Your Adsense Link 728 X 15

P01: Nửa mối tình đầu

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Giới thiệu sách
 
Nửa mối tình đầu
Tác giả: Lưu Thị Lương
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2007
Giá: 28.500 đồng
Giới thiệu:
Lưu Thị Lương viết truyện như tường thuật mọi chuyện xảy ra quanh mình. Một cuộc sống bình thường, phẳng lặng, không có những biến cố lớn lao. Thì cũng đúng, chị là một nhà giáo. Văn chương không cố tình ẩn ý, không tỏ ra sắc sảo, cao siêu. Nhưng nhạy cảm với những tích tắc trong quan hệ con người.

Canh bạc của mỗi người
Ngày mai về, kết thúc chuyến du lịch gần một tuần. Buổi chiều tự do. Mọi người kéo nhau ra chợ mua sắm đặc sản. Phòng 234 nhấc điện thoại nội bộ gọi. Alô. Xuống 135 họp. Nhớ đem theo tiền lẻ.
Họp là tiếng lóng, nói giỡn cho vui. Nhưng sòng bài tới có năm người. Hiệp, Phương nhanh chân giành hai cái ghế bành, tha hồ dựa. Loan và Phát chia nhau hai cái ghế phụ thấp như ghế quán cóc. Còn thừa một người là Thương.
Thương ôm cái gối vào bụng, ngồi trên giường, nói trong lúc mọi người đang chia bài.
- Cho tôi ngồi coi chút nghe. Tôi muốn biết tại sao người ta mê man đánh bài. Có cái gì xui khiến họ.
- Học đánh luôn càng tốt. Dễ lắm. Coi một hồi biết liền.
- Nghe nói người nào thông minh thì đánh bài giỏi phải không?
- Chắc vậy.
- Mấy người đánh thứ này gọi tên là gì? Đánh làm sao?
Đang nói liến thoắng, Thương kêu lên sửng sốt:
- Ủa! Xong một ván rồi hả? Vậy bây giờ ông Phát chia bài là ông Phát mới ăn phải không?
Mọi người cười mỉm. Có chút hiểu biết đấy.
Phát tử tế và ân cần nghiêng những lá bài của mình cho Thương coi, chỉ dẫn:
- Nè, như vầy gọi là đôi. Có đôi thì đánh.
- Vậy ai không có đôi thì thua. Đúng không?
Đám bài bạc chẳng cần “ừ”. Họ tiếp tục và say sưa tính toán. Thỉnh thoảng có tiếng giảng giải. Nhưng Thương tỏ ra không muốn hiểu thêm. Cô chỉ muốn ngồi quan sát đám đánh bài “vì chưa bao giờ được thấy”. Phòng nhỏ. Đông người. Máy lạnh mở hết cỡ. Thương ôm mền chạy từ giường này sang khác để ngó sau lưng mấy người. Vì lạnh nên cô xõa tóc. Mái tóc dài, uốn quăn quíu và dày mướt lòa xòa tới thắt lưng, trông rất có vẻ đóng phim đóng kịch. Rõ ràng Thương đang làm điệu. Nhưng chắc không phải với Phát. Vì Phát thấp người. Râu ria xồm xoàm. Lại có vẻ quê quê. Loan biết Thương đang cố làm cho Hiệp chú ý. Hiệp cao một mét bảy mươi sáu, vai rộng, mũi cao, răng đều đặn. Từ giọng nói đến điệu bộ đều hết sức đàn ông. Có điều so với Thương thì còn quá trẻ.
Đến lượt Hiệp chia bài, Thương nói ngay:
- Chà. Nãy giờ mới thấy Hiệp thông minh được một lần.
Hiệp nhìn lên rất nhanh rồi cúi xuống, nói lúng búng.
- Thông minh chỉ là phụ. Cái chính là sự may rủi.
Nhưng sau câu khen ngợi của Thương, Hiệp có vẻ ăn thêm nhiều lần nữa. Không biết vì may rủi hay vì muốn chứng tỏ mình thông minh. Vô tư mà nói chàng trai trẻ này ngay buổi đầu tiên đã chú ý tới Thương. Có lẽ tại Thương ồn ào nhất đám. Qua vườn thanh long thì xuýt xoa “Đẹp ơi là đẹp”. Dọc đường thấy bày bán trái cây thì cứ kêu ríu rít “Bác tài, dừng lại mua”. Trời nắng than van nóng bức. Trời mưa rền rĩ ướt át. Lên xe giành ngồi phía cửa để có gió lùa, nhưng lại mặc áo gió, kéo nón trùm đầu. Xe mở máy lạnh thì kêu chết ngộp. Vào hàng ăn, Thương ngó con mực dồn thịt no tròn, hỏi “Làm sao ăn đây?”. Loan ngồi đối diện, bực mình gắt “Mụ này mai mốt chắc bắt chồng làm hết việc nhà. Thì lấy muỗng mà xắn”. Thương nói, không biết có tí giả vờ nào không “Sợ gãy muỗng người ta”. Ở bàn bên kia Hiệp day mặt lại, nói trống không “Để cắt giùm cho”.
Cái vẻ tiểu thư đài các ấy rất dễ khiến Hiệp ra tay làm việc nghĩa. Thêm nữa, Hiệp là trưởng đoàn. Leo lên núi đến chỗ tạm nghỉ, Thương vừa yểu điệu “Khát ghê” là Hiệp lẳng lặng đưa ngay chai nước trước mặt. Đôi mắt cụp xuống, cái miệng cười cười mời mọc và rất kịp thời mọi lúc mọi nơi, Hiệp đưa cánh tay dài thượt rắn chắc, bàn tay rộng và to để kéo Thương qua một gộp đá hay gỡ giùm một nhánh gai tai ác móc vào tóc áo làm Thương kêu thét rất lâm li bi đát.
Đến tối, khi xe chở đi dạo phố, Hiệp đã đường hoàng ngồi chung hàng ghế với Thương (có người mệt không đi). Họ nói chuyện, không ai nghe được. Chỉ thấy tóc Thương bồng bềnh và những tiếng cười nhỏ nhẻ thoang thoảng trong gió đêm. Mấy người phòng 135 đi rỉ tai mọi người là sáng hôm sau, Thương vừa chải đầu vừa hát “Đêm qua em nằm mơ...”
Ngay buổi sáng hôm đó, xảy ra một chuyện, không biết có xuất hiện trong giấc mơ của Thương không. Thương có người quen tìm. Thương mừng rỡ chạy vào phòng tiếp tân  “Phương hả. Trời ơi”.
Phương là con chủ tiệm vàng (hai tiệm vàng), bạn hàng xóm với Thương. Coi bề ngoài rắn chắc mạnh khỏe, nhưng Phương lại mang một thứ bệnh khác người. Bác sĩ khuyên, phải ở xứ lạnh bệnh tình mới thuyên giảm. Phương đã ở cả tháng. Buồn nhớ thành phố. Biết Thương lên, cô mừng lắm, đến tìm ngay. Vì đã ở lâu, Phương rành rẽ chỗ nào ăn uống, nhảy nhót, hát hò. Buổi trưa đó, Phương xách đồ đạc đến khách sạn ở chung với Thương. Hai người nằm chung chiếc giường cá nhân “ở đây đông vui”. Ban ngày đi đây đó thì Phương tham gia hướng dẫn. Buổi tối rủ nhau đánh bài, một ván năm trăm đồng. Với bốn người, họ lập thành một sòng bạc, đánh đến quên đi ngủ nếu không được ai nhắc nhở. Trong đó, Phương là người dẻo dai nhất, luôn đếm tiền nhiều nhất khi tan sòng.
Thành ra, thời gian gặp gỡ giữa Hiệp và Phương ngày càng nhiều. Hiệp chỉ gọi tên Phương, xưng Hiệp. Phương cũng xưng hô như thế. Còn nói với Thương, Hiệp chỉ nói trống không.
Loan biết chắc, Thương đã thấy mình lu mờ trước Phương nên mới bịa ra chuyện muốn coi thiên hạ đánh bài, để có cớ ngồi chung.
Ngày mai về. Ai việc nấy. Chắc khó có dịp tụ tập. Phát tiếc ra mặt “Ở đây vui ghê”. Hiệp nói nhỏ, con mắt lóe những ánh nhìn hò hẹn hướng tới Phương “Về dưới chơi tiếp”. Phương cười cười. Đôi môi xăm màu hồng tím chúm chím đồng lõa. Loan thấy ghét ghét, cúi xuống gầm bàn để bĩu môi thì bắt gặp chân Phương đang đạp chân Phát. Phát nhích người, có lẽ để tránh. Phát hiền. Giọng nói đặc sệt dân miệt vườn sông nước. Nghe phong phanh gia đình Phát không vui. Vợ anh ta bị bệnh nan y. Chuyến đi này của Phát chủ yếu là cầu cúng khấn xin ở các đền miếu chùa chiền nổi tiếng linh thiêng. Phương nghe được chuyện của Phát, có vẻ rất quan tâm.
Vậy là họ cứ đi thành bộ năm người. Loan ở trong bộ năm ấy vì đó là nhóm trẻ trong đoàn. Thương thì cố ý đi chung với Hiệp. Hiệp ra mặt thích Phương hơn. Cái gì cũng kêu “Phương. Phương lại đây”. Còn Phát thì đi theo họ vì “Mấy cô mấy chị đi mua đồ rẻ, biết nhiều chỗ ăn ngon”.
Phương đã lấy chân về. Mấy ngón chân mũm mĩm gọt giũa công phu, sơn màu hồng pha nhũ bạc, đẹp như chân người mẫu chuyên quảng cáo giày dép guốc. Bàn chân giàu có, không bị tàn phá bởi các loại nước rửa thịt cá, chén bát nhớp nhúa trên sàn nhà bếp. Thương cố gắng bộc lộ nữ tính, còn ở Phương, chỉ là những cử chỉ tự nhiên. Phương uốn tóc xù bung. Gội đầu xong chẳng cần lược, chỉ xỉa mấy ngón tay mà chải. Nhìn tóc Phương là nhớ tới con chó đẹp nhất của gánh xiếc rong, trong truyện Vô gia đình. Hàm răng giả buộc Phương phải ăn uống từ tốn nhỏ nhẻ. Hiệp đã nhiều lần nuốt xuống vội vàng để kịp kêu lên “Nhìn Phương ăn giống như con mèo. Dễ thương quá hỉ”.
Kể ra đầu óc Hiệp cũng phong phú, biết tưởng tượng, mà cũng có thể có tí chút lãng mạn nữa. Hiệp đã xúc động khi nhìn thấy Thương xõa tóc lần đầu tiên. Lúc đó, đang xăm xăm sải bước, Hiệp khựng lại, hai tay bỏ tọt vào túi quần. Con mắt Hiệp lóng lánh trong bóng tối.
Hiệp hay cất giọng ồm ồm, rất đàn ông để nói những điều gì đó, ngắn gọn, cho ra vẽ lãnh đạo. Với cương vị trưởng đoàn, Hiệp luôn cố tỏ ra nghiêm nghị, cứng nhắc. Trò đùa duy nhất của Hiệp là thỉnh thoảng, Hiệp giả giọng Huế của một bà bác trong đoàn mà nói “Quá hỉ”, như loại câu hỏi nối trong ngữ pháp tiếng Anh. Tiếng “hỉ” kéo dài ra rồi cuộn tròn lại. Cái thứ tiếng nhại lại người ta bao giờ cũng gây cười. Thương cười hăng hắc. Phương tủm tỉm. Phát thật thà “mày nói hỉ hay hơn tao quá hỉ”. Còn Hiệp thì không giấu giếm nỗi thích thú được mọi người chú ý. Hiệp nhe ra hàm răng trắng đều đặn. Lúc đó, trông Hiệp càng đẹp trai.
Loan đoán, Hiệp chưa có bồ bịch gì. Ngày đầu tiên, Phát hỏi  “Đi lâu quá, về bồ bỏ sao mậy?” Hiệp quay đầu ra sau, liếc nhanh quan sát cả xe, trả lời đùa cợt “Bỏ càng tốt”. Rồi tỏ ra đặc biệt săn sóc Thương. Rồi công khai cặp kè Phương trong đám đánh bài, chia xẻ với Phương niềm hân hoan, nỗi tiếc rẻ khi được khi thua.
Rõ ràng Phương hơn hẳn Thương về mọi mặt. Trẻ đẹp hơn, tự nhiên hơn, và quan trọng nhất là giàu có hơn. Tội nghiệp Thương! Cô ta được chú ý ngay từ bữa đầu gặp gỡ, nên khó có thể tin rằng Hiệp đã quay ngoắt thật dã man. Đúng thế. Phải nói là dã man. Bởi vì đối với cả hai cô gái, Hiệp chỉ có một dã tâm duy nhất. Con mắt nó gian gian thế nào ấy. Loan hơi băn khoăn. Mình có chủ quan không nhỉ?
Mải suy nghĩ, Loan quên mất tập trung tính toán. Hiệp đang đà thắng đậm, hăng lên, khều tay Loan, thăm dò:
- Chị Loan. Heo của chị đâu?
Thương ré lên the thé:
- Ủa ủa. Heo là gì?
Chẳng ai muốn trả lời câu hỏi phá đám ấy. Loan thấy ngượng giùm cho Thương, bèn giảng giải:
- Heo là lá bài có hai nút, có hai dấu hiệu.
Tất nhiên, Thương hỏi tiếp:
- Sao gọi là heo?
Loan thành thật trả lời không biết. Cả ba người kia cũng không biết. Họ không phải là kẻ máu mê cờ bạc. Chẳng qua rỗi rảnh quá thì chơi cho vui. Trong đó, Loan chơi dở nhất. Hồi còn sinh viên ở nội trú, bạn bè dạy qua dạy lại. Bây giờ thỉnh thoảng gặp dịp, tham gia vì ham vui. Loan chẳng tính toán tới lui gì, cứ đánh bừa, ăn thua loạn xạ. Hiệp ngồi bên cạnh cứ nhắc bâng quơ “Bảo trọng. Bảo trọng nghe”. Loan nghĩ thầm. Chính mày mới phải bảo trọng đấy. Nhóc ạ. Bởi mày không thấy bàn chân Phương làm gì dưới gầm bàn. Phát xấu xí, lùn tịt, dáng đi lạch bạch như con vịt nhưng lành tính, lại có hoàn cảnh gia đình éo le. Phụ nữ thường dễ mủi lòng. Phương đâu còn thiếu thốn gì nữa. Cô ta chỉ thiếu một người đàng hoàng, đáng tin cậy, nhất là biết cảm thông về nỗi bệnh tật triền miên. Không biết ở những đình miếu Phát đã đi qua, đã có ai gieo quẻ cho Phát biết, anh ta có số lấy vợ bệnh không thuốc chữa chưa.
Nghĩ tới đó, Loan bật cười. Hiệp lại bâng quơ “Bảo trọng nghe”. Phương nghiêng người hỏi Loan: “Định chặt hẻo hả?”. Loan lắc đầu mình không có và vô tình bắt chước Hiệp “Thôi. Lo bảo trọng đi”.
Phải. Tất cả mọi người phải bảo trọng đấy. Mọi người đang đánh bạc. Không phải bằng những tờ giấy một hai ngàn gập vào một góc, mà đang đặt cược bằng chính cuộc đời mình đấy (kể cả Thương đang yểu điệu một cách thảm hại thừa thãi trên những chiếc giường đằng sau kia). Nói theo cách nghĩ của Thương thì ai thông minh mới thắng cuộc. Còn nói như Hiệp thì chỉ là sự may rủi tình cờ. Chỉ riêng Phát là vô tư. Anh ta là kẻ chủ xướng trong vụ tụ tập nhóm bài bạc, ngay cả lúc ngồi trên xe. “Cho đỡ buồn. Cho hết giờ ấy mà”.
Còn mình? Loan nghĩ lan man. Mình cũng sắp đánh bạc với cuộc đời viết lách. Lâu nay gởi truyện cho báo nào cũng bị chê. Buồn quá. Cứng queo. Chuyến này về, mình sẽ viết chuyện chàng Hiệp trẻ trai đẹp mã đánh bài với hai cô tiểu thư lớn hơn nó mấy tuổi. Không chừng lại bị phê bình, muốn cổ động cho thói xấu tứ đổ tường hả.
Thương ngồi mãi chẳng thấy ai để ý đến mình nữa, bèn đứng lên xoa bụng kêu đói. Trong tủ lạnh còn một cây sandwich. Thương hí húi khui hộp patê, vừa khui vừa đau tay, dơ tay. Mùi patê tỏa ra, béo ngậy, làm đám đánh bài cảm thấy đói bụng theo. Hiệp nói trống không:
- Cho miếng đi hỉ. Thơm quá hỉ.
Thương nói âu yếm “Từ từ nào”, nhưng lại phát cho Hiệp miếng đầu tiên. Hiệp cầm lấy, chẳng cảm ơn, bẻ ngay cho Phương một nửa. Phương kêu sợ mỡ rồi đưa cho Phát, giọng rất ngọt:
- Ăn giùm em.
Phát cười bối rối, cắn một miếng to. Tiếng nói lẫn trong miếng bánh mì:
- Ngon ghê.
Phương chúm môi duyên dáng, nửa đùa nửa thật:
- Thấy em tốt ghê không? Gật đầu cái coi. Vậy đó. Anh giỏi lắm.
Loan cũng cắn một miếng, suýt nghẹn vì buồn cười.
Trước mặt Loan, Hiệp đang phồng mang trợn mắt, ngoạm một lần gần hết nửa phần bánh còn lại. Cái điệu bộ ấy, y hệt con sói trong phim hoạt hình “Hãy đợi đấy!” đang gào thét hung hăng, thảm thiết.

LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive