Your Adsense Link 728 X 15

P05: Gương hiếu thảo thứ 25

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Đất nước có 64 tỉnh, thành phố; mỗi địa phương có riêng một tờ báo. Tờ báo luôn luôn có câu ghi rõ: “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh (thành phố)...”. Cơ quan báo thường là một tòa nhà khang trang, có vài chiếc công xa, bộ máy nhân sự khoảng 30 - 40 người.
Đội ngũ làm báo là những người có tay nghề, yêu nghề, nhiều hoài bão, thiết tha với sự nghiệp báo chí cách mạng, muốn làm nhiều điều góp phần xây dựng cho địa phương.
Thế nhưng... từ lãnh đạo tờ báo xuống tới phóng viên, bảo vệ đều ăn lương của địa phương. Tờ báo được bao cấp, cần cái gì, xin cái gì đều phải “kính gửi” anh Ba, anh Tư, chị Năm xem xét và giúp đỡ. Báo in ra bán không lời thì huề vốn, không huề vốn thì... lỗ. Số bản in mỗi kỳ từ vài ngàn tới chục ngàn. Những đứa con, có đứa đã 30 tuổi, vẫn sống nhờ bầu vú mẹ. Bầu vú đó mà ngưng bao cấp một cái thì con ngoẻo, nhưng không có địa phương nào dám để cho con ngoẻo. Đứa con đó có nhiều cha mẹ đời mới. Các bậc cha mẹ này được gọi là anh Ba, anh Tư, chị Năm...
Tôi phải dài dòng nói về các đứa con được bao cấp như vậy để thấy rằng họ có miệng ăn mà khó có miệng nói. Tờ báo nào chịu chơi, mở miệng la to một cái, cãi một câu, phê phán chỗ này tiêu cực, chỗ kia tiêu sướng thì lập tức có cha mẹ “dạy dỗ” ngay. Còn cái chuyện chỉ đạo tin này đừng đưa, bài này đừng đăng, vụ này chỉ nên để rút kinh nghiệm... thì xảy ra hà rầm. Các tờ báo địa phương biết rõ chuyện xảy ra trong địa phương mình nhưng đành ngậm miệng làm thinh, ngậm ngùi nhìn các tờ báo khác có vai, có vế làm tới nơi tới chốn. Cái đó kêu bằng vì hoàn cảnh, phải làm con ngoan, con có hiếu!
Sách Nhị thập tứ hiếu đã biểu dương 24 gương hiếu thảo với cha mẹ của người xưa. Ngày nay, các bạn đồng nghiệp các báo tỉnh (thành) của chúng ta ngậm bồ hòn mà làm tấm gương hiếu thảo thứ 25: Không dám cãi lời chỉ đạo của cha mẹ. Từ chuyện hiếu thảo này làm phát sinh một hệ lụy: Báo tỉnh (thành) chuyên đưa những chuyện phấn khởi, hồ hởi: Hội nghị thành công tốt đẹp; ông nông dân kia nuôi heo giỏi; chị cộng tác viên kế hoạch hóa gia đình nọ vận động chị em đặt vòng hay... Có số báo ra chẳng thấy tin gì, chỉ thấy đăng một bài diễn văn dài sọc 5 - 6 ngàn chữ. Có báo túng quá, đăng chuyện “ôn cố tri tân”; Khổng Tử ca ngợi Hạng Thác; thuốc nam trị bệnh mất ngủ... Một đội ngũ có tay nghề, có tấm lòng, mà làm ra một tờ báo đọc cũng được, không đọc cũng được, chưa đọc đã biết nói gì,... chắc chắn là lòng họ đau ghê gớm. Báo bán hổng được, địa phương càng bù lỗ tợn; và, càng bù lỗ, báo càng trở nên đứa con hiếu thảo!
Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật đã đưa thông tin về Hội thảo Báo chí đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông tổng biên tập báo Tây Ninh đến với tư cách khách mời đã khái quát: “Các cấp lãnh đạo là tía mình, là má mình!”. Con làm sao dám cãi lời tía má? Mà đừng nói đến cãi lời, chỉ làm cho tía má phật lòng đã là con bất hiếu rồi. Khái niệm “hiếu thảo” ở đây mang tính chất bi kịch, càng im miệng thì càng có hiếu.
Luật báo chí đã có rồi. Bất kỳ nhà báo nào làm bậy, làm sai đều có thể bị cách chức, bị truy tố ra tòa, bị đuổi việc về làm... báo cô ăn bám vợ nhà. Nay ở một số địa phương lại chế ra một thứ luật bất thành văn cao hơn cả Luật Báo chí: Một số vị lãnh đạo không cho phép nhà báo được làm đúng chức năng, nghĩa vụ, quyền hạn của họ. Báo nào có tấm lòng, đưa thông tin chống tiêu cực, chỉ cần bị một vị lãnh đạo nói “Báo có vẻ không nghe theo sự lãnh đạo của cấp trên” là đã rợn tóc gáy, đã cháy tóc mai, đã bay tóc trán. Cảm hứng đâu mà làm báo nữa, hở Trời?
Tôi viết bài này để thương tặng các đồng nghiệp làm báo các tỉnh thành. Bản thân nhiều anh chị em làm báo khác nhiều khi cũng phải miễn cưỡng làm tấm gương hiếu thảo thứ 25, nói chi đến các bạn đồng nghiệp ở các địa phương làm báo. Thôi thì tôi xin làm “thơ” để kêu gọi tấm lòng của một số lãnh đạo ở địa phương vậy.
“Thơ” rằng:
Tía ơi, đừng bắt con “ngoan” Để con chống tiêu cực cho sang tỉnh mình Má ơi, đừng bắt con... tường trình Để con chống tiêu cực cho tỉnh mình nó sang Tía má ơi, đừng bắt con “ngoan”... 
ĐỒ BÌ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive