Your Adsense Link 728 X 15

P04: Lạc chốn thị thành - Chương 3

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Chỗ ở của tôi giờ đây lại trở thành mối lo của bộ tứ. Đã hơn một tuần qua tôi nằm bẹp ở cửa hàng Oanh, đầu óc mung lung. Những ngày này tôi càng không nguôi nhớ đến Phúc…Thêm một ngày nằm chờ cho dứt cơn sốt.
Mắt tôi chong chong, không tài nào ngủ nổi.
Dưới nhà ba đứa bạn thân đang ngồi bàn tính với nhau chuyện chỗ ở của tôi.
- Tớ đi kiếm nhà trọ rồi nhưng khó quá. Mà để cái Kiều ở một mình lúc này tớ cũng không yên tâm.
Tôi nhận thấy rõ sự âu lo trong giọng nói của Nhung chị cả.
- Nếu kẹt quá thì cứ để Kiều ở tạm cửa hàng tớ cũng được.
- Được là được thế nào! – Nhung gạt phắt – tầng một thì bán hàng. Gác xép thì bé bằng tí hin, lại phải chứa đầy hàng, hai đứa ôm nhau ở trên đấy có mà chết ngạt à.
- Khó nhỉ?
- Chẳng nhẽ đã hết cách?
- Tự yên tự lành… Mà cái Phúc cũng dại thật đấy cơ. Thiếu gì cách…
- Suỵt… Cái Kiều nghe thấy nó lại tự dằn vặt. Thôi bàn chuyện nhà cửa cho xong đi đã.
Tôi nghe lõm bõm tiếng cái Phương:
- Hay là… hay là để Kiều về ở với tớ. Ông bố nuôi của tớ cũng đi công tác suốt ngày, thành ra nhà cũng rộng. Nhưng mà… tớ cũng phải về xin phép đã…
Tôi không khỏi ngạc nhiên trước điều mình vừa nghe. Cho đến giờ chúng tôi chưa khi nào đến chỗ nhà Phương ở. Nó không những không mời chúng tôi đến chơi mà còn có vẻ ngại khi phải kể về ngôi nhà ấy. Vì vậy chúng tôi cũng tôn trọng, không gặng hỏi. Từ năm thứ ba, cái Phương bắt đầu chuyển từ ký túc xá vào nhà bố nuôi ở. Nghe đồn, bố nuôi của nó là một người khá có vai vế nên rất hạn chế các mối quan hệ, tiếp xúc không cần thiết tại nhà. Mà đây chỉ là một trong số 3-4 cái nhà mà ông ta có. Nhiều lời đồn đại về các mối quan hệ phức tạp của ông ta trong xã hội cũng được người ta thêu dệt. Vì vậy mà cái Phương ngại cũng phải. Cũng có lần để chúng tôi đỡ thắc mắc, Phương có kể qua loa đó là bạn cũ của bố mẹ nó. Ông ta nhận nuôi dưỡng và lo cho nó ăn học, lo công việc cho nó trên Hà Nội. Có ông bố nuôi đỡ đầu nên cuộc sống của Phương “tươm” nhất bọn.
Nhưng bố nuôi cái Phương đã ngại các mối quan hệ phiền toái như vậy, tự nhiên tôi về đấy ở sao tiện.
- Thế liệu có được không? Cậu phải nghĩ kỹ đi – vẫn cái giọng chắc nịch của Nhung.
- Tớ nghĩ… chẳng còn phương án nào khác bây giờ…
Tầng dưới chợt trở nên yên ắng. Mãi một lúc sau tôi mới nghe thấy tiếng Nhung:
- Thôi trước mắt cứ tạm thống nhất thế này, mọi người xem có được không nhé: chúng mình cứ kiếm nhà trọ cho Kiều. Trong thời gian chưa tìm được nhà thì Kiều về ở cùng Phương. Nhưng có gì bất tiện, Phương cũng phải nói ngay để bọn này giải quyết đấy nhé. Trước mắt Phương phải về xin phép bố nuôi đi đã. Thôi cứ thống nhất thế, đợi Kiều tỉnh tớ sẽ thông báo lại tình hình cho nó yên tâm. Cuối tuần nếu mọi việc suôn sẻ, Phương sẽ đưa Kiều về nhà.
Có tiếng bước chân trên cầu thang. Tôi vờ nhắm mắt, giả ngủ. Nước mắt cứ chực trào ra. Bạn bè ơi, những lúc như thế này, nếu không có mọi người tôi biết phải làm sao đây…
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được sống trong một ngôi nhà sang trọng như thế. Nhà kiến trúc kiểu Pháp với những đường uốn thanh thoát, những chiếc cửa sổ hình vòm giăng đầy hoa tigôn thơ mộng mở ra một không gian thoáng mát rất dễ chịu. Đồ đạc trong ngôi nhà cũng không kém phần sang trọng. Bộ phôtơi da mầu kem nhạt rất ăn với màu tường màu be vàng của phòng khách. Chưa bao giờ tôi được ngồi trên một chiếc ghế rộng rãi và êm ái như thế. Chiếc tủ ly đặt khiêm nhường ở góc phòng với những bộ ly tách pha lê và những chai rượu ngoại đắt tiền. Gần cửa sổ là chiếc đồng hồ quả lắc, dễ phải cao đến ngang đầu tôi. Nước gỗ trên chiếc đồng hồ đã bắt lên màu gụ bóng loáng. Phòng ngủ của cái Phương được sơn màu hồng nhạt, những chiếc rèm cũng cùng màu, tạo nên một không gian thật ấm áp. Rồi còn cả một tủ váy áo các loại mà bất kỳ đứa con gái nào cũng thèm muốn được sở hữu.
Tôi ngắm nhà cái Phương ở với đầy sự ngưỡng mộ. Số nó sướng thật đấy. Xinh đẹp, hoạt bát, lại có quí nhân phù trợ thế này là nhất còn gì. Tự nhiên tôi lại thấy tủi thân. Không biết rồi đây tôi sẽ bươn chải với cuộc sống ra sao?
Trong lúc tôi còn tần ngần ngắm nghía các gian phòng thì Phương đã vào nhà tắm, bật nước nóng cho tôi. Một lúc sau nó đi ra, chỉ tay vào một khung ảnh khá lớn treo trên tường, gần chỗ cầu thang lên xuống.
- Bố nuôi tớ kia kìa.
Lúc đi lên cầu thang, tôi chỉ mải nhìn vào phía trong phòng khách mà không để ý đến tấm ảnh. Tôi đưa mắt theo tay Phương. Trong ảnh, cái Phương đang nũng nịu gối đầu lên đùi của một người đàn ông đã luống tuổi. Phía sau là cảnh thác nước rất đẹp. Theo như bức ảnh thì bố nuôi của Phương trạc ngoài năm mươi, người đẫy đà. Tuy nhiên cái nhìn của ông ta trong ảnh khiến tôi hơi sờ sợ. Cụ thể là sợ gì thì tôi không thể lý giải nổi. Đó chỉ là một cảm giác bất chợt, thoảng qua, nhưng lại ám ảnh tôi rất lâu.
Mãi sau này tôi mới lý giải được phần nào.
Phương thấy tôi chăm chú nhìn bức ảnh rõ lâu, vội giục:
- Thôi cậu vào tắm đi rồi nghỉ ngơi cho khỏe. Đầu cậu vẫn còn hơi nóng đấy. Cậu mà có làm sao thì mẹ Nhung lại ăn thịt tớ mất.
- Nhà cậu đẹp thật đấy - tôi vẫn chưa hết choáng ngợp bởi vẻ đẹp và sự sang trọng của ngôi nhà.
- Ôi dào, nhà gì của tớ. Tớ chỉ ở nhờ thôi.
- Ở nhờ nhưng được cái nhà đẹp thế này cũng sướng.
Giọng cái Phương chợt trầm xuống, xa xôi:
- Chắc gì… mà thôi cậu vào tắm đi.
Không để ý đến câu nói của cái Phương, tôi lấy một bộ quần áo trong túi xách rồi vào nhà tắm. Nước nóng khiến tôi thấy khỏe hẳn ra.
Ổn định cuộc sống tại nhà Phương, tôi và Nhung lại tiếp tục “chiến dịch” vừa kiếm việc làm vừa kiếm nhà trọ. Cái Phương thì đã đi làm cho Công ty xuất nhập khẩu Trường Giang. Hồi còn ở trường, nó đã được nhận vào làm part time ở đấy. Hình như đây là chỗ quen biết của bố nuôi nó. Phương làm phòng phát triển thị trường. Lương tháng được triệu rưỡi. Chẳng bao giờ thấy nó kể về công việc, nhưng ngó bộ nó có vẻ ung dung, nhàn nhã lắm, đi đứng nghỉ ngơi tùy thích. Có hôm chín giờ sáng nó mới dẫn dệu dắt xe đi làm. Thường khi nào công ty có khách khứa nó mới bận rộn hơn một chút, những bộ cánh bắt mắt được nó thay đến chóng mặt. Nó đi làm mà cứ như đi biểu diễn thời trang, nước hoa xức thơm lừng. Hôm nào bố nuôi ghé qua nhà, Phương nghỉ làm ở nhà luôn. Vì vậy lịch làm việc của nó hết sức thất thường.
Thực ra thâm tâm tôi vẫn muốn nhanh chóng kiếm được nhà trọ vì biết không thể phiền Phương quá lâu. Phương tuy ngoài mặt hết sức thoải mái nhưng tôi biết nó cũng có cái khó của mình.
Thấm thoát tôi ở nhà Phương đã được gần tháng trời. Ban đầu bảo chỉ cho ở tạm mấy ngày thế mà… Tôi ngại nhất là những lần bố nuôi Phương về mà có mặt tôi ở nhà.
Phương cứ phải dặn đi dặn lại:
- Bố nuôi tớ về, thường ông rất muốn ngồi nói chuyện riêng với tớ cho khuây khỏa những áp lực trong công việc. Để cậu đỡ ngại, tớ sẽ lên phòng của bố nuôi tớ. Cậu có thể đọc sách, xem tivi hoặc ngủ trước đi cũng được, đừng đợi tớ. Có khi hai bố con cứ mải chuyện luôn đến sáng nên cậu không đợi được đâu…
Phương ngập ngừng như muốn nói thêm gì đó song nó lại im lặng.
Có một chi tiết khiến tôi hơi lạ là thái độ của Phương mỗi khi bố nuôi nó trở về. Nó có vẻ bồn chồn, không yên và rất mất tập trung. Áng chừng đến giờ “thấy về”, tôi biết ý chi vào trong phòng ngủ và đóng cửa lại. Tôi muốn làm gì trong đó thì tùy, đọc sách, nghe nhạc, xem tivi. Miễn là không xuất hiện. Ông bố của nó thì đi thẳng lên phòng luôn, không ghé qua tầng 2 nên chưa bao giờ tôi được giáp mặt. Mọi hình dung – nếu có - chỉ hoàn toàn do bức ảnh cỡ lớn treo cạnh cầu thang mang lại.
Hành tung có vẻ lén lút của mình khiến tôi cũng chẳng lấy gì làm thoải mái. Tôi tự an ủi: chắc cái Phương ngại bố nuôi trách mắng về việc đã cho bạn vào nhà ở quá lâu nên mới để tôi “ẩn mình” trong phòng như thế. Nhưng Phương và tôi nên cùng xuất hiện trước bố nuôi, xin phép đàng hoàng thì tốt hơn. Dù sao tôi cũng là bạn thân của nó kia mà. Lẽ nào lại phải đề phòng cả bạn thân của con gái mình hay sao?
Nhưng tôi cũng ngại quá đi mắt. Tưởng chỉ ở nhờ đôi ba ngày, ai dè cả tháng trời mà tôi vẫn chưa thể dọn đi. Tự nhiên tôi thấy xấu hổ cho mình. Tôi đã lạm dụng lòng tốt của Phương, làm cho nó bị khó xử.
Tôi phải nhanh chóng kiếm được chỗ ở mới.
Nhất định!
Việc kiếm nhà phức tạp hơn tôi tưởng. Những nhà có thể ở được thì giá khá mắc, những nhà giá rẻ thì lại ở những nơi quá phức tạp. Rồi lại còn lo công việc nữa. Cả tháng trời đã lừng lửng trôi qua mà nhà cửa và công việc chẳng đâu vào đâu. Cái Nhung tâm trạng cũng chẳng khá hơn. Nó hết chép miệng lại thở dài sườn sượt đến nẫu cả ruột:
- Tình hình cứ bí bét như thế này chắc tao về quê mất. Hai ông bà già ở nhà vừa gửi tiền tiếp tế vứa giục ghê quá. Các cụ có biết đâu mình cũng như đang ngồi trên tổ kiến lửa thế này. Lại còn nhắm cho một đám ở dưới ấy rồi, chờ tao về xem mặt, nếu ưng là cưới liền. Bây giờ là thời nào rồi mà các cụ còn cái kiểu ấy cơ chứ. Đến tự tử mà chết cho xong mất thôi.
Chưa bao giờ tôi nghe giọng Nhung hoang mang, chán chường đến thế. Tiếng là cứng rắn nhất bọn nhưng phải quăng quặt ròng rã mấy tháng trời ở đất Hà thành này cũng đã bắt đầu vắt kiệt ý chí của Nhung chị cả mất rồi. Tôi nghe lòng mình não nề.
- Nói thì nói vậy thôi, chứ tao quyết ở lại. Đây mới là đất sống của tụi mình. Chứ về quê, lại ngồi nhẵn đít bên bàn giấy cho người khác sai vặt, lương ba cọc ba đồng, đầu óc mỗi ngày lại mụ mị đi. Sống thế tao chẳng “chơi”. Thế mày định thế nào, có về không?
Tôi im lặng. Tôi biết trả lời Nhung thế nào đây. Về quê? Mợ sẽ lại suốt ngày đay nghiến cậu. Cậu thương tôi, nhưng chẳng lẽ vì thế mà tôi bắt cậu phải khổ vì tôi? Trong tâm trí tôi, nơi ấy chỉ cất toàn những kỷ niệm buồn của tôi. Thực lòng tôi muốn đi xa khỏi nó như để tìm một nguồn an ủi mới cho mình, giúp mình thoát khỏi những mặc cảm nặng nề. Tôi muốn được làm mới lại cuộc sống của mình ở một nơi chốn mới, với hi vọng rằng nó sẽ tốt đẹp hơn quãng thời gian đã qua. Nhưng tôi phải bắt đầu như thế nào và ở nơi đâu?
Lại tiếp tục bạc mặt ở đất này, không biết ngày mai ra sao?
Có phải tôi đang mất dần phương hướng? Có bao nhiêu người như tôi đã chịu bật bãi khỏi chốn đô hội này? Thời hạn của Phúc là năm tháng. Còn tôi là bao lâu. Tám tháng hay một năm? Hay ngay ngày mai thôi.
Tôi mệt mỏi quá rồi…
- Thôi tụi mình về đi - Nhung thở dài - Thôi có gì mà phải chảy nước mắt ra thế. Ối người đã sống khỏe ở đất này, lẽ nào mà tụi mình không sống được. Sông rộng sao lo không kiếm nổi cái ăn. Ngồi đây rồi lại nghỉ quẩn, dở hơi lắm.
Chúng tôi không về nhà ngay. Tôi biết cuộc sống cái Nhung ở nhà người họ hàng cũng không được dễ chịu cho lắm. Mang tiếng ăn nhờ ở đậu, mà lại là họ hàng xa lơ xa lắc. Tự nhiên ở đâu nhảy vào nhà người ta ở mấy ai được hoan nghênh đâu. Nhưng Nhung không thể ra ngoài sống cùng với tôi được vì bố mẹ nó không cho phép: “Hà Nội rặt cạm bẫy thôi. Ở nhà người quen dẫu người ta có không ưa thì vẫn còn an toàn hơn. Không thích thì về quê mà ở”.
Đúng là mỗi người đều có cái khó của mình.
Nhung đèo tôi đi lang thang hết phố này sang phố khác. Hai đứa chẳng buồn nói với nhau câu nào. Thôi thì những lúc như thế này, có người ở bên, cùng tâm trạng, lòng cũng vợi đi chút nào.
Thời gian này cái Phương khá bận rộn. Nó xin nghỉ việc cơ quan để tháp tùng cha nuôi đi công tác nước ngoài. Hình như là Singapore và Malaysia. Mặt nó tỉnh queo:
- Làm việc chán quá, đi đổi gió mấy hôm. Kiều trông nhà cho mình nhé. Về thế nào cũng có quà cho cậu.
Tôi thắc mắc:
- Vừa vào cơ quan người ta làm được mấy ngày lại đã xin nghỉ làm việc khác, cậu không sợ người ta không kêu ca à?
Phương bĩu môi:
- Ai kêu? Ai dám kêu? Mà tớ không có mặt ở đấy, họ lại càng thích quá ấy chứ?
- Sao lại thế? - tôi ngạc nhiên.
- Ôi dào, bà cứ đi làm rồi khắc biết. Cái trò ganh ghét ở công sở, tránh thế nào được. Dào ơi, quạ mà đòi múa cùng công. Tới đi chơi cho bõ ghét. Công việc thích thì làm, không thích thì đi chỗ khác, lo gì.
Thái độ của cái Phương hơi lạ. Chắc nó đang có việc gì bực mình ở cơ quan. Của đáng tội, nổi tiếng sau vụ thi hoa hậu, với nhóm bộ tứ chúng tôi thì không sao nhưng với người ngoài, Phương tỏ ra khá kiêu kỳ. Cũng có khi người ta yêu quí, nuông chiều nó nhiều đâm nó quen với vị trí “ngôi sao” cũng nên.
Trong thâm tâm, nhiều lúc tôi cũng thầm ước ao được như cái Phương. Dường như nó có trong tay mọi thứ mà những đứa con gái tỉnh lẻ như tôi mong muốn: xinh đẹp, có công ăn việc làm ổn định và cuộc sống thì luôn gặp may mắn. Trong bốn đứa chúng tôi, nó là đứa thuận buồm xuôi gió nhất. Con Oanh vì sớm bươn chải nên trông nó già dặn. Việc kinh doanh của nó bây giờ tuy có vẻ trôi chảy song chúng tôi đều biết nó cũng phải trả giá không ít. Nào là giành giật mối hàng, nào là quan hệ với cánh “thị trường” để họ nương tay chuyện thuế má, thủ tục. Rồi lại lo cả cánh giang hồ để cửa hàng được yên bề, không ai đến chọc phá. Nhiều lúc nó mệt mỏi quá, trông chẳng khác nào bông hoa bị táp nắng. Nhưng nó là đứa “gan lì cóc tía”, cấm có bao giờ há miệng kêu ca than vãn hay tỏ ra nhụt chí. Cũng có lúc nó tỏ ra ganh tị với chúng tôi:
- Quả là kiếm được đồng tiền ở đất này thật chẳng dễ chút nào. Chúng mày có học có hành, sau này kiếm được công ăn việc làm chắc sẽ đỡ hơn cảnh của tao.
Oanh ơi, cứ nhìn Kiều và Nhung bây giờ đấy. Thành kẻ “đánh võng mặt đường” mà công việc vẫn tù mù như đêm ba mươi. Con người ta, chẳng biết thế nào mà nói trước được mọi chuyện đâu.
Độ này cái Nhung buồn chán lại quay ra tập viết báo rồi gửi vu vơ. Thế nào mà các bài của nó đều được đăng. Mà người ta đăng bài của nó là đúng quá rồi còn gì. Không biết người khác thế nào chứ tôi đọc những bài báo của nó thấy cảm động lắm. Nó viết đúng tâm trạng, tình cảnh của chúng tôi. Nào là cảnh ra trường mất phương hướng. Nào là những chuyện đi làm thuê để kiếm việc làm. Thì đấy, hôm trước tôi và nó chẳng vào thăm đứa bạn học cùng lớp nó hồi đại học đấy thôi. Đứa bạn ấy cũng trong cảnh kiếm việc, chấp nhận đi lau kính cho khách sạn H. Nó phải giấu biệt tấm bằng cử nhân đi. Nó lau hết ngày này đến ngày khác, cốt sao để cho những tấm kính tường phải sạch như lau như li thì mới có tiền công. Công việc này chẳng hề có trong giáo trình của bất cứ trường đại học nào. Biết làm sao được. Bị quẳng xuống nước thì cố mà bơi thôi chứ.
Khổ thân, con bé hết quì đến đứng, rồi leo cả lên thang, với tay lau quá đà rồi bị chóng mặt, ngã lăn đùng ra đất. Kết quả là gẫy răng cửa, rạn xương đầu gối. Hôm chúng tôi vào, nhìn nụ cười méo mó, khuyết mất mấy cái răng cửa của đứa bạn mà không cầm được nước mắt. Ừ sao tụi mình khổ thế. Về quê cũng chết mà ở lại thành phố cũng chết. Ở đâu cũng đụng hàng xấp đơn xin việc. Ở đâu cũng cảnh chờ đợi “chỉ tiêu”, đợi nghiên cứu và trả lời sau. “Sau” là khi nào thì đố biết. Mà bất chấp mọi giá để kiếm được việc làm thì không có gan.
Hết hi vọng này lại nuôi thêm hi vọng mới. Rồi tự an ủi: người ta ở lại Hà Nội khối ra đấy, kiểu gì mà chẳng sống được.
Ở, thì ở.
Lạng quạng ngoài phố rồi lại gặp nhau, hớt hãi, xếch xác.
Lớp tôi lúc ra trường, còn hứa hẹn ngày này tháng này họp lớp cho đỡ nhớ nhé. Đến ngày ấy tháng ấy, chẳng thấy ai mọc mũi sủi tăm gì. Lòng dạ nào mà họp với hành. Còn phải chạy đua với công việc. Phải chạy đua mà sống. Những cuộc chạy đua triền miên, cấu xé cả trong những giấc ngủ.
Vụ “đổi gió” của cái Phương kéo dài đến chục ngày. Nó trở về trong bộ dạng mệt mỏi và cáu bẩn. Cả một tuần sau đó nó giam mình trong phòng và ngủ li bì. Chỉ khi nào tôi gọi nó dậy ăn cơm, nó mới uê oải đi ra phòng ngoài. Tôi có hỏi gì nó cũng chỉ ừ hữ trả lời cho xong chuyện.
Những biểu hiện kỳ quặc của Phương khiến tôi lo lắng. Phải chăng đã có chuyện gì không hay xảy ra với nó? Sao nó không nói gì với tôi? Đã từng “vấp” chuyện Phúc nên bây giờ thái độ của Phương khiến tôi bồn chồn, không yên.
Mặc cho tôi hỏi han, chăm sóc, thái độ của Phương trở nên ương bướng và lạnh lùng. Đôi lúc nó còn tỏ ra cáu kỉnh với tôi.
Tôi đang làm phiền Phương đấy ư? Không phải tôi thì còn ai khác nữa?
Tôi tự thấy xấu hổ cho mình.
Tôi ơi - tôi vô tâm và vô tích sự ơi.
Tôi đang ở giữa ma trận của cuộc bươn chải vô định này.
Cuộc sống nơi đây không phải dành cho những đứa như tôi đâu.
Thật đấy.
Vài bữa, cái Phương lại trở nên vui vẻ. Nó rối rít xin lỗi tôi và hối hận vì cái thói đỏng đảnh của mình đã làm cho tôi mất ăn mất ngủ. Nó cố công làm trò cho tôi vui. Nó tặng tôi một lọ nước hoa Pháp vừa mua trong chuyến “công cán” vừa rồi. Nó líu lo hát hò như một đứa trẻ.
Sự phấn khích có phần thái quá của nó càng làm cho tôi không thể yên lòng. Trong thẳm sâu lòng mình tôi bắt đầu nhận thấy những sự gượng gạo của mỗi ngày sống trong ngôi nhà sang trọng này.
Đơn giản - vì đây không phải chỗ của tôi.

PHONG ĐIỆP ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive