Your Adsense Link 728 X 15

P09: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2

Posted by Kenny Phạm 21/7/10 0 nhận xét
Robert Pinsky
"Nếu không tin vào việc mình đang làm, hãy dừng lại và tập trung vào việc bạn thực sự có niềm tin."

Robert Pinsky , được trao giải Pulitzer dành cho nhà thơ Mỹ xuất sắc nhất (1997 - 2000) với tác phẩm The Figured Wheel: New and Collected Poems 1965 -1995. Ông cũng đã từng nhận giải thưởng cao quý “Lenore Marshall”, giải “Ambassador” của Hiệp hội các nước nói tiếng Anh, giải thưởng “Vì Nghệ thuật quốc gia”.
Không chỉ thế, trong sự nghiệp văn chương của mình, ông còn nhận được nhiều giải thưởng của Quỹ Guggenheim, Viện Hàn lâm Hoa Kỳ và Học viện Văn học Nghệ thuật. Là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật, Robert Pinsky đã nhìn nhận rằng, chính sự thất bại đã giúp ông có động lực để vươn lên.
Tôi chưa bao giờ là một học sinh xuất sắc cả. Những năm học cấp II, tôi bị liệt vào thành phần học sinh chậm tiến bộ. Tôi không có gì nổi bật ngoại trừ sự ngay thẳng và tính quyết đoán. Tôi chẳng giỏi môn gì cả, từ những môn tự nhiên, xã hội cho tới môn thể dục. Nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ nên không có khái niệm gì về sự thất bại.
Ngay cả môn tiếng Anh, giỏi lắm tôi cũng chỉ đạt được điểm C và D. Thực ra thì tôi học cũng rất khá, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi phải làm những điều mà thầy cô bảo, đến nỗi các giáo viên đã phải nhắc nhở "Cậu nên bỏ ngay cái kiểu học nhởn nhơ như đi dạo đó đi". Tôi thích học ở những nơi hoang vắng, đơn giản chỉ là để thỏa sức thả hồn theo mây gió.
Trường tôi có nhiều giáo viên giỏi và nhiệt tình, song cũng không hiếm những giáo viên hà khắc và trình độ chỉ dừng ở mức trung bình. Vì vậy, nếu một cậu học trò nào đó lơ mơ về ngữ pháp, đừng vội kết luận cậu ta ngốc nghếch, mà có thể đó là do cậu ấy không được dạy một cách bài bản. Với tôi, việc chứng minh được những giáo viên đó sai quả là một ý tưởng hấp dẫn.
Việc học khiến tôi chán ngán bao nhiêu thì âm nhạc lại khơi dậy trong tôi niềm đam mê, sự hứng thú bấy nhiêu. Tôi bắt đầu làm quen với kèn saxophone từ năm 13 – 14 tuổi. Tôi chơi tuy không hay lắm, nhưng việc được chơi trong một ban nhạc đã giúp tôi tự tin hơn vào bản thân. Lấy biệt danh Mr. Sax Man, tôi xem cái tên này như một động lực giúp mình tiếp tục phấn đấu, đến khi nào quan điểm và cách làm việc của tôi được mọi người chấp nhận. Đó cũng là con đường đưa tôi chạm ngõ thơ ca.
Như nhiều nhà thơ khác, tôi cũng bị dư luận lên án và phê phán gay gắt. Nhưng với ý nghĩ "mọi thứ rồi sẽ ổn thôi", tôi vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Làm một nhà thơ hay bất cứ một nghề nào khác, nếu đủ sức chịu đựng búa rìu dư luận, bạn mới có thể tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn.
Có thể tôi là một kẻ mất trí, một kẻ điên khi kiên quyết không từ bỏ mục tiêu trước muôn vàn khó khăn mà bất kỳ một người tỉnh táo nào cũng sẽ bỏ cuộc. Tôi từng bị coi là một kẻ mộng du chỉ vì tôi thường thức dậy sớm. Nhưng họ không biết tôi dành nhiều thời gian để kiểm điểm bản thân. Tôi không hiểu tại sao mọi người chỉ quan tâm đến những thành công, trong khi thất bại là nguồn cảm hứng và là động lực thôi thúc tôi tiếp tục thực hiện quyết tâm của mình. Nếu chỉ lo tranh thủ sự ủng hộ của người khác, bạn sẽ quên mất mục tiêu của mình.
Đến bây giờ, khi đã thành công thỉnh thoảng tôi vẫn gặp thất bại. Mới đây, một tác giả viết về đề tài rèn luyện kỹ năng đọc dành cho người trưởng thành đến gặp tôi. Anh ta đề nghị tôi sử dụng những ngôn từ đơn giản và thông dụng trong những trang viết của mình. Tôi nhận thấy đây là một ý tưởng hay và mới mẻ. Nhưng dù đã rất cố gắng, tôi vẫn không thể thay đổi phong cách của mình. Nếu một đứa trẻ cảm thấy khó khăn đối với văn viết, bạn hãy cho phép chúng tự do chọn lựa cách diễn đạt mà chúng cảm thấy thoải mái và hợp với mình nhất. Chỉ với cách diễn đạt của riêng mình, bạn mới có thể sử dụng linh hoạt ngôn từ để diễn tả trọn vẹn những cảm xúc của mình.
Khi nghĩ đến những thất bại thời niên thiếu, chẳng những tôi không cảm thấy hổ thẹn, ngược lại tôi còn cảm thấy rất vui. Bởi đó chính là nguồn động lực mạnh mẽ luôn thôi thúc tôi phải thành công. Và bạn thấy đó, kết quả không tồi phải không?
Sai lầm lớn nhất của đời người là luôn sợ mắc sai lầm.
Elbert Hubbard
Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.
Woody Allen
Những con người vĩ đại thường xem nhầm lẫn như một phần của quá trình nghiên cứu. Họ hiểu rằng từng giọt sơn trên bản vẽ, một vết nứt trên miếng gạch hoa, một kết quả sai trong chuỗi thí nghiệm... có thể dẫn đến một bước đột phá mới. Điều này khác biệt so với phương pháp giáo dục cổ điển – có lỗi nghĩa là sai. Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân mà hầu hết những con người này thường không đạt thành tích cao ở trường học.
John Briggs
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Joseph Batory
"Khi bạn biết rằng những điều tồi tệ nhất cũng có thể xảy ra, bạn sẽ không còn thấy mọi việc nghiêm trọng nữa."

Tuy là một học giả không chuyên, nhưng chính những trải nghiệm trong cuộc sống tại những con phố tồi tàn ở Nam Philadelphia đã đưa Joseph Batory lên vị trí lãnh đạo một trong những trường lớn nhất vùng.
Trong suốt 15 năm nắm giữ chức vụ, Joseph đã biến một hệ thống trường lớp kém chất lượng ở khu dân cư lao động nhốn nháo thành một trong những trường học có hiệu quả và chất lượng cấp quốc gia. Ngoài ra, ông còn thành công khi viết cuốn sách Yo! Joey! sau này trở thành sách hướng dẫn cho các nhà giáo dục ở nước Mỹ.
Tôi lớn lên ở vùng lân cận miền Nam Philadelphia. Đó là một nơi có nhiều người gốc Ý sinh sống, tạo ra một môi trường xã hội khá phức tạp. Nhiều bạn bè tôi nếu không bị đi tù, thì cũng dính líu vào các hoạt động cờ bạc hoặc đụng tới những băng nhóm xã hội đen. Sống trong môi trường như vậy, nếu bạn không mạnh mẽ và không có chính kiến riêng thì bạn khó có thể tồn tại. Nhưng bố lại dạy tôi không nên gây sự hay đối đầu với bất kỳ ai.
Lúc còn học phổ thông, tôi và các bạn được đưa đón từ Nam Philadelphia tới trường bằng xe buýt. Tôi nhỏ con, tính tình lại nhút nhát nên rất hay bị bắt nạt. Trong trường, việc tôi bị giật tập vở hay bị bẻ khóa tủ đựng đồ cá nhân xảy ra như cơm bữa, đó là chưa kể đến chuyện tôi thường xuyên bị ăn mấy cái bạt tai vô duyên trên xe buýt. Dần dần, đi học trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi đối với tôi. Hầu như mỗi đêm tôi đều thút thít một mình trong phòng, nếu như sáng hôm sau phải đến trường. Tôi nghĩ cách lẩn tránh. Nếu nhìn thấy một nhóm trẻ con đang đi về phía mình, tôi sẽ lẩn ra một chỗ khác. Nhưng không phải lúc nào cũng tránh được, vì thế tinh thần tôi luôn trong trạng thái bất an. Đi học thật sự là một nỗi kinh hoàng đối với tôi.
Năm 16 tuổi, sau buổi chơi bóng rổ, trên đường đi bộ về nhà, tôi chợt nghe thấy tiếng rên phát ra từ một hẻm núi. Đó là Sal, tên cầm đầu một băng nhóm thanh thiếu niên ở khu vực cạnh nơi tôi ở. Anh ta bị đánh nhừ tử và người bê bết máu. Sal lên tiếng một cách khó nhọc: "Làm ơn, hãy đưa tôi đi khỏi chỗ này. Bọn chúng sắp quay lại giết tôi!". Lúc đó, tôi muốn bỏ chạy vì tôi vốn nhát gan, chứng kiến cảnh tượng như thế tôi đã đủ khiến tôi kinh hãi. Nhưng nghĩ tới việc anh ta sẽ bị giết, tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Với thể trạng gầy gò của mình, tôi cố gắng đưa anh ta tới một nơi an toàn. Bố Sal có họ hàng thân thuộc với những người chức trọng quyền cao nên tôi trở thành người hùng trong mắt mọi người vì đã cứu con trai của ông ta. Ông tỏ vẻ biết ơn tôi và hứa sẽ sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ điều gì. Tôi kể cho bố Sal nghe nỗi khổ bị bắt nạt khi đi học và ông hứa sẽ giải quyết vấn đề này.
Một hôm, tôi cố tình dẫn một nhóm học sinh xấu muốn thanh toán tôi đi vào một tòa nhà hoang, ở đó Sal và bạn anh ta là Rocco đã chờ sẵn. Sal hăm dọa rằng nếu ai đụng đến tôi, anh ta sẽ cho kẻ đó vỡ mặt. Ngoài ra, Sal và Rocco còn dạy tôi vài thế võ để tôi có thể tự vệ. Không lâu sau, trong một lần đánh nhau với một thủ lĩnh nhóm, tôi đã chiến thắng. Kể từ lúc đó, chẳng ai dám bắt nạt tôi nữa. Nhờ vậy, tôi có thể tập trung vào chuyện học. Việc bị người khác bắt nạt đã giúp tôi nhận ra cách cư xử nào là không thể chấp nhận được. Do đó khi giữ chức vụ quản lý, tôi đã thiết lập một chính sách không khoan nhượng đối với những kẻ ức hiếp người khác.
Học xong phổ thông, tôi đến làm việc tại nhà máy điện địa phương cùng bố, vì tôi nghĩ việc học đại học không thích hợp với mình. Ở khu lân cận nhà tôi có một người làm nghề đánh cá ngựa thuê chuyên nghiệp, và tôi rất muốn làm việc cho ông ta để có tiền, xe hơi và cả phụ nữ nữa. Nhưng sau khi trò chuyện với tôi một lúc, ông ta từ chối và khuyên tôi nên học lên đại học, vì ông ta nhận thấy tôi có thể tạo được một tương lai tươi sáng hơn.
Trở thành người đầu tiên trong vùng vào đại học, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Đối với bọn trẻ đường phố, việc học hành không quan trọng vì chúng chỉ mong sống qua ngày là đủ. Sau khi tốt nghiệp, tôi nghĩ đến chuyện đi dạy. Tôi quyết định đến Camden, New Jersey, một thành phố khét tiếng dữ dằn bên kia cầu Philadelphia. Tuy nhiên, bọn trẻ ở đó rất hiếu động và đầy nghị lực. Rất nhiều em gia đình nghèo khó nên không được đến trường. Tôi bỏ ra sáu năm để mang kiến thức đến cho bọn trẻ, cứu chúng thoát khỏi cảnh mù chữ. Tôi đã làm rất nhiều việc, từ huấn luyện viên bóng rổ đến đưa bọn trẻ đi du lịch châu Âu, thăm những miền đất chúng chưa bao giờ biết đến. Tôi cũng không ngăn cản chúng tìm đến những con phố mà ở đó chúng có thể gặp những vấn đề phức tạp của xã hội… để chúng hiểu thêm về cuộc sống và mở rộng tầm nhìn. Có thể nói, đó là quãng thời gian thật thú vị đối với tôi. Nhưng không lâu sau, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi và chán nản. Lúc bấy giờ hệ thống các trường công lập đang bị chỉ trích, và để tạo hình ảnh mới cho nhà trường, họ chủ trương xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng. Đại học LaSalle, nơi tôi đã học, đang cần người quản lý phụ trách về quan hệ truyền thông và công chúng, làm việc tại Upper Darby, một vùng ngoại ô của Philadelphia, và tôi đã được chọn.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Bởi ngoài việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ với công chúng, giúp mọi người hiểu về hoạt động của trường, tôi còn phải làm nhiều việc khác nữa. Tôi cay đắng nhận ra rằng, họ thuê tôi không ngoài mục đích giúp họ dập tắt các cuộc đình công của giáo viên, và làm cho công chúng sẵn lòng chấp nhận việc đóng cửa trường. Không muốn nhận việc làm đó, tôi ra đi. Tôi bắt đầu công việc mới với vị trí phó chủ tịch của một tổ chức giáo dục. Đột nhiên, hiệu trưởng của trường bị đau tim. Bước ngoặt cuộc đời tôi bắt đầu từ đây. Ông Mike Maines, hiệu trưởng mới được bổ nhiệm đã yêu cầu tôi làm trợ lý cho ông ấy với mức lương xứng đáng.
Mike rất hài lòng khi chúng tôi xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người với nhau. Ở đây, phụ huynh học sinh có thể tham gia vào những hoạt động của trường và chúng tôi chia sẻ công việc cùng họ. Và giáo viên, mặc dù chỉ là những người cộng tác, nhưng chúng tôi luôn dành cho họ một sự trân trọng. Mọi việc dần đi vào nề nếp. Trước những thành quả đạt được, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Sau đó, đến lượt Mike Maines bị đột quỵ và tôi kế nhiệm ông quản lý trường.
Ngay ngày đầu tiên ở cương vị mới, tôi nhận được một cú điện thoại gọi đến từ Nam Philadelphia của người đánh cá ngựa thuê chuyên nghiệp gần nhà. Hai mươi lăm năm trước, chính ông đã cho tôi một lời khuyên hữu ích, bẵng đi một thời gian khá dài nay bỗng nhiên ông lại gọi điện, không biết vì lẽ gì. Bất giác tôi cảm thấy sợ. Không lẽ ông ta có ý định mở hoạt động cờ bạc ở vùng này, liệu chuyện gì sẽ xảy ra trong khi tôi  đang có 1.000 nhân viên. Nhưng vợ tôi trấn an, dù sao ông ấy cũng là người có công với tôi. Ba ngày sau tôi gọi lại cho ông và vỡ lẽ, ông chỉ muốn nói ông rất tự hào về tôi mà thôi. Ông xúc động vì tôi đã trở thành một tấm gương sáng đối với một người như ông, và cả những đứa trẻ ở Nam Philadelphia. Tôi thực sự  cảm động trước tình cảm của ông, và xem đó như nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi trên bước đường phía trước. 
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi, ban giám hiệu nhà trường, và các phụ huynh diễn ra khá ồn ào và đầy căng thẳng. Họ muốn biết rõ về tình hình tài chính và tất cả những gì đang diễn ra trong trường. Tôi sợ rằng trong cuộc gặp tháng sau, sự việc sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Thật không ngờ là lúc đó, Rocco cũng có mặt ở cuối căn phòng. Đã hơn 20 năm chúng tôi không gặp nhau. Giọng Rocco vang lên chắc nịch: "Sẽ không ai được phép giễu cợt những người đã đến đây từ vùng lân cận". Rocco còn đe dọa, nếu ai gây phiền toái cho tôi, anh ta sẽ cho người đó một bài học ở bãi đậu xe ngay sau khi buổi họp kết thúc. Máu anh hùng trong người Rocco bốc lên, làm tôi phải mất khá nhiều thời gian giải thích về tính dân chủ ở Mỹ và khuyên anh ta không nên nóng nảy như thế. Nhưng Rocco lại bảo rằng, anh ấy chỉ làm những gì cần thiết mà thôi. May mắn thay, cuộc họp kết thúc khá ổn.
Sau đó, tình cờ tôi gặp lại Sal - lúc ấy đã là trùm xã hội đen - và vệ sĩ của anh ta phía sau nhà thờ Thiên Chúa giáo. Tôi yêu cầu anh ta đừng "quan tâm" đến tôi nữa, hãy để tôi tự xoay xở. Cuối cùng anh ta cũng đồng ý. Rồi tôi kể với Sal về những đứa trẻ nghèo khổ không được học hành, anh ta đã ủng hộ một số tiền giúp bọn trẻ có cơ hội đến trường.
Không lâu sau đó, trong một lần ngồi quán rượu với một nhà quản lý lớn tuổi, tôi đã hỏi ông về kinh nghiệm quản lý. Ông ấy khuyên tôi không được để ánh hào quang che mắt, không nên mạo hiểm và phải bí mật về con đường đi của mình. Nghe ông nói, tôi lại nhớ về những điều tôi đã trải qua khi mới đi học và về những gì gia đình đã dạy tôi: không được nói thẳng chính kiến của mình và không được mạo hiểm. Nhưng nếu tôi không thể bảo vệ được các đồng nghiệp, các học sinh và bản thân mình thì tôi cũng chỉ như những gã say trong quán rượu này. Từ đó, tôi quyết đi theo con đường mình đã chọn, trở thành vị hiệu trưởng thẳng thắn nhất ở Philadelphia. Tôi dám phản đối quyền lực của bất kỳ ai, từ các Thống đốc bang đến những vị Tổng thống, ở bất kỳ đâu để có thể thực hiện bằng được những gì tôi cho là cần thiết. Điều đó đã làm cho hoạt động giáo dục trở nên hiệu quả, góp phần vào sự phát triển xã hội. Tôi đã rút ra một kết luận là nếu muốn nhận phần thưởng xứng đáng, bạn phải đấu tranh và chấp nhận mạo hiểm.
Trường của chúng tôi ngày càng lớn mạnh và nổi tiếng là ngôi trường kiểu mẫu trong vùng. Tôi cảm thấy tự hào vì nơi đây đã trở thành chỗ học tập cho tất cả mọi người, kể cả dân nhập cư của Philadelphia. Họ đến đây với mong muốn tìm được một môi trường giáo dục tốt, và có một cuộc sống tốt đẹp sau này. Bình thường nếu một người có thể ở vị trí quản lý từ năm đến sáu năm thì họ đã làm việc rất hiệu quả. Còn tôi ở Upper Darby được 16 năm rồi và đang quản lý một trong những trường điểm của thành phố. Quả thật đối với một người ghét học như tôi thì làm được những việc như thế quả không tồi chút nào. Tôi không hề có phép mầu đặc biệt gì khi cứu vớt những đứa trẻ không có cơ hội được đi học. Nhưng tôi chắc chắn một điều là khi bọn trẻ càng lớn, thách thức và khó khăn sẽ càng nhiều. Vì thế với tư cách là một nhà quản lý trường học, tôi xin đưa ra một vài ý kiến đóng góp. Tôi hy vọng nó sẽ hữu ích với các giáo viên và những người quản lý trong ngành giáo dục:
1. Chương trình học không nên xa rời thực tiễn. Nếu những gì được dạy không gắn liền với thực tế, học sinh sẽ cảm thấy không hứng thú. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã thất bại. Cần tạo cho trẻ một sân chơi lành mạnh và năng động để kích thích sự phát triển trí tuệ. Chúng ta cần cố gắng tạo nên sự thay đổi về thái độ và phương pháp bằng cách để bọn trẻ làm những gì chúng thích trong khi học, chẳng hạn như để chúng tiếp cận với âm nhạc, nghệ thuật, thể thao hoặc bất cứ những gì chúng muốn và hãy cố gắng làm cho chúng có đam mê học hỏi ở nhiều lĩnh vực.
2. Người lớn nên có thái độ quan tâm chân thành và tin tưởng vào trẻ em. Trẻ em rất dễ bị cám dỗ bởi những cái xấu khi giao tiếp ngoài xã hội. Nhiệm vụ của bạn là giúp chúng phân biệt những điều tốt và xấu. Chính thái độ quan tâm và sự tin cậy của người lớn sẽ giúp trẻ em vững vàng hơn khi đối diện và vượt qua cạm bẫy.
3. Chất lượng dạy học của một trường không nên chỉ đánh giá qua điểm số và sự đến lớp chuyên cần của học sinh. Ngành giáo dục và cả xã hội cần ghi nhận sự nỗ lực của các thầy cô giáo và những người quản lý tâm huyết với nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời mình để rèn dạy những thế hệ học sinh, không chỉ giỏi về kiến thức mà còn có thái độ, hành vi tốt.
4. Sự ủng hộ tích cực sẽ mang lại những điều tốt đẹp. Bọn trẻ sẽ có xu hướng trở thành những gì mà bạn thường nói về chúng. Chẳng hạn, bạn thường xuyên bảo chúng là đồ vô tích sự thì có thể chúng sẽ trở nên như thế thật. Những giáo viên giỏi sẽ không quá xét nét khuyết điểm của học sinh, trái lại họ khuyến khích trẻ hướng tới những gì chúng có thể làm được trong tương lai.
Tôi không thể cho bạn bí quyết để thành công, nhưng tôi có thể cho bạn cách để  thất bại,  đó là luôn cố gắng làm vừa lòng mọi người.
Herbert Bayard Swope
Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.   
Johann Goethe
Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng. 
Khuyết danh
Tài năng thường bộc lộ trong những hoàn cảnh khó khăn và ngủ yên trong hoàn cảnh thuận lợi.
Horace
Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào. 
Dorothy Fields & Coleman
Đừng để nỗi sợ hãi kìm hãm ước mơ mà hãy quyết tâm theo đuổi những điều tốt đẹp.
John F. Kennedy
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive