Your Adsense Link 728 X 15

Bí Quyết Để Đạt Được Ước Mơ - Phần 02

Posted by Kenny Phạm 16/7/10 0 nhận xét
Nỗi sợ hãi
“Chỉ có suy nghĩ của bạn mới là nguyên nhân tạo ra sự sợ hãi.”
– A Course in Miracles

TTO - Nếu khi còn bé, nếu phải trải qua một tình huống trớ trêu khi đưa ra nhu cầu của bản thân thì hẳn lớn lên, bạn sẽ trở nên dè dặt trong những tình huống tương tự. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta sợ bị từ chối, mất thể diện và sợ bị người khác lợi dụng hoặc chế nhạo.
Kết quả là chúng ta trở nên thụ động, tự tước đi cơ hội thành công của mình. Con người ta cứ mãi đấu tranh với những kẻ thù vô hình do chính mình tạo ra mà quên đi cuộc đấu tranh bên ngoài để đạt được những gì hằng khao khát.
Sợ bị từ chối
Em muốn cô đến nhà em chơi nhưng em lại không dám mở lời mời cô.
Em rất muốn cô đến nhà em chơi nhưng cánh cửa nhà em đã bị hỏng mất rồi.
Nhà em cũng không có gì để mời cô cả.
Em muốn cô đến nhà em chơi nhưng em rất ngại vì em trai của em luôn há to miệng mỗi khi ăn, và ba em thì mỗi khi đầy bụng lại phát ra những tiếng rất khó nghe.
Ước gì em có thể không còn ngại về những điều ấy để mời cô đến chơi nhà em.
– Alber Callum¬
Nỗi sợ lớn nhất ngăn cản con người yêu cầu điều mình mong muốn chính là sợ bị từ chối.
Tôi tự hỏi: “Mình sợ điều gì nhất?”. Và tôi tìm ra câu trả lời: Tôi sợ nhất là cảm giác thua kém, bất lực trước mọi vấn đề. Tôi rất sợ khi phải đối diện với vẻ mặt cau có, khó chịu của những người xung quanh với ngụ ý chê trách tôi không có năng lực và không thể làm được việc gì ra hồn. Bên cạnh đó, tôi còn sợ bị người khác từ chối nên thường xuyên giấu kín mong muốn của mình trong lòng.
– Stan Dale
Khi còn học phổ thông, tôi để ý một bạn gái cùng trường suốt nhiều năm liền. Cô ấy xinh xắn, giỏi giang, và điều đó khiến tôi rất ngại khi có dịp tiếp xúc. Vài năm sau, tôi lấy hết can đảm bày tỏ lòng mình với cô ấy. Và thật bất ngờ, cô ấy thổ lộ rằng cô ấy cũng đã mến tôi từ lâu.
Hóa ra, tôi đã bỏ phí hai năm dài chỉ vì nỗi sợ trẻ con của mình. Khi tôi mời cô ấy đi chơi, cô ấy đã nói: “Vấn đề của hầu hết con trai là họ đã tự tước bỏ cơ hội của chính mình trước khi người khác làm việc đó. Vì thế, điều anh cần làm chỉ là cố gắng trở nên can đảm hơn mà thôi”.
– John Taylor
Dù có thể bị chế giễu hoặc từ chối thì tôi cũng muốn thử, vì biết đâu có một ai đó muốn kết bạn hay đi chơi cùng tôi thì sao. Và tôi tin vào bản thân mình.
– Michael Hesse
Sợ trở nên ngớ ngẩn
Con người thường mang trong mình một nỗi sợ cố hữu: Nếu yêu cầu điều mình muốn thì mình sẽ biến thành kẻ lập dị và rồi chẳng còn ai thích mình nữa.
Ở trường học, tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi hay yêu cầu giáo viên giảng lại vì tôi không muốn biến mình thành kẻ ngốc nghếch. Tôi cũng không bao giờ dám yêu cầu giáo viên giảng chậm lại dù đôi lúc, tôi chẳng hiểu họ đang nói gì.
– Tim Piering
Tôi rất ngại yêu cầu thầy cô giảng lại bài vì mọi người đều luôn cho rằng tôi thông minh và nắm bắt rất nhanh mọi vấn đề. Nếu tôi giơ tay hỏi lại bài, điều đó đồng nghĩa với việc tôi chứng tỏ với họ điều ngược lại. Vì thế, tôi thường rơi vào trạng thái căng thẳng và mệt mỏi khi không thể hỏi những điều mình chưa hiểu hay không biết. Tôi cũng không dám nhờ bạn bè giúp đỡ vì sợ chúng sẽ tỏ ra kiêu căng. Kết quả là tôi phải vất vả lắm mới có thể đạt được những điểm số như mong muốn.
– Hanoch McCarty
Tôi đã tham gia vào một chương trình thiền định kéo dài mười ngày. Quá trình thiền định được thực hiện trong sự tách biệt và tĩnh lặng hoàn toàn. Chúng tôi không thảo luận, không đọc sách, không xem ti-vi, không viết nhật ký... mà chỉ đi đứng, ăn ngủ và thiền. Sau bảy ngày, người hướng dẫn tổ chức một buổi trò chuyện để xem chúng tôi có thật sự cảm thấy thoải mái và dễ chịu hay không.
Hôm đó, ông ấy đã hỏi về cảm giác của tôi sau mấy ngày tập luyện. Tôi nói rằng tôi cảm thấy mình đang chông chênh và mất cân bằng. Những điều tôi đã tin tưởng trước đây giờ chẳng còn ý nghĩa gì, hay những gì tôi từng thấy đam mê giờ cũng chẳng thể khiến tôi quan tâm. 
Lúc ấy, tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ nói: “Anh hãy ăn một chút gì đó rồi xem ti-vi hoặc đi dạo một lát”. Thế nhưng, trái với dự đoán của tôi, ông ấy chỉ nói:
- Tốt đấy!
Thật sự tôi cảm thấy rất ngạc nhiên. Làm sao sự thay đổi này lại được cho là tốt chứ?
Ông ấy nói:
- Có một sự thật là hầu hết những điều anh tin tưởng đều không hoàn toàn đúng. Vì thế, anh nên loại bỏ chúng để tiếp cận với những điều mới mẻ. Tâm vững vàng và trong sạch sẽ giúp anh nhận định mọi việc tốt hơn.
Rời buổi nói chuyện, tôi cảm thấy đầu óc mình quay cuồng. Tôi đi vòng ra chỗ cánh cổng lớn của tòa nhà, nơi chúng tôi đang ở, rồi giang tay ôm trọn một cây cột to như thể tôi đang cố ôm lấy cuộc sống tươi đẹp này. Chính lúc ấy, cảm giác trống rỗng lại xuất hiện và tôi hoàn toàn rơi vào trạng thái vô định.
Chợt những ký ức trong quá khứ ùa về trong tôi. Tôi nhớ đến cảm giác hụt hẫng khi không biết một việc gì đó đáng lý mình phải biết. Có lần cha hỏi tôi:
– Jack, cây búa đâu rồi?
– Con không biết.
– Con phải biết chứ, bởi vì con giữ nó cơ mà.
Tất nhiên, việc nói với cha rằng tôi không biết như thế thật chẳng hay ho gì.
Tôi nhớ năm đầu tiên đi dạy. Năm đó, học sinh của tôi đã hỏi rất nhiều câu mà tôi thật sự chẳng biết trả lời thế nào. Tôi phải giả vờ như mình biết để không bị xấu hổ và mất mặt trước các em. Không những thế, tôi còn phải vờ tỏ ra hứng thú với những cuốn sách mình không hề thích, hay cố gắng tham gia vào các câu chuyện hoặc trò chơi của các em. Tôi sợ phải hỏi những câu hỏi như “Từ đó nghĩa là gì?” hay “Làm ơn giải thích lại giúp tôi được không?”.
– Jack Canfield
Nếu hỏi một điều gì đó có vẻ ngớ ngẩn, rất có thể bạn sẽ trở nên yếu thế và bị người khác coi thường. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể bị tổn thương khi bị người khác khước từ những điều mình mong ước. Còn tôi, tất nhiên là tôi chẳng muốn cho ai cái quyền được làm điều đó với mình.
– Kevin Smith
Sợ bị phạt
Tôi thấy mình là người đáng thương nhất trên đời này. Tôi luôn bị mẹ mắng mỏ mỗi khi hỏi xin một điều gì đó. Bà cũng không bao giờ trả lời bất kỳ câu hỏi nào của tôi. Cha tôi thường xuyên vắng nhà nên tôi cũng không thể hỏi ông bất cứ điều gì, mà nếu có thì cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Mỗi khi bị khước từ, tôi lại có cảm giác bị kích thích để  càng đeo đuổi nguyện vọng của mình.
Mẹ cũng không bao giờ quan tâm đến những mong muốn chính đáng của tôi, vì bà cho rằng, việc đòi hỏi là biểu hiện của sự ích kỷ và tự tôn. Vì vậy, tôi không dám hỏi xin bất kỳ điều gì, vì tôi biết mình có thể sẽ bị phạt.
– Stan Dale
Khi bạn tôi tám tuổi, bố bạn ấy bảo:
- Con hãy thử lái thuyền xem sao.
Và kết quả là bạn ấy đã làm hỏng cả chiếc thuyền vì chưa được dạy cách khởi động máy cũng như làm thế nào để giữ thuyền thăng bằng. Thế nhưng, điều đáng nói là bạn tôi không được phép hỏi vì đó chính là quy định trong gia đình bạn ấy. Nếu vi phạm, bạn ấy có thể sẽ bị phạt nặng kèm theo lời nạt nộ:
- Tao nhớ là đã chỉ mày cách khởi động rồi mà.
– Kelle Apone
Sợ bị bỏ rơi
Từ xưa đến nay, chúng ta thường quan niệm rằng, việc nêu ra những yêu cầu hay mong muốn là quá bạo dạn và không hợp với phụ nữ. Vì thế, một khi họ bày tỏ những mong muốn của bản thân thì gần như lúc nào họ cũng sẽ nhận về những điều tiếng không hay.
Thế nhưng, phụ nữ là những người có nhu cầu về tình cảm, vật chất… rất cao. Định kiến này đã khiến họ phải sống trong cảnh tẻ nhạt và đành quên đi những nhu cầu cá nhân. Và thực tế đáng buồn là đa số đàn ông lại không đủ tinh tế để nhận ra điều đó.
Nhiều trường hợp, người chồng thường tỏ ra khó chịu khi vợ mình tốn nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu những suy nghĩ của anh ta. Họ không hiểu được rằng, sở dĩ vợ họ phải làm như vậy vì cô ấy rất e ngại khi phải đưa ra một yêu cầu nào đó. Ở nhiều nơi, phụ nữ không có quyền bầu cử và ứng cử, cũng như tiền lương của họ cũng thấp hơn các đồng nghiệp nam. Thế nhưng, điều đáng nói là hầu hết chị em đều tự đánh giá thấp bản thân cũng như không ý thức được các quyền lợi cơ bản của mình.
Hãy hình dung bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi yêu cầu chồng quan tâm đến mình nhiều hơn? Liệu bạn có cảm thấy hơi ngại ngùng không? Nỗi sợ lớn nhất của nhiều phụ nữ là sợ bị chồng bỏ rơi, thế nên, họ rất cẩn trọng hoặc không dám bày tỏ nỗi lòng mình quá nhiều.
– Tiến sĩ Barbara De Angelis
Lo sợ gánh nặng ơn nghĩa
Một số người lo ngại rằng việc yêu cầu người khác giúp đỡ sẽ khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn của gánh nặng “ơn nghĩa”, khi cả hai phía đều có suy nghĩ phải đền đáp lẫn nhau.
Một lần, bạn tôi có việc phải đi công tác và sang nhờ tôi trông hộ đứa con gái nhỏ. Khi trở về, họ tặng tôi một món quà trả ơn. Sau khi nhận quà, tôi lại thấy mình mang nợ họ nên quyết định đáp lễ bằng một món quà khác. Tôi có cảm giác cái vòng luẩn quẩn này sẽ còn tiếp diễn – tôi nợ họ – họ nợ tôi – và mọi việc sẽ cứ lặp đi lặp lại không biết khi nào mới chấm dứt.
– Patty Hansen
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive