Your Adsense Link 728 X 15

P03: Lạc chốn thị thành - Chương 2

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Cũng may tôi không nấn ná ở quê lâu. Cả ký túc xá giờ đây đang rùng rùng chuyển động. Người người nhớn nhác đi ra đi vào, đi lên đi xuống.
Bốn dãy nhà ký túc xá xủng xẻng tiếng xô chậu chuyển dời. Chăn màn được phơi vội, cất vội. Các đầu cầu thang thành nơi truyền tin. Thư viện, căngtin chật cứng người đến làm thủ tục xác nhận không còn nợ nần trước khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp, ra trường.
Nguyên do của sự xáo trộn này là bởi nhà trường lấy lại phòng ký túc xá phục vụ cho mùa thi đại học đang đến sát sạt. Sinh viên năm cuối phải bàn giao lại phòng cho nhà trường trước ngày 15, còn các sinh viên khóa sau phải chuyển sang dãy nhà A.
Thực ra tinh thần của thông báo này chúng tôi đã được nghe phong thanh trước đợt thi tốt nghiệp. Hơn nữa đây cũng là lệ chung hằng năm, mỗi khi đến mùa tuyển sinh. Bộ tứ chúng tôi cũng chỉ Nhung và tôi phải lo chỗ ở vì cái Oanh từ khi mở cửa hàng trên phố Thái Hà nó đã chấm dứt cảnh ở chui trong ký túc xá. Cái Phương cũng đã chuyển đến nhà bố nuôi sống được gần một năm nay.
Nói là chứ tôi và Nhung cũng đã chuẩn bị “phương án chuyển quân” cho mình. Nhung thì “được lệnh” thầy u đến sống nhờ nhà người họ hàng trong làng Láng. Tôi sẽ thuê nhà ở chung với cái Phúc phòng 302 bên cạnh, học lớp tư pháp C. Phòng tôi và phòng Phúc hay tổ chức “giao lưu” ăn uống và hội họp sinh nhật nên chúng tôi rất thân thiết với nhau. Phúc là người Thái Nguyên, da trắng, ít nói, tính tình nhu mì, nói chung là dễ chịu. Trong khi đó anh chàng người yêu của nó làm xây dựng lại trông rõ “đầu gấu”, lúc nào cũng băm băm bổ bổ, da lại đen trũi nên ở ký túc xá chúng tôi hay trêu Phúc là: mặt trăng yêu phải mặt trời. Âu cũng là qui luật bù trừ chăng. Nhà trọ của chúng tôi cũng được anh chàng “mặt trời” này thiết kế. Coi như vấn đề chỗ ở của tôi cũng không phải lo.
Hôm “chuyển quân” cả Nhung, Oanh và Phương đều đến giúp tôi. Nhà trọ ngay trong khu tập thể Bản đồ, cạnh trường luật nên chưa đầy một buổi sáng chúng tôi đã có thể ngồi ung dung tán phét, ngắm nhà mới khang trang, sạch sẽ.
Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một trong ba phòng của ngôi nhà rộng chừng 40m2 được chủ nhà chia ra để cho thuê. Nhà nằm ngay tầng một của khu tập thể. Ba phòng của nhà nằm xếp theo hình chữ L, khoảng sân được đặt một kệ bếp, cạnh đấy là vòi nước có thể ngồi để giặt giũ và quây chiếu để tắm. Tuy nhiên điều dở nhất của khu nhà là không có công trình phụ riêng. Vì vậy cả khu phải dùng chung một khu phụ ở cuối dãy và tự phân công nhau làm vệ sinh hằng ngày. Dẫu sao với chúng tôi lúc này, một chỗ ở như thế là quá tốt rồi.
Điều quan trọng hàng đầu với chúng tôi lúc này chính là công ăn việc làm. Nhưng phải bắt đầu như thế nào? Tôi thật sự hoang mang, không biết…
Ra “ở riêng” chưa đầy một tháng, Phúc đã nhanh chóng xin được vào làm tại một công ty du lịch lữ hành. Sự nền nã, dịu dàng giúp nó “ăn điểm” trước các ứng viên khác một cách ngon lành.
Tôi và Nhung thì vẫn “đánh bóng” mặt đường mà chưa có kết quả. Mỗi ngày chờ đợi càng làm chất thêm gánh nặng tâm lý cho chúng tôi.
Những ngày cứ đợi lê thê này, tôi không thể không biết ơn Phúc. Phúc cư xử rất tinh tế. Phúc giúp tôi làm hồ sơ, động viên tôi, chịu khó bày vẽ ra các món ăn ngon cho tôi và Nhung ăn. Quần áo tôi thay ra chưa kịp giặt, Phúc cũng giặt luôn hộ tôi. Mỗi lần anh Quang “mặt trời” đến, Phúc đều kéo tôi cùng ngồi vào nói chuyện cho vui. Nếu hai người muốn tâm sự riêng thì cũng đi ra ngoài chứ không bao giờ ngồi ở nhà để tôi phải khó xử.
Vì vậy sau  mỗi ngày chạy việc mệt nhoài ngoài đường, trở về nhà trọ, tôi luôn thấy lòng mình ấm áp trở lại.
Thấm thoát cũng đã gần ba tháng.
Tôi bắt đầu dùng số tiền cậu đưa để trả tiền thuê nhà. Tôi không dám viết thư hay gọi điện về trong quê.
Tâm trạng tôi những ngày này thật nặng nề.
Những vấp váp đầu tiên đã xảy ra.
Tôi bị mất ba trăm nghìn tiền đặt cọc cho công ty tư vấn việc làm H. trên đường Trường Chinh.
Đang giữa lúc khốn khó, chi tiêu một đồng cũng phải tính toán này, sự mất mát tiền bạc càng làm tôi đau đớn vô cùng. Tôi chỉ muốn ai đó đánh cho tôi một trận, thật đau. Trời ơi, sao tôi có thể ngu dại đến thế?
Biên bản đặt cọc, lúc tôi tỉnh ra, mới giận mình thật ngớ ngẩn: đó chỉ là một tờ giấy photo nhòe nhoẹt, dù có dấu đỏ nhưng đố ai đọc được chữ gì trong đó. Vậy mà tôi đã tấp tểnh mừng rỡ, giữ chặt lấy nó như bùa hộ mệnh, đúng hẹn một tuần sau quay lại nhận việc. Người viết biên lai, tôi sao có thể quên được mặt anh ta. Một khuôn mặt dài ngoẵng với cái mụn ruồi to tướng bên mép. Cái môi ướt nhọet vì liếm lưỡi liên tục. Gã lừa đảo ấy đã nói gì nhỉ: “Một tuần sau em đến đây, nếu không lo được việc cho em, bọn anh xin gửi lại tiền. Biên lai, giấy tờ đầy đủ đây nhá. Chẳng chạy đi đâu được mà sợ”.
Thế tiền của tôi đâu?
Việc của tôi đâu?
Mà việc gì đây khi văn phòng ma sau cú lừa đám sinh viên ngờ nghệch như tôi đã tếch thẳng, chỉ phải mất có 1.00.000 tiền thuê nhà.
Tiền của tôi đâu?
Việc của tôi đâu?
Gã lừa đảo đâu?
Ngôi nhà im ỉm đóng cửa. Cái khóa sắt to sụ ngạo nghễ cười vào mặt tôi. Bà chủ nhà to béo, lê đôi chân phù nề từ trong ngõ ra, thắc mắc: “Sao mấy hôm nay nhiều người đến hỏi thế nhỉ? Hóa ra đều bị quân lừa đảo này nó lừa tiền à? Rõ khổ. Chó cắn áo rách. Lũ này chó thật đấy. Ai mà ngờ được. Cứ xoan xoét u u con con. Ông trời có mắt đấy cháu ạ. Không thoát được đâu”.
Nhưng biết chuyện, nó không nói năng gì. Hôm ấy nó không ốm thì đã đi cùng với tôi và chắc cũng bị lừa thôi. Rời trường đại học, với một mớ kiến thức sách vở, chúng tôi hoàn toàn lúng túng trước cuộc sống hỗn độn này.
Tôi và Nhung bắt đầu chấp nhận những công việc mà chúng tôi tạm gọi là “lấy ngắn nuôi dài” như: bán hàng trong hội chợ, phát hành khuyến mãi, tiếp thị bia, phát tờ bướm quảng cáo, làm phiếu thăm dò khách hàng… Nhưng ngay cả những công việc tạm bợ này cũng khiến cho tôi hết sức căng thẳng. Chẳng nói đâu xa, như vụ bán hàng rạc mặt trong hội chợ cả hai tuần liền, xảy ra chuyện kiểm hàng bị thiếu, vậy là đi tong cả kỳ lương.
Sau mỗi ngày chạy việc ngoài đường, tôi về đến nhà trọ là mệt lử. Cơm Phúc đã nấu sẵn, tôi ăn qua loa, rồi tắm giặt cũng thật nhanh để còn nằm lăn ra giường, lấy sức cho ngày mai tiếp tục “chinh chiến”. Chuyện trò giữa tôi và Phúc ngày càng thưa vắng. Phúc đã có công ăn việc làm ổn định, còn tôi…
Không biết bao nhiêu đêm tôi vừa mơ vừa khóc.
Cũng chính trong những ngày tôi bận rộn lo toan cho mình một chỗ đứng chân ở Hà Nội, tôi đã phạm một sai lầm không thể tha thứ được.
Chuyện xảy ra với Phúc.
Tại sao lại như thế?
Tôi chỉ biết khi mọi việc đã vỡ lỡ ra.
Không ai tin được điều này. Vì tôi sống cùng với Phúc cả bốn, năm tháng trời như thế. Lẽ ra cùng là bạn gái với nhau…
Người thì cười cợt tôi. Người thì không tiếc lời xỉ vả. Cũng có người tỏ ý thương hại tôi.
Còn tôi cay đắng nhận ra sự vô tâm đáng xấu hổ của mình có thể gây ra những hậu quả nguy hại đến thế nào.
Phúc bỏ ăn. Tôi không hề biết. Tôi vẫn ăn vội vã những phần cơm Phúc để phần tôi trong những mối lo nghĩ, toan tính riêng tư. Tôi sợ nói chuyện với Phúc, sợ nó bất chợt nhắc đến những chuyện đại loại như: ở cơ quan mình thế này… còn công việc của cậu kiếm đến đâu rồi?
Cảm giác thua thiệt và tự ái đã đẩy tôi xa Phúc, biến tôi thành một kẻ ích kỷ.
Phúc mất ngủ đến thâm quầng cả mắt và thường lén lau nước mắt trong đêm. Khuôn mặt Phúc xanh xao nhợt nhạt, được che phủ bằng lớp phấn trang điểm cho mỗi ngày tất bật đi làm. Tôi không hay. Tôi bận rộn với những cơn mơ mệt mỏi của mình và tự nghĩ không thể có ai lại nhọc nhằn, vất vả hơn mình được nữa.
Cả tháng trời, anh bạn trai của Phúc không ló mặt đến, tôi cũng không hề thắc mắc. Đơn giản – vì tôi đã yêu đâu.
Thực ra tôi đã thử giữ sĩ diện bằng lối tự biện minh cho mình như thế, nhưng càng cố gắng tỏ ra mình vô can tôi càng thấy dằn vặt lương tâm. Con người ta sống với nhau thật khó mà cũng thật dễ biết bao nếu người ta biết bớt đi cái tôi của mình, biết quan tâm hơn đến những người xung quanh.
Tôi và Phúc đã chấm dứt những ngày tháng ngắn ngủi cùng chung sống một cách thật thê thảm.
Và những chuyện xảy ra với Phúc, tôi là người biết sau cùng.
Hôm đó tôi và Nhung đi rải hàng khuyến mãi dầu gội đầu đến tầm trưa thì vừa hết. Nhung theo tôi về nhà trọ, định bụng ăn tạm bát mì tôm rồi ngủ một giấc xả hơi cho bõ những ngày đi rạc cẳng trên phố.
Nhà trọ hôm đó đông nghẹt. Người rải từ cổng khu tập thể vào tận giữa sân nhà chúng tôi, thầm thì âu lo lẫn mỉa mai, cợt nhả. Bụng tôi sôi cồn lên vì linh cảm có điều chẳng lành. Tôi lao bổ vào trong phòng.
Đây, Phúc của tôi đang nằm lịm đi giữa giường. Khuôn mặt nó đau đớn tột cùng. Chị họ Phúc đang ngồi bên cạnh nó, nhẫn nại và nhợt nhạt. Giây phút đáng sợ ấy tôi thấy hình như Phúc đang sắp chết. Cả người tôi cứng đờ và lạnh buốt. Đầu óc tôi hoảng loạn. Cái chết!
Phúc ạ, giờ thì tôi đang tự xỉ vả mình đây. Nhưng thế thì ích gì nào.
Phụ nữ chúng mình sao cực nhục thế. Có lúc mình đã ước, giá như chúng mình là đàn ông có phải tốt biết mấy…
Phúc ạ! Hôm trước mình liều vào thử việc tại một quán ruợu. Làm chưa được đầy ba ngày, lão chủ đã sổ sàng ấn dập mình vào sát tường rồi thọc ngay bàn tay chuối mắn qua lần váy ngắn vào háng mình. Lão cười hô hố trong nỗi khiếp đảm và sự ghê tởm của mình. Rồi mình đã chột dạ: thế thì có thai được không nhỉ. Từ trước tới giờ chúng mình luôn xấu hổ khi nói đến những chuyện nam nữ, và rốt cuộc là chúng mình trở thành những đứa trẻ to xác, ngốc nghếch và thiếu hiểu biết đến tội nghiệp. Rồi mình phải bỏ chỗ ấy dù mỗi tháng có thể kiếm được gần hai triệu bạc. Hai triệu cứu sống được chúng mình hay giết chết chúng mình lúc nào không biết? Mình thật sự hoang mang giữa mảnh đất hỗn tạp, xô bồ này. Hình như mảnh đất này không sẵn sàng dành cho những đứa như chúng mình thì phải. Mình như người lạc đường ấy. Vừa không thể về quê, vừa không thể chấp nhận được vào chốn đô hội này. Liệu còn chỗ nào không dành cho những đứa con gái tội nghiệp như chúng mình?
Trong cơn hoang mang của mình, mình đã không nhận ra được cơn hoang mang của cậu, Phúc ạ. Chúng mình như những con sẻ non sợ bão nhưng rốt cuộc lại phải đương đầu với bão tố. Phúc, cậu sợ anh bạn “mặt trời” bỏ nên chấp nhận dâng hiến cái phần thiêng liêng nhất của đời một người con gái. Rồi cậu có thai. Cậu vẫn chẳng thể giữ được anh ta. Một mình cậu, cậu không biết xoay sở thế nào. Cái thai thì mỗi ngày một lớn. Cậu che đậy bằng những chiếc quần bó chặt đến nghẹt thở và những chiếc áo thụng sẫm màu. Cậu nhảy dây thình thịch nói là để tập thể dục cho khỏe người, xách những xô nước thật đầy, ăn thật nhiều cay… Cậu cố gắng bằng mọi cách, cốt sao cái thai ấy nó đừng bám riết lấy cậu nữa.
Mình vô tâm nên không hề hay biết.
Còn cậu, càng ngày cậu càng cảm nhận cái thai một cách rõ rệt hơn. Nó làm cho cậu đau đớn. Nó là cục ô uế trong người, cậu muốn tống nó đi. Những đứa con gái non nớt như tụi mình đều nghĩ như thế cả.
Sự hành hạ thể xác của cậu rốt cục đã có kết quả. Cậu thấy đau bụng dữ dội và máu bắt đầu chảy ra. Cậu mừng rỡ chui vào nhà vệ sinh. Cậu đã thành công. Cậu sẽ phi tang được tất cả những chuyện này. Nhưng máu cứ chảy mãi, chảy mãi. Cậu kiệt sức. Và cậu đã ngất đi. Người dọn vệ sinh đã phát hiện ra cậu, nằm ngất xỉu bên một mớ nhớt nhát, bầy nhầy những máu là máu. Họ đưa cậu về nhà trọ, làm cho cậu tỉnh. Trong cơn tuyệt vọng, cậu gọi chị họ đến. Cậu biết mình chỉ là một đứa vô tích sự nên cậu đã âm thầm chịu đựng tất cả những điều này một mình. Để rồi mình là người sau cùng biết mọi chuyện.
Giá như mình đã có thể chia sẻ được với cậu trong những ngày tháng nặng nề này.
Ân hận, dằn vặt hỏi còn có ích gì?
Mình căm ghét mình lắm Phúc ạ.
Nhung vội vàng chở tôi đến cửa hàng của Oanh. Chúng nó để tôi nằm tạm trên gác xép chật chội, ngổn ngang hàng hóa. Đầu tôi hâm hấp sốt. Tôi thiếp đi trong những cơn mê hãi hùng dồn đuổi nhau không dứt. Chúng làm tôi kiệt sức.
Trong lúc ấy, Oanh và Nhung quay về nhà trọ dọn đồ cho tôi. Chủ nhà – sau vụ xì căng đan, vẫn chưa hết nỗi khiếp đảm – tuyên bố đuổi tôi và Phúc. Chị họ Phúc đã kịp thuê một chuyến xe đưa Phúc về quê. Từ bấy chúng tôi mãi mãi bặt tin nhau.
Vậy là sau gần năm tháng chung sống, đến khi chia tay chúng tôi đã không thể nói gì được với nhau, dù chỉ là một câu chào.
Phúc ạ, tôi ân hận lắm.

PHONG ĐIỆP ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive