Your Adsense Link 728 X 15

P02: Lạc chốn thị thành - Chương 1

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Trời đã tối hẳn. Mưa bắt đầu rơi. Gió phần phật chạy trên những tán cây loáng nước ven đường. Đèn cao áp nhễ nhại sáng. Lúc chiều chúng tôi dung dăng diễu trên phố, trời vẫn còn nóng hầm hập, vậy mà giờ đây cả thành phố đã ướt sũng nước.
Cũng may bộ tứ chúng tôi đã kịp yên vị trong hàng quẩy nóng trên phố Thái Thịnh.
Bếp than quây trong tấm cót ép vẫn rừng rực cháy. Con bé Nấm hối hả căng tấm bạt để che mưa. Mẹ Năm thoăn thoắt thả từng miếng bột vào cái chảo mỡ tí tách sôi trong con mắt thèm thuồng, háu ăn của bốn đứa tôi. Con Oanh lăm lăm cầm đũa, ngó thấy cái quẩy nào vừa kịp vặn mình vàng ươm trong chảo mỡ là gấp luôn, không “thương tiếc”. Mẹ Năm bật cười.
- Tổ cha chúng bay. Lớn nghều lớn ngào thế này mà có khác chi con nít hả.
Chẳng biết từ khi nào chúng tôi đều nhất loạt gọi người phụ nữ phúc hậu, có cái giọng miền Trung nằng nặng ấy là “mẹ Năm”. Mẹ Năm cũng rành tính của tụi tôi ghê lắm. Con Oanh thì hay chảnh chọe này. Con Phương hoa khôi thì điệu đàng này. Con Nhung thì hay kẻ cả đàn chị nhưng biết nhường nhịn. Còn tôi lại hay cả nể.
Đây là quán ruột của chúng tôi trong suốt mấy năm đại học. Quán quà nghèo cho những đứa sinh viên quanh năm viêm màng túi âu cũng là thú vui không dễ mấy ai có được. Nhất là vào những buổi tối mùa đông căm căm rét, mấy đứa chúng tôi được xì xụp ngồi quanh chảo quẩy nóng, chờ cho những cục bột bé tí xíu trong chớp mắt biến thành những thanh quẩy vàng bóng, giòn tan, làm thỏa những cái miệng háu ăn. Thêm một chút nước mắm có vị thơm của tôi đập dập, vị tê tê cay của tương ớt, và hơi bếp ấm cúng lan tỏa quanh mình thì thật chẳng có thú vui nào bằng. Chẳng thế mà “lễ kỷ niệm ngày ra trường” đã được cả bốn đứa quyết tâm cao: đến quán quẩy nóng mẹ Năm!
Chúng tôi quí mẹ Năm bởi hoàn cảnh của mẹ. Một nách hai con lưu lạc ra chốn này, mở gánh hàng quẩy để duy trì cuộc sống cho ba mẹ con. Người con trai của mẹ nay đã học nghề sửa xe máy rồi xin vào làm thuê cho một xưởng sửa chữa trên dốc Ngọc Hà, còn cái Nấm – cái con bé gầy nhẳng, ít nói – thì phụ giúp mẹ Năm bán hàng.
Quẩy nóng làm cả bốn đứa thay nhau xuýt xoa. Bất chợt cái Nhung chị cả tần ngần:
- Chẳng biết mấy nữa tụi mình có còn được ngồi với nhau vui vẻ như thế này nữa không nhỉ?
Tôi dừng ăn, tự nhiên thấy có một cảm xúc rất lạ dâng lên. Mai, sau lễ tốt nghiệp, tôi sẽ về quê thăm cậu mợ. Sau đó cuộc sống sẽ thế nào tôi cũng chưa hình dung ra được.
Con Oanh – đứa duy nhất trong bộ tứ chúng tôi không theo con đườn đại học – chép miệng:
- Gớm, lo gì chứ. Thế nào mà chẳng sống được. Như tớ đây này.
Phưong bật cười:
- Thôi đi mẹ! Ai mà theo mẹ được! Nay bán giầy ở cổng trường. Mai đã ra ngã tư rao bán quần áo. Thà phụ mẹ Năm bán quẩy còn sướng hơn. Được ăn quẩy còn sướng hơn. Được ăn quẩy thỏa thích mẹ nhỉ?
Nhung phụ họa:
- Nghe cũng được đấy chứ. Bớt cho xã hội mấy người thất nghiệp.
Mẹ Năm cười xòa:
- Cứ về hết đây! Mà mấy đứa mi học hành sáng láng, đời nào theo bà già này.
- Già nhưng mà duyên mẹ ơi!
- Gừng càng già càng cay mẹ ơi!
- Mấy mẹ con mình hợp tác làm Công ty sản xuất quẩy phân phối toàn miền Bắc. Giám đốc là Nguyễn Thị Năm, mở ngoặc: tức… mẹ Năm!
- Mấy đứa bay… thật là hết biết mà.
Con bé Nấm đang ngồi rửa chén bát gần đấy, bật cười khúc khích.
- Mai Kiều về quê hả? – nhưng sực nhớ ra, quay sang hỏi tôi.
Tôi se sẻ gật đầu.
- Con về cho mẹ gửi lời hỏi thăm cậu mợ nhé - mẹ Năm quay sang nhìn tôi âu lo - tàu xe bây giờ phức tạp lắm, con phải cẩn thận. Tiền nong chớ có để vào túi xách, dễ bị kẻ gian nó móc.
- Vâng ạ - tôi đáp, tự nhiên thấy lòng mình ấm áp lạ.
Đĩa quẩy nóng được chúng tôi “đánh bay” một cách ngon lành. Không còn thấy bụi mưa tạt vào quán nữa. Trời đêm đã đen thẫm từ lúc nào. Con Nấm bắt đầu dọc hàng.
- Thôi tụi bay về đi, mưa tạnh rồi đó. Ngồi rảnh rỗi lại chọc bà già này. Sáng mai còn dự lễ bế giảng khóa học hả. Chắc là tha hồ mà vui đây. Con Nấm nhà này bao giờ được như các chị nhỉ.
Chúng tôi bịn rịn chia tay với quán hàng quẩy nóng của mẹ Năm. Con bé Nấm đứng dựa cửa ngó theo chúng tôi. Mắt nó sáng lên mãnh liệt trong đêm.
Buổi lễ bế giảng khóa học kết thúc với những cảm xúc vui buồn đan xen. Tôi hối hả qua ký túc xá lấy túi hành lý. Từ tết đến giờ, mải bận rộn với những chuyện học hành, thi cử tôi vẫn chưa về thăm nhà. Thế nào mợ cũng có cớ để nói tôi. Chẳng hiểu sao lúc nào tôi cũng có mối lo nơm nớp bị mợ mắng mỏ bằng cái giọng ngọt nhạt rất đáng sợ. Nỗi sợ này ám ảnh tôi ngay từ thưở nhỏ. Khi cha mẹ chia tay và mẹ tôi mất năm tôi mới 10 tuổi, cậu đã nhận tôi về nuôi trong sự phản đối quyết liệt của mợ. Nhưng ngoài cậu ra, tôi còn biết nương tựa vào ai…
Nhung chị cả chở tôi ra bến xe phía Nam. Lần nào tôi về quê, Nhung cũng giành phần làm xe ôm. Nhìn cái dáng cao lòng khòng, hùng hục đạp xe của nó mà tôi bật cười:
- Thôi để tớ đèo cho. Nhìn mụ trông chẳng khác nào chở gà ra chợ bán cho kịp phiên.
- Định bôi bác nhau đấy hả? - Nhung quờ tay ra phía sau, nắn nắn tay tôi, trả đũa - gớm, con gà này phải nhồi chán mới bán được.
Xe ngày thường không đông lắm lại sẵn chuyến nên tôi không phải đợi lâu. Nhung cẩn thận đợi tôi ngồi yên vị trên xe rồi mới chịu về. Hôm nay nó còn buổi liên hoan cuối năm của lớp, chắc cũng đã tới giờ. Lớp tôi thì đã liên hoan chia chân chia tay, ghi sổ lưu niệm từ hôm chủ nhật cho thong thả. Vì vậy hôm nay vừa tan lễ trên hội trường lớn cả lớp đã tan tác mỗi người một ngả.
Mới bắt đầu vào vụ hè, cái nắng đã đổ rát cả mặt đường. Con đường qua Nam Định đang thi công mở rộng, nên mỗi khi có xe chạy qua lại cuốn theo cả một cơn lốc bụi mù mịt. Khói xăng, bụi đường cùng với mùi mồ hôi người hầm hập trong khoang xe khiến tôi mệt lử. Tôi chụp cái mũ vải mềm lên mặt, tựa vai vào thành xe, cố chợp mắt. Được một lúc, tôi chợt giật mình khi thấy như có vật gì đó đang di chuyển trên đùi mình nhồn nhột. Tôi mở choàng mắt. Chiếc mũ rơi xuống đất thảng thốt. Gã đàn ông ngồi cạnh tôi vội rụt tay lại, miệng cười nhăn nhở:
- Chắc em về thăm nhà? Đang học trên Hà Nội chứ gì? Anh nhìn cái là biết ngay. Gớm con gái nông thôn lên thành phố mấy năm là trông khác ngay. Có da có thịt, nhìn cứ sướng cả mắt.
Có tiếng cười hô hố từ hàng ghế sau:
- Em ơi, đuổi mẹ thằng ấy đi, để anh lên ngồi bên, anh bảo vệ cho. Thằng ấy nó dê lắm. Có ba vợ rồi mà vẫn máu gái lắm. Anh đây vẫn trai tân đây này.
Gã đàn ông ngồi bên cạnh tôi cười phun cả nước bọt ra xung quanh:
- Mẹ kiếp cái thằng này. Ấy kìa, em gái, bọn anh chỉ đùa tí cho vui ấy mà…
- … Đéo gì mà phải ghê thế. Báu lắm đấy.
- Gớm lũ con gái bây giờ đàn ông chưa chạm tới đã dạng háng ra, gì mà mày phải sợ.
Chắc có lẽ lúc ấy trông mặt tôi khủng khiếp lắm. Máu nóng dồn lên mặt bừng bừng. Nhưng tôi cũng không biết phải nói gì. Tôi không có tài cãi vã, nhất là trong những trường hợp như thế này. Quả thật ôi muốn giá như mình có thể tát vào mặt hai gã đàn ông khả ố ấy. Tôi ôm túi đồ đứng phắt dậy. Nhưng tôi biết ngồi ở đâu? Chẳng ai buồn bận tâm đến những chuyện khác không liên quan đến mình. Tôi mong biết mấy có tiếng gọi tôi trong xe: “Thôi, xuống đây ngồi với bác đi cháu. Chấp gì lũ chúng nó”. Nhưng chẳng có một tiếng nói nào như thế cả.
Cả người tôi run lên vì tủi thân, vì cảm giác cô độc. Dường như đang có cả một đàn chuồn chuồn đen kịt chấp chới bay trước mắt, khiến tôi không tài nào nhìn được. Hai mắt cay xè. Tôi bám chặt tay vào thành ghế bên cạnh.
Vừa may lúc ấy chiếc xe dừng lại, đón thêm khách dọc đường. Tôi loạng choạng lách người bước ra cửa. Gã đàn ông khả ố cố nói đuổi theo:
- Lần sau gặp anh thì đừng có lạnh lùng thế em yêu nhé. Thích gì anh cũng chiều. Đảm bảo em sẽ bết xa mê!
Chiếc xe ôtô phì phì nhả khói rồi ì ạch lăn bánh về phía trước, bỏ lại tôi trơ trọi giữa đường.
Càng về trưa trời càng nắng nóng. Tôi phải chạy núp vào một căn nhà bỏ hoang cạnh đường để tránh nắng và đợi xe khách Thái Bình đi qua, trong lòng cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Bất chợt tôi chạnh nhớ đến lời của Ân khi còn ở trên trường: em không thay đổi cách sống và cách suy nghĩ thì sẽ rất khó trụ lại ở đất Hà Nội đầy rẫy những sự phức tạp này. Em phải chịu khó hòa nhập. Cái gì không thích thì cứ bơ đi mà sống. Em cứ nhìn cái Phương ấy. Kiểu như nó dễ sống và dễ thành đạt lắm.
Phương là hoa khôi trong nhóm bộ tứ bọn tôi. Nó quê ở Nghệ An, người cao, da ngăm đen, khuôn mặt hơi giống phụ nữ Ấn Độ. Nó từng đi thi hoa hậu toàn quốc từ khi còn học lớp 11, sau đó xuất hiện trên nhiều bìa báo, tạp chí nên lúc vào trường tôi nhận ra nó ngay. Tính nó hoạt bát và khá nhanh nhạy với thời cuộc, phải mỗi tội điệu đàng quá. Vì vậy tuy chưa ra trường nhưng Phương đã kiếm được việc làm, sắm được xe máy, điện thoại di động, có lúc lại có cả xe ôtô đưa đón nom chẳng khác nào tiểu thư con nhà giàu.
Nhóm bốn đứa bọn tôi có Nhung chị cả và tôi là hai đứa cứng đầu cứng cổ, và bảo thủ “hạng nhất”. Hai đứa tôi cùng là dân trường chuyên, chơi với nhau từ ngày còn học phổ thông. Lên đại học cũng chỉ chúi mũi vào học hành, sách vở. Mỗi năm mắt lại tăng thêm 0,5 diop. Tôi thì vẫn ổn định ở mức: 1m56, nặng 44kg, chứ cái Nhung thì mỗi ngày mỗi lêu đêu, người gầy nhẳng. Chẳng thế mà cái Phương đã gọi chúng tôi là “đám mọt sách già đáng yêu”. Còn Oanh Thanh Hóa tính hơi bộp chộp nhưng thuộc tuýp người vui vẻ, dễ gần. Cô nàng có máu làm ăn từ bé. Thi trượt đại học, gia đình nó đầu tư cho con ôn thi lớp 13 trên Hà Nội, ai dè chị chàng ôn thi hai năm không đậu nên đến năm thứ ba nó lấy tiền học ôn để “làm vốn” đi buôn. Sự việc kéo dài gần hai năm mới bị bố mẹ nó phát hiện. Cũng là do một người làng tình cờ lên Hà Nội mua hàng gặp nó nên về quê kể lại. Bố mẹ nó biết chuyện chỉ đành lắc đầu chịu thua. Thôi thì nó không chịu học hành bằng bạn bằng bè nhưng cũng biết đường làm ăn, không chơi bời, phá phách là may.
Đầu tiên Oanh bán giầy dép Tầy ở dọc đường Nguyễn Chí Thanh, khu vực trước cổng trường đại học Luật. “Ca bán hàng” của nó là vào giờ tan tầm đến tận 10 giờ đêm. Sau nó chán vì có quá nhiều hàng cạnh tranh, lãi lời chẳng được bao nhiêu, suốg ngày nơm nớp lo công an ra dẹp nên nó lại ra Ngã Tư Sở thuê cửa hàng bán quần áo rẻ tiền. Được một thời gian, tiền nong cũng xôm xôm, nghe ai xui, nó về lại “địa bàn” trường luật mở cửa hàng bán đồ lưu niệm. Được một thời gian nó lại lăn ra mở cửa hàng bán đồ mỹ phẩm trên phố Thái Hà. Hàng này lãi cao hơn, công việc sạch sẽ lại đỡ vất vả nên chưa thấy nó bỏ.
… Mải nghĩ miên man, đến khi chiếc ôtô đi Thái Bình đỗ xịch bên đường trả khách tôi mới giật mình xách túi đồ chạy vội ra. Xe chật, tôi đành phải đứng cạnh cửa trước trong tư thế chân co chân duỗi. Chỉ còn khoảng 40 cây số nữa là về đến nhà. Nhìn con đường phía trước phờ phạc trong cái nắng đầu hè, những thớ ruộng căng nẻ trôi dọc cửa sổ xe, tôi thấy cổ họng mình muốn khát cháy.
Tôi về đến nhà thì mọi người vừa dùng bữa xong. Mợ ngồi bên mép phản, xỉa răng quèn quẹt, nói bâng quơ:
- Lần sau có về thì tính giờ mà về. Lửng lửng lơ lơ thế, ai mà hầu được.
Lòng tôi thắt nghẹn. Sao chưa bao giờ mợ tỏ ra niềm nở với tôi? Tôi cố nén hơi thở đang nghẹn ứ trong cổ họng, đáp:
- Cậu mợ không phải lo cho cháu đâu, lúc xuống xe thấy bụng đói, cháu đã tạt vào hàng ăn bát bún rồi mới về.
Cậu tôi ngồi bên bàn nước, nghe tôi nói vậy bèn nhăn mặt tỏ ý không hài lòng:
- Ăn đường ăn chợ thế không đảm bảo đâu. Lần sau đã về nhà là phải ăn ở nhà. Cậu bảo em Thanh nó nấu cơm ù một tí chứ có làm sao.
Mợ tôi loẹt quẹt ra bàn, với  lấy chén nước cậu vừa rót, uống ừng ực rồi đánh mắt sang tôi:
- Gớm, sang nhỉ. Lại có tiền ăn quán nữa cơ à? Thế này mà cậu mày cứ lo cho cô cháu yêu không nhà không cửa, không có tiền tiêu. Gớm bây giờ các cô các cậu chẳng nhanh nhậy, tài giỏi hơn chán vạn lần mấy ông bà ở cái xó nhà quê cứt trâu lấm tận đầu này à. Mà ăn hàng chẳng sướng hơn ăn nhà ấy cháu nhỉ. Cậu mày đúng là cổ lổ sĩ. Ông tướng cơm của ông báu lắm ấy. Gớm chết!
Cậu tôi làu bàu:
- Hôm nay bả ăn nhầm phải khoai ngứa hay sao thế? Đưa con bé con vào nhà ngủ đi.
Con Thanh, em họ tôi, nem nép nhìn bố mẹ, cười trộm với tôi một cái rồi đi vào trong nhà.
Lòng tôi cảm thấy nặng nề. Cha mẹ chia tay nhau khi tôi còn nhỏ. Đến năm tôi lên 10 thì mẹ tôi bị tai nạn, chết không tìm thấy xác. Họ hàng quanh đi quẩn lại chỉ còn cậu mợ Thân. Mợ chưa bao giờ ưa tôi cả. Không biết có phải vì ngày xưa mẹ tôi đã quyết liệt ngăn cản chuyện hôn nhân của cậu mà mợ đâm ra hận lây sang tôi?
Chờ cho mợ đi vào buồng trong, cậu chỉ vào chiếc ghế trước mặt và gọi tôi:
- Kiều, ngồi xuống đây cho cậu hỏi.
- Dạ…
- Có thật là đã ăn gì chưa hả cháu? Sao lại nói dối cậu hả? Tính mày tao còn lạ gì?
Tôi nhìn cậu, áy náy. Tôi không nỡ để cậu phải lo cho tôi những chuyện nhỏ nhặt như thế.
- Hay để cậu nấu bát mì tôm ăn cho đỡ đói.
- Cậu ơi, cháu không đói thật mà. Cháu chỉ hơi buồn ngủ thôi.
- Con này, mày cũng ương tính lắm. Có bát chè ngô đây, ăn đi rồi vào giường mà nghỉ. Chiều ngủ dậy rồi cho cậu biết tình hình.
Tôi lặng lẽ cầm bát chè cậu đưa, nhẩn nha ăn. Không có cha mẹ từ nhỏ, nhưng tôi luôn cảm nhận được tình cảm ruột thịt sâu sắc từ cậu, mặc dù thứ tình cảm ấy ở cậu cũng chỉ bộc lộ một cách dè dặt và có phần hơi khô khan. Cậu ít lời, thường bị vợ con lấn át. Nhưng trong chuyện nhận nuôi dạy tôi thì cậu lại rất quyết liệt. Tôi còn nhớ, năm tôi học hết cấp 2, mợ một mực muốn cho tôi đi học nghề để sớm kiếm việc làm cho đỡ gánh nặng gia đình. Nhà có hai lao động chính, mợ thì làm văn thư ngoài ủy ban xã, cậu là giáo viên toán cấp hai, thu nhập của hai người chẳng được bao nhiêu mà phải căng ra để nuôi ba đứa trẻ là tôi, thằng Nhuận – coi trai cả của cậu mợ, (hiện đang học cấp 3 ngoài thị xã) và con Thanh (đang học lớp 4). Vì vậy tôi hiểu nỗi khó nhọc của cậu mợ. Cũng vì lo miếng cơm, manh áo nuôi chồng con mà mợ mới hay cáu kỉnh, đá thúng đụng nia. Năm ấy tôi đã định bỏ học ra thị xã theo người ta làm may nhưng kế hoạch chưa tiến hành đã bị cậu phát hiện. Cậu ra bến xe lôi tuột tôi về nhà. Về đến nhà, tôi chưa kịp hoàn hồn đã thấy cậu lăm lăm chiếc roi, bắt tôi nằm sấp xuống giường. Hai mắt cậu dấp dính nước:
- Nhà có nghèo nhưng con thì nhất định phải học hành đến nơi đến chốn. Ai nói gì cũng mặc. Tốn mấy cậu cũng cho con đi học đến cùng. Con đã hiểu chưa. Từ nay về sau thì đừng có làm gì dại dột như thế nữa. Làm gì cũng nhất nhất phải hỏi cậu.
Cũng vì chuyện ấy mà vợ chồng cậu có chút sứt mẻ. Mợ ôm con Thanh về nhà ngoại ở đến gần một tháng.
- Ăn xong thì vào giường mà nghỉ đi, còn ngồi thần mặt ra thế. Chắc mày về được tuần chứ hả? Có chuyện gì muốn nói thì còn khối thời giờ.
- Cháu chỉ về được vài ba ngày rồi phải đi lên trường cậu ạ.
- Đi ngay thế à?... ừm… Lần nào cũng vội vội vàng vàng. Số mày rồi cũng khổ thôi… Mà… thôi cháu có việc của cháu, cậu không giữ. Về được là tốt rồi. Đi nằm nghỉ một tí cho đỡ mệt.
Tôi đi lên gác xép. Chỗ đó vẫn để riêng cho tôi với một cái giường mét hai, một tủ sách kê sát tường, bụi phủ đầy. Ở góc phòng có thêm một đống chăn đệm đã được gói gọn. Chắc mợ mới đem phơi và cất lên đây cho gọn. Tôi thư thái đặt lưng nằm xuống giường. Gió đồng la đà thổi qua khung cửa sổ hẹp kê ngay chân giường tôi nằm như vỗ về tôi vào giấc ngủ. Mùi ổi chín thoảng ngọt trong gió. Tôi thiếp đi thật nhanh.
“Mốt ăn một
Mốt ăn hai
Mốt ăn ba
Mốt lên bàn hai
Hai ăn hai
Hai ăn bốn
Bảy nhảy múa
Ba lên bàn tám”
Con Thanh nằm lăn ra giữa nhà ăn vạ:
- Thôi em ứ chơi với chị nữa. Chị chơi hết phần em rồi. Giả chuyền đây cho em.
- Hay chị em mình chơi trò khác đi? - tôi rú - em thích chơi ô ăn quan không?
- Thế cũng được - con Thanh nhổm người dậy, mặt hớn hở - để em đi nhặt đá. Chị vẽ ô đi.
Tôi hào hứng lấy mẩu phấn trắng trong hộp bút của cái Thanh, vạch ô ăn quan lên nền nhà. Chợt tôi nghe thấy tiếng mợ chát chúa:
- Giời ơi, đi thì chớ, về  nhà lại vẽ đầy ra đây thế này à? Con Thanh đâu. Nằm lên giường tao bảo.
Tiếng con Thanh khóc ré:
- Ứ phải tại con. Chị Kiều rủ con chứ. Bố ơi, cứu con.
- Này thì bố này! Này thì Kiều này! Nó bảo mày ăn c… mày cũng ăn hả? Sao ngu thế hả con.
Tiếng khóc của con Thanh chìm đi trong tiếng roi quất vun vút. Tôi nhào tới. Tự nhiên thấy người hẫng đi, cảm giác như bị rơi hút vào một hố sâu không đáy.
Tôi choàng tỉnh. Thì ra tôi vừa mơ. Mồ hôi tôi túa ra đầm đìa. Làm gì có tiếng con Thanh khóc đâu. Chỉ có tiếng thầm thì nho nhỏ của mợ tôi:
- Thế bây giờ ông định như thế nào đấy hả? Tôi là tôi không thể nuôi báo cô nó suốt đời đâu đấy. Tôi biết ngay mà. Học xong kiểu gì chẳng mò về bắt cậu mợ xin việc cho. Mà việc ở đâu ra bây giờ. Muốn kiếm việc đi chăng nữa thì cũng phải có sẵn cây này, chỉ nọ ở trong túi chứ. Nhà mình thì kiếm ở đâu ra? Hay là ông có vốn riêng, giấu vợ giấu con?
- Sao bà nói nhiều thế - tiếng cậu tôi gắt giọng:  - bà bớt nói một tí thì có chết không? Cứ làm cho người ta rối cả ruột. Đã nghe nó nói gì chuyện xin việc đâu. Bà chỉ cầm đèn chạy trước ôtô. Mà xin thì xin chứ sao. Nó chỉ còn có vợ chồng mình, phải cố mà lo cho nó chứ.
- Ông xem ông có lo cho con ông được như vậy không. Còn thằng Nhuận, con Thanh, ông tha hồ mà lo. Tôi đang chống mắt xem ông lo thế nào đây. Tự yên tự lành lại mang cả cái nợ này. Giời ơi là giời, trăm tội nợ chỉ đổ lên đầu con này thôi. Cứ thế này thì tôi cũng đến chết non thôi.
Tiếng mợ rền rĩ.
- Ơ kìa, bà hay nhỉ. Tôi đã bắt bà lo cái gì chưa. Đúng là… Mà sao bà bảo chiều nay phải đi đâu cơ mà, sao không đi đi còn ở nhà mà lắm chuyện?
- Tôi đi, tôi đi – mợ tôi đay đá – để cậu cháu ông tha hồ mà làm loạn cái nhà này lên. Xì…! Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu.
Có tiếng xe máy nổ khan đầu hồi rồi nhỏ dần ngoài ngõ. Ngôi nhà yên tĩnh lạ thường. Tôi ghé mắt qua lan can gác xép nhìn xuống. Cậu đang ngồi bên bàn trà, châm thuốc hút. Trông cậu già đi nhiều. Da sạm và hai hốc mắt trũng.
Lòng tôi thắt lại.
Cậu ơi, con về chỉ là muốn thăm cậu và các em thôi. Con không chất thêm gánh nặng cho cậu nữa đâu. Cậu nuôi con ăn học được đến thế này là con mang ơn cậu nhiều lắm rồi. Giá con có mẹ, có cha như những đứa trẻ khác thì đâu đến nỗi phải làm khổ cậu đến thế này.
- Cái Kiều dậy rồi hả. Dậy thì xuống đấy chứ cứ ngồi trên ấy làm gì mãi thế?
Tôi giật mình, chùi vội nước mắt vào ống tay áo rồi đi xuống nhà.
- Ngủ ở nhà thích thật cậu à. Ở Hà Nội có mơ cũng chẳng được hưởng cái gió đồng mát như quạt hầu giống ở nhà thế này.
- Ờ… ờ… - cậu rít thêm một hơi thuốc nữa – có nghe thấy mợ mày nói gì thì cũng đừng có chấp nghe không cháu.
- Cháu… có nghe thấy gì đâu ạ.
- Nói dối thì cũng phải biết cách chứ! – cậu nhìn tôi cười húng hắng – thế nào, cô cử nhân tân khoa, dự định tương lai thế nào, trình bày cho cậu nghe xem nào.
- Cháu… cháu tranh thủ đợt này về nhà thăm cậu mợ và các em. Cháu cũng đang đi tìm việc. Chắc sẽ ổn thôi cậu ạ. Hà Nội rộng thế, lo gì mà không sống nổi phải không cậu. Có gì cháu đã có cậu để trông cậy cơ mà.
- Con gái con gứa một mình nơi đất khách không phải chuyện đùa đâu cháu ạ. Nếu cháu còn học trong trường, mọi việc học tập và sinh hoạt đều có đoàn thể, tổ chức quản lý, cậu có thể không cần lo. Chứ bây giờ là phải tự thân vận động, sảy một li đi một dặm. Hay là cháu cứ về đây, may ra xin việc cũng dễ hơn.
- Thôi cậu ạ, cứ để cháu thử sức ở Hà Nội xem sao đã.
- Thử… biết thế nào mà thử hả cháu? Cậu thấy nó mông lung quá. Hôm trước xem vô tuyến thấy người ta nói cử nhân bây giờ thất nghiệp đầy rẫy. Cử nhân luật của chúng mày còn nhiều hơn. Hầy dà… Nhà nước này đào tạo mà chẳng có tính tới đầu ra gì cả, làm khổ con nhà người ta. Chứ ngày xưa như cậu thì lại đơn giản.
- Ở Hà Nội không được thì cháu về cũng chưa muộn mà. Chứ nghề của cháu xin việc ở quê khó lắm. Mấy anh chị khóa trước cháu cũng đã thử về nhưng có được đâu. Chẳng lẽ lại xin làm tư vấn luật ở ủy ban xã? Mà tòa án huyện thì mấy năm nay đâu có lấy thêm người. Họ còn một đống người đang lo giảm biên chế, cháu chen vào sao nổi. Xin việc trên tỉnh thì lại càng khó hơn. Với lại cháu cũng muốn ở lại Hà Nội, có điều kiện thì học thêm cái gì đó nâng cao kiến thức của mình. Chứ mang tiếng học hết đại học nhưng kiến thức của cháu vẫn còn lỗ mỗ lắm.
- Cháu nói cũng phải. Tuổi trẻ của cáu cháu còn dài, có điều kiện thì cứ vũng vẫy - cậu trầm ngâm – thôi thì cháu cũng đã lớn, mọi việc nếu quyết định được thì cháu cứ quyết, nhưng nhất định phải cho cậu biết nghe không. Cậu cũng có mấy đứa học trò cũ làm trên Hà Nội, nghe đâu cũng thành đạt lắm. Có gì cần, cậu sẽ liên hệ, nhờ chúng giúp đỡ. Còn chuyện tiền nong của cháu thế nào? Cậu mợ có dành dụm được dăm triệu, cũng có ý đợi cháu về để đưa cho cháu mà lo công lo việc.
Cậu mở tủ, lấy bọc tiền gói gọn trong giấy báo đặt lên bàn:
- Số tiền này chẳng đáng là bao nhưng có thể sẽ giúp được cháu khi cần thiết.
Tôi nhìn cậu, trong lòng thầm biết ơn cậu vô cùng. Đồng lương dạy học của cậu có được là bao. Dành dụm cho tôi được ngần ấy là cậu phải cố gắng lắm.
- Tiền nong cháu vẫn còn đủ tiêu. Khi nào cần cháu sẽ về hỏi cậu.
- Cháu đã lường hết cuộc sống trước mắt chưa mà biết thế nào là đủ hay không. Cầm lấy đi. Không tiêu ngay thì cất đi làm một khoản dự phòng lúc cần. Cuộc sống của con người ta nhiều việc không tính hết được đâu cháu ạ.
Tôi nhận bọc tiền từ tay cậu, lòng rưng rưng.
- Kiều ạ - giọng cậu đột nhiên trầm hẳn xuống – cậu hiểu tính con. Mày khái tính khái nết, có chết cũng không ngửa tay xin ai bao giờ. Nhưng với cậu thì không được giữ ý nghe chưa con. Cậu vẫn coi mày là con là cái trong nhà. Việc của con cũng là việc của cậu. Đừng có suy nghĩ gì hết. Rồi đây bước ra cuộc sống, khó khăn gấp bội. Nhưng con phải luôn nhớ mình không cô độc. Đây vẫn là nhà của con, lúc nào nó cũng mở rộng cửa đón con. Ngày xưa cậu cũng đã mơ ước thật nhiều nhưng rồi vì nhiều lý do cậu đành an phận với công việc của một anh giáo làng. Bây giờ cậu đã có con để gửi gắm mơ ước thời trẻ của mình…
- Cậu ơi…
Câu chuyện với cậu còn ám ảnh tôi rất lâu sau đó. Lần đầu tiên cậu gọi tôi bằng con – tiếng gọi ngọt ngào mà tôi khao khát suốt bao nhiêu năm tuổi thơ. Đó cũng là lần đầu tiên cậu tâm sự cởi mở và chân thành với tôi đến vậy. Thường thì cậu cứ lặng lẽ theo sát tôi, giúp đỡ tôi một cách âm thầm. Lòng yêu kính của tôi dành cho cậu vì vậy ngày càng sâu đậm hơn. Tôi đã nghĩ rằng, nếu tôi có được một người cha tốt, chắc sẽ không có ai tốt được với tôi hơn cậu.
Đây cũng là thời điểm hết sức quan trọng trong cuộc sống của tôi, bởi tôi hiểu rằng, từ giờ phút này, tôi chính thức bước vào một cuộc đua mới, một cuộc đua đơn độc mà cậu thì chẳng thể theo sát tôi từng bước để xoa dịu những đau đớn mỗi khi tôi vất ngã.
Nhưng những tình cảm cậu dành cho tôi lại có sức cổ vũ rất lớn cho tôi trong cuộc đua sắp tới của mình. 

PHONG ĐIỆP ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive