Your Adsense Link 728 X 15

Phần 02: Như cánh chuồn chuồn

Posted by Kenny Phạm 7/7/10 0 nhận xét
Chợ sáng vừa tan, ông quét chợ lui cui hốt rác bỏ lên xe đẩy ra đồng đổ. Trưa đứng bóng, chợ quận vắng người hơn.
Giờ nầy ông thân tôi bắt đầu dọn dẹp tháo những khoanh dây chì, bưng những thùng đinh chất gọn vô tiệm, chồng chất những bó mây cho gọn ghẽ, đẩy thùng lưỡi cày xuống bộ ván ngựa, xếp chồng chảo bể (1) vô góc hàng ba. Xong xuôi, ông lau tủ kiếng có những chai rượu con cọp, mấy chai nước xá xị, những hộp phấn thoa con nít và hộp thuốc tiêu mặn, soạn lại xấp giấy san đầm cho thứ tự.
Sáng dọn ra, trưa dọn vô, rồi quét xành xạch hai cái chõng trước hàng ba, ông thân tôi có khả năng làm công việc lủ khủ đó. Thế giới của ông là tiệm tạp hóa, ông nhớ từng chi tiết giá hàng lên xuống hàng ngày rành mạch.
Quanh chợ quận, các hiệu tiệm hay chành đều sống thỏa mái với nhau, mỗi cửa tiệm một loại giấy phép riêng, nên ít khi va chạm nghề nghiệp, trừ các tiệm cà phê, thớt thịt, chợ cá, tiệm thuốc Bắc phải cạnh tranh nên khó tránh khỏi sự xung đột ngầm. Người ngoài khó nhận ra nếu không lê lết tiệm nước, nào tiệm cà phê nầy pha bắp rang, thớt thịt kia bán thịt heo cũ, tiệm rượu nọ bán rượu không đủ chữ.
Đối diện tiệm ông thân tôi, là tiệm Thoại Ký. Ông chủ tiệm cũng làm việc cùng nhịp điệu với ông thân tôi, đồ đạc thuộc loại khác nên tình láng giềng chưa bị sứt mẻ. Ông Thoại Ký dọn những thùng bún tàu, tàu hủ ky, các loại đậu xanh đỏ trắng đen, gạo, tương chao…
Cơm trưa xong, ông Thoại Ký và ông thân tôi đều giữ đúng giờ ở tiệm cà phê cùng các chủ tiệm khác bàn luận hàng hóa giá cả thị trường, vừa đổ ly cà phê nóng ra dĩa thổi uống xùm xụp, chắp chắp miệng lấy khẩu hứng vấn đề sinh lợi. Trong khi các bà ở nhà lo giặt quần áo, lo nhà cửa con cái…
Hiệu Thoại Ký có con gái duy nhứt tên Sóc Lếnh (Thục Linh) lớn tháng hơn tôi, tóc ngắn, ưa nhảy cò cò quanh quẩn trước sân, hoặc thơ thẩn kéo cái ống chỉ quanh nhà, có khi nói tiếng Việt, có khi nói tiếng Hẹ (2) với bạn đồng lứa. Thục Linh là gái nên gia đình ít nuông chiều, tuy áo quần tươm tất lành lặn.
Tôi không ưa chơi gần nhà, trước nhà là con đường bên hông chợ chật hẹp, buổi sáng khó len qua lối đi, thường ẩm ướt vì rau cải trái cây đổ ngỗn ngang. Hơn nữa, nếu quanh quẩn gần nhà thế nào cũng bị ông thân tôi la rầy bắt về tắm, ngủ trưa. Bọn xóm tôi kéo ra sau đình, dưới bóng mát mấy cây me, có ông Tà bằng đá dựa gốc cây, ít đứa nào dám chơi ăn gian sợ thề thốt gặp giờ linh ông Tà bẻ cổ. Có đứa kéo diều chạy quanh đình, mệt thì buộc dây diều vào cây điệp đỏ bông, ngồi nhìn diều bay vẫy đuôi theo gió trên nền trời xanh mây trắng.
Chiều chiều, bữa cơm dọn ra trên chõng trước nhà, tôi ngồi quay lưng ra ngoài để khỏi thấy đôi mắt của đám chó vện đói ngồi chờ xương. Hai gia đình thường có chung khẩu vị, thường là canh dưa cải, canh măng le, mì xụa xào, tàu hủ chiên.
Bỗng một ngày, ông thân tôi lôi tôi ra tiệm hớt tóc, rồi may cho mấy bộ đồng phục. Ông ra tỉnh mua một số tập vở ô vuông, bút lông và cái giỏ mây vuông vắn. Tôi ưa đồ chơi hơn, nên lơ là những món quà vô vị.
Chuẩn bị cho con đi học, ông thân tôi sắp xếp như việc sinh lợi buôn bán. Đêm đó, sau khi thanh toán sổ sách, dẹp cái bàn toán lách cách vô tủ kéo, ông gọi tôi ra, vừa dặn dò vừa hăm dọa:
- Mầy nghe, tối ngày chơi bời lêu lổng, tối ngày hổng thấy mầy ở nhà, sáu tuổi rồi mà chưa biết chữ, mai mốt làm sao ra toa, làm sao sinh lợi, sổ sách không thông.
Lúc sau ông nhẹ nhàng khuyên nhủ:
- Ráng học, biết chữ để lo mấy cái xe hàng, biết đi Nam Vang bổ hàng, coi đồ đạc giá cả lên xuống, tập mần ăn với người ta, tao hổng có sống già lột da nuôi mầy đâu!
Sáng hôm ấy, mưa lành lạnh, ông thân tôi nghiêm trang lắc bàn toán xành xạch cầu bán đắt như thường lệ; tôi ngồi ăn chén cháo trắng với cà na muối, bên kia Thục Linh cũng nhai cà na muối húp cháo trắng.
Tôi mặc đồng phục, xách cái giỏ mây vuông, theo ông thân đi lên trường Tân Huê Học Hiệu. Ông thân tôi và ông Thoại Ký đi sánh đôi, cả hai đều che dù đen, mang guốc vuông lộp cộp, bùn đất văng dính đầy gót chân. Thục Linh khép nép dưới tàn dù đen, tim tôi đập theo tiếng guốc.
Đến trường, tôi lơ đãng nhìn thế giới chung quanh, những tấm tranh viết chữ thảo, bức ảnh Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch treo trên tường, một người nghiêm trang, một người mỉm cười.
Thục Linh khóc ré lên khi ông Thoại Ký rời trường. Thời giờ trong lớp học qua lâu chình chịch, tôi vòng tay cúi xuống bàn ngủ lúc nào không nhớ. Ông thầy trẻ dùng roi gõ nhẹ trên vai, tôi tỉnh dậy bị cuốn theo tiếng đọc bài của học trò vang dội:
“Rễn, rễn, rễn” (Người, người, người)
“Wò xứ chung kwõ rễn” (Tôi là người Trung Quốc)
“Wò mễn tá chia, táo xứ chung kwõ rễn” (Chúng ta tất cả đều là người Trung Quốc)
Tôi và Thục Linh nhìn nhau cầu cứu, gần nhà, hai đứa biết mặt nhau, gần gũi nhau, đồng chép miệng vội vàng:
“Kwõ chì, Kwõ chì” (Quốc kỳ, quốc kỳ)
“Wò ái nì, wò chính nì” (Tôi thương anh, tôi trọng anh).
Đêm đêm, sau bữa cơm chiều, khi gọn đèn ống khói thắp lên, bên kia ông Thoại Ký gõ bàn toán, bên này ông thân tôi ghi chép sổ sách, ánh đèn vàng vọt len qua khe cửa ra ngoài, Thục Linh và tôi cùng đọc vang vang đêm vắng:
“Lãi lãi lãi” (Đến đây, đến đây)
“Lãi tủ shu” (Đến đọc sách)
“Tá chia lãi tủ shin shu” (Chúng ta cùng đọc sách mới)
Tiếng học bài hai đứa ấm cúng hai cửa tiệm, có khi Thục Linh đọc trước, tôi tiếp theo sau, khi hai đứa cùng đọc, âm thanh quyện vào nhau thành bản nhạc ngây thơ trầm trầm nhịp nhàng như mưa rơi trên mái ngói.
Ngày ngày đi học về, bọn tôi đi dọc theo con đường đất sau dãy phố Vĩnh Phong Chành. Thục Linh đi phía bên có dòng nước, tôi đi bên có hàng trứng cá, để ý tìm cây trứng cá nào trái chín nhiều, tay tôi thọc sâu trong túi, giữ chặt mấy viên đạn cu li.
Mấy tháng sau, quen nước quen cái, tôi dự cuộc chiến bằng nạng dàn thung, giữa học sinh trường Tiều và trường Phước Kiến, có mấy đứa lỗ đầu suýt đui mắt, tôi bị đuổi oan vì bọn lớn đầu xúi giục.
Ông thân tôi chấn tôi vào chùa Miên học tiếng Miên, đầu cạo trọc, để chòm tóc dài trên mỏ ác vắt bên tai, vừa nhìn tấm ảnh vua Norodom trên tường vừa lải nhải:
“Ko Ka Ket Kai”
Hoặc những câu Kinh phạn viết trên lá thốt nốt: “Namo tasa, bhagavato, Sama sam bhudda sa!”.
Chiều về, tôi quơ quào viết ngoằn ngoèo các mẫu tự Miên như mấy con trùn bò. Khác với tôi, Thục Linh nắn nót bằng viết lông trong ô vuông, nét chữ kỹ xảo, có hồn như vết chân chim.
Ông Thoại Ký ngứa ngáy khoe khoang xách qua cho ông thân tôi xem chữ “Qui” Thục Linh viết:
- À! Hon hên hia à, coi Sóc Lếnh tiểu nữ nhà tôi viết chữ “Qui” nè, giống hệt con rùa sống à!
Ông thân tôi đâu có gì khoe khoang hoặc hãnh diện, ông càng chán ngấy những tấm hình chằn tinh trong tập vở tôi, các trang sách lem nhem ghi số để chơi lật hình (3). Rồi hai biến cố làm ông thân tôi đổi hướng suy nghĩ.
==========================
Năm đó, Commandos Maroc đổ bộ, say rượu phá phách xóm làng dữ quá, ông Quận ra lệnh cấm bán rượu cho Maroc, nhưng nó vào tiệm mua không bán, nó phá tan hoang cửa tiệm. Ông thân tôi bị bắt buộc bán nên bị phạt nặng.
Sau nhà tôi, tiệm sách sạch sẽ của ông Trịnh tự nhiên dẹp, ông ta có bằng cấp Sơ học, nhờ biết tiếng Tây chạy được chân giáo viên nên sang hẳn người ra. Ông họ Trịnh mặc áo trắng quần tây, mang xăngđan đi dạy, bầy con dọn về phố, ở không ăn, sung sướng quá.
Đang lúc loạn lạc, ông thân giao tôi về bên ngoại vùng Mỹ Đức an toàn hơn, xa cái nạn “Cáp duồn”. Tôi lại học với ông thầy giáo Việt Nam đầu tiên, tên thầy giáo Lọ.
Yên giặc trở về, Thục Linh đã học đệ tam niên Tiểu học, tôi tò mò lắng nghe Thục Linh đọc bài đêm thanh:
“Wãn wãn chu chiu” (Quan quan thư cựu)
“Tớ hở chi chou” (Tại hà chi châu)
“Miễu thiễu sũ nũ” (Yểu điệu thục nữ)
“Kwan tzù hão chìu” (Quân tử hảo cầu)
Thục Linh đang đọc bài thơ trong Kinh thi: Hai con le le đang kêu oang oang tại cồn cát trên sông, người thục nữ yểu điệu, người quân tử thích cầu thân!
Tiếng đọc câu Kinh thi, thiên Quốc phong thật tao nhã, tôi lép nhép theo phụ họa:
“Xâm xi hành thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngộ mị cầu chi
Câu chi bất đắc
Ngộ mị tư bặc
Du tai du tai!”
Hứng chí, tôi đọc bài  ám đọc mới học với thầy giáo Lọ:
“Rừng một dãy, cây chen vạn gốc
Gốc cây rừng, một nóc nhà tranh
Trong nhà một ngọn đèn xanh
Ngọn đèn mờ tỏ bức tranh ba người
Con thi khóc, vợ lai miệng dỗ
Chồng lui cui đương rỗ đựng thanh
Thú vui mấy lúc thanh nhàn
Thoảng như câu hát cung đàn gió bay”.
Hai bài thơ, hai niềm vui ấm cùng tuổi thơ quyện vào nhau thắm thía còn văng vẳng đâu đây, thứ hạnh phúc đơn sơ như cái cười hể hả của tiều phu gánh củi bán chợ chiều, gặp ngư ông, rủ nhau nướng cá, cạn bầu rượu đục vui tao ngộ bên bờ suối sâu, hạnh phúc nầy đâu cần tìm đâu xa?
Hạnh phúc này tiêu tán khi Tây đổ bộ ngoài kinh, cái áo sơmi trắng của thầy giáo Trịnh làm ông thân tôi đổi ý, lệch lạc cuộc đời sau nầy.
Ông bàn với bà mẫu tôi: “Thằng nầy thả lỏng không được đâu, để của cho nó phá hết cũng vậy, bắt nó học tiếng Tây, chừng nào đậu certificat đi cours cò,  cours đội (4) cho đỡ cực thân nó”.
Sau quyết định, ông ném tôi vào lớp học Pháp. đêm đêm Thục Linh vẫn thủy chung đọc bài trường Tiều:
“Sứ Sù Sữ Sù” (Thạc thử thạc thử)
“Wu Sứ wò mew” (Vô thực ngã miêu)
“Sán xuễ kwan nù” (Tam tuế quán nhữ)
“Mõ wò khỡn lào” (Mạc ngã khẳng lao)
(Con chuột lớn ơi, mầy đừng ăn mạ tao, đã bao năm tao đối phó với mầy, mầy không biết công lao đó).
Bên nầy, tôi mơ ước ngồi bên Thục Linh đọc tiếp bài Kinh thi: 
“Thệ tương khứ nhữ” (Quyết định bỏ mầy đi)
“Thích bỉ lạc giao” (Đến nơi an vui)
“Lạc giao, lạc giao” (An vui, an vui)
“Thùy chi vĩnh hào” (Mầy than gào ai?)
Tôi bị đuổi khỏi vùng an vui, tôi gào con chuột đừng ăn mạ non mơn mởn như tóc tơ Thục Linh ngồi đọc bài bên ngọn đèn khuya, hơn là đọc những bài récitation vô hồn của Tây:
Maintenant, je vais à l’école
J’apprend chaque jour ma lecon
Le sac qui pend sur mon épaule
Dit, que je suis un grand garcon.
Ngày nay tôi đi học, tôi học bài vở mỗi ngày. Bài vở làm tôi luống cuống, xa cội xa nguồn. Cái túi đeo trên vai tôi là một gánh nặng rằng tôi đã lớn. Lớn để làm gì, để xa dần thứ hạnh phúc ngây thơ, có nước sông gạo chợ, có người bạn gái xinh xinh sớm chiều cùng nhau đọc bài ám đọc.
Hai tiệm buôn vẫn đối diện sừng sững, hai đứa bé bên trong bắt đầu đi ngược hướng nhau – vì hoàn cảnh lúc nào không biết. Nhứt là những lần lễ lạc, lễ Tây có nhảy bao, cạp chảo, đập nồi (5), chúng tôi đứng nghiêm chào lá cờ tam sắc xanh trắng đỏ ngạo nghễ bay, rống cổ hát không biết nhục:
Étudiants! Du sol l’appel tenace
Présent et fort, relentit dans l’espace
Des côtes d’Annam aux ruines d’Angkor
Atravers les monts, du sud jusqu’au Nord
Bọn tôi phục vụ tổ quốc ai?
“Servir la chère patrie?”
Tôi thèm thuồng đứng chào lá cờ “Thanh thiên bạch nhựt mãn địa hồng” hát chung với Thục Linh “Sán Mìn chủ jí” (Tam dân chủ nghĩa).
Ai làm hai chúng tôi đổi giọng đổi lời đổi tiếng thay tâm? Tiếng súng và tiếng giầy đinh commando từ Âu Châu làm tắt ngọn đèn dầu ấm cúng, làm uất nghẹn âm thanh đọc đêm, làm nồi cháo trắng với cà na muối thay bằng bánh mì thịt.
Hàng me dọc theo chợ bị đốn sạch, rừng cao su dưới chân núi Cấm thưa dần.
Ông thân tôi nuôi hy vọng cours cò, cours đội, thầy thông, thầy ký, nhưng tôi ngồi lì lại lớp ít nhứt hai năm, ngủ ngày suốt buổi học, chung tiền cho bạn bè lo bài vở giùm. Việc làm ăn trong lớp trôi chảy, đến khi thầy khám phá tôi sáu năm học mà chưa làm nổi bài toán cộng đơn giản. Trận đòn tơi tả của trường cũng như ở nhà ít làm tôi đau hơn cái nhục bị con nhỏ Xà Phớt xách tai làm gương. Tôi trốn học cả tuần, đi về ngã sau tránh gặp Thục Linh.
Ông thân tôi đánh bàn toán tìm câu trả lời cho tương lai tôi, chuyển tôi ra tỉnh học, vì trường quận chỉ có tới lớp Sơ đẳng (cours élémentaire).
Đêm đó, ông nói với bà mẫu tôi, vừa nói vừa gõ bàn toán lách cách sau mỗi câu nói thiệt hơn:
- Cho nó đi học xa cho yên, ở nhà lấy tiền nuôi thiên hạ để cọpdê cũng vô đó. Ở tỉnh mình đóng tiền cơm tháng, tiền xài bao nhiêu là bao nhiêu, rẻ hơn cho nó ở nhà.
Chưa thỏa mãn, ông quay sang tôi mặt vừa nhăn vừa trừng như đầu con cọp cười (6):
- Còn mầy nữa, ra tỉnh phải học cho nên, học cho sướng thân mầy, ai cần mầy nuôi lại. Nước trên mái nhà chảy xuống, nước đâu có chảy ngược lên. Làm sao thì làm coi cho được, đừng tùng tam tụ ngũ, xa hia xí tỉ (7) à nghe!
Lời ông nói như nước đổ lá môn, tôi ngồi trơ trơ, nhớ và lo cho bầy cá lia thia giấu trên nóc nhà, ai hớt lăng quăng cho cá ăn, ai lo kiếm cào cào cho con sáo, con gà tre. Nhứt là từ nay hết được nghe tiếng học bài Thục Linh đêm thanh rồi.
Thục Linh may mắn hơn tôi, sống trọn vẹn với tuổi thơ êm ái bên cạnh cha mẹ, hàng xóm quen thuộc. Đứa bé non nớt chưa chuẩn bị tinh thần bị ném bất ngờ vào thế giới thành thị. Chưa quen với kỷ luật trường tỉnh, roi vọt trường tỉnh nặng nề hơn trường xưa, bạn chửi “Ba Tàu”, mặc cảm làm chai lì tình cảm. Đêm đêm nằm trằn trọc lo sợ, mơ được nghe tiếng Thục Linh đọc bài, nước mắt ướt đầm ghế bố. Bài vở càng vô vị hơn, nào analyse gramaticale, logique, nào l’adjectif démonstratif, nào subjonctif passé du verbe apercevoir. Ông thầy nghiêm khắc, tôi mất cơ hội ngủ ngày trong lớp.
Vào Trung học, kỷ luật càng khắt khe, ít về quê, nhứt là vào những buổi sáng chủ nhựt bị consigné (8), phải vô trường ngồi viết hai trăm chữ “silence” (im lặng), “discipline” (kỷ luật). Dần dần nếp sống quê trong tiệm tạp hóa thiếu đèn điện, thiếu nước máy… xa dần, tôi ngày càng gần nếp sống thị thành.
Thục Linh học xong tiểu học Hoa ngữ, ở nhà tiếp giúp bán buôn. Mỗi lần về, đi ngang tiệm, tôi luôn luôn lễ phép chào ông bà Thoại Ký, được khen “thằng Phong Hưng con thật là lão thức” (9). Thục Linh càng lớn càng duyên dáng dù không phấn son. Hai đứa gặp nhau đều lúng túng, ngượng nghịu mỗi lần mang quà biếu nhau. Bà Thoại Ký thân thiết với bà mẫu tôi hơn, và hai ông ngồi uống cà phê với nhau lâu hơn.
Năm tôi học Đệ Tứ, đầu năm, Thục Linh mặc áo xẩm, cánh tay trắng ngần, môi hồng tự nhiên, má chín như trái đào, nét hao hao giống nữ tài tử Lâm Đại, qua nhà tôi ấp úng:
- Bề úm, tân niên phát tài.
Bà mẫu tôi bắt tôi qua nhà Thục Linh mừng trả lễ. Thục Linh trốn sau nhà, mãi đến khi tôi về mới dám ra ngoài.
Thỉnh thoảng ông thân tôi và bà mẫu tôi xì xầm bằng tiếng Tiều, nhìn tôi vừa nghiêm trọng, cười chúm chím hài lòng. Tôi thoáng nghe tiếng còn tiếng mất, “tiền chợ, tiền rửa đít, mấy tạ bánh đặt tiệm nào?”.
Bà mẫu tôi lo âu nhắc:
- Ông nhắc chừng nó, coi chừng nó mê nhan sắc gái ở chợ.
Ông thân tôi rất tự tin:
- Hừ, nó không nghe lời, tôi vặn họng nó, đừng tưởng văn minh rồi qua mặt tôi. Bà chờ nó đậu Brevet đi cours quan một hay làm thầy ký ở quận rồi tính tới cũng kịp.
Bà mẫu tôi gạt ngang:
- Thôi về xứ mình làm thầy giáo, tiếp nhà buôn bán, hai tiệm nhập lại nghiêng chợ nầy.
Tôi vô tình không tìm hiểu, mỗi năm về quê có mấy lần ngắn ngủi, rồi ra đi. Việc buôn bán phát đạt làm Thục Linh vất vả, nhanh nhẹn hơn. Tôi may mắn mỗi lần về, bị say xe ói mửa, xong nằm ngủ vùi, gia đình nội ngoại cưng chiều, “tội nghiệp thằng nhỏ, ép quá cũng không nên, học quá thành ra vậy”.
Hai gia đình đang âm ỉ chờ đợi cái gì đó, Thục Linh lánh mặt tôi cố ý.
Năm đó, tôi khăn gói dự thi, hàng xóm xôn xao như tin quan trọng chờ tôi xênh xang áo gấm, “chờ uống rượu hai tiệm a!”.
Sau khi nghe kết quả, bị rớt không được vào vấn đáp, tôi buồn bực ra về. Vừa bước xuống bến xe, hai gia đình lẫn lộn đứng chờ, mặt mày ai nấy hớn hở. Thấy mặt tôi buồn thiu, ông thân tôi xuống sắc, chạy theo hỏi:
- Sao, thế nào?
Tôi trả lời gọn lỏn:
- Có kết quả rồi, rớt.
Rồi đi xăm xăm một mạch về nhà. Đêm đó, bầu không khí buồn tẻ cho hai tiệm buôn. Ông Thoại Ký và ông thân tôi ngồi uống trà, yên lặng. Chợt ông thân tôi hỏi thật vô duyên không phải chỗ:
 - Bây giờ làm sao?
Tôi quạu, cộc lốc:
- Chờ kỳ thi thứ hai.
Rồi bước vùn vụt ra ngoài. Thục Linh đứng trước cửa khép hờ, mắt lo âu, nhìn theo tôi im lìm.
Năm đó, tôi rớt luôn kỳ hai. Bà mẫu tôi an ủi suông:
- Năm tới chắc đậu phải không?
Chẳng những năm tới, mà liên tiếp ba năm tôi rớt luôn sáu keo. Cuộc khủng hoảng ở gia đình tôi lan ra tới hàng xóm. Bà Kim Seng vốn ganh tị, vì đám con bà ở nhà làm ăn, nghe tôi thi rớt, làm bộ vô tình ghé nhà tôi hỏi cho được, rồi vừa đi hai tay quơ sai sải, vừa cười hể hả nghe ứa gan.
Một số bà con tôi bắt đầu bàn ra tán vào, xem bói, xem tướng, xem địa lý, đất chôn ông nội tôi phát phú chứ không phát quan. Một số tám tàng như già Chóng bô bô cái miệng:
- Hia đưa tôi mười lăm ngàn, tôi lấy cái Diplôme cho nó liền cho hia coi.
Tôi bỏ lên Sài Gòn học cho có, gia đình tôi tấn thối lưỡng nan, lở khóc lở cười với xóm làng.
Lâu dần, tôi quên mất hình ảnh cô bạn gái láng giềng, chưa lần nào đối thoại trực tiếp, họa chăng vài lần bằng đôi mắt buồn tênh. Ý định chờ tôi đi cours cò, nhập hai tiệm thành một làm nghiêng chợ tan dần như vệt mây mù trên bầu trời xanh.
Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Trước tết, vô công rỗi việc, tôi ngồi trước cửa nhà thơ thẩn, chợt có thiếu nữ mặc đồng phục xanh, đeo dây biểu chương vàng xinh đẹp đi ngang nhìn tôi. Thấy quen quen, sau đó mới biết đồng học đồng cấp, chung trường ngày xưa, tuy khác lớp.
Cô đổi về quê tôi làm việc. Cô nhìn bạn cũ, nên tự nhiên ghé thăm thường xuyên nhà tôi, xứ lạ đâu có ai quen. Bọn tôi vui vẻ nhắc chuyện xưa, chuyện mấy ông giáo khó tính, chuyện những bài đại số, chuyện ông Hiệu trưởng mặc veston trắng, đội nón cối trắng, ngồi xe lôi, mặt hắc ám như sắp gây gổ, chuyện mấy bài Lý hóa kỳ thi Trung học. Chuyện các cha xe đò lợi dụng thí sinh đổ về tỉnh thi, bắt chẹt lên giá, rồi ngày có kết quả đậu dài dài chờ rước đám thí sinh thi hỏng về, thêm nạn bị cha mẹ mắng nhiếc như Bùi Ông nhún trề Bùi Kiệm. Bọn tôi vô tình có cơ hội xả hơi bực bội, lâu nay biết tâm sự cùng ai. Thủy, cô bạn, cũng tự nhiên vui tánh, ăn nói sang sảng lớn tiếng. Mặt Thủy luôn cười, bên kia bà Thoại Ký la đám người làm:
- Cái đầu chó nấu không chín! (10)
Cũng may Thủy không hiểu câu ngạn ngữ nầy.
Ông thân bà mẫu tôi điên đầu vì chuyện Thủy ghé thăm tôi thường xuyên, ông cằn nhằn:
- Biết vậy cho nó lên Nam Vang học trường Tàu cho khỏi văn minh, tối ngày trai gái. Nói chuyện như chó nhai giẻ rách, quen cái thứ “xa câu lặt má” (11) đó, đem về nhà cho xui xẻo.
Thúc phụ tôi, dốt ưa nói chữ, lửa cháy thêm dầu, muốn dạy con cháu:
- “Học hành ba chữ lem nhem, thấy gái mà thèm, bỏ chữ trôi sông”. Bởi vậy nó có học hành làm vương làm tướng gì được, tui đã nói rồi mà!
Bà cô họ tôi được dịp khoe tài ngồi lê đôi mách:
- “Văn minh thái quá văn minh tệ. Hủ lậu vừa vừa hủ lậu hay!”.
Ông Thoại Ký trách ông thân tôi ăn nói “có đầu không có đuôi”, “sinh giờ thứ 11” (12), “sinh con nuôi không dạy là lỗi cha”:
- Học chữ Tàu thì yên rồi. Ham làm ông cò, bây giờ buôn bán cũng không biết, làm cò cũng không xong, lỡ thầy lỡ thợ lỡ cu li.
Ông thân tôi bực quá:
- Đẻ con bò con trâu, chớ đâu đẻ cái sừng. Mình sanh con ai có sanh lòng, mà hia nói vậy.
Rồi ông quạu với bà mẫu:
- Lứ (13), có nghe không? Con trai quý của lứ đó.
Bà Thoại Ký trách bà mẫu tôi:
- Hồi đó lứ nói sao? Mấy tạ bánh, tiền rửa đít (14), tiền chợ quá (15) không lấy mà. Quá đâu có ham giàu, tiền như đất cát, nhơn nghĩa mới là vàng! Sao lứ không dạy nó?
 ối suy tưởng của hai gia đình xa lạ đối với tôi quá, khác hẳn hoặc không liên hệ điều gì tôi học ở trường, dù những thùng đinh, những tấm lưới cá, những khoanh dây chì, cưa, bào, đục, đã góp phần nuôi nấng tôi nên vóc nên hình.
Chỉ vì vô tình, Thủy ghé nhà chơi, chuyện nhỏ xé to, làng xóm than van, mặt Thục Linh rầu rầu như cỏ úa, tóc dài hơn, mím miệng giả vờ bận rộn khi tôi đi qua.

LƯU NHƠN NGHĨA ( Tuoi Tre Online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive