Your Adsense Link 728 X 15

P04: Hành trình đến cùng trời cuối đất

Posted by Kenny Phạm 11/7/10 0 nhận xét
Cực Nam - Đất mũi Cà Mau

Vài năm gần đây, vì công việc tôi thường xuyên có dịp trở lại mũi Cà Mau nên dễ dàng nhận ra cảnh vật chẳng thay đổi bao nhiêu.
Cũng ngôi chợ Năm Căn tấp nập trên bến dưới thuyền, cũng dòng sông Cái mà mỗi lần đi qua chúng tôi lo ngay ngáy vì sóng gió, cũng những cánh rừng tràm, mắm, đước mọc san sát hai bên bờ kênh xanh mướt xum xuê, cũng khu vực bãi bồi vươn mãi ra biển khơi để rồi đẩy cột mốc tọa độ quốc gia, công trình biểu tượng đất mũi và đài quan sát lùi thêm về phía đất liền. Nhưng quả thật tôi khó tìm lại được cảm xúc dạt dào như lần đầu tiên đặt chân lên đất mũi. 
Hồi ấy muốn đến đất mũi, cách thị xã (nay là thành phố) Cà Mau hơn 100 km, người ta phải đi nối hai, ba chặng đường bằng phương tiện duy nhất là tàu chợ; nếu gặp hôm tàu cặp bến trễ, khách đành nghỉ vật vờ qua đêm ở thị trấn Năm Căn. Kẻ sẵn tiền thì thuê võ lãi gắn máy Toyota chạy vun vút từ thị xã Cà Mau ra đây cũng mất 4 tiếng đồng hồ. Riêng đường bộ chỉ tồn tại trên  lý thuyết bởi  không một loại xe nào dám đi qua kể cả xe công nông, xe bò.
Đó là mùa hè năm 1995, chúng tôi gồm 16 đứa, phần đông là hướng dẫn viên du lịch mới ra trường, đã ngồi trân mình trên võ lãi chạy suốt buổi dưới cơn mưa giông ào ạt, quyết tâm đến cho được đất mũi. Và niềm vui như vỡ òa khi mảnh đất tận cùng xứ sở, vốn là một bãi bùn mênh mông,  trống trải đang lộ ra dần phía trước mặt. Có người mượn ngay lá cờ Tổ quốc trên chiếc vỏ lãi phất qua phất lại chẳng khác nhà thám hiểm chinh phục núi Everest! Có người cứ bấm máy ảnh liên tu bất tận như  lo sợ cảnh vật trong phút chốc sẽ biến đi; thậm chí có người hào hứng tới mức nhảy ùm xuống sông rồi hối thúc mọi người đổ bộ lên bãi bồi, chụp ảnh. Cách biểu lộ cảm xúc mỗi người một kiểu song tất cả đều phát xuất từ đáy lòng.
Cực Đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở đất Việt
Đường thiên lý Nam Bắc đoạn qua đèo Cả, tỉnh Phú Yên, theo nhiều người nhận xét là cung đường thơ mộng nhất khu vực miền Trung bởi biển trời rộng mở, núi non trùng điệp đến tận mũi Đại Lãnh, hay còn gọi mũi Điện, hòn Kê Gà, Cap Varella - vị trí cực đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam. Thật ra, sáu năm về trước chẳng mấy ai đặt chân tới vùng này, nhất là mũi Đại Lãnh, do vị trí khuất nẻo, gần như biệt lập. Tôi còn nhớ năm 2002, trong chuyến đi tiền trạm  khu vực đèo Cả nhằm thiết kế  chương trình cho báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi “Đi cùng nhịp sống trẻ”, ban đầu công việc tiến triển khá thuận lợi, khả thi, trong đó chương trình leo núi Thạch Bi Sơn, tham quan tàu không số ở vịnh Vũng Rô được ngành du lịch địa phương tận tình hổ trợ. Nhưng khi xuống cảng chuẩn bị thuê thuyền máy vòng sang cửa vịnh để ra mũi Điện thì gặp lúc thời tiết xấu, biển động nên hầu hết chủ thuyền đều lắc đầu thoái thác. Phút chót, chúng tôi đành chọn phương án lội bộ hơn ba giờ đồng hồ xuyên rừng Bãi Lớn, qua những thung lũng hoang vắng giữa bốn bề là núi non hiểm trở trước khi  thấy ngọn hải đăng sừng sững trên dãy núi đá vươn mình ra biển.    
Còn bây giờ, khách lữ hành có thể ngủ qua đêm dưới  tháp hải đăng mũi Điện để lắng nghe   tiếng sóng rì rào, hoặc lai rai vài chung rượu bên đĩa cá chình biển nướng lúc trăng lên rồi buổi  sáng sớm đắm mình thỏa thích trong vụng bãi Môn, ngắm mặt trời dần dần ló dạng trên đại dương bao la. Có được những điều ấy là nhờ vào con đường tráng nhựa nối từ đèo Cả rẽ xuống làng chài Vũng Rô rồi vòng quanh triền núi hòn Lớn, chạy tiếp đến Tuy Hòa. Nó còn mở ra triển vọng đưa   ngành công nghiệp không khói địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Cực Bắc - Nóc nhà của Việt nam
Xa tít tận điểm cực bắc nước ta là ngọn núi Rồng thuộc xã Lũng Cú, cao nguyên Đồng Văn. Núi không cao, chỉ 283 bậc đá, vừa đủ để khách phương xa lúc nhoài người bước lên có cảm giác thế nào là "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Và trên chóp núi là cột mốc được định vị bằng lá   cờ đỏ sao vàng rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc, đang bay phất phới trong một buổi chiều lộng gió, khiến cho khách đến đây ai nấy đều  rất đỗi  tự hào.    
Đó là phần thưởng khích lệ cho bất cứ ai can đảm vượt qua cung đường dài hơn 20 km, tính từ thị trấn Đồng Văn vào Lũng Cú, mà quá nửa là đường đèo, gần như chỉ dành riêng xe Uoát công vụ. Một bên thì vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm xa ngút tầm mắt và con lộ phía trước tưởng chừng hút thẳng trời cao. Đôi lúc gặp phải cua tay áo, khách nín thở, căng thẳng theo từng tiếng máy xe gầm rú vì ép số để vòng bánh chậm chạp vượt dốc đi lên. 
Lũng Cú đẹp vì cảnh quan thiên nhiên, hùng vĩ nhưng sẽ là bức tranh thiếu sinh động nếu không có hình ảnh những bản làng người Hmông nằm cheo leo rẻo núi, những ruộng bậc thang ngoằn ngoèo đều đặn tựa sóng hoa văn, những rẫy bắp, khoai, đậu tương xanh mướt vươn lên từ lòng đá tai mèo khô cứng ví như  bản tính người vùng cao luôn cần cù, chịu cực vượt qua cái nghèo khó, thiếu thốn bấy lâu nay.
Nằm yên bình giữa thung lũng Lũng Cú, bên cạnh đường vào xã là dãy nhà của người Hmông Lô Lô Chảy trông rất lạ mắt. Đó là những ngôi nhà gỗ đồ sộ liền kề, được thiết kế với vẻ ngoài mô phỏng theo kiểu gia trang của giới trung lưu Trung Quốc thời cổ, với những vì kèo, đầu đao, bao lơn, cửa sổ được chạm khắc khá tinh xảo song bên trong lại sử dụng hoàn toàn chất liệu đá, từ nền nhà, bậc thang, góc bếp, cột nhà... đến chuồng bò, chuồng ngựa, thậm chí tường rào bao quanh cũng xếp bằng đá. Tất cả được giữ nguyên chẳng khác trăm năm về trước.
Đến Lũng Cú vào mùa xuân không gì bằng được đứng trên núi Rồng ngắm đám mây đang trôi bềnh bồng dưới thung sâu và xa xa, nổi bật bên mái hiên dãy nhà cổ xám xịt, rêu phong, là sắc hồng, trắng của hoa lê, mận, đào phai nở rộ…, cảnh đẹp như trong truyện thần tiên.
Cực Tây - Gà gáy ba nước đều nghe
Trong bốn cực, cột mốc hướng tây - nằm giữa ranh giới ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - thật khó chinh phục, khám phá bởi đường xá xa xôi, hiểm trở và dễ gặp nhiều bất trắc.
Đầu năm 2007, tôi và Vĩnh Nguyên, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, khởi hành từ thị xã Mường Lay xuôi theo quốc lộ 12, đến ngã ba Mường Chà rồi rẽ sang hướng tây, vượt thêm 160 km đèo núi, khi đặt chân tới thị trấn Mường Nhé thì trời đã quá nửa chiều. Có thể dễ dàng nhận ra huyện lỵ mới được thành lập nên cơ sở hạ tầng còn đang thi công dang dở, chưa hề có chợ búa, quán ăn, nhà nghỉ. Và để có chổ nghỉ qua đêm, chúng tôi đành nhờ vả ủy ban để được trọ trong căn hộ tập thể của nhân viên phòng kế hoạch huyện. 
Sáng sớm hôm sau, ngoài trời lạnh như cắt da, chúng tôi rời Mường Nhé trên chiếc xe máy thuê được của người bản địa. Bản Đoàn Kết, xã Chung Chãi, đồn biên phòng Lengsuxìn lần lượt lùi dần phía sau. Để đến được bản Tá Miếu nằm gần kề biên giới chỉ còn hơn 50 km, nhưng lại là cung đường tệ hại nhất - nói đúng nghĩa thì không thể gọi hơn 50 km ấy là đường vì nhiều đoạn chưa định dạng rõ nét, nhất là khi nó xuyên qua cánh rừng già Mơ Phơ cây đổ chắn ngang hàng  cây số với những suối sâu ngập tràn nước lũ và dưới đáy là vô số đá cuội, đá tảng chồng chất gập gềnh. Không gian hoang vắng, u tịch, không một mái nhà, không một bóng người lai vãng... Chợt nhớ đêm qua, ngoài thị trấn cánh xe ôm kể rằng: hiện nay dù số lượng thú dữ ở khu vực rừng già Tà Cù Tí, Mơ Phơ giảm khá nhiều do bị săn lùng ráo riết, song ít ai dám đi lẻ loi một mình qua lại vùng biên giới vì thỉnh thỏang hổ, gấu, heo rừng vẫn hay ra lối mòn rình rập, vồ người. Để trấn áp nỗi sợ hãi vu vơ càng lúc càng dâng trào, đôi lúc chúng tôi vừa chạy xe vừa hú lên thật to với hi vọng biết đâu tiếng hú ấy sẽ được người đi đường hoặc kiểm lâm đáp lại cho lòng bớt lo lắng.     
Cuối cùng rồi Tá Miếu, bản làng heo hút của người dân tộc Hà Nhì với hơn 20 căn nhà vách đất mái tôn nghèo nàn, đã lộ diện. Theo truyền thuyết, địa danh Tá Miếu được đọc trại từ Đại Miếu, một công trình tín ngưỡng mà ngày trước nhân dân ba nước dự định hợp sức xây dựng để thờ phúc thần phù trợ vùng ngã ba biên giới luôn an lạc thái bình. Tiếc thay dự định ấy vào giờ cuối phải bỏ dở nhưng địa danh Đại Miễu (Tá Miếu) vẫn được lưu giữ như một kỷ niệm và ước vọng đáng nhớ.
Nhiều người  ở miền xuôi vẫn nghĩ: đặt chân tới Tá Miếu đồng nghĩa với đến được ngã ba biên giới, nơi “con gà cất tiếng gáy dân ba nước đều nghe” song đến được Tá Miếu cũng chỉ mới chạm tay vào cột mốc số 3 trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở phía tây bắc. Còn muốn lên cột mốc số 0 giữa ba nước Việt – Trung – Lào, chúng tôi phải  tiếp tục đi theo hướng tây, vượt qua dãy núi có đỉnh cao 1800 m so với mặt biển.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi và hai sĩ quan bộ đội biên phòng cùng hai chú chó Mi Lu và Gấu trực chỉ đi về hướng tây của bản Tá Miếu. Chúng tôi được nhắc nhở lúc di chuyển không được hút thuốc, nói chuyện và cố gắng bám sát nhau. Thoạt tiên phải vượt qua hàng loạt quả đồi gối lên  nhau theo dạng bậc thang rồi tiếp nối là chân dãy núi chắn ngang sừng sững. Từ đây lên sườn núi  toàn là những cánh đồng tranh cháy đen vẫn đang  bốc khói. Mặt trời dâng cao, tỏa ánh nắng chói chang, oi bức cộng với mùi khói khét lẹt khiến chúng tôi luôn bị ngạt thở, kiệt sức đồng thời gây hiệu ứng buồn ngủ suốt chặng đường. Qua hết đồng cỏ cháy là dốc 700 m cao vời vợi, chúng tôi phải vừa bước vừa bám như  trườn trên đất, mỗi lần dừng chân nghỉ lấy sức bắt buộc phải ngồi xuống hoặc đứng chênh vênh chân thấp chân cao đề phòng trượt chân lăn xuống chân núi. Ngay hai chú  chó biên phòng khi sáng tỏ vẻ nhanh nhảu, lùng sục bất kể bụi rậm nào gặp trên đường bây giờ cũng đã giảm sức thấy rõ. 
Dùng tạm lương khô ngay đỉnh cao 1400 m, mọi người tiếp tục vượt chặng đường thứ hai  mà hầu hết là rừng rậm nằm dọc theo biên giới Trung Quốc. Thi thoảng, rừng cây rậm rạp, khuất tầm nhìn ở phía trước chợt lay động, mọi người phải ngồi thụp xuống sau dấu hiệu phất tay của anh Long, anh Nghi để nghe ngóng động tĩnh khiến chúng tôi căng thẳng tột cùng. Thú thật, không ít lần tôi định gợi ý quay về vì không biết còn gặp bao điều bí hiểm khôn lường khác trong rừng già...
Chúng tôi chạm cột mốc số 0, khắc ba thứ tiếng Việt Nam – Lào – Trung Quốc, trên cao đỉnh 1800 m lúc mặt trời đã chếch về đằng tây. Nhìn xuống là những cánh rừng già ẩn hiện dưới những đám mây trôi lững lờ. Thật khó kềm được xúc động khi chứng kiến hai sĩ quan biên phòng tiến hành nghi thức chào cột mốc trong tư thế nghiêm trang, đầy hùng khí. Chắc chắn nếu bây giờ tôi hét to lên tức khắc cả ba nước sẽ cùng nghe…

 TRẦN THẾ DŨNG ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive