Your Adsense Link 728 X 15

P08: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2

Posted by Kenny Phạm 21/7/10 0 nhận xét
Joan Borysenko
"Một khi bạn chịu thay đổi cách tư duy, cuộc đời bạn chắc chắn sẽ thay đổi."

Joan Borysenko không chỉ là một giáo sư tiến sĩ nổi tiếng về y học và tâm linh, bà còn là nhà nghiên cứu sinh vật học tại Đại học Y Harvard.
Không chỉ thế, Joan Borysenko còn được nhiều người biết đến qua những quyển sách như:  Minding the Body, Mending the Mind và A Woman’s Book of Life.
Dân gian hay nói rằng, nếu cuộc sống ưu ái bạn bao nhiêu thì nó cũng sẽ lấy lại của bạn bấy nhiêu. Thật vậy, tuy khá thành công trong sự nghiệp, nhưng Borysenko lại không may mắn trong cuộc sống đời thường. Hôn nhân tan vỡ, một tai nạn xe hơi  làm bà suýt mất mạng, thêm vào đó Borysenko phải gánh chịu gánh nặng tâm lý khi người cha tự vẫn...
Những người có cá tính mạnh thường xem khủng hoảng, thách thức là yếu tố khẳng định sự tồn tại của mình. Chính tôi đã từng chứng kiến sự thể hiện tính cách đó ở đứa con trai 14 tuổi của mình khi 4 mẹ con tôi chèo thuyền ở Scituate, Massachusetts.
Tôi tưởng tượng tình huống xấu nhất sẽ xảy ra "Có thể chúng ta bị mắc kẹt ở đây suốt đêm". Nhưng Justin đã hùng hồn tuyên bố "Con sẽ cứu cả nhà". Nó đưa mẹ và hai em đi bộ lên bãi cát rồi bắt đầu kéo con thuyền đi dọc theo bờ cho đến khi thuyền vượt qua được chỗ nước nông. Thái độ của Justin là một minh chứng điển hình cho tinh thần mạnh mẽ. Còn tôi thì không.
Những người có cá tính mạnh luôn ý thức rằng, có thể họ không kiểm soát được những chuyện xảy ra với mình, nhưng họ có thể kiểm soát bản thân trước mọi việc.
Những người có tinh thần mạnh mẽ tin là ngay trong những biến cố đau thương nhất vẫn tồn tại một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Nói như thế không có nghĩa là họ chỉ nhìn cuộc sống một cách chủ quan phiến diện, mà tận trong sâu thẳm họ luôn tồn tại những ý nghĩ tích cực. Họ hiểu rằng sau cơn mưa bầu trời sẽ thôi u ám và mặt trời lại tiếp tục chiếu sáng.
Năm 1975, cha tôi tự kết thúc cuộc đời mình. Điều đó khiến tôi không những cảm thấy đau khổ, mà còn mang nặng cảm giác tội lỗi. Là một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư, lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn để có thể giúp cha vượt qua quá trình điều trị khó nhọc ấy.  Nếu làm được những việc đó, cả tôi và ông sẽ thấy được an ủi phần nào. Đằng này...
Bỏ công việc ở phòng thí nghiệm, tôi lao vào nghiên cứu dược phẩm. Sau đó, tôi mở phòng khám thể chất và tư vấn tâm lý cho bệnh nhân tại một trong những bệnh viện thực tập của trường Đại học Y Harvard. Tôi nỗ lực hết mình trong việc giúp đỡ bệnh nhân và thân nhân của họ vượt qua những căn bệnh luôn chực chờ cướp đi mạng sống quý báu của họ.
Tôi có một người bạn cũng từng trải qua chuyện tương tự, cô ấy bị mất con trai trong một tai nạn xe hơi. Để có thể tiếp tục sống sau mất mát lớn lao đó, cô tìm đến những người có hoàn cảnh như mình, giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau bằng kinh nghiệm của bản thân.
Chuyên gia tâm thần học Viktor E. Frankl, người sống sót sau nạn thảm sát người Do Thái, khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn có đủ sức chịu đựng hoàn cảnh không may mắn mà không hề tuyệt vọng. Tuy nhiên, tinh thần mạnh mẽ không phải tự nhiên mà có. Chúng ta cần phải trải qua một quá trình rèn luyện. Khi buộc phải đương đầu với những tình huống căng thẳng, bạn hãy để ý đến cách phản ứng của mình. Bạn có quan trọng hóa vấn đề hay không? Bạn luôn nghĩ mình không đủ khả năng để giải quyết bất cứ chuyện gì ? Bạn thường tự dằn vặt mình? Sau những quan sát đó, tôi cho rằng, bạn đã đủ sức để có những phản ứng tích cực hơn.
Hãy dành thời gian quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn. Khi bị stress, chúng ta thường bỏ quên những thói quen tốt của mình. Thực tế, đó lại là lúc chúng ta cần đến chúng nhất. Cho dù bạn đang gặp phải vấn đề gì chăng nữa, hãy giữ thói quen ăn uống điều độ, duy trì luyện tập thể thao, và luôn ngủ đủ giấc. Không nên chỉ chú tâm vào việc khôi phục thể chất, tâm hồn bạn cũng cần được quan tâm không kém.  Hàng ngày, nên dành thời gian  làm những việc bạn thực sự yêu thích, có thể là đi dạo trong công viên, nghe nhạc, hoặc cuộn tròn trên giường với cuốn sách trong tay.
Nếu bạn không có những mối quan hệ thân thiết, hãy tham gia vào các hoạt động xã hội. Chia sẻ vấn đề của bạn với bạn bè và các thành viên trong gia đình là phương cách hữu hiệu để giải phóng bạn khỏi những áp lực.
Tập thói quen bày tỏ lòng biết ơn cuộc sống bằng cách mỗi sáng thức dậy hay mỗi tối trước khi ngủ, bạn hãy dành ra ít phút để chiêm nghiệm về năm điều tốt đẹp nhất mình đang được hưởng. Lúc đó, bạn sẽ nhận ra được những điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho bạn, thay vì cứ mãi quay cuồng với những gánh lo đang trĩu nặng trên vai.
Khi những suy nghĩ của bạn có mục đích, bạn đã được xếp vào nhóm người mạnh mẽ. Những người này xem thất bại là một trong những con đường dẫn đến thành công. 
James Allen
Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.
Oprah Winfrey
Hướng tới tương lai mà chỉ dựa vào quá khứ, chẳng khác nào lái xe mà cứ chằm chằm nhìn vào kính chiếu hậu.
Herb Brody
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Mark Victor Hansen
"Thất bại chính là nguồn cảm hứng và động lực thôi thúc tôi hoàn thành mục tiêu."

Là người có biệt tài giúp người khác điều chỉnh quan điểm sống đúng đắn và tích cực, Mark Victor Hansen cùng với người đồng sự Jack Canfield đã cho ra đời những tập truyện ngắn rất nổi tiếng mang tựa đề Chicken Soup for the Soul (đã xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Hạt giống tâm hồn).
Ông được tạp chí Time gọi là "Hiện tượng của thập niên". Người được coi là lạc quan trong từng hơi thở và là bậc thầy trong việc động viên và khích lệ người khác này cũng đã từng lâm vào cảnh trắng tay và tuyệt vọng…
Năm 1974, lúc đó tôi chỉ mới 26 tuổi, đang điều hành một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp mái lợp ở New York. Công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái thì lệnh cấm vận dầu mỏ của Chính phủ được ban ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của chúng tôi, bởi nguyên liệu chủ yếu để sản xuất mái lợp là nhựa PVC, một sản phẩm hóa dầu. Mọi thứ đột ngột bị đảo lộn, chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, tôi mất trắng 2 triệu đô la.
Từ một doanh nghiệp thành đạt bỗng chốc trở thành tay trắng! Biến cố xảy ra quá bất ngờ, khiến tôi bị sốc và có ý định tự tử. Tôi nằm bất động trên giường. Cả ngày, tôi giam mình trong bốn bức tường, không muốn bước ra ngoài nửa bước. Tôi cũng không thiết gì đến chuyện ăn uống, chỉ muốn trốn đến một nơi càng xa càng tốt.
Nước Mỹ lúc ấy đang rơi vào thời kỳ suy thoái, và tôi cũng ở trong tình trạng tương tự. Tôi không nhìn thấy tín hiệu lạc quan nào ở phía trước. Ngày nào báo chí cũng đăng ra rả những chuyện sai lầm, hành vi tội lỗi... khiến tôi không thể thoát ra được những suy nghĩ tiêu cực đang ngày một ăn sâu vào tâm trí. Một khi những suy nghĩ đó chiếm lĩnh đầu óc bạn, nó sẽ biến hành động của bạn cũng trở nên tiêu cực. Nhưng nếu tầm nhìn của bạn đạt đến mức cao hơn, thoáng hơn, rộng hơn thì lúc đó suy nghĩ của bạn sẽ tích cực hơn. Bởi bạn nhận thức được rằng, sự suy thoái không bao trùm lên tất cả, nó chỉ diễn ra ở lĩnh vực nào đó mà thôi. Khi đó, bạn sẽ lấy lại được trạng thái thăng bằng.
Tình cờ, tôi được nghe cuộn băng ghi âm mang tựa đề Are you the Cause or Are You the Result?  của Cavett Robert, một bậc thầy về diễn thuyết, người đã sáng lập Hiệp hội các nhà diễn thuyết Hoa Kỳ. Tôi nghe đi nghe lại cuốn băng này cả thảy 287 lần. Trong  đó, Cavett đặt câu hỏi: "Bạn là sinh vật được sinh ra theo một số điều kiện nhất định hay bạn là người tạo ra mọi chuyện?".
Trí não con người về mặt cơ bản là một hệ thống rất đơn giản. Như Bill Gates từng khẳng định: "Nó là một hệ nhị phân, gồm những con số 1 và 0". Còn Cavett giải thích, phải biến những gì ta hấp thụ thành một kết quả tích cực. Chưa một cuốn sách hay bài nói chuyện nào gây xúc cảm mãnh liệt và giúp tôi sáng tỏ nhiều vấn đề như thế. Sau này, Cavett trở thành thầy và cũng là người bạn thân thiết của tôi.
Tôi bắt đầu giở lại chuyện làm ăn thua lỗ và nhận ra được nhiều vấn đề. Thay vì nói: "Mình không thể "như trước kia, giờ đây tôi luôn đặt ra câu hỏi: "Mình sẽ làm điều đó như thế nào?". Nếu thay đổi cách tư duy, cuộc đời bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Đó cũng là khoảnh khắc tôi quyết định trở thành một nhà diễn thuyết nhằm giúp đỡ những ai muốn thay đổi thái độ sống.
Khi anh bạn tôi, Jack Canfield, đưa tôi xem một tập truyện ngắn của anh,  Happy Little Stories. Tôi nói với anh ấy rằng, đó là cái tựa đề ngớ ngẩn nhất mà tôi từng biết. Sau đó, chúng tôi quyết định cùng nhau hợp tác làm cuốn sách này. Chúng tôi dành ra ba năm để hoàn thiện cuốn sách và sau cùng cho ra cuốn Chicken Soup đầu tiên. Lúc đó, cả hai chúng tôi đang nợ khoảng 140.000 đô la, nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc. Bởi chúng tôi tin mình đang có một thứ rất đặc biệt trong tay. Và chắc chắn mọi người sẽ hồ hởi đón nhận nó.
Thế nhưng suốt ba năm sau đó, chúng tôi đã nhận được 33 lời từ chối của 33 nhà xuất bản ở New York kèm theo thông điệp: "Chẳng ai mua những mẩu truyện ngắn cả". Thê thảm hơn, người đại diện quyết định không hợp tác với chúng tôi nữa.
Sau khi tiêu tốn rất nhiều thời gian tìm nơi bán sách mà không đạt được kết quả nào, chúng tôi tìm đến Hội chợ giới thiệu Sách. Ở đây, có 60.000 người tham gia, thuộc đủ mọi thành phần trong giới làm sách, từ các tác giả đến nhà xuất bản, và khoảng 33.000 chủ hiệu sách. Ngay cả các cựu tổng thống cũng mang những quyển sách của họ đến bán. Tất cả đều tề tựu đông đủ. Tôi và Jack hăm hở mang những ba lô đầy sách đến hội chợ. Một lần nữa, chúng tôi lại bị từ chối thẳng thừng. Một trăm ba mươi người chúng tôi gặp đều gần như cho chúng tôi cùng một câu trả lời: "Mau chóng cuốn gói và biến khỏi đây ngay lập tức". Một sự thật khá tàn nhẫn.
Một buổi tối, Health Communications, một nhà xuất bản nhỏ đang sắp phá sản, ngỏ ý muốn xem qua tác phẩm của chúng tôi và hứa sẽ trả lời vào ngày hôm sau. Sáng sớm hôm sau, giám đốc nhà xuất bản này gọi điện lại và nói ông đã khóc khi đọc những mẩu truyện ngắn của chúng tôi.
Tới đây, đoạn kết của câu chuyện tuy không kể ra nhưng có lẽ ai cũng biết. Mặc dù không dám gọi đó là thành công vĩ đại, nhưng kết quả thật ngoài sức tưởng tượng. Sau những tháng ngày lao đao, cuối cùng sách của chúng tôi cũng đã được phát hành rộng rãi với gần 100 triệu bản và hiện tại con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Có rất nhiều người vì ngại thất bại nên không dám bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Qua nhiều cuộc nghiên cứu, một số nhà tâm lý đã chỉ ra hai loại sợ hãi hữu hình: sợ tiếng ồn và sợ ngã. Còn mọi nỗi sợ khác đều là giả tạo. Chúng ta thường vin vào những thứ không có thực, những cái chúng ta tự huyễn hoặc và để mặc cho nỗi sợ hãi như một đám mây u ám bao trùm lên cuộc đời mình. Nếu vượt qua những nỗi sợ hãi vô lý đó, nghĩa là con đường đi đến thành công của bạn sẽ không còn xa nữa.
Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.
Dr Porsche
Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.
Bertolt Brecht
Sự khám phá khó có thể hoạch định một cách máy móc. 
Dan Fylstra
Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới,  phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới. 
Eric Hoffer
Sẽ không có nhiều người đủ can đảm dành cho mình cơ hội thứ hai sau lần thất bại đầu tiên. Họ lùi bước sau vấp ngã, bởi hầu hết đều sợ thất bại thêm lần nữa. Nếu sẵn sàng đón nhận thất bại và biến nó là cơ hội, bạn sẽ gặt hái được những thành công vĩ đại hơn.
Joseph Sugarman
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive