Your Adsense Link 728 X 15

P04: Nhà văn thì chơi với ai?

Posted by Kenny Phạm 14/7/10 0 nhận xét
Tất nhiên hiếm hoi, có người suốt một đoạn dài chỉ chơi với bò. Đấy là trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Và nhiều người lý do không thể giải thích, chỉ chơi với mình.
Họ mênh mông cô đơn hoặc lầm lũi hoặc cao ngạo độc hành. Những người này, thỉnh thoảng lúc chơi với cây lúc chơi với cỏ, đại loại bạn bè của họ là kha khá khác thường.
Thế nhưng, nhà văn đương nhiên chỉ là một người bình thường và như một triết gia phi thường đã định nghĩa, người bình thường vốn dĩ là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Vì thế, người ta hay gặp nhà văn lang thang linh tinh ở nhiều nơi nhiều chỗ. Hoặc xơ xác bần hàn thảo am, hoặc nghênh ngang bụi đời quán rượu, hoặc sang trọng xa hoa lầu son gác tía. Bạn bè của họ là "thập loại chúng sinh", những người vừa nhầu nhĩ vừa phẳng phiu hao hao gần giống như chính bản thân họ. Do đặc thù nghề, hầu hết các nhà văn có lắm mối quan hệ xã hội. Tuy quen đông biết nhiều, nhưng nói chung đám văn nhân loanh quanh chơi bời với ba kiểu dạng:
Thứ nhất là độc giả. Mỗi một người viết có cá tính thường có một loại độc giả của riêng mình. Sự đồng cảm đồng thanh trong cách nghĩ, trong xử thế, trong thưởng thức nghệ thuật, làm họ cộng cảm gần gũi thắm thiết tôn trọng nhau. Độc giả đã yêu văn chương thì bất kể sang hèn, tuổi tác, giới tính, khi gặp nhà văn của mình tất thảy đều nồng nhiệt. Đương nhiên sự nồng nhiệt không thể so sánh với tình cảm của các fan hâm mộ các ca sĩ, các cầu thủ. Nghĩa là không sôi nổi chạy tới để nghẹn ngào hôn hay âm thầm cấu. (Các ca sĩ đẹp giai có tên Trường thỉnh thoảng lại rưng rức kể lúc được báo chí phỏng vấn, long lanh trên nhiều vùng nhạy cảm là đẫm đầy không biết bao nhiêu những vệt nồng nàn bầm tím). Độc giả của văn chương thường nhiệt tình trầm ổn, phần đông họ đã đau đớn. Và không hiểu sao hầu như tất cả khi gặp đám văn sĩ, họ chỉ rủ đi nhậu. Họ trong trắng không cần biết ông hay bà viết văn kia đang đái đường, đang huyết áp hoặc da mặt đang có màu vàng quý hiếm bốn số chín vì bệnh gan chấp chới ở giai đoạn cuối. Nhà văn chơi với độc giả thường là rưng rưng. Có một điều, hình như nam văn sĩ có vẻ quý nữ độc giả tre trẻ nhiều hơn một tí. Mồm khe khẽ méo khi người đối diện thánh thót tôn trọng gọi mình là chú. Nói chung, nhà văn chơi với độc giả thì hay được nhìn lên. Các văn sĩ có bạn đông là người đọc thoạt trông rất dễ nhận. Phong độ phiêu diêu bước cao bước thấp, đại loại từa tựa giống Tôn Đại Thánh đang cân đẩu vân.
Dạng bạn thứ hai của những người viết là các nhà phê bình có vẻ nghiên cứu lý luận. Chơi với những người này nhà văn được nhìn xiên. Đám văn sĩ đa phần là nhát, sâu thẳm chân thành tự ngờ ngợ mình là dốt, nên khi sống phải phấn đấu cố chơi với ít nhất là một nhà phê bình. Có bạn là nhà phê bình thì nhà văn sẽ yên tâm dũng cảm yên tâm uyên bác, yên tâm ngồi mà nghĩ. Có bạn làm phê bình thì nhà văn sẽ tự thấy nghề viết vừa nhỏ nhoi lại vừa cao quý. Tư tưởng sẽ khang trang, vừa hoang mang lẫn lộn lại vừa ngăn nắp định hướng. Mặc dầu có đôi chút xót xa ngậm ngùi, nhưng nhất quyết sẽ thờ ơ với tiền bạc, kiên định bất cần trước danh vọng. Không phải ngẫu nhiên nhiều nhà văn nhà thơ chơi thân với nhà phê bình, rồi bỗng chốc trưởng thành làm nhà phê bình.
Cuối cùng thì nhà văn đương nhiên chơi với nhà văn. Chơi kiểu này thì được ấm áp nhìn ngang. Nhà văn chơi với nhà văn thường bền, đơn giản bọn họ hầu hết không biết nói đến chuyện buôn, lại càng ngu khi nói đến chuyện bán. Ngồi với thương gia thì tủi thân, ngồi với quan chức thì tự ti, thôi thì rụt rè mà về ngồi với nhau. Có phải vì thế mà Đại hội Nhà văn lần nào cũng thành công như cũ, vì nếu Hội Nhà văn mà tan thì biết bao nhiêu người viết tử tế biết đi tới chỗ nào mới thấy được bạn.
NGUYỄN VIỆT HÀ (15-5-2005)
=======================
Kế sách của trẻ con
Một vị quan chức của ngành Giáo dục được đề nghị cải dạng để đi điều tra tìm hiểu tệ nạn dạy thêm học thêm nhằm có biện pháp hữu hiệu chặn đứng tình trạng trẻ em Việt Nam còi cọc, xì-trét sớm vì học.
Ngài lặn lội xuống tận những nơi hẻo lánh nhất để tận mắt thấy, tận tai nghe những điều dư luận lúc công khai, lúc ngấm ngầm bàn tán làm đau đầu nhức óc những người có trách nhiệm như ngài.
Quả là tệ nạn học thêm, dạy thêm đã ở mức rất trầm trọng. Thành phố học thêm đã đành, nông thôn hẻo lánh cũng học thêm. Bọn trẻ con Việt Nam còng lưng vì đeo cặp sách, còn bố mẹ chúng thì còng lưng lo kiếm tiền để con em mình không thua bạn kém bè. Mỗi khi dừng lại nghỉ ở đâu đó, ngài lại bóp trán nghĩ cách để loại trừ tệ nạn này. Nhưng cách nào ngài định đưa ra cũng đều bất cập so với thực tế. Thẳng thừng cấm các em học thêm, đương nhiên là bất khả thi. Cấm các thầy cô tự ý dạy thêm thì họ làm đơn sẵn đứng tên phụ huynh xin cho con em mình học thêm, rồi bảo phụ huynh các em ký vào, khó mà bắt bẻ được.
Không dạy, học công khai ở trường thì họ đưa nhau vào ngõ hẻm dạy và học bí mật. Hiệu trưởng nào có đủ tai, đủ mắt để biết hết mọi việc; thanh tra nào đủ phép thần thông biến hóa kiểm soát được hết những cơ sở dạy thêm, học thêm lậu. Ngay như tệ nạn cave, thuốc lắc... ầm ĩ cả lên mà xã hội cũng chỉ phát hiện ra những tụ điểm quá lộ liễu, quá ngông nghênh coi trời bằng vung. Chả ai làm gì được nếu người ta đưa cave về nhà riêng, hoặc lắc ngay trên giường ngủ nhà mình... Nếu các thầy, cô cũng đón các em về làm dịch vụ tại nhà thì các ngành chức năng chỉ còn khóc thôi nhé! Vả lại công bằng ra mà xét thì rõ ràng dạy thêm, học thêm còn lành mạnh chán. Không lợi thì cũng chả hại gì ghê gớm. Hóa ra mấy anh nhà báo léng phéng chỉ cứ nói lấy được mà không xét trước xét sau. Họ phải biết rằng, thứ nhất dạy thêm, học thêm không mang tính chất một tệ nạn nguy hiểm. Thứ nữa, nếu coi nó là tệ nạn cần cấm thì cũng không thể cấm được. Vấn đề là không đủ người đứng ra mà giám sát việc thi hành một lệnh cấm nhằm vào việc dạy thêm, học thêm.
Nghĩ vậy, vị quan chức ngành Giáo dục yên chí lắm. Ngài đã có câu trả lời chắc chắn trước cấp trên, một câu trả lời dựa trên những căn cứ không thể bác bỏ được, một câu trả lời mang ý nghĩa chấm dứt những cuộc tranh cãi dài ngày chưa có hồi kết. Câu trả lời đầy đủ là: Không cần cấm dạy thêm, học thêm mà có cấm cũng chẳng được! Kể như chuyến đi cơ sở đã thành công, ngài quan chức bèn tự cho phép mình lang thang vãn cảnh trước khi trở về. Nơi ngài đi dạo là một thị trấn nhỏ. Trên đường đi, ngài quan chức gặp một bọn trẻ chắc là đang trên đường trở về nhà. Ô, sao nghỉ hè rồi mà chúng lại mang theo sách vở nhỉ? Thấy tội quá, ngài hỏi:
- Sao mùa hè các cháu không đi chơi?
- Tụi cháu bị bắt phải học thêm bác ạ!
-Thế các cháu có cách gì hay giải quyết việc học thêm, nói cho ta nghe?
- Quá đơn giản, nếu cháu là ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cháu chỉ cần ra một nghiêm lệnh: Chấm dứt trò dạy thêm, học thêm. Tôi không muốn nghe thấy dư luận nhắc tới chuyện đó nữa, nhức đầu lắm! Nếu nơi nào còn để xảy ra tình trạng trên thì giám đốc Sở Giáo dục mất chức ngay tức khắc! Chỉ cần lệnh đưa ra không phải để đùa là mọi chuyện đâu vào đó. Bởi vì không ông giám đốc Sở Giáo dục nào muốn mất chức, lập tức ông ta sẽ ra lệnh cách chức không chậm trễ ông trưởng Phòng Giáo dục nào đó nếu trên địa bàn của ông ta còn hiện tượng dạy thêm, học thêm. Đương nhiên vì không ông trưởng phòng nào muốn mất chức - bác tin đi - nên ông ta phải ra lệnh tiếp là nếu trường nào còn chuyện dạy thêm, học thêm thì ông, bà hiệu trưởng cứ việc tự giác mà về vườn. Và cuối cùng thì bất cứ ông, bà hiệu trưởng nào cũng chả dại gì mà không ra lệnh cho giáo viên dưới quyền mình: Cấm có được dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào nếu còn muốn theo nghề dạy học đành rằng không béo bở lắm nhưng cũng không đến nỗi bèo. Thử hỏi còn có thầy, cô nào dám dạy thêm, kể cả dạy lén lút, vì dân gian có câu cái kim trong bao tải cũng có ngày thò ra. Cho kẹo nhé!
Đứa trẻ con nói xong thì cười ầm lên trong khi vị quan chức giáo dục mặt xám lại. Đã có ai trong Bộ của ngài động não nghĩ ra điều đơn giản ấy chưa nhỉ? Mà thực hiện nó xem ra cũng rất đơn giản. Đúng, chỉ cần mọi thứ không là trò đùa, hoặc tệ hơn, là trò làm phép. Chỉ cần vô tư trong sạch như trẻ con - ngài nghĩ tiếp - chỉ cần biết từ chối bổng lộc, chỉ cần biết xấu hổ, chỉ cần không bán rẻ danh hiệu người thầy...
Mải nghĩ, khi ngẩng lên ngài quan chức không thấy bọn trẻ đâu nữa để ít ra hỏi tên đứa bé đã hiến kế sách có thể bắt đầu từ đó chấn hưng cả một nền giáo dục.
 TẠ DUY ANH (15-6-2005)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive