Your Adsense Link 728 X 15

Phần 06: Bốn năm với trường trung học thủ khoa nghĩa

Posted by Kenny Phạm 7/7/10 1 nhận xét
Lâu nay mỗi lần gặp người cùng tỉnh, tôi đều cố gắng hỏi thăm ngôi trường cũ, thầy cô và bạn bè, mà không biết thêm gì nhiều. Ở Đức chưa gặp bạn học gốc Châu Đốc nào. Ở Úc liên lạc được ba đứa, tuy cách nhau hơn ba ngàn cây số, qua điện thoại mới hay bọn nó đã thay lòng đổi xác: “Hơi sức đâu mầy nhắc chuyện năm xưa nghe N.”.
Tệ hơn nữa, đứa qua trước mở nhà hàng thành công, không muốn nhìn bạn cũ rách rưới mới qua sau nầy. Thất vọng quá, tôi đơn độc gom góp viết lại những điều bạn bè còn nhớ cộng thêm điều mình nhớ về ngôi trường cũ, may ra đồng môn đọc được còn xuất đầu lộ diện chỉ giáo.
Là học sinh hậu sinh 1954-1958 của trường tỉnh Châu Đốc, bây giờ đã hơi già, dĩ nhiên lớp thầy cũ đã “ra đi” gần hết, lớp đàn anh mất liên lạc. Tôi kém may mắn vì có trí nhớ bất bình thường, có thể nhớ đầy đủ chi tiết mình chứng kiến thời thơ ấu, hiện tại thực tế thì hay quên, nhứt là lạc vào trung tâm thành phố, tôi mất hàng giờ tìm đường ra.
Tôi nhớ gần 80% tên bạn học chung lớp Đệ Thất C trường trung học Thủ Khoa Nghĩa năm 1954-1955, những gương mặt và cá tính, phòng ốc, bàn ghế chỗ bọn nó ngồi, vậy mà khi đi phỏng vấn việc làm ban đêm, sau khi cẩn thận xem bản đồ, ghi chép tên đường, góc phố, chạy đi chạy lại cho quen, ngày đi phỏng vấn lại lạc đường!
Tôi không phải là dân chánh gốc Châu Đốc. Sinh trưởng ở Tri Tôn, một quận hẻo lánh vùng Bảy Núi, lúc đầu học trường Tiều ở Mỹ Đức, sau đó học trường Miên, trường Việt ở quê, lông bông không biết bao nhiêu năm, nhờ vậy ngày nay nói tiếng Tiều lỏm bỏm, tiếng Miên ba rọi, lại được khen “bá nghệ bá tri” (vị chi bá láp).
Năm tôi học lớp Năm, thầy tôi phải dạy ba lớp: lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba. Lúc tôi học lớp Tư, có cô giáo Ni vào dạy lớp Năm. Cô giáo Ni mặc xà-rông đen, áo cánh Nam Vang, tóc ngắn, nước da trắng hồng, thuộc gia đình dòng dõi trong quận, cô đẹp nhứt tỉnh Châu Đốc, nói không ngoa. Việc học càng mở mang, năm tôi học lớp Ba, có thêm hai thầy, thầy Chón (có tiệm sách sau nhà tôi) và thầy Lý (Trang Thuận, đậu Certificat d’Etude Primaire, tương đương lớp 6 ngày nay) dạy lớp Tư.
Cuối năm lớp Tư, tôi được thưởng cuốn Loài chim mùa vải chín của Lý Thị Tuyết Mai. Cũng học lớp Tư (học lại) được thưởng cuốn chuyện Khoa học Việt Nam của Nguyễn Công Hoan. Tất cả học sinh đều được thưởng. Năm đó buổi lễ phát thưởng tổ chức chung với trường Miên chùa trên. Ông quận Miên, tên Mao Kim Sóc, người phương phi, điềm đạm: “Các em hãy lắng nghe! Đây là bảng (?) của Đức Quốc trưởng Bảo Đại nhắn nhủ học sinh toàn quốc: Nghỉ hè đã đến, trước khi các em sắp tạm biệt nhà trường, nhân dịp lễ phát phần thưởng cuối năm, tôi có lời nhắn nhủ các em. Trước hết, tôi thành thật khen ngợi những học sinh được thưởng, xứng đáng với phần thưởng nhà trường cấp phát. Còn những em nào không được thưởng, tôi khuyên, chớ nên nản chí, hãy nhớ câu, có công mài sắt, có ngày nên kim…”. 
Vì là quyển chuyện đầu tiên trong đời, tôi đọc nhiều lần đến đỗi gần như thuộc lòng một số chuyện (Chim tu hú, Chim bìm bịp, Chim áo già…). Ở Đức, đêm trời lạnh, tôi ưa kể cho con tôi nghe chuyện Chim đa đa, có đoạn “gã tiều phu vác củi về thấy Đa Đa đang ngồi khóc, không chịu ăn bát cơm của người mẹ ghẻ. Bà mẹ ghẻ đay nghiến, gã tiều phu dùng rựa chém tét đầu Đa Đa. Đêm đó, gã tiều phu chiêm bao thấy người vợ mình dẫn Đa Đa về khóc lóc, tay chỉ vào chén cơm của người mẹ ghẻ! Sáng ra, soát lại chén cơm, thấy trên mặt là một lớp cơm mỏng, bên dưới toàn những cát; gã hối hận xách rựa trốn vào rừng, thấy con chim lạ cúi đầu kêu lên những tiếng “bát cơm trả lại cho cha, đánh chát đầu ra bạc ác, Đa Đa”.
Quyển chuyện Khoa học Việt Nam có chuyện Vụ án Trúc Đào. Bài điếu văn của Hạc Đính khóc Trúc Đào tôi nhớ trọn, bắt đầu: 
Ấy vị nước quên mình cho đến nỗi
Nhớ Trúc Đào hiền thê em hỡi…
Kết thúc:
Nay xin ghi chép mấy lời vào bia đá để kỷ niệm nghìn thu.
                                                                           (Hạc Đính khấp bái)
Lạc đề, xin trở lại ngôi trường Đình. Năm lớp Ba 1951-1952 khá thoải mái. Lớp chừng 24 học sinh, hai dãy bàn, mỗi bàn bốn đứa. Tôi ngồi bàn đầu, thằng Chùn ngồi đầu bàn đưa bài cho tôi chép, trả công hậu bằng tiền mặt. Cuối năm lớp Ba, thầy gọi tôi lên bảng làm bài toán đố cuối cùng duy nhứt trước khi xuống núi.
Sách giáo khoa thời đó không nhiều, có thể vì xứ tôi cô lập. Cuốn vần “Chó với gà một nhà xum họp. Cơn rảnh rang mài miệt chuyện trò; Rừng nhu biển thánh khôn dò. Khuyên trò ráng học, học cho thành tài…” hình bìa có con chó mặc quần short gãi chân và con gà trống. Phổ thông nhứt là ba cuốn Quốc văn giáo khoa thư (lớp Đồng Ấu, Dự Bị và Sơ Đẳng). Tôi may mắn còn giữ được hai cuốn. Bạn bè tới nhà chơi, đem ra cho nó coi, sách cũ cưng sợ rách, bọn nó lật soàn soạt thấy phát nóng).
Quê tôi nằm giữa khu núi non, cô lập với các tỉnh gần nhứt, nên tiện nghi thành phố khó đến xứ này được. Năm 1950 vẫn còn xài đèn dầu, đèn khí đá, ít ai mang guốc. Dân gốc Việt đàn ông một số còn bới tóc, mục tiêu cho đám anh đò trêu chọc: “Chị ơi! Chị! Hà tiện gì có đồng bạc”. Chợ cũng không có rạp hát, gánh Nam Hồng ngoài Bắc trôi giạt vào hát mấy đêm tuồng Thạch Sanh – Lý Thông (đào Kim Anh – Lệ Thủy, kép chánh mà không hát được vọng cổ). Gánh công lập với vở Tiếng khóc bên mồ hát nhằm mồng hai tết, xui tận mạng. Lâu lâu mới có đám cưới lớn có máy hát đĩa ASIA quay dây thiều, phải thay kim và mài kim. Dĩa Hoa rơi cửa Phật nghe tới thuộc lòng. Bấy giờ đã có vụ “ âm nhạc cải cách”, hát nghêu ngao bài Cô lái đò:
Chèo thuyền lại đây cô lái đò ơi, đường trường kịp sang buông mái chèo trôi, đưa tôi qua bến con sông xa vắng…
Hoặc  Cô bán mía, cùng điệu:
Mời thầy lại đây mua mía giùm em, lời thành thật rao xơi mía nầy xem…
Tôi còn nhớ điệu hát năm 1948: “Núi cao tới mây, ta cố trèo, đường ta đi quanh co chen lấn muôn cây…”. Ngày nay hỏi lại không ai nhớ là bản gì. Thỉnh thoảng tôi lép nhép riêng bài ca kháng chiến, học lóm:
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui…
Tôi rất cẩn thận, hầu như im hơi lặng tiếng khi có mặt ông già tôi, lỡ miệng là no đòn. Tứ cố vô thân, bị ám ảnh xếp lùn thời Tây, rất sợ lính tráng và công an, sự ám ảnh đó hiện thành nếp trong lối sống, cách cư xử và lối dạy con. Những từ ngữ chánh trị, quốc sự như “thanh niên, đồn bót, Việt Minh, súng đạn…” không được nhắc tới. Là chủ tiệm sắt, ông vì quyền lợi, xin hai chữ bình an. Việc quyết định cho con theo hệ thống giáo dục Việt Nam cốt cho con không bị hiếp đáp. Mỗi lần có ai lạ ghé thăm tôi là ông không yên tâm, phập phồng lo âu.
Học trò thời đó mặc áo sơ-mi hay áo bà ba, quần xà-lỏn, ít đội nón, còn thiếu thốn. Chưa có viết nguyên tử (viết Bic), hầu hết dùng viết chì, lớp Tư lớp Ba dùng viết ngòi lá tre chấm bình mực tím, đứa nào có viết thơm “Stylo” là sang lắm rồi. Bọn lớp Năm mang theo bảng đá, phấn và miếng giẻ, cây chổi để cùng nhau quét.
Có lần, một sĩ quan Pháp vào lớp đố học trò Việt Nam “quinze” là số mấy? Trò Sủl đáp trúng được thưởng 5 đồng bạc (thời đó một gói bắp hầm một cắc). Lâu lâu được phát bánh Tây (bánh biscuit lạt). Lính Pháp mang đồ hộp dư  bán lại bày bán ngoài chợ, bọn tôi đã biết thịt hộp, fromage. Ông già tôi định giá biểu “sáng năm cắc, trưa năm cắc, chiều năm cắc”, tôi thường lấy thêm xài, ổng làm ngơ. Buổi sáng bọn học sinh tùy hoàn cảnh, lót lòng bằng khoai, trứng trăn luộc, trứng chim cò, hột sen nấu, củ co, bánh canh bột gạo, thông dụng nhứt là bánh tầm. Ngày nay, đúng ra từ năm 1960, các loại thú cầm tuyệt chủng rồi. Tiếc ngày thơ ấu, có khi được quấn con trăn quanh cổ đi chơi, có đứa cõng con khỉ, con lọ nồi trên vai, vớt lăng quăng cho cá xiêm ăn, đút chuối cho con chồn đèn, bắt cào cào nuôi con sáo; bây giờ toàn đồ chơi bằng nhựa vô hồn.
Chiến tranh, khí giới thô sơ, chưa khốc liệt như sau nầy. Sà-lan sắt chở Commamdo Maroc đổ bộ Bình Định, đầu kinh rộng tàu lồng cu xoay sở dễ dàng, ghe chài đậu san sát. Ghe chở nồi, xuồng trầu đậu nghẹt đầu kinh mỗi buổi sáng.
Thế hệ trước tôi, nay chừng 60 tuổi trở lên, biết đọc biết viết là ra mần ăn. Các bà già không biết chữ nằm võng bắt đứa cháu đọc thơ cho nghe những cuốn thơ giấy khổ A4 chừng 20 trang bằng chữ quốc ngữ như: Dương Ngọc, Thạch Sanh – Lý Thông, Chàng Nhái Kiễn Tiên… bán đầy ngoài chợ, đọc đi đọc lại có khi thuộc lòng. Nhớ lại hình bìa thơ Dương Ngọc là cảnh Thái Tử vác cuốc theo nàng Dương Ngọc ra đồng, bên dưới phụ đề: “Dương Ngọc - Thái Tử ra đồng. Đốn cây, nhổ cỏ, vun dòng trồng khoai” (hạnh phúc như vậy mà vua cha nỡ từ bỏ Thái Tử vì không muốn có nàng dâu sàng dã). Hình bìa thơ Thạch Sanh – Lý Thông: “Chằn tinh thấy thịt mừng lòng. Thạch Sanh bèn rút búa đồng cự đương” hay quá, hào hứng quá, nhứt là lúc Thạch Sanh ngồi tù, ôm cây đàn thần gảy lên giải nỗi oan kể lại từ đầu đến cuối; Công Chúa bị câm nghe bất giác nói lên được. Đoạn đàn tóm tắt trọn vẹn cuộc đời Thạch Sanh, từ:
Đờn kêu tích tịch tình tang
Nhờ ai chém đặng đầu chằn tinh miếu trung đến:
Đờn kêu ai bắn chim bay
Mũi tên dấu máu sa rày xuống hang.
Và than van:
Đờn kêu trách kẻ lòng tà 
Dĩ ơn báo oán mưu đồ hại ta…
 (lại lạc đề!)
Cho đến hết năm lớp Ba, học sinh chưa đông, phòng ốc còn đủ, nên học năm lớp mỗi tuần, thứ năm nghỉ.
Để duy trì kỷ luật, thầy dùng cây roi mây, củ mây cứng đánh trên đầu trên cổ học sinh riết cũng mệt. Cha mẹ còn đốc: “Thầy đánh nhiều, tôi cảm ơn, thương cho roi cho vọt”. Học trò lớn lên ai cũng khen nhờ thầy đánh mới có ngày nay. Ngày nay đi làm lơ xe đò, gánh nước mướn cũng nhớ ơn thầy. Cuối tuần rủi thầy “thua me”, thứ hai vào lớp, thầy dễ tức giận”gỡ bài cào” với đám học trò quỷ quái.  
Gần cuối năm lớp ba, nghe phong phanh mình sẽ ra tỉnh tiếp tục học. Khi mang khai sanh vào cho thầy làm giấy chuyển trường, bạn bè tha hồ chế giễu. Tôi hiểu lờ mờ, vì tất cả đều do ông già tôi quyết định. Ông đặt đóng cái ghế bố, mua cái mền vải, cái mùng và bốn cây tre làm cây giăng mùng.

LƯU NHƠN NGHĨA ( Tuoi Tre Online )

1 nhận xét:

Tung Shady nói...

Vẫn comments binh thường muk, ko co vấn đề gì

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive