Your Adsense Link 728 X 15

P06: Búp-phê

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Sài Gòn bây giờ đang có mốt ăn tiệm theo kiểu búp-phê (phiên âm từ buffet). Nhiều người vẫn tưởng đây là mô hình ngoại nhập. Nếu tìm cách diễn tả theo kiểu "triển khai tiềm năng du lịch" thì đây là thể dạng kinh doanh nhà hàng bằng cách vận dụng chất xám của nước ngoài!
Trên thực tế, cho dù không cố tình đánh bóng cho "bản sắc dân tộc", thì nhà hàng búp-phê rất có thể xuất xứ từ nước ta! Bằng chứng là ngay cả tiếng buffet, biết đâu có nguồn gốc từ ngôn ngữ bình dân xứ mình khi được dùng để diễn tả loại nhà hàng mà thực khách (sau khi trả tiền trọn gói) tùy ý mặc tình "búp" đến "phê"!
Nếu quan sát là một trong các phương pháp đoán bệnh thì xem cách ăn búp-phê cũng là một cách định bệnh của… xã hội! Trước hết, nhìn chung thì hình ảnh ăn búp-phê ở nhiều nhà hàng là dẫn chứng cho thấy hai tiếng trật tự càng lúc càng khó tìm trong tự điển tiếng nước mình! Nhưng chưa hết, nếu xem từng trường hợp cá biệt thì càng thấm thía cái hay của Truyện Kiều qua câu "Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười"! Thay vì bình tĩnh sắp xếp món ăn theo đúng trình tự với món khai vị, món nước, món phụ, món chính, món tráng miệng…, thay vì chọn lựa và kết hợp món ăn theo đúng cá tính nguyên thủy, như món Hoa, món Ý, món Pháp…, rất nhiều người vội vàng xếp đầy dĩa theo kiểu "tả pín lù", chẳng hạn với cuốn chả giò trơ trọi cạnh con sò huyết nướng mỡ hành, hay nhúm rau trộn dầu dấm chịu chung kiếp bẽ bàng với phần cơm chiên dương châu! Cũng có người, có thể vì tìm được món khoái khẩu, nên biểu diễn ngay tài xây kim tự tháp trên chiếc dĩa nhỏ xíu, để đoạn đường trở về bàn ăn chẳng khác nào màn biểu diễn ảo thuật, trong nỗi lo "tai bay vạ gởi" của người ngược chiều! Cũng không thiếu thực khách, có lẽ vì quán triệt ý nghĩa "thời giờ là vàng bạc", nên xếp luôn một lần bốn dĩa cho đỡ mất công đi lại, cứ như cảnh kẹt xe giờ cao điểm vẫn còn ám ảnh đến tận quầy thức ăn. Nhưng dù với kiểu nào thì đa số thực khách cũng có điểm tương đồng: Đó là khách rất hối hả, như muốn "ôm trọn cả thế giới" vào lòng!
Nếu tính kỹ về lời lỗ thì cần gì phải chọn kiểu ăn búp-phê với giá cao đến thế, nếu thực khách chưa gì đã bỏ cuộc sau một, hai lần lấy thức ăn, do quá nhiều về lượng nhưng cũng quá đơn điệu về thành phần. Điểm đáng phê bình hơn nữa là lượng thức ăn bỏ thừa chỉ vì thực khách có "con mắt lớn hơn cái bụng". Thử hỏi bao nhiêu trẻ mồ côi, người nghèo khổ sẽ no lòng với số món ăn rơi vào sọt rác chỉ vì thực khách quá… tham! Rất nhiều lần, tôi chỉ mong tìm được trong nhà hàng búp-phê nào đó hình ảnh người lớn ngăn không cho trẻ con lấy quá nhiều thức ăn để rồi bỏ! Rất thường khi tôi tự hỏi, không lẽ nhiều người ở nước mình đã quên mất dễ dàng những ngày gian khổ thiếu ăn thiếu mặc của ít chục năm trước? Chắc chắn sẽ có người gạt ngang: Kể chi chuyện quá khứ khi cuộc đời là những ngày trước mặt. Vậy sao?
Chuyện gì cũng có lý do. Thái độ hấp tấp của nhiều người trong nhà hàng búp-phê là điều dễ hiểu. Người ăn búp-phê nếu tiếp tục vội vã "chạy theo thành tích" bên quầy thức ăn là chuyện hoàn toàn hợp lý. Thực khách sẽ không thể nào  chậm rãi thưởng thức món ăn với phong cách lịch sự, nếu nhà hàng không chứng minh được là sẽ dọn tiếp khi hết hàng. Lỗi không ở kẻ chưa tin, mà do người tin không nổi! Khó không ở chỗ làm thế nào cho khách tin tưởng, mà là làm sao cho khách đừng đánh mất lòng tín nhiệm. Từ không đến có xem vậy mà dễ, nhưng lỡ mất thì rất khó tìm.
Tối hôm qua, trong lúc lội ngược dòng người trong nhà hàng búp-phê chợt thấy anh bạn bên kia quầy thức ăn. Mừng hết sức, phần vì lâu rồi không gặp, phần vì gần đây nghe nói anh ta vừa lên chức gì lớn lắm, trong ngành xây dựng hay giao thông sao đó, mà chưa có dịp "tiếp cận". Quán ồn như chợ, nhưng cũng cố lấy hơi hỏi thăm cho trọn tình bằng hữu "Công việc mới thế nào?". Anh bạn bên kia có lẽ không nghe gì hết vì tiếng chén đĩa va chạm lách cách, tiếng người kêu nhau ơi ới, tiếng quản lý nhà hàng la hét nhân viên… nên đoán mò câu hỏi rồi gân cổ trả lời: "Mình dễ lắm, cái gì cũng ăn hết!".
Định hỏi thêm câu nữa, nhưng phía sau có người lấn tới vì nhà hàng vừa châm thêm phần tôm lăn bột. Tôm lớn ghê! Ôi thôi, hơi nào mà hỏi với thăm. Cứ búp cho phê cái đã rồi hãy tính chuyện trời trăng.
Tiếng Việt càng ngẫm càng hay nhờ đa dạng và uyển chuyển. Muốn búp thì phải phê, hay muốn phê thì phải có gì để búp, hiểu sao cũng được, miễn là hiểu. Chính vì thế mà ẩm thực cũng thuộc về… văn hóa!
LƯƠNG LỄ HOÀNG (15-10-2005)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive