Your Adsense Link 728 X 15

P02: Mẹ tôi - cu Ti

Posted by Kenny Phạm 15/7/10 0 nhận xét
Tôi sinh ra trong chiến tranh. Mẹ mang thai tôi khi bị nhiễm chất độc hóa học nên tôi rất yếu. Mọi người kể lại rằng, mãi đến tháng thứ bảy bác sĩ vẫn không nghe được tim thai nên dự đoán nhiều khả năng tôi sẽ là một quái thai.
Ông khuyên mẹ nên phá đi để bảo vệ mạng sống của mình. Nghe xong, ba tôi buồn, mẹ khóc rất nhiều, còn bà ngoại cứ lẩm bẩm hỏi “Nó là người, sao lại phá đi?”. Vậy là mẹ tôi trốn viện, theo bà về quê.
Để nuôi cho mẹ hi vọng sẽ sinh được đứa con bình thường, ba tôi đã lân la học cách đan nôi. Ba mua mây tre về, ngày ngày ngồi dưới chân giường nơi mẹ nằm, nhẩn nha chuốt từng cọng, từng cọng một. Rồi ba lúi húi đan, đan gần xong ông lại vờ bị hư, phải đi làm lại. Cứ vậy, đan cái nôi hoài hoài đến chín tháng. Càng gần ngày sinh mẹ tôi càng hay khóc, nhìn nôi là ứa nước mắt. Mẹ âm thầm chuẩn bị hai bộ sơ sinh. Một bộ cũ của chị để tôi mặc khín lấy hên (vì hồi nhỏ chị tôi rất đẹp, dễ ăn, dễ nuôi). Bộ kia mới tinh – phòng khi sinh ra tôi không thể thành người.
Ngày mẹ trở dạ, ba tôi và một người học trò cáng mẹ lên võng chạy đến bệnh viện. Hai người chạy trên đường cái, cứ nghe bom rít trên đầu thì bổ nhào xuống hào tránh, bom ngưng lại hì hụi xốc mẹ lên, chạy. Cứ tưởng đã chết mấy bận. Vậy mà tôi vẫn được sinh ra. Buổi chiều bom đạn kinh hoàng ấy, mẹ đẻ xong thảng thốt hỏi bác sĩ: “Nó có đủ tay không?... “.
Rồi mẹ mếu máo cười, bảo lấy bộ quần áo cũ của chị mặc cho tôi. Cha tôi nháo nhào xách cái xô nhôm, chạy vào làng xin nước về làm vệ sinh cho vợ. Trong giá rét, bom đạn, gần chục con người ở căn hầm hộ sinh nhỏ bé ấy cuống cuồng, giành giựt sự sống cho tôi. Tôi đã chào đời như thế, một ký bảy tròn, khóc oe oe…
Mẹ kể rằng lúc sinh ra tôi chỉ bằng đúng một chiếc guốc, nhăn nheo, ngo ngoe, và khóc suốt. Mới được bảy ngày, mẹ đã phải ôm thốc tôi nhảy xuống hầm tránh bom. Hầm ngập, nước ngấn tới bụng. Mẹ phải nâng tôi lên cao cho khỏi ướt.
Những giờ cha mẹ lên lớp dạy học, tôi được ủ nằm một mình trong hầm. Có con chuột cống đói ăn đã cắn vào tay tôi chảy máu. Tan tiết mẹ về, suýt ngất đi khi thấy con mình be bết máu, tiếng khóc đã lịm dần. Dấu cắn của con chuột ngày ấy vẫn còn trong lòng bàn tay tôi. Thầy bói bây giờ nhìn vào đấy bảo: “Cô có sao hồng loan!”.
Thuở ấu thơ của tôi là một thế giới thần tiên, giờ nhớ lại tôi vẫn còn cảm giác ngây ngất. Hồi ấy, tôi có một người bạn rất đặc biệt, đó là cu Ti. Cứ mỗi lần tôi nằm ấp lên người, tay vân vê ti mẹ là mẹ lại giả giọng làm thằng cu Ti để nói chuyện với tôi. Giọng của cu Ti cực kỳ dễ thương, và tính của nó thì còn dễ thương hơn gấp bội. Hồi ấy ngây ngô, tôi tin rằng cu Ti là có thật. Tôi chơi với nó say mê, thân thiết, thân hơn cả với chị gái và bạn bè đồng lứa. Tôi trò chuyện với nó, bày trò chơi chung, kể cho nó nghe rất nhiều điều bí mật và bắt nó thề không nói với ai, kể cả mẹ. Cũng có lúc hoặc tôi, hoặc cu Ti chảnh lên, và chúng tôi gấu ó với nhau, giận dỗi đến hai ba ngày. Khi làm lành tôi hôn nó, còn nó thì nằm yên trong tay tôi, thỏ thẻ cái giọng dễ thương, kể cho tôi nghe những chuyện đã xảy ra với nó trong những ngày giận nhau vừa rồi. Tôi nhớ khi giành nhau điều gì tôi thường ngậm chặt cu Ti trong miệng cho đến khi nó đồng ý nhường tôi mới nhả nó ra. Có lần, nó kiên quyết không chịu, tức quá tôi hăng tiết cắn nó, và mẹ đã phải thét lên vì đau đớn. Những lần xung đột như vậy không nhiều, thường thì tôi và cu Ti rất thương nhau. Ngay cả những lúc tôi hư, bị mẹ cho ăn đòn, tôi giận bỏ cơm chẳng ai dỗ được, trừ cu Ti. Nó nhẹ nhàng an ủi và lắng nghe tôi ấm ức. Có lúc cu Ti bênh tôi, trách mẹ không hiểu, có lúc nó bênh mẹ, xui tôi xin lỗi, rồi nó chìa cái đầu tròn mềm ra cho tôi ngậm. Sự dịu dàng của cu Ti bao giờ cũng thắng. Tôi làm theo tất cả những lời khuyên của nó.
Tôi lớn dần lên, và cũng dần nhận thức được cu Ti chính là mẹ. Tôi không còn đánh, không còn cắn nó nữa, cũng không dại gì kể hết mọi điều cho “một mình” nó nghe như xưa, nhưng thói quen nói chuyện, vui đùa và sờ cu Ti thì vẫn còn. Cu Ti luôn là người bạn nhỏ đáng yêu, ấm áp nhất của tôi. Mãi đến khi lên cấp III, mẹ không cho ngủ chung nữa, tôi mới thật sự “nghỉ chơi” được với cu Ti yêu dấu. Nhiều khi tôi tự hỏi, rồi mình có làm được một cu Ti như vậy cho con mình không? Đã có lần tôi thử thỏ thẻ giọng cu Ti rồi phì cười. Khó quá! Cu Ti của tôi chẳng có hồn gì cả. Chỉ duy nhất mẹ là làm được “thằng cu Ti” tuyệt vời ấy thôi.
Tôi nhớ năm tôi học lớp chín, ba phải đi công tác xa cả năm trời. Nhà chỉ có ba mẹ con mà lúc nào cũng rộ lên tiếng cười. Ba mẹ con tôi và cu Ti thi văn nghệ. Thi hát, thi múa và thi… trồng cây chuối. Trồng lâu, cây chuối mỏi đổ uỳnh uỳnh, cả chuối mẹ lẫn chuối con. Mỗi cuối tháng, mẹ dẫn chúng tôi ra bưu điện gửi thư cho ba. Vừa đi dung dăng vừa hát. Chặng về, mẹ mua cho mỗi đứa một cây kem hoặc một cái bánh ít nhân dừa. Đó là bữa tiệc chị em tôi mong chờ trong suốt cả tháng. Hồi ấy mẹ vừa đi dạy, vừa nuôi heo cải thiện. Nhà tôi ở lầu hai chung cư, thường xuyên không có nước. Cô giáo nuôi heo mà phải đi xách từng xô nước từ tầng trệt. Phân heo phải bỏ vào bao nilông cột lại để khỏi hôi vì không có nước dội. Cực vậy mà mẹ vẫn hì hụi nuôi được hai con heo to. Đến khi một con bị bệnh chết, tôi thấy mẹ khóc. Thương ba mẹ quá vất vả, cả hai chị em tôi đều cố gắng học. Thi tốt nghiệp cuối cấp, tôi đạt điểm tuyệt đối, bốn mươi điểm trên bốn môn. Ba tôi đi công tác vừa về cũng là lúc mẹ phải vào bệnh viện cấp cứu, vì kiệt sức.
Bây giờ tôi đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, nhưng may mắn vẫn được sống chung cùng mái nhà với mẹ. Vậy mà nhiều khi tôi vẫn có cảm giác rất nhớ mẹ mình mới lạ. Có những buổi sáng thong thả đi làm, vừa đi vừa lan man nghĩ, tôi thấy thương mẹ vô cùng. Tôi đã học được từ mẹ rất nhiều điều. Tình thương của mẹ, của ba đã giúp tôi vượt qua nhiều thăng trầm. Tôi luôn cảm thấy mình có cái gì đó rất chắc chắn, bền vững, một cái gì đó bảo bọc, gần gũi, giúp tôi không thể hư được, không thể rơi được. Quanh tôi, cuộc sống thật đẹp, thật vui, với tỉ tỉ điều thú vị, dễ thương, như cu Ti của tôi ngày xưa vậy.

ĐỖ THỊ THANH THIÊN ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive