trên những gộp đá, thoát sang bìa rừng. Quần áo ướt đẫm không biết do mồ hôi hay nước mưa thấm vào nhưng không ai dám nghỉ chân bởi hơi lạnh từ những lớp áo sẽ làm cơ thể tê cứng, đau nhức như kim châm, ngoài ra còn gây ra vọp bẻ cơ bắp bất cứ lúc nào. 
Đường thu hẹp dần, đến lúc nó chỉ còn là lối nhỏ đủ tầm cho  một người qua lại khi men  theo triền núi. Hoà nhắc nhở: “Qua miệng vực chông chênh, đừng nghĩ ngợi vu vơ, cứ nhìn thẳng mà đi”. Chẳng hiểu sao tôi vẫn đưa mắt nhìn xuống dưới, cảm giác rợn rợn sau sống lưng cũng đồng thời xuất hiện: tận cùng vực sâu thăm thẳm,  dòng lũ màu đỏ quạch đang cuồn cuộn kéo phăng tất cả cây cối, đất đá xuôi về hướng thác ghềnh. Một vài khu vực bên ngọn đồi đối diện, đất bắt đầu sạt lở và nhanh chóng hòa tan trong cơn cuồng nộ của thủy thần.
Quá buổi trưa, chúng tôi dừng chân ăn nhẹ bên vạt rừng già nằm phía bắc dãy Fansipan. Lúc này chúng tôi đang ở độ cao 1.700 m, nơi người dân tộc thiểu số chuyên trồng loại cây thảo quả.  Được ví là “vàng nâu của đại ngàn Hoàng Liên ”, cây thảo quả có dáng như cây riềng, và sau mỗi vụ mùa, cây tiếp tục nẩy mầm thành từng bụi. Vào độ tháng tư, tiết trời ấm áp, hoa thảo quả nở rộ, toả hương ngào ngạt. Qua tháng tám, tháng chín quả chín đỏ, người ta thu hoạch sấy khô để làm hương, dược liệu. Đặc biệt là thảo quả chỉ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ẩm thấp, ít ánh nắng, ven khe đá hoặc sườn núi thoai thoải dưới tán lá xum xuê. Vài năm gần đây, đời sống kinh tế bản làng được cải thiện, sung túc hơn một phần nhờ nương thảo quả. Chả thế mà ngày càng nhiều chàng trai Dao đỏ, H’mong lái xe Trung Quốc mới tinh, phóng vun vút trên phố núi những dịp chợ phiên đã thật sự thay thế  hình ảnh con ngựa tải, phương tiện vận chuyển truyền thống lâu nay.
Lối mòn xuyên qua hàng loạt nương thảo quả như kéo dài bất tận giữa những cánh rừng pơmu rậm rạp ngày nào, nay bị tàn phá chỉ còn lại gốc cây mốc meo, xù xì khiến cảnh vật thêm im ắng, xác xơ . Ra khỏi rừng già, đường bây giờ chủ yếu men theo triền núi  rất  khó đi, hiểm trở,  nhiều đoạn ẩm ướt bám đầy rêu xanh trơn trượt, mọi người phải níu rễ cây chằng chịt trên mặt đá để bước lên từng chút một. Ai cũng đã thấm mệt, tay chân như rã rời, hoạt động gần như vô thức, thiếu tự chủ. Đến gần chiều, chúng tôi mới đến dưới chân “dốc 400” thẳng đứng, có chiều cao khoảng 400 m, vốn là ngọn thác cạn với cơ man đá tảng, đá hòn chồng chất. Đây còn được xem là “dốc thử thách” cho khách leo núi tự đánh giá sức lực mình trước khi quyết định nên hay không tiếp tục cuộc hành trình, vì theo cánh   hướng dẫn ở Sa Pa: “Nếu khách vượt qua được con dốc, đồng nghĩa đủ sức lên tới đỉnh, còn thất bại thì hãy từ bỏ ý định chinh phục Fansipan hoặc quay về Sa Pa chuyển hướng sang Ô Quy Hồ”.
Bao năm rong ruổi đi khảo sát đã giúp tôi có chút kinh nghiệm về leo núi cùng niềm tin tưởng rằng “dốc 400” chẳng quá khó vượt qua, nếu đi theo đường zích zắc trên mặt phiến đá sắp lớp, theo dạng bậc thang. Chưa hết, mắt phải luôn nhìn chếch lên phía trước dò xét địa hình rồi mới bước tới, cần tránh nhìn xuống vực bởi dễ gây tâm lý hoang mang. Những lúc nghỉ lấy sức, phải tìm khe đá, dễ  bám víu làm chỗ tựa lưng. Nhưng thế nào đi nữa, tôi cũng không tài nào leo kịp với các bạn đồng hành, nhất là Á Lứ cứ thoăn thoắt đi lên mặc dù trên lưng còn gùi túi hàng to tướng, lỉnh kỉnh những là lương thực, rau quả, nồi niêu, túi ngủ, lều bạt…
Vị trí hạ trại qua đêm đầu tiên của chúng tôi là bãi đất trống tương đối bằng phẳng trên độ cao 2.200m và nằm gần kề bên con suối. Trong khi Hòa đang dùng dao vạt cành lá cây trúc rừng lót dưới tấm bạt, làm nệm chuẩn bị dựng lều trại thì A Lứ đã đốt xong bếp lửa, sửa sọan nấu cơm chiều, còn tôi đi tìm củi. Không lâu sau đó những món ăn, nồi cơm nóng sốt, cả chai rượu San Lùng, trái cây được dọn ra. Theo dõi hai người làm việc từ sáng tới giờ, tôi thật sự kinh ngạc trước sự chịu đựng dẻo dai và kỹ năng làm việc của họ: vừa cần mẫn, khéo léo lại luôn tự giác, kỷ luật, như trong một kịch bản đã định sẵn.
Sáng sớm, trời còn mù sương Hòa đã “khua” chúng tôi thức dậy và báo tin: “Tối qua, tôi có điện thoại vô tuyến về trung tâm, đuợc tin sáng nay áp thấp nhiệt đới sẽ đổ vào khu vực Sa Pa nên mọi người nên đi sớm và cố gắng nhanh chân để bất cứ giá nào buổi chiều phải có mặt tại điểm hạ trại sau cao đỉnh 2.900 m. Riêng A Lứ sẽ đi tiền trạm, sẵn sàng cơm nước trước khi mọi người gặp nhau tại đỉnh dốc 300”. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt, sương mù giăng kín cả núi rừng. Chúng tôi mải miết đi, hết lên rồi xuống dốc cứ thế lập đi lập lại đến mức tôi ngộ ra một điều: “Lên Fansipan, mỗi lần xuống dốc dù là đỡ mất sức, song hãy khoan mừng vui vì cái dốc sắp sửa leo tiếp chắc chắn sẽ cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba lần”.
Đường đi ngày càng cao, cho đến lúc vừa vòng qua phiến đá lô nhô ở eo núi,  chúng tôi gặp ngay cánh rừng tùng la hán với kiểu dáng rất cổ quái. Mỗi cây mỗi dáng và toàn thân đều phủ dày  rêu phong như một minh chứng sống động về sự tồn tại của nó hàng trăm năm qua. Đi vào sâu, rừng tùng càng đẹp, nhất là những cây oằn mình ra khỏi bờ vực, trông chẳng khác bức tranh bồng lai của Trung Quốc. Tôi thèm được bấm vài tấm ảnh, nhưng tay lóng ngóng, tê dại không cách gì lấy được chiếc máy ảnh từ  balô trên vai trong  khi mưa và gió cứ thốc lên từng cơn. 
Qua khỏi rừng tùng là nối tiếp rừng trúc xanh um phủ kín cả một vùng đồi núi rộng lớn. Thỉnh thoảng, hai bên lối đi, nhiều bụi cây bị vết chém còn tươi nguyên gốc rễ, dấu hiệu trước đó A Lứ đã cắt rừng hoặc  ra sức mở rộng đường cho thông thoáng. Có nơi  con đường bỗng nhiên tối xầm vì  khuất dưới những vòm cây dài hun hút. Nghĩ cũng lạ: ở Phan Xi Păng, mỗi tầng cao chỉ quần tụ một loại  cây, cây khác tuyệt nhiên không thể sinh sôi phát triển, điển hình như rừng tùng, rừng trúc chúng tôi mới đi qua.
Sau gần 1 giờ đu mình trên những tảng đá dốc 300, chúng tôi gặp A Lứ tại đỉnh dốc. Phần việc giao cho A Lứ vào buổi sáng không được thuận lợi như ý muốn bởi anh ta không thể nhóm bếp khi mưa gió liên tu bất tận, củi lửa hoàn toàn ẩm ướt. Chúng tôi đành nhai mì gói và uống nước khe suối cho xong bữa .
Cao đỉnh 2.900 m, cửa ải thứ ba đầy cam go sau hai con dốc 400 và 300 vốn là chóp núi nằm bên phải đỉnh Phan Xi Păng, nếu đứng từ Sa Pa nhìn lên. Dân hướng dẫn địa phương hay nhắc tới nó vì nhiều lý do: địa hình núi đá, xương xẩu, hiểm trở, nơi được xem là “túi gió” hứng chịu những nguồn gió từ nhiều phía thổi qua dãy núi Fansipan, cùng những đám sương mù dày đặc. Mặt khác, ở  độ cao này chỉ duy nhất tồn tại loại cây trúc lùn hay trúc dầu, trúc phất trần, cao khoảng 40 cm, thân trơ trụi, trên đầu ngọn có chút lá phất phơ.
Chúng tôi bắt đầu vượt đỉnh 2900 m lúc chừng 4 g chiều nhưng trời đã xẫm tối. Mây mù đến mức cách vài ba mét rất khó nhận dạng, đồng thời mưa rào, gió lạnh càng lúc càng thổi mạnh. Thỉnh thoảng Hòa dừng chân nhắc nhở: “Gần tới đỉnh, cây trúc dầu mọc tràn lan hay che lấp lối mòn nên  cố gắng bám sát người trước mà đi”. Quả thật, chẳng bao lâu con đường lên núi  đã mất dấu, thay thế vào đó là những bụi  trúc mọc lúp xúp bên sườn dốc. Tình thế bắt buộc chúng tôi phải  đạp bừa lên chúng,  tuy nhiên đi theo cách này rất khó lại mau mất sức vì thân trúc luôn trơn ướt nên bước chân hay trượt ra phía sau. Muốn đi được, chúng tôi phải gập người, dùng hai tay nắm chặt từng chùm cây làm điểm tựa, trườn lên. Mưa như trút nước, gió rít lên liên hồi cùng sấm sét tạo thành âm thanh cuồng nộ, cơ thể của tôi như muốn bốc khỏi mặt đất. Theo phản xạ, tôi nằm rạp xuống đất, hai tay bám víu vào bất cứ cái gì có thể.
Vậy là tôi đang ở giữa khu vực “túi gió” ngay lúc áp thấp nhiệt đới đổ về. Đáng sợ hơn là chung quanh, giờ đây chỉ thấy một màu xám xịt bao bọc, linh cảm báo tôi biết mình đang bị lạc đã khiến tôi lấy sức hú lên nhiều lần, hy vọng Hòa và A Lứ gần đó sẽ đáp lại. Nhưng vô ích bởi tiếng gọi của tôi lạc lõng đến thảm hại. Nếu lạc đường trong hoàn cảnh khác chắc chắn tôi sẽ chờ mọi người quay lại tìm kiếm, song trong trường hợp này muôn phần nguy hiểm vì mưa bão, sấm sét ầm ầm, có lẽ tốt nhất cứ phải tự cứu mình, giống như bản năng chợt trỗi dậy khi  người ta gặp nguy hiểm tận cùng. Tôi dần dần bình tĩnh lại, lần theo những bụi trúc bị gãy vỡ, dấu vết hai người vừa đi qua mà trườn mình tiến tới.  Thật lâu,  đường núi bỗng xuống thấp và trong  tiếng gió rít hú khủng khiếp,  văng vẳng đâu đây tiếng tre nứa kẽo kẹt vọng về. Tôi thử gọi vài tiếng, rất may lần này được Hòa đáp lại. Cuối cùng, tôi cũng tìm đến cánh rừng toàn tre xanh, nơi Hòa và A Lứ đang vất vả với công  việc căng bạt, che chắn chung quanh khu hạ trại. Trước đó một cơn gió đã xé nát tấm bạt lớn mà đêm qua chúng tôi sử dụng làm nệm ngủ. Còn lều, túi ngủ tuy ướt sũng nhưng nhờ trời vẫn còn nguyên vẹn.   
Nằm trong lều, lắng nghe ngoài kia cây lá xào xạc cùng tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôi vẫn chưa hết sợ khi nhớ lại giây phút lạc đường trong mưa bão vừa qua. Theo anh Hòa: “Từ tháng 9 đến tháng 3 là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện chuyến leo núi, chưa kể tháng 2 và tháng 3 là mùa hoa nở khắp núi rừng. Ngoài ra từ tháng 4  kéo dài đến tháng 8 hay gặp mưa rào và cháy rừng, nên phần đông hướng dẫn bản địa thường cương quyết từ chối  tham gia.  Đặc biệt ở cao đỉnh 2.900 m, bất luận thời điểm nào, chẳng may gặp cháy rừng sẽ không có lối thoát vì  rừng trúc lùn dễ bùng cháy lây lan nhanh,  còn gặp mưa rào, gió lớn thì đành chịu trận, phó mặc cho trời đất. Trong quá khứ đã từng xảy ra trường hợp một nữ du khách người châu Âu xẩy chân rơi xuống vực, địa phương  phải huy động trai tráng bản làng, cắt rừng, xuống vực tìm kiếm suốt ba ngày mới lấy được xác. Riêng chuyến đi này, nó diễn ra giống như là một định mệnh vì tất cả đã vào thế chẳng đặng đừng, muốn hoãn cũng không xong mà có đi thì vô cùng phiêu lưu mạo hiểm”.  
Lên "Nóc nhà Đông Dương"
Sáng ngày thứ ba, chúng tôi xuống độ cao 2.600m rồi leo ngược lên  đỉnh núi cao hơn. So với hai ngày trước, sức khỏe của chúng tôi sa sút thấy rõ, tốc độ leo núi cũng chậm dần, càng lên cao lượng không khí càng loãng, cứ leo được năm ba mét đã phải ngửa cổ  thở gấp gáp để thu được nhiều oxy hơn, chưa kể đường đi hôm nay phủ đầy bùn đất, có nơi ngập hơn mắt cá. Lần lượt vượt qua nhiều cánh rừng toàn trúc xanh ngút ngàn, thêm vài dốc dứng và những con suối vắt ngang, bất ngờ phía trước mặt đã xuất hiện vách đá sừng sững. Rẽ sang bên phải là con đường nhỏ ven vách núi đang chìm đắm giữa đám mây mù. Bỗng nhiên Hòa và A Lứ dừng lại có ý nhường đường để tôi lên  trước, một chút phân vân trong giây lát song tôi vẫn quyết định tiếp tục tiến bước bởi cảm nhận được hai người đồng hành muốn dành cho tôi một điều bất ngờ gì đó. Sau nhiều đoạn dừng chân lấy sức, tôi đặt chân đến đỉnh núi là khối đá khổng lồ, trần trụi nằm kề vực thẳm, trên mặt đá là lá cờ đỏ sao vàng đang bay phần phật cùng một hộp hình chóp nhọn bằng inox. Nhìn xuống chân khối đá ở nơi khuất gió là ảnh Bác Hồ và bức tượng bán thân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ôi, đích thực đây là đỉnh Phan Xi Păng, nóc nhà của Đông Dương, nơi tôi từng  ấp ủ, ước mong chinh phục sau nhiều năm chờ đợi. Ai đó đã  nói “đi rồi cũng sẽ đến” thật đúng mặc dù cái giá mà tôi trả chẳng rẻ chút  nào. Bây giờ là lúc tôi muốn ngồi một mình trên đỉnh, với chiếc điện thoại di động trong tay và truyền dòng tin: “Tôi đã có mặt tại Phan Xi Păng lúc 13 g 07” gửi đến người thân, bè bạn, gia đình. Chỉ giây lát thôi, tôi đã nhận được hàng loạt tin hồi đáp chúc mừng, số ít trách cứ sao không rủ đi chung cho có bè có bạn và hai tin nhắn vỏn vẹn ba từ: “Ông điên thật”.    
Hạ Sơn
Những tưởng chặng đường về qua núi Xẻ, với chiều dài khoảng hơn 9km mà phần nhiều là xuống dốc, nếu đi nhanh đến đêm chắc chúng tôi sẽ có mặt tại Sa Pa để thoát khỏi nỗi bức bối vì ba ngày liên tục sinh hoạt bất thường, ăn uống kham khổ  và cứ phải mặc mãi những bộ quần áo luôn ướt sũng. Nhưng chúng tôi đã lầm! Bởi dù đi như chạy, chúng tôi cũng chỉ đạt được nửa chặng đường mà trời đã gần tối, muốn đi tiếp phải tìm cách làm đuốc soi đường,  trong khi số đèn pin mang theo dự phòng đều cháy bóng hoặc chập điện. Đành  phải dừng chân ngủ nhờ qua đêm trong lán trại của công nhân đang thi công đường xá phục vụ du lịch.
Hóa ra ngủ thêm một đêm ngoài ý muốn lại gặt hái bao điều bổ ích. Trước tiên là đi ngang hàng loạt con suối nước lấp xấp, lạnh buốt; kế tiếp là cánh rừng già bạt ngàn với vô số cây cổ thụ mà hầu hết là gõ đỏ, hồi lá mỏng xen lẫn cây đỗ quyên đang vào mùa nở hoa, đủ sắc màu đỏ, hồng, vàng và tỏa hương thơm khắp núi rừng. Nhiều người cho rằng hoa đỗ quyên là đặc sản của núi Hoàng Liên quả không sai, bằng chứng là vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn nhiều lần  mang cây trồng thử ở Sa Pa nhưng chưa một lần thành công. Thời tiết, địa hình nơi đây cũng thật thú vị, trong khi bên sườn đông rừng già rậm rạp sũng nước mưa to, giá lạnh thì bên đây rừng thưa, gió nhẹ, nhiệt độ xấp xỉ 18 oC.
11 g 30 chúng tôi có mặt ở  cổng vườn quốc gia Hoàng Liên trước sự ngỡ ngàng của mọi người  công tác tại đây, điều này thật dễ hiểu vì họ không thể tin nổi chúng tôi dám bạo gan lên  núi trong cơn  áp thấp nhiệt đới, một việc mà theo họ là tối kỵ. Chỉ đến lúc kiểm tra vé tham quan cùng phí bảo hiểm của chúng tôi mua tại vườn họ mới chắc chắn là sự thật. Uống vội cốc nước chè đậm đặc, chúng tôi tiếp tục theo đường đèo Trạm Tôn lội bộ trở về Sa Pa,  ngoài kia mưa bắt đầu nặng hạt.
Cuộc hành trình lên nóc nhà Đông Dương đã kết thúc, tôi thật kém may mắn khi không được ngồi trên đỉnh Phan Xi Păng ngắm nhìn mặt trời rực hồng bên những  đám mây trắng tinh như bông như tuyết đang trải rộng dưới bầu trời xanh ngắt hay lang thang giữa những chùm mây lúc là đà, lúc cuồn cuộn để có cảm giác mình đang đằng vân giá vũ và còn nhiều điều tuyệt diệu nữa như nhiều người từng chinh phục Phan Xi Păng hay kể. Thế nhưng tôi vẫn tự an ủi rằng: gian khổ, bất trắc trên dãy núi thiêng liêng của Tổ quốc đã giúp tôi thể hiện  được một điều mà bình thường khó có thể làm được, đó là vượt hơn chính mình. 

TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive