Your Adsense Link 728 X 15

Phần 04: Như cánh chuồn chuồn

Posted by Kenny Phạm 7/7/10 0 nhận xét
Tôi chen lấn ra khỏi khu đất tiếp tân Trung tâm Huấn luyện Quang Trung sau khi suốt buổi sáng tìm thằng em họ bị động viên để đưa tiền cho nó xài.
Con đường nhựa bị chảy dưới cơn nắng thiêu đốt cộng với hơi người nồng nực của đám đông đi thăm thân nhân. Tôi đi uể oải trong đám người, chợt chú ý đến một thiếu phụ đội nón vải lụp xụp, hai tay bồng hai đứa bé, xách thêm một cái giỏ, thằng bé thứ ba đeo cánh tay của mẹ nó. Bị lôi lếch thếch, đứa bé nắm tay mẹ nó như đu rễ cây đa.
Tôi phản ứng tự nhiên, tiện tay bồng đứa bé và nói:
- Chị để tôi bồng một đứa cho!
Thiếu phụ cụp đầu, thụ động mệt mỏi đến độ không buồn trả lời đồng ý hay phản đối. Tôi cõng đứa bé đi trước đến bến xe Lam, đặt đứa nhỏ trên xe, xách cái giỏ đề lên giùm thiếu phụ rồi quay đi về phía quán giải khát.
Thiếu phụ ấp úng “Cảm ơn Trung úy”, rồi chợt há hốc:
- A! Nghĩ hia!
Tôi ngạc nhiên không kém:
- Thái tiểu thư! A, a, Triệu thái thái (18).
Câu chuyện ngắn ngủi trao đổi, tôi biết Thục Linh thăm chồng bị bắt quân dịch. Gương mặt Thục Linh héo hắt xác xơ. Khách bộ hành chen lấn xô đẩy ba mẹ con Thục Linh vào trong xe nổ máy ầm ầm chạy khỏi bến. Thục Linh ôm ba con cúi đầu chào, tôi bất giác cúi chào lại, cả hai cúi chào duyên số hẩm hiu. Bấy giờ thấy nhẹ hẳn người đi, tôi đã chứng minh tôi vô tội, tiểu huynh không phải bạc hãnh danh nghe Thục Linh tiểu muội.
Người chồng Thục Linh đổi ra Trung, ông Thoại Ký vận động kéo anh ta về xứ làm lính kiểng, giúp việc buôn bán, ông tốn kém cũng bộn. Trên đe, dưới búa, anh Triệu phải trốn tránh trong nhà, gặp Quân cảnh, An ninh hay Cảnh sát là như gà thấy cáo. Ông Thoại Ký phải bao che, đãi đằng, biếu xén hậu hỉ. Ông mang cả một gánh nặng lâu dài, năm này sang năm khác.
Ông thân tôi bắt đầu thương ông Thoại Ký hơn, sau khi cả mấy tháng mất ăn mất ngủ, bẽ bàng vì tôi từ chối theo ông ra tỉnh coi mắt con ông chủ tiệm vải. Hoàn cảnh không còn cho phép hai ông chủ quan như trước, nên phải xích lại gần  nhau hơn, cùng chia xẻ gánh nặng tinh thần, than thở cho sự bất lực đối với con cái thời nay. Có lần, ông bắt gặp trong túi tiền của tôi, tấm ảnh cô thợ may tóc dài tặng. Ông tức lồng lộng, vấp ngạch cửa chúi nhủi đưa cho bà mẫu tôi xem. Bà mẫu tôi chưa kịp phản ứng, mãi tò mò ngắm nghía bức ảnh, bị ông nạt:
- Bà muốn nó dẫn đồ chằn rây về nhà làm tán gia bại sản hả? Mình nhà buôn bán không chứa thứ vẽ lông mày như hát bội.
Ngoài tiệm cà phê, hai ông cúi đầu nhịn nhục, hết mỉa mai nhau, vì cả hai đồng hội đồng thuyền, nỗi lòng biết tỏ cùng ai, mà có ai liên can gì để cảm thông? Ông Thoại Ký giọng buồn buồn, nói đủ cho ông thân tôi nghe:
- Hia coi đó, mỗi lần ông Trưởng chi Cảnh sát mới đổi lại, mình phải tốn một mớ, rồi ông Thiếu úy Quân cảnh, Trưởng ban Nhân dân Tự vệ… đủ thứ. Đãi người này, phải mời người khác, ăn ngập mặt mà cứ doạ đòi thêm. Nuôi thằng rể này có ngày tỏ tịa (19)! Đóng hụi chết, không biết chừng nào hết.
Ông lắc đầu, uống ngụm cà phê đen, nhìn ông thân tôi, nuốt cà phê như nuốt hận vào lòng:
- Phải mình là xin kê (20), tôi đâu có lo chuyện lính tráng cho thằng Dìn Nghĩ?
Nếu nghe câu này trước đó một năm, chắc ông thân tôi vồ lấy cơ hội tốt, hạ ông Thoại Ký cho sướng miệng. Nghĩ tới tôi, ông hầm hầm như sắp gây gỗ:
- Tui đâu có hơn gì hia? Hồi đó tại hia nổi chứng. Con Sóc Lếch làm dâu tôi phải rồi.
Ông hớp cà phê, nuốt không trôi, thở hổn hển:
- Mắc dịch thằng con tôi, lâu lâu nó về rút tiền đem nuôi con thợ may bà chằn. Tui chửi gì thì chửi, vợ tui, nó cũng đưa tiền.
Ngày được biệt phái về nhiệm sở cũ, tôi đi một mạch về quê, thấy nhớ quê quá, nhớ tiệm Phong Hưng hay tiệm Thoại Ký? Suốt ngày nhún nhảy trên xe đò, mệt lả, lại say xe, tôi vội vã vào kho hàng cởi vội bộ đồ nhà binh đẫm mồ hôi và đôi vớ hôi hám ném một góc, ngã lưng trên khoang dây chì mát lạnh.
Trong giấc ngủ trưa mê mệt, nghe thoang thoảng trong không gian trong vắt tiếng ru con thanh thanh bên nhà hàng xóm vang qua.
Cô họ tôi, đúng là cô ba bà sáu, nghe tôi mới về, ghé thăm, lay tôi thức dậy:
- Thức dậy đi, thức dậy nghe người ta chửi kìa.
Bên kia lầu, Thục Linh ru con, lời ru Việt Nam, tiếng ầu ơ vời vợi, hòa với tiếng kẽo kẹt theo võng đong đưa, an phận mà còn hờn trách vu vơ: 
À ơi! Mãn coi hạc tắm suối vàng
Cây cao vội ngả lấp đàng ngỡi nhơn
Ngỡi nhơn sao mỏng dánh như cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay…
LƯU NHƠN NGHĨA - (8 – 1988)
__________________________ 
(1): Chảo bể: Chảo bị bể không dùng nấu nướng được, người ta mua về vá các bộ phận cày bừa.
(2): Tiếng Hẹ: Thổ ngữ Hoa Nam, giống như thổ ngữ Triều Châu/Phúc Kiến.
(3): Chơi lật hình: Quyển sách tập đọc, có tranh có hình người, nhiều người hoặc ít người. Đứa nào lật trang có nhiều hình người nhất sẽ thắng.
(4): Nếu có bằng Certificat (Trung học) có thể được đi huấn luyện thành “cò” (cảnh sát trưởng) hoặc “đội” (quan một: thiếu uý).
(5): Đại để đây là những trò chơi trong ngày lễ Quốc Khánh Pháp (14-7):
- Nhảy bao: Đứng trong bao bố nhảy, ai đến mức trước sẽ thắng.
- Cạp chảo: Đồng tiền xu, cắc, gắn vào đít chảo, ngươì thi cạp tiền bị lọ nghẹ dính miệng, không được dùng tay.
- Đập nồi: Cái nồi đựng nước, treo giữa hai cây cột. Người thi bị bịt mắt quay mấy vòng, cầm cây nhắm hướng tìm nồi, đập bể nồi sẽ được thưởng.
(6) Đầu con cọp cười: Mặt người sừng sộ sắp sửa gây sự như cọp nhe răng.
(7): Xa hia xí tỉ: Anh ba em tư, tam huynh tứ đệ. Ý nói bạn bè ăn chơi như “bạn thịt chó” (cẩu nhục bằng hữu).
(8): Consigne: Bị phạt cấm túc sáng chủ nhật.
(9): Lão thức: Biết điều.
(10): Đầu chó nấu mãi cũng hả miệng nhe răng giống như mặt người nhe răng cười hoài.
(11): Xa câu lặt má: Cô ba bà sáu, tam cô lục bà. Chỉ mấy người nhiều chuyện hoặc bà làm mai.
(12): Sinh giờ thứ 11: Tục truyền dân Tiều chính cống sinh lúc 12 giờ. Ai sinh lúc 11 giờ không phải chính tông, xử xự khác.
(13): Lứ: nhữ, ngôi thứ hai.
(14): Tiền rửa đít: Tiền trả cho mẹ cô dâu, phải đúng số từ 444 đồng trở lên, tiền vô định miễn là tất cả con số đều là số 4.
(15): Quá: ngã, tôi.
(16): Hui ná: Cái giỏ tròn của người Hoa, dùng đựng quà biếu.
(17): Công nho: Tiền quỹ của làng xã.
(18): Tiểu thư: “Cô”, danh xưng người thiếu nữ. Thái thái: “Bà”, danh xưng người đã có chồng.
(19): Tỏ tịa: Phá sản.
(20): Xin kê: Thông gia.

LƯU NHƠN NGHĨA ( Tuoi Tre Online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive