Your Adsense Link 728 X 15

Phần 05: Bao giờ bánh Đúc có xương... - Làm phước

Posted by Kenny Phạm 7/7/10 0 nhận xét
Trước năm 1954, chợ Xà Tón (Tri Tôn) chỉ rộn rịp vào buổi sáng. Dân Khmer mang thổ sản, dân Việt mang nông sản ra bán quanh chợ. Buổi trưa, người Khmer rút vô sóc phụ cận dọc theo chân núi, dân Việt lui về xóm kinh, còn lại chợ trống.
Dân Việt sống dọc theo kinh, làm ruộng, giăng câu. Vì dân thưa, sống rải rác nên khó tập họp. Chiều chiều họ thêm nghề quay dây luộc bán, ngày nay thay bằng dây nilon. Thỉnh thoảng mới có gánh cải lương tới hát vào dịp tết (ít khi họ coi hát, tốn tiền), xe đạp chưa phổ thông, xe lôi thì đường xa, tốn kém.
Dân Hoa trên đường Việt hóa, các bà nói tiếng Việt sõi hơn các ông, tiếng Tiều thu gọn trong gia đình buổi tối, khi cần nói riêng không muốn người ngoài nghe. Lúc đầu còn mấy gánh hát Tiều ghé mỗi tiệm hát một lần, chủ nhân ủng hộ tiền nhưng ít thấy chịu khó ngồi thưởng thức. Vài năm sau 1950, hát Tiều và Sơn Đông mãi võ biến mất luôn.
Cái gì cũng chậm chạp. Xe đò Tri Tôn - Châu Đốc, chặng đường đúng 42 cây số chạy mất gần ba tiếng đồng hồ, thật là chậm tiến. Chuyện xảy ra ở đâu đâu, tới xứ này còn lại khúc đuôi. Thập niên 1940, dân lục tỉnh đã biết danh các cô đào cải lương như Năm Phỉ, Phùng Há, kép Năm Châu, Tư Chơi… Xin lỗi, xứ nầy tới bây giờ chưa có ai biết các đào kép trên, tôi biết nhờ đọc sách của ông Vương Hồng Sển.
Nguyên nhân sự chậm tiến do mấy ông già. Thế hệ trưởng lão thật lạ lùng. Mấy ổng vừa không biết chữ vừa bảo thủ, khó khăn không đâu bằng, lại có quyền uy tuyệt đối với con cháu. Bảo thủ không cần thông báo hay giải thích lý do, mà chưa chắc mấy ổng biết lý do. Con cháu nhắm mắt nghe như là chân lý. Con gái học chi nhiều, học để viết thơ tình à? Thấy bọn tôi tập đi xe đạp, ông ngoại tôi hầm hừ: “Tập cho nó đi xe máy đi, để nữa lớn nó đi bộ à; tập cho nó ăn bánh mì đi, để nữa lớn nó ăn cỏ à”. Hễ thấy có gì lạ là hầm hừ, chỉ biết hầm hừ, suốt đời không thấy thân thiện với con cháu. Thấy ổng là bọn tôi biết thân lánh xa, ổng còn được khen có "uy" với con cháu. Ngày ổng mất, bọn cháu giỡn như giặc chòm.
Ở tỉnh người ta phidê tóc, xứ tôi đố đứa nào dám uốn tóc. Ông có người con dâu gốc ở chợ bới tóc kiểu mới. Ở Xà Tón, các bà chải xuôi ra sau, quấn lại rồi bới; người con dâu ông chải tóc thành ba lọn, lọn ở giữa, hai lọn hai bên màng tang ốp lại mới bới, sau đầu người dâu có hai làn tóc. Ông kêu mấy người dâu khác, nói: "Bây a, ra coi cái đầu nó bị nứt nè bây".
Giàn hát máy quay dây thiều mài kim có từ đời nào rồi, mãi đến năm 1950 mới tới chợ nầy. Chỉ vài nhà có, ít khi mang ra hát, cưng máy sợ hư, chỉ hát vào dịp đám cưới. Bọn con nít không có gì giải trí, thèm nghe lắm, nghe vài lần thuộc bài hát ngay, chép lại hát nghêu ngao. Giàn máy ASIA để lại nhiều ảnh hưởng trong nếp sống dân chợ. Mỗi tuồng hát để lại bài học nào đó, chưa kể khía cạnh văn chương ngôn ngữ. Người nghe vừa học vừa hành tới nơi tới chốn, nhứt là các bà các cô.
Ví dụ như tuồng “Phạm Công Cúc Hoa”, trạng nguyên Phạm Công, vợ Cúc Hoa, có hai đứa con tên Nghi Xuân và Tấn Lực. Cúc Hoa bịnh mất. Vì có lịnh vua sai đi dẹp giặc, Phạm Công cưới vợ sau là Tào Thị để săn sóc con. Khi Phạm Công đi xa, Tào Thị bạc đãi con chồng, bắt Nghi Xuân, Tấn Lực ra đồng chăn vịt, rồi đuổi hai trẻ ra khỏi nhà. Hai chị em dắt nhau đi ăn xin qua ngày. Đêm khuya, hai trẻ ngủ bên vệ đường, hồn Cúc Hoa hiện về an ủi và bắt chí cho Nghi Xuân, dặn dò chỉ đường về nhà ông ngoại, nhưng bà ngoại không nhìn ra cháu. Hai trẻ tình cờ vào dinh Trạng nguyên vừa dẹp giặc về, xin cơm. Cha con nhận ra nhau, đoàn tụ. Phạm Công về đuổi Tào Thị, mụ nầy bị trời đánh chết.
Tuồng hát đơn giản, tình tiết, bài bản rất hay từ đầu đến cuối, nghe mới thấm thía và có ảnh hưởng sâu xa mãnh liệt ở chợ quê này. Buổi tối khi nhà tiệm đóng cửa, cảnh vật thanh vắng, không khí êm ả mát lành, bên ngọn đèn bánh ú leo lét, giàn hát máy bắt đầu. Thời bình tịnh, trăm người như một, chú tâm lắng nghe. Họ say sưa thưởng thức từng tiếng, từng câu hát, như uống ly nuớc chanh buổi trưa nắng, không chừa giọt nước nào. Nghe xong rồi lại nhập tâm hát theo, nhập vai, sau nầy mang ra ứng dụng trong nếp sống hằng ngày. Tiếng đàn hát vang xa, quyện trong không gian mang niềm vui buồn; bài học nghĩa nhơn hiến cho chợ quê.
Khi Cúc Hoa mất, Phạm Công được lịnh ra biên ải dẹp loạn, nói lối: “Nghi Xuân, Tấn Lực hai con ôi, cha đã vội cam bề đơn chiếc thì hai con cũng đành sớm chịu mồ côi. Rồi khi ngọn đèn khuya leo lét chốn cô phòng con lạnh lẽo…”. Nghe Phạm Công than thở trong giàn hát máy mới hiểu được hoàn cảnh bi thương. Cha thì đơn chiếc (đơn mà còn chiếc), con thì mồ côi. Cha con ngồi bên ngọn đèn khuya leo lét, chồng nhớ vợ, con nhớ mẹ. Phạm Công thương con hay muốn vợ? Lấy vợ là hợp lý, cha cần vợ kế, con cần mẹ ghẻ. Các bà không chê tránh Phạm Công, chỉ nguyền rủa Tào Thị, tưởng tượng mình là Cúc Hoa (chưa chết). Đầu hôm nghe Phạm Công than van, khuya nghe Tào Thị đanh đá chửi con chồng, bài bản này ai cũng thuộc vì dễ hát. Nghệ sĩ vai Tào Thị diễn đạt hoàn toàn cái ác tâm của bà dì ghẻ:
“Bớ Nghi Xuân, Tấn Lực, tại sao tao đã biểu bây ra đồng chăn vịt, bây để cho vịt đi mất hết vậy? Chúng bây là đồ báo cô, cơm dư thà là đổ đi, tốt hơn cho chúng bây ăn. Nuôi bây cho lớn khôn, tránh đâu tiếng đời mẹ ghẻ con chồng. Thật uổng công tao, đi đi cho mau!”.
Cái ác của Tào Thị đã vậy, tiếp theo là cái bi ai, cảnh thảm sầu não lòng. Đêm khuya, khi hai đứa bé nằm ngủ bơ vơ, màn trời chiếu đất bên giàn thiên lý, hồn Cúc Hoa hiện về, chỉ nghe tiếng chứ không thấy. Cũng không cần thấy, cứ để tâm hồn theo tiếng kêu âm hồn của Cúc Hoa: “Bớ Nghi Xuân, Tấn Lực hai con...”. Hai đứa bé kêu “Mẹ, mẹ”, dù kẻ có tấm lòng sắt đá đến đâu khó tránh mủi lòng, nếu không khóc. Tim các bà mẹ tan thành nước mắt. Lúc hồn Cúc Hoa vạch tóc bắt chí cho Nghi Xuân: “Để mẹ bắt chí cho con, trời ơi (tiếng trời ơi nghe não nuột), con gái lớn rồi mà không gương lược…”. Cảnh mẹ bắt chí cho con thời đó quen thuộc hằng ngày, người ta trở thành Cúc Hoa bắt chí cho con, họ xót lòng tự nhiên thương con gái hơn. Chưa hết, còn nữa, lúc gần sáng Cúc Hoa chia tay con, biến đi, hai đứa kêu: “Mẹ ơi, đừng bỏ con đi!”, cái xóm chợ nầy đổ bao nhiêu nước mắt chơn thật, nước mắt của chính người mẹ và tình mẫu tử.
Cả vở tuồng chỉ có đoạn Tào Thị chửi mắng bắt Nghi Xuân Tấn Lực chăn vịt và đoạn Cúc Hoa hiện hồn về bắt chí cho con là đáng nhớ. Các bà lấy tuồng hát ứng dụng trong gia đình. Mỗi khi nổi cơn, nguyên nhân không liên hệ gì đến chuyện mẹ ghẻ con chồng, mấy bà nổi máu cải lương: "Nếu tôi có chết, con tôi cũng khổ như Nghi Xuân, Tấn Lực!". Nhưng mấy bả không đóng nổi vai Cúc Hoa, mà nhảy đông đổng lên, nhứt định không chịu chết cho người ta có vợ bé mới ngặt!
Đồng thời với vở tuồng “Phạm Công Cúc Hoa”, chợ Xà Tón xảy ra hai vụ "mẹ ghẻ con chồng". Lửa đã sẵn, thêm dầu, chuyện nhỏ xé to, gây cuộc khủng hoảng khá lâu, dân Tiều phải nhập cuộc áp lực mới yên. Vụ thứ nhứt là của ông bang Ứng họ Huỳnh, tiệm Vĩnh Phong Chành. Ông lớn người, tốt tướng, đàn anh trong quận, tận tình giúp đỡ dân Hoa trôi giạt về đây. Ai nghèo, ông giúp đỡ vô điều kiện. Chành ông gồm hai căn phố lầu ở giữa dãy phố, cửa tấn bằng những bao muối an toàn. Đêm đêm, năm 1945, ông kêu gia đình khu mất an ninh hay nhà vách ván đến nhà ông ngủ. Trên lầu nhà ông, nhiều gia đình - nhứt là đàn bà, trẻ con -  đến ngủ.
Ông bang Ứng có vợ lớn bên Tàu, qua Việt Nam chỉ dẫn theo người con trai lớn là chệt Chiêu. Chệt Chiêu cũng có vợ lớn bên Tàu, dẫn qua con trai lớn là thằng Huỳnh Hạng và vợ nhỏ với bầy con sau. Chệt Chiêu chẳng những không thương, còn ghét Hạng ra mặt, nó bị đòn nhiều lần, mẹ tôi bất nhẫn. Vợ hai ông bang Ứng là ý (dì) Lèn. Ý Lèn sanh thằng Tỷ, trắng tươi, cao lớn. Ý Lèn ít nói, hiền như đất, ít thấy ai hiền như ý Lèn ở xứ nầy. Trưa trưa, ý Lèn dẫn Tỷ và Hạng ra chợ ăn quà. Ý thương Hạng như Tỷ. Hình ảnh người mẹ hiền với hai con hai bên ngồi ăn bánh chuối hấp chấm nước dừa, ai thấy cũng thương. Hạng thương ý như mẹ ruột, dù kêu bằng “a má” (bà). Nếu không có ý, Hạng bơ vơ, thiếu cả tình mẹ lẫn tình cha. Sau khi ý mất, họ vừa nhắc vừa thương: "Nhớ chế Lèn dẫn hai đứa nhỏ ăn bánh chuối".
Tin ý Lèn mất làm rúng động dân Hoa ở chợ.  Lúc động quan, Hạng giãy dụa nhào lăn ra khóc kêu “má, má”, tiếng khóc động tới hoàng thiên, còn ai thương yêu binh vực Hạng? Ông bang Ứng lấy vợ ba. Dân bổn phố đã thuộc lòng tuồng tích “Phạm Công Cúc Hoa”, để tâm theo dõi chành ông bang. Chuyện các bà đoán xảy ra y như tuồng Phạm Công Cúc Hoa đã đến.
Buổi trưa, ông già tôi mặc áo thun lá quần ngắn, đưa võng lim dim. Tỉa Tà Dú, chệt Kia Mẫu mang guốc lộp cộp vô nhà nói nhỏ với ổng. Ông già tôi xám mặt, vội vã xỏ áo Tiều, mặc quần lãnh đen qua kéo thêm củ (cậu) Phú đi xai xải. Dãy phố bên kia, ý Tư Lềnh, ý Xẻng la: "Đi đi, mau coi", mặt nghiêm trọng lắm. Tin gì như trời sập.
Dân bổn phố tới đầy nhà ông bang Ứng. Bà vợ ba ông bang vừa lấy dao cắt tay thằng Tỷ! Lửa cháy thật rồi. Cả chợ ầm lên xôn xao: "Tôi đã nói mẹ ghẻ con chồng mà", làm như Tỷ là con mấy bả.  Mấy ông cũng lọt vô bẫy, chuyện này đâu phải dành riêng cho mấy bà, đàn ông cũng họp lại làm cho ra lẽ vì ai cũng mang ơn và thương ý Lèn ít nhiều. Bao nhiêu tình thương và ơn nghĩa dành cho ý Lèn nay dồn hết qua Tỷ. Tỷ bị giấu biệt trong nhà, cả tuần sau, thoát ra đi chơi ngoài chợ. Ý Im, vợ chệt Tào Cua, ông già thằng Tùa Tháo, nắm tay Tỷ đến nhà tôi, không ghé tiệm ông Lào Tán. Ý cầm tay Tỷ phân trần: "Xố (chị dâu) coi nè, một lằn dao vậy nè, ai mà ác dữ vậy”. Bà già tôi cầm tay Tỷ, thút thít: “Phải còn mẹ đâu đến đổi vậy”.  Bà già tôi bàn giao Tỷ cho kiểm (thiếm) Phú kế bên: “Kiếm coi coi”. Kiểm Phú vuốt tay chỗ vết thương Tỷ, nói một tràng tiếng Tiều, thở hổn hển. Tôi tò mò nhìn tay Tỷ, vết trầy chừng ba phân, như nhánh cây quẹt, thua xa vết trầy trên gối tôi khi té xe máy.
Dãy phố bên kia, ý Tư Lềng kêu: “Lại đây coi Tỷ”. Rồi cầm tay Tỷ: “Ai coi đó, con hổng có mẹ, chế (chị) Lèn ơi, chế nỡ bỏ con đành đoạn vậy". Tiếng ý Tư vang khắp dãy phố. Bà Chiệp Xe bỏ bàn nạo dừa xuống chạy ra, bà Vạn Trường Xuân thuốc Bắc, ý Ba Lại, ông Đại Đức chành coi tay Tỷ, mỗi người một tiếng, mạnh ai nấy nói, tranh nhau nói. Vài bà tức tưởi chỉ một câu: “Phải chi còn mẹ".
Tiếng ý Xẻn từ ngoài chợ: “Ai đụng tới con có ý đây nghe Tỷ!”. Ý Tư Lềnh vuốt theo: “Đừng sợ con”. Người ơn nghĩa đã vậy, người nghe tuồng Phạm Công cũng xót xa. Sau nầy, tôi có ghé tiệm Vĩnh Phong Chành, bà vợ ba ông bang Ứng hiền khô, bả nuôi Tỷ trọn vẹn, vất vả buôn bán không hở tay từ trong tới ngoài.
Cùng trường hợp đó, bên cạnh nhà tôi là tiệm ông Lào Tán bán tạp hóa, gia cảnh nặng nề hơn nhiều mà không thấy ai nhắc. Ông Lào Tán gốc bên Từng Xua (Đường Sơn) qua, vợ ông mất để lại ba người con. Ý Nái có chồng, con là thằng Ik Bắc ở riêng. Hia Khù Khì thỉnh thoảng về vài ngày, chỉ có chế Nghín, con út, chừng 16 tuổi ở nhà. Ông Lào tán cưới vợ hai gốc Tịnh Biên, trúng số “độc đắc”.
Buổi sáng bà già tôi tò mò nhìn qua nhà ông Lào Tán, lầm thầm:  “Bà nhỏ…”. Bà này dữ chưa từng thấy, chửi lộn trong nhà, hàng xóm, người buôn bán ngoài chợ thường xuyên. Bả còn dữ hơn Tào Thị. Đêm khuya, bả chửi làm hàng xóm mất ngủ, không ai than phiền. Bả chửi chế Nghín chưa đã, làm luôn mẹ chế Nghín. Bả nhìn lên bàn thờ vợ lớn ông Lào Tán, mẹ chế Nghín, hét: “Chế ơi, chế về đem nó đi theo đi, cúng cơm chế có cái mặt này nấu chớ hổng có ai đâu”. Hình như bả ghiền chửi lộn, vừa có cả kho tàng từ ngữ chửi lộn. Bả to con, chửi hàng giờ không biết mệt. Cũng may bà già tôi khéo xử, chiều chiều qua nhà ngoại tôi thăm anh em, ít qua lại, đỡ mất lòng nhau. Dân Tiều bất lực, thỉnh thoảng ông già tôi qua can: “Mại, mại mà tàn chệt à, ca bấu chế nì mut” (Thôi chú Trần à, vợ nhà làm sao nói?).
Chửi lộn với hàng xóm chưa đã, bả làm luôn với người buôn gánh bán bưng trước nhà. Ai cũng kiêng dè bả. Con Ten con bả đánh lộn với con nít lối xóm, bả nhào ra ăn thua đủ. Củ Sáu tôi vừa mua căn phố xéo sau nhà bả, ở riêng với bên ngoại tôi nên mở giàn hát máy thả cửa, lại mở lớn tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Bà Lào Tán làm như điếc, củ Sáu tôi: “Ai giỏi qua đây”. Bên ngoại tôi chín anh em chưa kể xe đò, đám Sáu Tống nghề võ, Ba Gần tài xế.
Một buổi sáng, kiểm (thiếm) Kim Xul bán hàng xáo hiền lắm, ngồi ăn chuối xào dừa trước tiệm ông Lào Tán. Ăn thì lo ăn đi, kiểm cũng có tật nhiều chuyện, nói cho ngay kiểm khơi lại chuyện Tỷ bị cắt đứt tay, chứ không liên hệ tới cái vụ bà Lào Tán với chế Nghín. Kiểm vừa ăn vừa lắc đầu: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ nó thương con chồng”. Dì bán chuối xào dừa cũng đồng ý, khen câu nói của người xưa hay quá. Kiểm Kim Xul lại kết luận, mẹ ghẻ mười người ác như mười. Bà Lào Tán xách con cá mới mua vừa đi ngang nghe được, bị chạm nọc, cơn tam bành lục tặc nổi lên, liệng con cá vô mặt kiểm Kim Xul, rồi bả xăn tay áo, nhảy dựng lên chống nạnh tay trái, tay phải nhịp nhịp, bao nhiêu tiếng văn chương chửi lộn tuôn ra như thác .
Tiệm ông Lào Tán và khu bán chuối xào dừa phải ngưng hẳn bán buôn. Bà Lào Tán đặt câu hỏi hóc búa, kiểm Kim Xul ít học đành dùng tay chưn, có khi đòn gánh, để đáp cho đúng câu hỏi của bà Lào Tán: “Tại làm sao mà nó biết mẹ ghẻ ác chớ?”.
=====================
Làm phước
Xứ tôi ở gần biên giới Campuchia, trước mặt là ruộng, sau lưng là những dãy núi che chở. Đất nầy thích hợp cho người lỡ vận, sa cơ.
Dân Khmer ở thành từng sóc biệt lập dọc theo chân núi, mỗi sóc đều có ngôi chùa cổ khang trang, kiến trúc cùng một mẫu, hai mái chồng lên nhau, gió luồn vào chùa mát mẻ. Trên nóc có Thần Rắn nằm, dưới mái có Thần Hầu đỡ. Ông Tà Ul chỉ ngôi chùa Préa Theat nói: “Hồi ông ngoại tôi đã có chùa vậy rồi, ba mươi mấy ông sãi cả”.
Ở đâu có khói có lửa là có người Hoa. Góc núi Sóc Mẹt, trước thời Pháp không biết lý do gì mà dân Hoa cũng tới đây. Họ tới bằng cách nào khi đế sậy ngập đồng, nước tràn mênh mông? Nhiều ông già Khmer da đen, mặt Khmer, nói tiếng Khmer rặt, mà họ Huỳnh, họ Trần, họ Lâm… Chùa Ông Bổn (gọi tắt là chùa Ông) là trung tâm tinh thần.
Dân “An Nam” mình không nhiều, có lẽ đến đây theo những đợt di dân, đào kinh của ngài Thoại Ngọc Hầu và Nguyễn Hữu Cảnh. Họ ở dọc theo bờ kinh Tây đào, sống nhờ ruộng và cá. Nghèo mà xây được cái đình rộng, cây song quanh tường bằng gỗ sao. Không có thần để thờ, họ đành mượn sắc thần chợ Cây Me thờ.
Người Việt và người Khmer ít chung đụng. Việt ở theo kinh, làm ruộng bưng. Khmer sống dọc theo núi, làm ruộng trên, thêm nghề làm rẫy trồng rau. Người Việt thì rất Việt, người Khmer thì rất Khmer, như nước với dầu chứ không phải như nước với lửa. Xóm người Việt thì không có người Khmer, sóc người Khmer thì không có người Việt, chỉ buôn bán đổi chác ở chợ. Xưa, dư ăn dư để nên không cần cạnh tranh lấn lướt nhau, chưa va chạm nhau lần nào.
Dân Hoa ở quanh chợ, lúc đó nhiều người “Từng Xua chẻm lái” (bên Đường Sơn vừa qua), tiếng Việt không rành, hiếm có người biết chữ Hoa ở trình độ viết được cái thư. Biết chữ thì ai bỏ xứ đi? Vì dốt, vì nghèo mới qua Nam Việt. Ở Chợ Lớn không kham, ở lục tỉnh không nổi, trôi giạt về đây, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Dân Hoa hòa đồng được với Việt và Khmer nhưng có vẻ thân Khmer hơn vì Khmer hiền, Việt thì khôn hơn.
Nói cho ngay dân Khmer nếu là đàn ông mới có cơ hội biết chữ Khmer lõm bõm nhờ vô chùa tu mấy tháng trả ơn cha mẹ. Học xong trả hết lại cho mấy ông sãi. Dân Việt còn vài người già biết chữ Nho. Năm 1963 còn thấy được một người già, mặc bà ba đen, đầu quấn khăn, ngồi viết liễn chợ tết. Chữ quốc ngữ đàn ông ai cũng biết, trình độ cao nhứt là lớp 3. Các bà không biết chữ, bắt mấy đứa cháu đọc giảng truyện Hoa, thơ Vân Tiên cho nghe. Thằng bé có cơ hội tập đọc nhuần nhã, cả hai bà cháu, người đọc, người nghe rồi thuộc luôn.
Bà chết đi, thằng bé lớn lên được thấm nhuần chút văn hóa cũ, trong đó mọi người đều tin ở “phước đức”. Hai chữ phước và đức đi liền nhau, người có đức mới có phước, người làm phước mới tạo đức. Ý niệm nầy tôi không nghe nói và không biết tìm từ ngữ nào tương đương trong Anh ngữ.
Chữ Đức tôi tìm không ra từ nguyên và cách giải thích trong chữ Nho. Chữ này gồm bộ xích (bước đi ngắn), chữ thập (số 10), chữ tứ (số 4), chữ nhứt (số 1) và chữ tâm (tấm lòng).
Học trò xưa đọc cho dễ nhớ: “Chèo bẻo vắt vẻo cành tre (bộ sách giống con chim chèo bẻo đứng trên cành tre), thập trên tứ dưới, nhất đè chữ tâm”.
Chữ Phước bộ kỳ bên là chữ nhất (một), khẩu (miệng), điền (ruộng), có một miệng ăn, có ruộng là giàu, được sức mạnh thiêng liêng che chở (kỳ). Ý nói mấy ổng làm ăn phát tài là nhờ mấy ổng ngay thẳng, ngay thẳng theo kiểu mấy ổng đặt ra, buôn bán phải giữ chữ tín, thiếu tiền thì phải trả; nhưng làm ăn, ai vốn lớn càng ngày càng phát, đè bẹp người có vốn nhỏ. Phước chỗ nào?
Ở xứ nầy đặc biệt có chữ “làm phước”.
Chữ Phước đọc theo âm hai môi (bi-labial) /p-/ chứ không đọc theo âm môi răng (labio-dental) /f/, đây là âm rất xưa.
Chữ “làm phước” của dân Việt Nam xứ nầy làm chớ không nói. Dân Hoa, ngoài việc cúng chùa Ông Bổn, cũng bắt chước làm theo.
Dân Khmer cũng có chữ đồng nghĩa với “làm phước” của Việt Nam: “thơ buln”, “thơ” là làm, “buln” là phước.
Ba sắc dân với ba nếp sống văn hóa khác nhau, lại gặp nhau ở đất “phước địa”, nhờ sự trùng hợp này mà người giàu có cơ hội tạo phước đức cho con cháu. Như người ăn xin ngoài chợ: “Cô bác ơi, thân tôi đui tối tật nguyền, cô bác làm phước gặp phước”. Người nghèo không có gia sản cũng theo đó góp công làm phước. Kẻ công ngưòi của, người tận cùng khốn khổ nhận được cái lộc, đỡ khổ.
Dân Khmer thường đóng góp xây dựng chùa chiền, họ “thơ buln” tại chùa, có nhạc ngũ âm. Có khi làm ở nhà, phát tiền gạo cho người nghèo, thường thì “thơ buln” vài ngày, có khi cả tuần nếu nhà khá giả.
Trên những cánh đồng mùa khô đất nẻ, thỉnh thoảng có cái “xala” - nhà nghỉ mát, chỉ có bốn cây cột, cái mái đơn giản, bên cạnh là giếng nước. Buổi trưa nắng gắt giữa đồng không một bóng cây, người cày ruộng vào xala nghỉ mệt chốc lát, múc nước giếng lên uống đỡ khát. Mùa mưa, họ chen chúc đứng đụt mưa dưới mái xala.
Người Khmer theo đạo Phật Nam tông, có sẵn ý niệm thơ buln làm phước, bố thí trong đạo Phật, cụ thể hóa bằng cái xala và giếng nước giữa đồng, cũng như người Việt có để khạp nước và cái gáo dừa trước nhà đãi khách đi qua.
Quên kể, ông ngoại tôi thấy giếng nước Chơn Phnum ai đào sẵn dưới chân đồi. Trên đồi là nghĩa địa, chắc vậy mà nước trắng đục - “nước cốt”. Ông sửa sang, xây thành giếng, vét giếng, rồi để tên hiệu tiệm “Đức Phong” của ông. Ông làm phước nhờ cái giếng đó, bằng cách sửa chữa hàng năm để “lấy phước”. Có mấy người có tiền, muốn “chia phước” xin sửa giếng, đề tên trên thành giếng nhưng ông không cho. Theo tôi, ông giành phước chứ không phải làm phước. Làm phước còn đề tên cho người ta biết. Ông độc quyền làm phước, hưởng phước, không cho ai tham gia, giống như ông độc quyền đại lý xăng dầu, lúa gạo, nước mắm trong xứ.
Dân Việt dựa vào cơ sở sẵn có như đình chùa để làm phước. Người có của đóng góp tiền bạc, người khác lấy công mình đặt mua cây cỏ thuốc trên núi, ngày ngày chặt cây thuốc ra phơi hay sao thủy thổ, ông thầy thuốc nam hốt thuốc cho người bịnh miễn phí. Đây là lối làm phước thông thường nhứt ở quê tôi, chỉ giới hạn trong nhu cầu thuốc men.
Cá nhân làm phước cũng rất nhiều. Họ làm âm thầm, nếu lộ liễu quá thì không kham nổi. Bà già tôi nhờ người bạn ngoài kinh, biết ai bịnh bà bạn này sẽ tới tiệm thuốc bắc Bảo An Xương lấy thuốc, phát cho người bịnh; cuối tháng bà già tôi trả. Ông già tôi những ngày cuối cùng, biết mình sắp đi, mỗi sáng ông lấy tiền mới, ngồi trước cửa nhà, ai nghèo đi qua ông kêu lại cho. Cuối đời ông mới chịu xả, làm phước, dù lúc đó, sau 1975, không còn dư dả. Côn ngoại tôi xưa hơn, chỉ có ba bộ quần áo Tiều, may thêm quá ba bộ là ông cho, đầu đội nón chóp tre, chống gậy như cái bang. Con cháu cung cấp rượu Martel ngâm Cao Ly sâm, ông không uống lại mời bạn bè tới uống. Ông còn “làm phước hy hữu”: Mỗi sáng ông ghé trạm xăng củ Út tôi “tởi tiền” (quyên tiền) rồi mang ra chợ phân phát. Có lúc lẩm cẩm, ông xách gậy cái bang ghé nhà củ Sáu tôi (ông nầy hai, ba vợ, có chức sắc, thích uy quyền, ít qua lại với thân nhân, trừ khi mượn tiền). Ông vô tiệm gặp kiểm Sáu tôi, xin tiền. Bà nầy đang bán buôn chộn rộn, tưởng ông lẩm cẩm, không trả lời. Ông cứ đứng nằn nì xin cho được. Có người quen kéo ông ra khỏi tiệm, dẫn ông về. Hỏi ông xin tiền làm gì, ông chậm rãi nói: “Tao xin tiền nó để làm phước cho nó, ai cũng đưa tiền cho tao làm phước, chỉ có mình nó chưa đưa”. Ông tin như thiệt là làm phước gặp phước. Mà thực tế, gia đình tôi ai làm phước đều gặp phước, gia đình ai cũng khá, hầu hết ở ngoại quốc, còn ở Việt Nam cũng khá, trừ gia đình củ Sáu tôi, nghèo tới bán nhà, anh em không ai nhìn. Việc đó nhãn tiền, tôi muốn không tin cũng không được.
Ngày nay, việc làm phước quê tôi có tổ chức rộng lớn hơn, lấy căn bản chọn mặt gởi vàng, người đứng đầu phải có đạo đức. Thế hệ hiện tại, dù xa xứ mỗi lần trở về đều có người mua gạo phát cho người nghèo. Trẻ mà có lòng, đi xa thành công còn nhớ người nghèo, quý biết chừng nào.  
Bản thân tôi chưa làm được việc gì xứng đáng là “làm phước”, quanh quẩn quà biếu thân nhân, bạn bè quen biết ở xứ sở. Tâm tôi còn mong cầu “làm phước gặp phước”.
Quán chiếu chính mình, tâm tôi còn giới hạn, giúp ai cũng có điều kiện, chỉ nghĩ đến người gần nhứt. Tâm tôi chưa mở rộng. Làm điều gì tốt cho ai, tâm tôi còn cầu, có thể là một lời cám ơn, có thể mong tương lai được đền bù khi gặp khó khăn.
Từ đây về sau, hoàn cảnh tôi không cho phép tôi làm phước, tôi lại ở tư thế người nhận. Cứ ba tuần vào bệnh viện nằm nhận 750ml máu, máu cùng loại của người hiến máu. Nhiều lần thấy xe ngân hàng máu đậu ở khu phố, người ta đứng dưới cơn nắng nóng chờ tới lượt hiến máu. Anh lái xe truck vạm vỡ, tay chân mình mẩy xâm hình lạ lùng, hiến máu xong leo lên xe, cầm chai Coca ngửa cổ tu một hơi rồi mở máy xe chạy đi giao hàng. Anh làm phước theo nghĩa Việt Nam, nhưng anh coi đó bình thường như việc anh nốc cạn chai Coca giải khát, hết chuyện. Anh không nghĩ ngợi chuyện tội phước. Người Úc có quan niệm công bằng xã hội, mình có dư thì mình cho người đang cần, khi mình cần thì sẽ có người khác cho lại. Sòng phẳng.
Ngày nay xứ tôi người ta tiếp tục làm phước rất nhiều. Nhiều người làm thiện nguyện có uy tín, trong sạch, nấu cơm chay cho bịnh nhân và người thăm bịnh. Cơm gạo Thần nông, canh rau, củ cải kho mặn, qua bữa ăn cho người nghèo. Dân bổn phố đóng tiền, người bán rau cải thì cho rau cải bán dư. Sau mùa gặt, ghe nhóm từ thiện đi góp gạo qua các cánh đồng, người tự nguyện đóng góp vài giạ gạo, đầy ghe, đủ cho người bịnh ăn cơm mãn năm. Trong bếp sau nhà thương, người bửa củi, người nấu ăn, người lái xe chở bịnh. Người nghèo chết cũng được cái hòm bằng gỗ cây gòn, ván mỏng, sơn đỏ, đỡ tủi lòng.
Dân quê tôi dù sống nhiều năm trong xã hội nhiễu nhương, vẫn còn thấm nhuần tinh thần tương trợ, làm phước, âm đức dày, tương lai tất phải khá.

LƯU NHƠN NGHĨA ( Tuoi Tre Online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive